• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/01/2012
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH
Số: 19/2011/TT-BVHTTDL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 2011

THÔNG TƯ

Quy định về điều kiện hoạt động của cơ sơ thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ

_________________________________

 

Căn cứ Luật Thể dục, thể thao số 77/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 112/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao;

Căn cứ Nghị định số 185/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 36/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ về việc quản lý tàu bay không người lái và các phương tiện bay siêu nhẹ;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;

Căn cứ Nghị định số 58/2010/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ;

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn, dù lượn có động cơ (sau đây gọi chung là dù lượn) và diều bay có động cơ như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về sân bãi, trang thiết bị tập luyện, cán bộ, nhân viên chuyên môn của cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ.

Hoạt động diều bay dân gian không chịu sự điều chỉnh của Thông tư này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ tại Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dù lượn (Paragliding) là môn thể thao hàng không, trong đó người điều khiển dù ngồi trong đai ngồi treo dưới cánh dù có hình dạng của cánh bay, điều khiển bằng hai dây lái và cất cánh bằng cách sải bước chân chay.

2. Dù lượn có động cơ (Paramotor) là môn thể thao hàng không, trong đó người điều khiển dù đeo một động cơ ở sau lưng tạo lực đẩy đủ để cất cánh và bay lên bằng cánh dù lượn.

3. Diều bay có động cơ là môn thể thao hàng không sử dụng cánh diều hình tam giác và gắn động cơ để tạo lực đẩy để bay. Diều bay có động cơ thường được gắn với hệ thống bánh xe hoặc phao nổi để có thể cất cánh, hạ cánh như máy bay trên mặt đất hoặc mặt nước.

Điều 4. Cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động

1. Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ là doanh nghiệp thể thao khi tiến hành hoạt động phải được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo thủ tục quy định tại Khoản 5 Điều 55 của Luật thể dục, thể thao.

2. Cơ sở thể thao khi tổ chức hoạt động tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao môn dù lượn và diều bay có động cơ phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 43 của Luật thể dục, thể thao, Luật thi đấu môn dù lượn, Luật thi đấu diều bay có động cơ.

Điều 5. Trang thiết bị tập luyện, thi đấu dù lượn không có động cơ

1. Cơ sở thể thao tổ chức tập luyện và thi đấu dù lượn không có động cơ phải được trang bị các thiết bị an toàn cần thiết: dù chính, đai ngồi, dù dự phòng, thiết bị đo độ cao, định vị toàn cầu, bộ đàm, mũ bảo hiểm.

2. Hình thức dù lượn không có động cơ phải đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.

Điều 6. Trang thiết bị tập luyện, thi đấu dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ

1. Cơ sở thể thao tập luyện và thi đấu dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải có mũ bảo hiểm, hệ thống dây an toàn, dù dự phòng và thiết bị liên lạc.

2. Cơ sở thể thao tập luyện và thi đấu dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải được kiểm tra về chất lượng và an toàn kỹ thuật.

3. Hình thức dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải đảm bảo phù hợp với phong tục tập quán, truyền thống văn hóa dân tộc.

4. Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải có hệ thống phòng cháy, chữa cháy, có đủ cơ số thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu.

Điều 7. Khu vực xuất phát, khu vực đỗ và không gian bay

1. Khu vực xuất phát, khu vực đỗ, không gian bay của dù lượn và diều bay có động cơ là vùng đất, mặt nước, vùng trời (sau đây gọi chung là khu vực hoạt động bay) được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Khu vực hoạt động bay của dù lượn và diều bay có động cơ phải có giấy phép của Cục Tác chiến - Bộ Tổng tham mưu cấp.

Điều 8. Bảng chỉ dẫn trong khu vực xuất phát và khu vực đỗ

1. Bảng chỉ dẫn được đặt trong khu vực xuất phát và khu vực đỗ phải ở những vị trí thích hợp, dễ nhận biết.

2. Bảng chỉ dẫn đối với người tham gia hoạt động thể thao dù lượn và diều bay có động cơ phải thể hiện các nội dung: đảm bảo an toàn; không được uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích; không được điều khiển các phương tiện bay ra khỏi vùng hoạt động bay cho phép.

3. Bảng chỉ dẫn đối với người không tham gia hoạt động thể thao dù lượn và diều bay có động cơ khi vào khu vực xuất phát và khu vực đỗ phải thực hiện các quy định về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường, thực hiện quy định khu vực bay;‎ không có các hành động cản trở hay gây khó khăn đối với hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ.

4. Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ phải ghi rõ số điện thoại của người có trách nhiệm quản lý bay, tần số bộ đàm và cách thức liên lạc khi cần thiết trên bảng chỉ dẫn.

Điều 9. Huấn luyện viên, hướng dẫn viên dù lượn không có động cơ

1. Huấn luyện viên, hướng dẫn viên phải có trình độ chuyên môn được Tổng cục Thể dục thể thao hoặc tổ chức xã hội nghề nghiệp về dù lượn cấp quốc gia công nhận.

2. Huấn luyện viên, hướng dẫn viên quy định tại Khoản 1 Điều này phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe còn hiệu lực do cơ quan y tế cấp huyện trở lên chứng nhận trước khi bay tối đa không quá 12 tháng.

Điều 10. Huấn luyện viên, vận động viên dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ

1. Huấn luyện viên huấn luyện vận động viên dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải có trình độ chuyên môn được đào tạo và cấp chứng chỉ của Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng hoặc cơ sở đào tạo của Hiệp hội dù lượn, diều bay trong nước và quốc tế được Tổng cục Thể dục thể thao công nhận.

2. Huấn luyện viên, vận động viên quy định tại khoản 1 Điều này phải có giấy chứng nhận đủ sức khỏe còn hiệu lực do cơ quan y tế cấp huyện trở lên chứng nhận trước khi tham gia hoạt động bay và phải kiểm tra định kỳ tối thiểu 12 tháng/1 lần.

3. Vận động viên dù lượn có động cơ và diều bay có động cơ phải được hướng dẫn tập luyện theo các giáo trình và chương trình huấn luyện của các cơ sở đào tạo được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 11. Điều kiện về thông tin liên lạc và an toàn cứu nạn

1. Thông tin liên lạc: Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ phải trang bị hệ thống thông tin đảm bảo yêu cầu liên lạc từ bộ phận điều hành đến các vùng hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở thể thao và các cơ quan quản lý có thẩm quyền.

2. An toàn, tìm kiếm và cứu nạn:

a) Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ phải có kế hoạch nêu rõ các phương án đảm bảo an toàn, tìm kiếm và cứu nạn trong vùng hoạt động bay thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý của cơ sở và phải thường xuyên rà soát, cập nhật kế hoạch này.

b) Cơ sở thể thao tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ phải phổ biến và hướng dẫn cho những người tham gia nắm rõ về cách thức liên lạc và trình tự các bước tìm kiếm, cứu nạn.

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Thể dục thể thao có trách nhiệm phổ biến, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

2. Thanh tra Văn hoá, Thể thao và Du lịch tiến hành thanh tra, xử lý theo thẩm quyền các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về điều kiện chuyên môn khi tổ chức hoạt động dù lượn và diều bay có động cơ.

3. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 20 tháng 01 năm 2012.

Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vướng mắc, các cơ quan tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để nghiên cứu, bổ sung kịp thời./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Tuấn Anh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.