• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 18/08/2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1400/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 18 tháng 8 năm 2015

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030

____________________________

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Căn cứ Quyết định số 275/QĐ-TTg ngày 18 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TW ngày 02 tháng 8 năm 2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ Chính trị khóa IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch), bao gồm 08 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang, với các nội dung chủ yếu sau đây:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát huy và khai thác hiệu quả tiềm năng, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật và vị thế của Vùng, với đầu tàu là Thành phố Hồ Chí Minh, tạo động lực phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch, tạo sức lan tỏa và góp phần thúc đẩy thị trường văn hóa, hoạt động thể dục thể thao và du lịch của cả nước và các địa phương phát triển.

2. Tăng cường liên kết nội Vùng trên cơ sở xác định lợi thế của từng địa phương để tạo trọng tâm và đột phá phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; chú trọng hợp tác với các nước trong khu vực ASEAN để đẩy mạnh phát triển văn hóa, thể thao và du lịch Vùng bền vững.

3. Đa dạng hóa các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa để phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; trong đó ưu tiên cho các chương trình, dự án trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hài hòa với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

Phát triển văn hóa, thể dục thể thao của Vùng toàn diện, hướng tới Chân - Thiện - Mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc; phát triển du lịch Vùng thành ngành kinh tế mũi nhọn, chuyên nghiệp, hiện đại và có sức cạnh tranh; xây dựng được các sản phẩm du lịch có chất lượng cao, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Phát triển Vùng trở thành một trung tâm dịch vụ văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch lớn của cả nước.

1. Về văn hóa, gia đình

a) Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa, nghệ thuật, nghiên cứu khoa học và đào tạo nhân lực văn hóa, nghệ thuật và công tác gia đình lớn của cả nước; có thị trường mỹ thuật, sân khấu - điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn phát triển mạnh đứng đầu cả nước. Phát triển mạng lưới dịch vụ văn hóa nghệ thuật tại các đô thị lớn trong Vùng làm đầu mối liên kết Vùng với các vùng khác trong cả nước.

Phát triển trục văn hóa Đông - Tây nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, nghệ thuật giữa các địa phương trong Vùng; giữa khu vực miền núi phía Tây với khu vực đồng bằng ven biển, hải đảo phía Đông; giữa Vùng với các nước trong Tiểu vùng sông Mê Kông; mở rộng và đẩy mạnh quan hệ ngoại giao văn hóa với các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác.

b) Ưu tiên bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của Vùng, trước hết là các di sản thế giới, di tích cấp quốc gia đặc biệt tiêu biểu. Từng bước hoàn thành tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp hệ thống di tích trong Vùng từ nay đến 2020 và 2030. Phấn đấu đến năm 2030, cơ bản hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng các bảo tàng hiện có và xây dựng thêm bảo tàng mới, hiện đại.

c) Nâng cao chất lượng hoạt động Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại.

d) Củng cố và đầu tư phát triển hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ và hiện đại, từng bước khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, vui chơi giải trí của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hoàn thiện và nâng cấp các trung tâm văn hóa, trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn quy định; 60% - 80% các khu dân cư, khu đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất có trung tâm văn hóa - thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em.

đ) Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trong Vùng. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến 2030, xây dựng mới được từ 04 - 05 phim trường, trường quay, 01 Trung tâm chiếu phim hiện đại tại Thành phố Hồ Chí Minh, một số rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành phố; nâng cấp, cải tạo hệ thống rạp chiếu phim hiện có. Xây dựng điện ảnh Vùng trở thành nền điện ảnh mạnh trong khu vực.

e) Đẩy mạnh phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm của cả nước; bảo tồn và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống như Đờn ca tài tử, Cải lương, Hát bội...; chú trọng tổ chức các sự kiện nghệ thuật biểu diễn hiện đại có chất lượng cao; nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cho các nhà hát, rạp hát, nhà triển lãm hiện có. Đến năm 2030, xây dựng mới 01 nhà hát tổng hợp quốc gia, 01 nhà triển lãm quốc gia (Thành phố Hồ Chí Minh).

g) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các thư viện. Phấn đấu tỷ lệ thư viện huyện đạt chuẩn là 60% vào năm 2020 và 100% vào năm 2030; hoàn thành việc nâng cấp 08 thư viện tỉnh, thành phố hiện có; xây dựng thêm thư viện mới phù hợp với nhu cầu và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương trong Vùng. Chú trọng xây dựng văn hóa đọc gắn với hệ thống giáo dục phổ thông và sự phát triển của các phương tiện truyền thông mới.

h) Phát triển hệ thống trường trọng điểm đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, công tác gia đình và du lịch của Vùng; chú trọng tuyển chọn, đào tạo và phát triển nhân lực cho các loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ bị mai một, có tính đặc thù. Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, thành lập được trường đại học về văn hóa, nghệ thuật và du lịch phù hợp với nhu cầu đào tạo của Vùng và quy hoạch mạng lưới các trường đại học trong cả nước.

i) Đẩy mạnh tuyên truyền về công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Phát triển các cơ sở tư vấn, trợ giúp, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình. Cải thiện năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên gia đình tuyến cơ sở, đáp ứng nhiệm vụ được giao. Giảm tỷ lệ số vụ bạo lực gia đình.

2. Về thể dục, thể thao

a) Đẩy mạnh phát triển các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, thể thao giải trí đáp ứng nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khỏe của người dân. Phấn đấu tỷ lệ người dân tập luyện thể dục thể thao thường xuyên đạt 35% vào năm 2020 và 40% vào năm 2030; tỷ lệ số hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục, thể thao đạt 25% vào năm 2025 và 30% năm 2030; số lượng học sinh, sinh viên các cấp học, bậc học thực hiện chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 75% vào năm 2025 và trên 90% năm 2030.

b) Phát triển thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng địa phương, chú trọng các môn thể thao Olympic, các môn thể thao trọng điểm và là thế mạnh của Vùng, góp phần để Việt Nam giữ vững vị trí là một trong 03 quốc gia đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu thể thao thành tích cao Thành phố Hồ Chí Minh giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc, các tỉnh còn lại trong Vùng tiếp tục cải thiện vị trí xếp hạng.

c) Tập trung phát triển nguồn nhân lực thể thao, trong đó ưu tiên tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và phát triển đội ngũ vận động viên thành tích cao trên cơ sở thế mạnh của mỗi địa phương. Hoàn thiện hệ thống đào tạo tài năng thể thao Vùng. Phát triển số lượng vận động viên các môn thể thao trọng điểm, vận động viên cấp quốc gia.

d) Phấn đấu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, xây dựng và đưa vào sử dụng Khu Liên hợp thể thao quốc gia, Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Khu Liên hợp thể thao cấp tỉnh, Trung tâm thể dục thể thao cấp tỉnh; nâng cấp mở rộng Trường Đại học Thể dục thể thao Thành phố Hồ Chí Minh; các công trình thể thao trọng điểm cấp vùng, cấp tỉnh được xây dựng, hoàn thiện sẵn sàng phục vụ các sự kiện thể thao trong nước và quốc tế.

3. Về du lịch

a) Phát triển Vùng, với Thành phố Hồ Chí Minh là động lực, thực sự trở thành trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với hệ thống sản phẩm du lịch độc đáo, có thương hiệu và cạnh tranh được với các nước trong khu vực; trở thành cửa ngõ của du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, đồng thời là không gian du lịch trọng điểm trên tuyến du lịch xuyên Á.

b) Đến năm 2020 đón trên 6 triệu lượt khách du lịch quốc tế và phục vụ hơn 34 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt trên 170 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho trên 200 nghìn lao động trực tiếp; cơ sở lưu trú có khoảng 150 nghìn buồng. Phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ trên 60 triệu lượt khách nội địa; tổng thu nhập từ du lịch đạt khoảng 550 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 430 nghìn lao động trực tiếp; cơ sở lưu trú có khoảng 300 nghìn buồng.

c) Đẩy mạnh khai thác thị trường khách quốc tế từ khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Đông Âu, Tây Âu, Bắc Mỹ, Châu Úc, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày. Ưu tiên khai thác thị trường khách du lịch nội địa đến từ các tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, khách du lịch đến từ thủ đô Hà Nội và các đô thị lớn phía Bắc; chú trọng phân khúc thị trường khách du lịch với mục đích như: nghỉ dưỡng, hội nghị, hội thảo, mua sắm; khuyến khích phát triển và mở rộng thị trường du lịch theo chuyên đề.

d) Ưu tiên đầu tư, phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, du lịch hội nghị, hội thảo, du lịch đô thị và du lịch nghỉ dưỡng biển.

đ) Tập trung phát triển mạnh các khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia, gồm: 06 khu du lịch quốc gia là: Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), Long Hải - Phước Hải, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Xứ sở hạnh phúc (Long An), Cù lao Thới Sơn (Tiền Giang); 06 điểm du lịch quốc gia là: Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), Cát Tiên, Hồ Trị An - Mã Đà (Đồng Nai), Tà Thiết (Bình Phước), Trung ương Cục Miền Nam (Tây Ninh), Láng Sen (Long An); từng bước hình thành đô thị du lịch thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu).

e) Phát triển các tuyến du lịch liên vùng, các tuyến du lịch quốc gia gắn với hệ thống đường hàng không, đường bộ và đường thủy như cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuyến đường xuyên Á (qua cửa khẩu quốc tế đường bộ Mộc Bài, Tây Ninh), các tuyến quốc lộ nối các cửa khẩu quốc tế đường bộ, tuyến đường thủy qua các cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu); phát triển tuyến du lịch đường thủy trên sông Vàm Cỏ (Long An) và sông Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh).

III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển

a) Tăng cường giao lưu văn hóa nghệ thuật, thi đấu thể thao và xúc tiến quảng bá du lịch tầm quốc gia và quốc tế; khai thác các sự kiện văn hóa, thể thao trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn có sức cạnh tranh.

b) Nghiên cứu, triển khai các biện pháp liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.

c) Xây dựng cơ chế phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao văn hóa. Phối hợp chặt chẽ giữa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư.

d) Vận động, tranh thủ sự hỗ trợ các nguồn lực, kinh nghiệm và công tác đào tạo, huấn luyện của các quốc gia, tổ chức, cá nhân nước ngoài.

2. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ

a) Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho công chức, viên chức và người lao động. Chuẩn hóa tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn đội ngũ cán bộ văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch các cấp.

b) Xây dựng đổi mới chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường và xã hội; tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đào tạo văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

c) Rà soát, bổ sung chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển tài năng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực cho các lĩnh vực hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch.

d) Phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ Vùng. Tăng cường đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch.

đ) Triển khai ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao trong một số lĩnh vực hoạt động văn hóa và thể dục thể thao nhằm nâng cao hiệu quả trong việc sáng tác, lưu giữ, phổ biến và quảng bá các tác phẩm văn hóa nghệ thuật; điều trị, chăm sóc sức khỏe vận động viên, luyện tập và nâng cao thành tích thi đấu các môn thể thao.

e) Ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong quản lý tài nguyên, kiểm soát các vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Tăng cường sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong các cơ sở dịch vụ du lịch. Khuyến khích sử dụng các phương tiện ít gây ô nhiễm môi trường.

3. Đầu tư cơ sở vật chất và đẩy mạnh xã hội hóa

a) Các địa phương chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương để xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ hoạt động văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch; bắt buộc phải dành quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, điểm vui chơi giải trí cho trẻ em khi quy hoạch xây dựng các khu dân cư, đô thị mới, khu công nghiệp, khu chế xuất.

b) Tập trung nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước (bao gồm cả ODA) cho đầu tư vào bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; đào tạo và nguồn nhân lực; sáng tác các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị; phát triển hạ tầng kỹ thuật các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia và xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu riêng của Vùng; ưu tiên kinh phí cho các địa bàn khó khăn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao.

c) Thực hiện cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó có chính sách ưu đãi về nguồn vốn, đất đai nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong Vùng. Tăng cường xã hội hóa, tích cực huy động các nguồn vốn khác (kể cả FDI) từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tăng nguồn thu hợp pháp để đầu tư phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch theo nhiều hình thức đa dạng và phù hợp như xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao (BT), hợp tác công tư (PPP), chuyển nhượng quyền kinh doanh khai thác, khai thác quỹ đất và các dịch vụ liên quan...

d) Đẩy mạnh thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập của các đơn vị văn hóa, thể thao và du lịch của Vùng.

đ) Kinh phí thực hiện Quy hoạch gồm: ngân sách Nhà nước, đóng góp của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước, các nguồn đầu tư hợp pháp khác.

4. Tiếp tục thực hiện các cơ chế chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

a) Đổi mới và hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước về văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch các tỉnh, thành phố; ban hành một số cơ chế chính sách khuyến khích phát triển văn hóa gắn với phát triển kinh tế, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kiểm tra giám sát.

b) Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, tài trợ và đặt hàng các tác phẩm văn học, nghệ thuật.

5. Tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức

a) Tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền phổ biến pháp luật trong các ngành, các cấp và cộng đồng về vị trí, vai trò của văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch trong phát triển kinh tế - xã hội.

b) Thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm văn hóa và du lịch của Vùng trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trong nước và quốc tế.

c) Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vận động người dân, khách du lịch nâng cao nhận thức về du lịch, ứng xử văn hóa, văn minh, bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

6. Đổi mới phương thức hoạt động, kinh doanh của các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

a) Chuyển đổi phương thức hoạt động, từng bước chuyển các đơn vị nghệ thuật thành đơn vị cung ứng dịch vụ biểu diễn nghệ thuật. Chuyển đổi một số đơn vị sự nghiệp nghệ thuật công lập sang loại hình đơn vị tự chủ bảo đảm 100% kinh phí hoạt động. Phát triển mô hình doanh nghiệp điện ảnh, doanh nghiệp nghệ thuật biểu diễn có sức cạnh tranh cao.

b) Đẩy mạnh việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện thành công ty cổ phần theo Quyết định số 22/2015/QĐ-TTg ngày 22 tháng 6 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần.

c) Đẩy mạnh các hình thức kinh doanh thể thao, đặc biệt là các loại hình thể thao mạo hiểm, thể thao biển, đua mô tô, các hình thức cung ứng dịch vụ y học thể dục thể thao. Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch có khả năng tạo nguồn thu cao như du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh...

d) Đẩy mạnh thí điểm mô hình đào tạo văn hóa nghệ thuật truyền thống có sự tham gia truyền dạy của các nghệ nhân, nghệ sĩ; nhân rộng mô hình liên kết đào tạo nhà trường (giảng dạy lý thuyết) và nhà hát (dạy thực hành).

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

a) Tổ chức công bố và lập kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch.

b) Phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích đầu tư và tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch của Vùng trên cơ sở danh mục dự án ưu tiên đầu tư đính kèm Quyết định này.

c) Tiến hành sơ kết, tổng kết, đánh giá, kiểm tra tình hình thực hiện Quy hoạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các nội dung cần kịp thời sửa đổi, bổ sung.

d) Nghiên cứu kiến nghị thành lập tổ chức điều phối phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Quy hoạch.

3. Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng

a) Triển khai thực hiện các nội dung Quy hoạch; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan kiểm tra giám sát tình thực hiện quy hoạch; phối hợp với các địa phương trong Vùng xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong cả nước để đẩy mạnh phát triển văn hóa, gia đình, thể dục thể thao và du lịch Vùng.

b) Duy trì và phát huy hiệu quả cơ sở vật chất kỹ thuật hiện có; bố trí đủ quỹ đất cho phát triển văn hóa, thể thao và du lịch theo Quy hoạch xây dựng được duyệt.

c) Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, chủ động bố trí các nguồn lực địa phương và sử dụng đúng mục đích các nguồn vốn đầu tư theo quy định của pháp luật cho việc phát triển văn hóa, gia đình, thể thao và du lịch.

d) Định kỳ 6 tháng và hàng năm báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện Quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Vùng chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Vũ Đức Đam

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.