• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/12/1994
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 116 TC/ĐT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 24 tháng 12 năm 1994

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc dùng cho đầu tư xây dựng cơ bản

___________________

 

- Căn cứ Nghị định số 177-CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng.

- Căn cứ Nghị định số 58/CP ngày 30/8/1993 của Chính phủ ban hành quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài; Thông tư số 18 TC/TCĐN ngày 05/3/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 58/CP;

- Căn cứ Hiệp định tín dụng đã ký ngày 02/12/1992 giữa đại diện Chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Sau khi thống nhất với các cơ quan có liên quan; Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn vốn vay của Chính phủ Trung Quốc dùng cho Đầu tư XDCB như sau:

I- NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Toàn bộ nguồn vốn vay của Trung Quốc được ghi thu vào Ngân sách Nhà nước để cấp phát hoặc cho các chủ đầu tư vay lại. Bộ Tài chính bố trí nguồn vốn để trả nợ khi đến hạn theo kế hoạch hàng năm.

2- Đối tượng được sử dụng nguồn vốn vay:

- Một phần vốn vay được dùng để cho vay lại đối với Nhà máy phân đạm Hà Bắc (Bộ Công nghiệp nặng) và Nhà máy dệt 8/3 (Bộ Công nghiệp nhẹ) để thanh toán các hợp đồng nhập khẩu máy móc thiết bị công nghệ đã ký kết với các Công ty của Trung Quốc.

- Phần vốn vay còn lại dùng để cấp phát cho các công trình cấp nước sinh hoạt và thuỷ điện nhỏ của một số Tỉnh Miền núi được ghi kế hoạch đầu tư hàng năm.

3- Hàng năm các cơ quan chủ quản đầu tư có trách nhiệm lập, bảo vệ kế hoạch sử dụng vốn vay và trả nợ vay với Bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và chịu trách nhiệm sử dụng vốn vay có hiệu quả.

4- Tỷ giá đồng Việt nam và đồng Nhân dân tệ áp dụng trong quá trình thực hiện hiệp định vay do Ngân hàng Nhà nước công bố tại các thời điểm cấp vốn và thanh toán.

II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

a/ Đối với khoản vốn vay để cho vay lại

1- Tổng cục đầu tư phát triển nhận vốn từ Ngân sách Nhà nước cho các chủ đầu tư vay lại, có trách nhiệm thu nợ để hoàn trả Ngân sách Nhà nước đúng hạn và được hưởng phí.

2- Tổng cục đầu tư phát triển trình Bộ Tài chính về Ngân hàng Thương mại được chọn, để Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt nam uỷ quyền rút vốn vay Trung Quốc theo hiệp định tín dụng đã ký kết. Ngay sau khi nhận nợ vay, Ngân hàng Thương mại được chọn gửi Bộ Tài chính bản sao báo có của Ngân hàng cho vay để Bộ Tài chính làm thủ tục ghi thu Ngân sách Trung ương, đồng thời ghi chi chuyển vốn cho Tổng cục Đầu tư phát triển để cho các chủ đầu tư vay lại.

3- Tổng cục Đầu tư phát triển cho các chủ đầu tư vay theo lãi suất vay vốn đầu tư ưu đãi (4,0%/năm) được hưởng phí 0,3% năm (bao gồm cả phí giao dịch trong các nghiệp vụ thanh toán Quốc tế). Tổng cục Đầu tư phát triển có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục vay vốn cho các chủ đầu tư và tổng hợp nhu cầu vay vốn báo cáo Bộ Tài chính ; cho các chủ đầu tư vay lại; thu nợ gồm vốn vay và lãi (lãi vay trừ phí) hoàn trả Ngân sách Nhà nước.

4- Thời hạn trả nợ vay của các chủ đầu tư cho hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển theo chế độ tín dụng ưu đãi hiện hành; chậm nhất sau 5 ngày khi chủ đầu tư trả nợ vay, hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển hoàn trả vốn vay Ngân sách Nhà nước .

b/ Đối với khoản vốn vay để cấp phát

- Đối với vốn vay là hàng hoá (Gồm máy móc thiết bị và hàng tiêu dùng), Bộ Tài chính phối hợp cơ quan chủ quản và Bộ Thương mại chọn đơn vị nhập khẩu để uỷ thác nhập hàng đơn vị nhập khẩu được hưởng một khoản phí theo chế độ hiện hành.

- Đối với hàng hoá không thuộc công trình cụ thể, giao cho đơn vị uỷ thác bán hàng, tiền bán hàng nộp Ngân sách Trung ương . Bộ Tài chính căn cứ vào tiến độ tiền bán hàng nộp vào Ngân sách và kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt, thuỷ điện nhỏ (được sử dung vốn vay của Trung Quốc) theo kế hoạch Nhà nước phê duyệt hàng năm, chuyển vốn cho Tổng cục Đầu tư phát triển để cấp phát vốn đầu tư cho các công trình theo chế độ hiện hành.

- Đối với vốn vay bằng hàng hoá là máy móc, thiết bị công nghệ thuộc các công trình cụ thể do các địa phương trực tiếp ký hợp đồng nhập khẩu với các công ty của Trung Quốc (nếu có). Đơn vị nhập khẩu có trách nhiệm giao hàng trực tiếp cho các chủ đầu tư theo kế hoạch phân phối của UBND các Tỉnh. Sau khi giao hàng cho các chủ đầu tư, đơn vị nhập khẩu lập bảng kê tổng hợp kèm phiếu giao hàng gửi Bộ Tài chính để làm thủ tục ghi thu Ngân sách Trung ương và ghi chi cấp phát vốn cho các công trình của Địa phương đã trực tiếp nhận số máy móc thiết bị thông qua hệ thống Tổng cục Đầu tư phát triển.

III- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc đề nghị các ngành, các Địa phương và các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.