• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/12/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 10/04/2015
BỘ TƯ PHÁP
Số: 16/2010/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 10 năm 2010

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

_____________________

 

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam và người nước ngoài đã đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam sau đó ly hôn tại nước ngoài; Bộ Tư pháp tạm thời hướng dẫn việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam như sau:

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn chi tiết việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam. 

Điều 2. Đối tượng điều chỉnh

Đối tượng điều chỉnh của Thông tư này là:

1. Công dân Việt Nam.

2. Người nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau đó ly hôn ở nước ngoài.

Điều 3. Nguyên tắc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1.  Những Bản án/Quyết định ly hôn, Bản thỏa thuận ly hôn hoặc những giấy tờ khác công nhận việc ly hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam và không có đơn yêu cầu không công nhận tại Việt Nam, thì được ghi vào sổ hộ tịch theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Bản án/Quyết định ly hôn, Bản thỏa thuận ly hôn hoặc những giấy tờ khác công nhận việc ly hôn do cơ quan có thẩm quyền của những nước đã ký với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề này cấp được coi là căn cứ cho việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài.

3. Đối với các nước chưa ký với Việt Nam Hiệp định tương trợ tư pháp về vấn đề này, sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài theo nguyên tắc có đi có lại.

Điều 4. Những trường hợp phải làm thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1. Công dân Việt Nam đã ly hôn ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam.

2. Các trường hợp đã đăng ký việc kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam, sau đó ly hôn ở nước ngoài.

3. Các trường hợp có yêu cầu kết hôn ở Việt Nam mà trước đó đã ly hôn ở nước ngoài;

4. Các trường hợp khác, nếu đương sự có yêu cầu.

Đối với những trường hợp đã qua nhiều lần ly hôn, thì chỉ phải làm thủ tục ghi chú việc ly hôn gần nhất.

Điều 5. Thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1. Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Sở Tư pháp) mà trong phạm vi tỉnh, thành phố đó đương sự đã đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây, thực hiện ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài.

Việc xác định nơi đăng ký kết hôn hoặc ghi chú việc kết hôn trước đây được căn cứ vào Tờ khai của đương sự khi làm thủ tục ghi chú việc ly hôn.

2. Trong trường hợp công dân Việt Nam ở nước ngoài về thường trú tại Việt Nam, có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đây đã được đăng ký tại Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam thường trú.

3.  Trong trường hợp công dân Việt Nam đang cư trú ở nước ngoài có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đó đã được đăng ký tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn được thực hiện tại Sở Tư pháp, nơi công dân Việt Nam cư trú trước khi xuất cảnh, nếu việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn không nhằm mục đích kết hôn.

Trong trường hợp việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn nhằm mục đích kết hôn, thì thẩm quyền ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn là Sở Tư pháp, nơi đương sự nộp hồ sơ đăng ký kết hôn.

CHƯƠNG II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIẢI QUYẾT HỒ SƠ  YÊU CẦU GHI VÀO SỔ HỘ TỊCH VIỆC LY HÔN

ĐÃ TIẾN HÀNH Ở NƯỚC NGOÀI

Điều 6. Hồ sơ yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1. Hồ sơ yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài bao gồm:

a) Tờ khai ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Bản sao Bản án/Quyết định ly hôn của Toà án nước ngoài đã có hiệu lực thi hành; bản sao Bản thoả thuận ly hôn do Tòa án nước ngoài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài công nhận đã có hiệu lực thi hành hoặc bản sao các giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp công nhận việc ly hôn;

c) Bản sao giấy chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ thay thế để chứng minh nhân thân của người có đơn yêu cầu;

d) Bản sao hộ khẩu để chứng minh thẩm quyền ghi chú việc ly hôn theo hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

2. Hồ sơ nêu trên được lập thành 02 bộ, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp đến Sở Tư pháp có thẩm quyền nêu tại Điều 5 Thông tư này. Đối với những giấy tờ bằng tiếng nước ngoài phải được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch ra tiếng Việt và được chứng thực theo quy định của pháp luật.  

Người đề nghị ghi chú có thể uỷ quyền cho người khác thực hiện việc ghi chú. Việc uỷ quyền phải bằng văn bản và phải được chứng thực hợp lệ. Nếu người được uỷ quyền là ông, bà, cha, mẹ, vợ/chồng, con, anh, chị, em ruột của người uỷ quyền thì không cần phải có văn bản uỷ quyền.

Điều 7. Trình tự, thủ tục ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm gửi Công văn, kèm theo 01 bộ hồ sơ cho Bộ Tư pháp (Vụ Hành chính tư pháp) để cho ý kiến về điều kiện ghi chú.

2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp xem xét việc cho ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài. Nếu xét thấy bản án, quyết định ly hôn, bản thỏa thuận ly hôn không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 356 của Bộ luật Tố tụng dân sự và không có đơn yêu cầu không công nhận, thì Bộ Tư pháp gửi Công văn cho Sở Tư pháp có thẩm quyền để thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn theo hướng dẫn tại Thông tư này; nếu không đủ điều kiện, Bộ Tư pháp trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp và giải thích rõ lý do bằng văn bản.  

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Công văn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch và cấp cho đương sự Giấy xác nhận về việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài (theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp không đủ điều kiện để ghi chú thì phải trả lời bằng văn bản và trả lại hồ sơ cho đương sự.

Điều 8. Cách ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài

1. Việc ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã tiến hành ở nước ngoài được thực hiện như  sau:

Việc ly hôn được ghi vào cột ghi chú của Sổ đăng ký kết hôn trước đây. Khi ghi vào sổ phải ghi rõ hình thức văn bản ly hôn; số; ngày, tháng, năm công nhận việc ly hôn đã có hiệu lực pháp luật; tên Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác của nước ngoài công nhận việc ly hôn và số, ngày, tháng, năm Công văn của Bộ Tư pháp.

Trường hợp trước đây đương sự đã đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, thì sau khi ghi chú, Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký kết hôn để ghi chú tiếp vào Sổ đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật về hộ tịch.

Trong trường hợp trước đây đương sự đã đăng ký kết hôn tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thì thông báo được gửi cho Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, nơi đã đăng ký kết hôn; nếu Sổ đăng ký kết hôn đã chuyển lưu 01 quyển tại Bộ Ngoại giao, thì Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có trách nhiệm thông báo tiếp cho Bộ Ngoại giao để ghi chú vào Sổ đăng ký kết hôn lưu tại Bộ Ngoại giao.

2. Trong trường hợp người có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn mà việc kết hôn trước đây thực hiện tại Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài mà chưa làm thủ tục ghi chú việc kết hôn, thì Sở Tư pháp ghi đồng thời hai việc kết hôn và ly hôn vào Sổ đăng ký kết hôn sử dụng tại Sở Tư pháp.

Trong trường hợp đương sự đã đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ở trong nước, nhưng Sổ đăng ký kết hôn không còn lưu trữ được, thì việc ghi vào sổ việc ly hôn cũng được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều này.

CHƯƠNG III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9.  Hiệu lực của Thông tư

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01tháng 12 năm 2010.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc phát sinh những việc mới, các Sở Tư pháp, các cơ quan có liên quan cần kịp thời báo cáo về Bộ Tư pháp để được hướng dẫn./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đinh Trung Tụng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.