• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 22/08/1997
CHÍNH PHỦ
Số: 89-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 7 tháng 8 năm 1997

NGHỊ ĐỊNH

Ban hành Quy chế tổ chức tiếp công dân

_____________________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Khiếu nại tố cáo của công dân ngày 7 tháng 5 năm 1991;

Theo đề nghị của Tổng thanh tra Nhà nước,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1.- Ban hành kèm theo Nghị định này bản Quy chế tổ chức tiếp công dân.

Điều 2.- Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

Tổng Thanh tra Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị định này.

Điều 3.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

QUY CHẾ

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 89/CP ngày 07 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ)

______________________________________

Chương I:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.- Thủ trưởng cơ quan hành chính Nhà nước các cấp, các ngành, đơn vị lực lượng vũ trang (gọi tắt là cơ quan, đơn vị) có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.

Điều 2.- Việc tiếp công dân nhằm mục đích:

1. Tiếp nhận các thông tin, kiến nghị, phản ánh góp ý những vấn đề liên quan đến chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, công tác quản lý của cơ quan, đơn vị.

2. Tiếp nhận khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xem xét ra quyết định, kết luận giải quyết hoặc trả lời cho công dân biết theo đúng thời hạn quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đúng chính sách, pháp luật, đúng cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Điều 3.- Các cơ quan, đơn vị phải tổ chức nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận tiện, khang trang, lịch sự, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết để công dân đến trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh được dễ dàng, thuận lợi.

Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết ngày, giờ tiếp, nội quy tiếp công dân; đồng thời phải niêm yết quy trình, hướng dẫn công dân khiếu nại, tố cáo theo thủ tục của pháp luật hoặc theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính để mọi người biết và thực hiện.

Điều 4.- Cơ quan Công an phụ trách địa bàn cùng Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp, tổ chức bảo vệ để bảo đảm an toàn, trật tự nơi tiếp công dân.

Điều 5.- Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm bố trí cán bộ chuyên trách tiếp công dân.

Cán bộ được giao nhiệm vụ tiếp dân phải là người có phẩm chất tốt, liên khiết, trung thực, có năng lực chuyên môn, am hiểu thực tế, nắm vững chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực sự có nhiệt tình và trách nhiệm đối với nhiệm vụ được giao.

Điều 6.- Công dân không được lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gây rối trật tự ở nơi tiếp công dân, vụ cáo, xúc phạm cơ quan Nhà nước, người thi hành công vụ và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung khiếu nại, tố cáo của mình.

Chương II:

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

Điều 7.- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải bố trí nơi tiếp công dân của cấp mình và dành thời gian tiếp dân ít nhất 1 ngày trong một tháng, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết. Phải bố trí đủ cán bộ thường trực để thường xuyên tiếp công dân.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tiếp công dân tại trụ sở Uỷ ban ít nhất 2 buổi trong tuần, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết.

Điều 8.- Thủ trưởng các Bộ, ngành ở Trung ương và các Sở, ngành ở địa phương, tổ chức nơi tiếp công dân tại trụ sở làm việc của cơ quan mình và cử cán bộ chuyên trách tiếp dân thường xuyên.

Thủ trưởng các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Xây dựng, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng cục Địa chính định kỳ tiếp dân ít nhất 1 ngày trong tháng, không kể các trường hợp phải tiếp theo yêu cầu khẩn thiết. Thủ trưởng các Bộ, ngành khác căn cứ tình hình cụ thể bố trí thời gian để tiếp dân cho phù hợp với đặc điểm của cơ quan, đơn vị mình, nhưng ít nhất 1 buổi trong một tháng.

Điều 9.- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:

1. Thực hiện việc tiếp dân để nghe, xử lý và chỉ đạo giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc lĩnh vực mình quản lý.

2. Chỉ đạo kịp thời các cơ quan chức năng thuộc quyền mình quản lý thẩm tra, xác minh, đề xuất, kiến nghị giải quyết khiếu nại, tố cáo theo đúng thời hạn quy định của Pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.

3. Căn cứ các quy định tại Quy chế này, tổ chức và quy định trách nhiệm cụ thể nơi tiếp công dân của cơ quan, đơn vị mình.

Điều 10.- Trụ sở tiếp dân của Trung ương Đảng và Nhà nước được đặt tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Thanh tra Nhà nước phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương bố trí đủ cán bộ làm nhiệm vụ thường trực tiếp dân tại Trụ sở. Tổng Thanh tra Nhà nước cử một cán bộ cấp Vụ phụ trách công tác tiếp dân tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước. Cán bộ này có trách nhiệm:

1. Chủ trì thực hiện việc phối hợp những cán bộ của các cơ quan liên quan tham gia tiếp công dân tại Trụ sở để tiếp, hướng dẫn, trả lời công dân; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trả lời việc giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân do cán bộ tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại Trụ sở chuyển đến.

2. Báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước về tình hình vụ việc, kết quả tiếp công dân tại Trụ sở khi có yêu cầu.

3. Chuẩn bị hồ sơ, tài liệu, tổ chức để các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tiếp công dân khi có yêu cầu.

4. Thực hiện chế độ báo cáo với Tổng Thanh tra Nhà nước để tổng hợp báo cáo lên Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác tiếp công dân của Trụ sở.

5. Quản lý tài sản tại Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước.

Chương III:

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA CÁN BỘ TIẾP CÔNG DÂN, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN KHI ĐẾN NƠI TIẾP CÔNG DÂN

Điều 11.- Khi làm nhiệm vụ, cán bộ tiếp công dân phải mặc trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức theo quy định, tự giới thiệu chức vụ của mình để người được tiếp biết.

Cán bộ tiếp công dân chỉ được tiếp công dân đến khiếu nại tại công sở, không được tiếp tại nhà riêng.

Điều 12.- Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân có nhiệm vụ:

1. Lắng nghe, ghi chép vào sổ theo dõi tiếp công dân đầy đủ nội dung do công dân trình bày.

2. Nếu khiếu nại, tố cáo có căn cứ đúng thẩm quyền của cơ quan mình phải giải quyết thì tiếp nhận đơn, báo cáo Thủ trưởng cơ quan đơn vị mình để được xem xét, giải quyết. Những nội dung khiếu nại, tố cáo cần thiết phải yêu cầu công dân ký xác nhận. Các tài liệu, giấy tờ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo do công dân cung cấp được tiếp nhận và phải viết biên nhận đầy đủ.

3. Nếu khiếu nại, tố cáo không thuộc thẩm quyền của cơ quan mình thì hướng dẫn công dân đến đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

4. Nếu khiếu nại, tố cáo đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét có văn bản hoặc quyết định giải quyết đúng chính sách pháp luật thì cần trả lời rõ và yêu cầu công dân chấp hành.

Điều 13.- Khi tiếp công dân, cán bộ tiếp công dân có quyền:

1. Từ chối không tiếp những những trường hợp đã được kiểm tra xem xét, xác minh đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật và đã trả lời đầy đủ cho đương sự.

2. Từ chối không tiếp những người đang trong tình trạng say rượu, tâm thần và những người vi phạm quy chế, nội quy nơi tiếp công dân.

3. Yêu cầu công dân trình bày đầy đủ, rõ ràng những nội dung khiếu nại, tố cáo, lý do và những yêu cầu giải quyết, cung cấp các tài liệu chứng cứ liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.

Trường hợp công dân trình bày bằng miệng các khiếu nại, tố cáo, khiến nghị, nếu thấy cần thiết thì yêu cầu viết thành văn bản và ký tên xác nhận.

Điều 14.- Khi đến nơi tiếp công dân, công dân có quyền:

1. Được hướng dẫn, giải thích, trả lời về những nội dung mình trình bày.

2. Được quyền khiếu nại, tố cáo với thủ trưởng trực tiếp của người tiếp công dân nếu họ có những việc làm sai trái, gây cản trở, phiền hà, sách nhiễu trong khi làm nhiệm vụ.

3. Đối với trường hợp tố cáo, được yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ người tố cáo.

Điều 15.- Khi đến nơi tiếp công dân, công dân có nghĩa vụ:

1. Phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân như chứng minh thư nhân dân; giấy mời, nếu công dân không trực tiếp đến thì có thể uỷ quyền cho một trong số thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con hoặc anh, chị, em ruột, những người này phải có giấy uỷ quyền, có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

2. Phải nghiêm chỉnh tuân thủ nội qui nơi tiếp công dân và sự hướng dẫn của cán bộ tiếp công dân.

3. Trình bày trung thực sự việc, cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo của mình khi có yêu cầu.

4. Ký xác nhận những nội dung đã trình bày.

5. Trường hợp có nhiều người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo cùng một nội dung phải cử đại diện để trình bày với cán bộ tiếp công dân.

Chương IV:

MỐI QUAN HỆ GIỮA NƠI TIẾP CÔNG DÂN VÀ CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT

Điều 16.- Khi nhận được các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân do những nơi tiếp công dân chuyển đến, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền giải quyết phải xem xét, giải quyết kịp thời đúng thời hạn do pháp luật quy định. Trường hợp đã có quyết định hoặc kết luận giải quyết thì trả lời cho đương sự theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo, đồng thời thông báo cho nơi tiếp công dân đã chuyển vụ việc đó biết.

Điều 17.- Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cán bộ tiếp công dân của Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước chuyển đến, nếu Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền để quá thời hạn quy định mà không giải quyết, thì người phụ trách công tác tại Trụ sở tiếp công dân của trung ương Đảng và Nhà nước có quyền yêu cầu Thủ trưởng cơ quan đó giải quyết kịp thời, nếu yêu cầu đó không được chấp hành thì có quyền báo cáo với cấp có thẩm quyền để có biện pháp xử lý. Riêng trường hợp khiếu nại thì có quyền thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 18.- Đối với những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cán bộ nơi tiếp công dân của các cấp, các ngành chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nếu thủ trưởng cơ quan đó để quá thời hạn quy định mà không giải quyết, thì người phụ trách công tác tại nơi tiếp công dân đã chuyển vụ việc, có quyền kiến nghị Thủ trưởng cấp mình có biện pháp xử lý.

Chương V:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19.- Tổng Thanh tra Nhà nước giúp Thủ tướng Chính phủ quản lý thống nhất công tác tiếp công dân có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Thủ trưởng các Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp trong việc tổ chức tiếp công dân theo quy định của pháp luật; kiến nghị các biện pháp cần thiết trong công tác tiếp công dân, xử lý hành chính các trường hợp cố tình vi phạm về công tác tiếp công dân giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thường vụ Bộ Chính trị, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ.

Chánh Thanh tra Nhà nước các ngành, các cấp thực hiện quyền thanh tra nhà nước về công tác tiếp công dân theo thẩm quyền, giúp Thủ trưởng Bộ, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp quản lý về công tác tiếp công dân trong ngành và địa phương mình; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tiếp công dân với Thủ trưởng Bộ, ngành hoặc cấp uỷ Đảng, Thường trực Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cùng cấp.

Điều 20.- Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành thuộc quyền quản lý thực hiện việc tiếp công dân ở ngành và địa phương mình.

Hàng quý tổng hợp tình hình, kết quả công tác tiếp công dân báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng gửi Tổng Thanh tra Nhà nước trước ngày 20 tháng cuối quý.

Điều 21.- Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quy chế về tiếp công dân phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và quản lý của tổ chức, ngành mình theo quy định của pháp luật.

Điều 22.- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Chánh án Toà án nhân dân, Thủ trưởng các cơ quan đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc cùng cấp tổ chức tốt việc tiếp công dân thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý của mình.

Điều 23.- Quá trình thực hiện Quy chế này, cơ quan, đơn vị, cá nhân có thành tích sẽ được biểu dương khen thưởng kịp thời.

Cơ quan đơn vị và cá nhân nào vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành.

TM. CHÍNH PHỦ

Đang cập nhật

(Đã ký)

 

Võ Văn Kiệt

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.