• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2011
BỘ VĂN HÓA - THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 18/2010/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng

____________________

Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng như sau:

Điều 1. Đối tượng, phạm vi điều chỉnh

1. Thông tư này quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng công lập, bảo tàng ngoài công lập.

2. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam tham gia việc thành lập, tổ chức và hoạt động bảo tàng tại Việt Nam.

Điều 2. Đặt tên bảo tàng

1. Đặt tên theo nội dung hoạt động hoặc sưu tập chính của bảo tàng;

2. Đặt tên theo tên danh nhân, theo tên địa phương nơi đặt trụ sở bảo tàng, theo tên đơn vị chủ quản hoặc theo tên chủ sở hữu bảo tàng;

3. Tên của bảo tàng không được trùng với tên bảo tàng đã được cơ quan có thẩm quyền thành lập hoặc cấp giấy phép hoạt động;

4. Tên của bảo tàng không được ghép với các cụm từ “Việt Nam”, “Quốc gia”, trừ những bảo tàng do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

Điều 3. Tổ chức của bảo tàng

1. Tổ chức bộ máy của bảo tàng do người có thẩm quyền thành lập quyết định, phù hợp với quyền hạn và chức năng, nhiệm vụ, nội dung hoạt động của bảo tàng, gồm: Lãnh đạo bảo tàng, các phòng hoặc tổ chức năng, các đơn vị trực thuộc.

2. Giám đốc bảo tàng có trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức, viên chức, người lao động để nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu hoạt động bảo tàng.

3. Bảo tàng được tham gia là thành viên của tổ chức nghề nghiệp quốc tế có liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Hội đồng khoa học của bảo tàng

1. Hội đồng khoa học của bảo tàng do Giám đốc bảo tàng quyết định thành lập theo thẩm quyền, là tổ chức tư vấn cho Giám đốc bảo tàng về phương hướng phát triển ngắn hạn, dài hạn và những vấn đề khoa học liên quan; thẩm định giá trị khoa học, giá trị kinh tế của tài liệu, hiện vật có liên quan đến hoạt động của bảo tàng.

2. Hội đồng khoa học của bảo tàng gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên là các nhà khoa học ở trong và ngoài nước có uy tín về các lĩnh vực khoa học, nghiệp vụ liên quan đến nội dung hoạt động của bảo tàng.

3. Kinh phí hoạt động của Hội đồng khoa học của bảo tàng thuộc kinh phí hoạt động của bảo tàng.

Điều 5. Hoạt động nghiên cứu khoa học

1. Hoạt động nghiên cứu khoa học của bảo tàng được thực hiện thường xuyên thông qua việc triển khai đề tài khoa học các cấp, các chương trình, dự án, đề án khác theo kế hoạch ngắn hạn, dài hạn.

Hoạt động nghiên cứu khoa học phải gắn kết và nâng cao chất lượng hoạt động của bảo tàng để phục vụ công chúng và góp phần phát triển lý luận bảo tàng học.

2. Bảo tàng được liên kết với các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước để triển khai các chương trình, kế hoạch nghiên cứu khoa học liên quan đến hoạt động bảo tàng theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể

1. Bảo tàng được sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể ở trong và ngoài nước phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng.

2. Bảo tàng tổ chức việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể thông qua các phương thức sau đây:

a) Khảo sát điền dã sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể;

b) Khai quật khảo cổ;

c) Tiếp nhận tài liệu, hiện vật do tổ chức, cá nhân chuyển giao, hiến tặng;

d) Mua, trao đổi tài liệu, hiện vật với tổ chức, cá nhân.

Việc sưu tầm, tư liệu hóa tài liệu, hiện vật và di sản văn hóa phi vật thể phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

3. Tài liệu, hiện vật của bảo tàng được chuyển giao, thanh lý, hủy trong các trường hợp sau:

a) Không phù hợp với phạm vi, đối tượng và nội dung hoạt động của bảo tàng;

b) Bị hư hỏng không còn khả năng phục hồi;

c) Được xác định gây hại cho con người và môi trường;

d) Được xác định không chính xác về lịch sử, văn hóa, khoa học;

đ) Được xác định không phù hợp chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp;

e) Được xác định nguồn gốc bất hợp pháp.

Căn cứ ý kiến tư vấn của Hội đồng khoa học của bảo tàng và quy định pháp luật có liên quan, Giám đốc bảo tàng ngoài công lập quyết định việc chuyển giao, thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật; Giám đốc bảo tàng công lập đề nghị người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ quản trực tiếp của bảo tàng quyết định việc chuyển giao, thanh lý, hủy tài liệu, hiện vật.

Điều 7. Hoạt động kiểm kê

1. Bảo tàng tổ chức kiểm kê tài liệu, hiện vật theo Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành kèm theo Quyết định số 70/2006/QĐ-BVHTT ngày 15 tháng 9 năm 2006.

2. Hồ sơ kiểm kê tài liệu, hiện vật được lập, quản lý ổn định, lâu dài; được lưu trữ bằng văn bản và lưu trữ bằng công nghệ thông tin.

Điều 8. Hoạt động bảo quản

1. Hoạt động bảo quản tài liệu, hiện vật bao gồm:

a) Sắp xếp tài liệu, hiện vật và tổ chức kho để bảo quản;

b) Lập hồ sơ về hiện trạng tài liệu, hiện vật và môi trường bảo quản;

c) Tổ chức việc bảo quản phòng ngừa, bảo quản trị liệu, phòng chống tai họa, rủi ro cho tài liệu, hiện vật.

2. Việc bảo quản phải được thực hiện với mọi tài liệu, hiện vật khi trưng bày, khi lưu giữ trong kho và khi đưa ra ngoài bảo tàng.

3. Việc bảo quản tài liệu, hiện vật phải tuân thủ quy trình, nguyên tắc, kỹ thuật bảo quản và phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng có liên quan đến tài liệu, hiện vật.

Điều 9. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể

1. Hoạt động trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng bao gồm:

a) Trưng bày dài hạn, ngắn hạn tại bảo tàng;

b) Trưng bày, triển lãm lưu động ở trong và ngoài nước;

c) Tổ chức giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể.

2. Trưng bày tài liệu, hiện vật và giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể của bảo tàng phải bảo đảm:

a) Phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng;

b) Chú trọng trưng bày tài liệu, hiện vật gốc;

c) Việc giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với tài liệu, hiện vật, nội dung trưng bày của bảo tàng, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể;

d) Thuyết minh trưng bày cung cấp đầy đủ, rõ ràng, chính xác thông tin về tài liệu, hiện vật và phù hợp với đối tượng khách tham quan;

đ) Bản phục dựng, bản sao tài liệu, hiện vật phải chính xác, khoa học và được ghi chú rõ ràng;

e) Thuận lợi cho việc tham quan và giữ gìn an ninh, an toàn cho tài liệu, hiện vật, khách tham quan;

g) Tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Điều 10. Hoạt động giáo dục

1. Hoạt động giáo dục của bảo tàng bao gồm:

a) Hướng dẫn tham quan;

b) Tổ chức chương trình giáo dục;

c) Tổ chức hội thảo, tọa đàm khoa học, nói chuyện chuyên đề;

d) Xuất bản ấn phẩm liên quan đến hoạt động giáo dục của bảo tàng.

2. Chương trình giáo dục của bảo tàng phải phù hợp với nội dung hoạt động và đối tượng công chúng của bảo tàng.

3. Chương trình giáo dục của bảo tàng nhằm tạo cơ hội và khuyến khích các hình thức học tập và hưởng thụ văn hóa của công chúng.

Điều 11. Hoạt động truyền thông

1. Hoạt động truyền thông của bảo tàng bao gồm:

a) Giới thiệu nội dung và hoạt động của bảo tàng trên phương tiện thông tin đại chúng;

b) Tổ chức chương trình quảng bá, phát triển công chúng và xã hội hóa hoạt động của bảo tàng;

c) Tổ chức lấy ý kiến đánh giá của công chúng về hoạt động của bảo tàng;

d) Xây dựng mạng lưới tổ chức, cá nhân có liên quan để phát triển hoạt động của bảo tàng ở trong và ngoài nước.

2. Hoạt động truyền thông của bảo tàng phải phù hợp với phạm vi, đối tượng, nội dung hoạt động của bảo tàng và tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Hoạt động dịch vụ

1. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng bao gồm:

a) Tổ chức dịch vụ ăn, uống, nghỉ ngơi, giải trí và dịch vụ khác;

b) Tổ chức phát triển sản phẩm lưu niệm, xuất bản ấn phẩm của bảo tàng;

c) Tổ chức các sự kiện văn hóa, giáo dục, thể thao và du lịch;

d) Cung cấp thông tin, tư liệu;

đ) Tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng;

e) Giám định, thẩm định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia;

g) Bảo quản, phục hồi, làm bản sao tài liệu, hiện vật;

h) Hợp tác khai quật khảo cổ;

i) Hợp tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về bảo tàng.

2. Hoạt động dịch vụ của bảo tàng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của bảo tàng và quy định của pháp luật có liên quan nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, tham quan, hưởng thụ văn hóa của công chúng hoặc đơn đặt hàng của tổ chức, cá nhân.

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.

2. Bãi bỏ các văn bản sau đây:

a) Quyết định số 132/1998/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của các Bảo tàng;

b) Quyết định số 09/2004/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 02 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của bảo tàng tư nhân.

3. Cục Di sản văn hóa chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát và kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.