NGHỊ ĐỊNH
Quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác
_____________
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ khoản 3 Điều 50 và khoản 1 Điều 84 Luật Đường bộ ngày 27 tháng 6 năm 2024;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác (sau đây gọi tắt là thu phí sử dụng đường bộ cao tốc), gồm:
1. Điều kiện, thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.
2. Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan đến tổ chức hoạt động thu phí, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác.
Chương II
QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THU PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC
Điều 3. Điều kiện thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
Đường bộ cao tốc thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác được triển khai thu phí gồm:
1. Đường bộ cao tốc đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Được thiết kế, đầu tư xây dựng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về đường cao tốc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khác có liên quan;
b) Hoàn thành bàn giao, đưa vào khai thác theo quy định của Luật Đường bộ, quy định của pháp luật về xây dựng và quy định khác của pháp luật có liên quan;
c) Có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Đường bộ cao tốc đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày Luật Đường bộ có hiệu lực thi hành, khi đưa vào khai thác mà chưa đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 45, khoản 2 Điều 47 của Luật Đường bộ thì việc thu phí sẽ được triển khai thực hiện sau khi hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt hạ tầng trạm thu phí, thiết bị phục vụ việc thu phí; các công trình dịch vụ công tại trạm dừng nghỉ; cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thiết bị công nghệ để quản lý, điều hành giao thông và có Đề án khai thác tài sản được người có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 4. Thời điểm thực hiện việc thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
Thời điểm thu phí sử dụng đường bộ cao tốc được thực hiện sau khi đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 3 Nghị định này và hoàn thành việc lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, đơn vị vận hành thu.
Điều 5. Đối tượng chịu phí và người nộp phí
1. Đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc được phân thành 05 nhóm như sau:
a) Nhóm 1 gồm các loại phương tiện sau: xe dưới 12 chỗ, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn; các loại xe buýt vận tải khách công cộng;
b) Nhóm 2 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 12 chỗ đến 30 chỗ; xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn;
c) Nhóm 3 gồm các loại phương tiện sau: xe từ 31 chỗ trở lên; xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn;
d) Nhóm 4 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container dưới 40 feet;
đ) Nhóm 5 gồm các loại phương tiện sau: xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container từ 40 feet trở lên.
2. Người nộp phí là tổ chức, cá nhân sở hữu, sử dụng hoặc quản lý phương tiện thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ cao tốc quy định tại khoản 1 Điều này phải thanh toán phí sử dụng đường bộ cao tốc, trừ các trường hợp quy định tại Điều 6 của Nghị định này.
Điều 6. Đối tượng miễn thu phí
Đối tượng miễn thu phí sử dụng đường bộ cao tốc khi lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và trực tiếp quản lý, khai thác bao gồm:
1. Xe cứu thương.
2. Xe chữa cháy của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy có tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.
3. Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng bao gồm các xe mang biển số: Nền màu đỏ, chữ và số màu trắng dập chìm có gắn các thiết bị chuyên dụng cho quốc phòng (bao gồm: Xe xi téc, xe cần cẩu, xe chở lực lượng vũ trang hành quân được hiểu là xe ô tô chở người có từ 12 chỗ ngồi trở lên, xe vận tải có mui che và được lắp đặt ghế ngồi trong thùng xe, xe kiểm soát, xe kiểm tra quân sự, xe chuyên dùng chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn, xe thông tin vệ tinh, các xe ô tô đặc chủng khác phục vụ quốc phòng), xe đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng một trong các tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật trong trường hợp làm nhiệm vụ khẩn cấp.
4. Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của lực lượng Công an nhân dân bao gồm:
a) Xe ô tô tuần tra kiểm soát giao thông của cảnh sát giao thông có đặc điểm: trên nóc xe ô tô có đèn xoay và hai bên thân xe ô tô có in dòng chữ “CẢNH SÁT GIAO THÔNG”;
b) Xe ô tô cảnh sát 113 có in dòng chữ “CẢNH SÁT 113” ở hai bên thân xe;
c) Xe ô tô cảnh sát cơ động có in dòng chữ “CẢNH SÁT CƠ ĐỘNG” ở hai bên thân xe;
d) Xe vận tải có lắp ghế ngồi trong thùng xe của lực lượng Công an nhân dân làm nhiệm vụ;
đ) Xe chở phạm nhân, xe cứu hộ, cứu nạn và các xe chuyên dùng khác của lực lượng Công an nhân dân;
e) Xe đặc chủng (xe thông tin vệ tinh, xe chống đạn, xe phòng chống khủng bố, chống bạo loạn và các xe đặc chủng khác của lực lượng Công an nhân dân);
g) Xe của lực lượng Công an đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp sử dụng tín hiệu ưu tiên theo quy định của pháp luật.
5. Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ, gồm:
a) Xe có kết cấu chuyên dùng phục vụ tang lễ (bao gồm: Xe tang, xe tải lạnh dùng để lưu xác và chở xác);
b) Các xe liên quan phục vụ tang lễ (bao gồm: Xe chở khách đi cùng xe tang, xe tải chở hoa, xe rước ảnh) là xe chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ có giấy chứng nhận đăng ký xe mang tên đơn vị phục vụ tang lễ. Đơn vị phục vụ tang lễ có văn bản cam kết các loại xe này chỉ sử dụng cho hoạt động tang lễ gửi nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử (trong đó nêu cụ thể số lượng xe, biển số xe theo từng loại).
6. Đoàn xe có xe cảnh sát giao thông dẫn đường.
7. Xe của lực lượng quốc phòng tham gia diễn tập, hành quân cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, trang bị có xe chuyên dụng quân sự dẫn đường.
8. Xe ô tô của lực lượng Công an, quốc phòng sử dụng vé đường bộ toàn quốc quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.
9. Xe hộ đê; xe đang làm nhiệm vụ khẩn cấp phòng, chống lụt bão theo điều động của cấp có thẩm quyền.
10. Xe làm nhiệm vụ vận chuyển thuốc men, máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa đến những nơi bị thảm họa hoặc đến vùng có dịch bệnh theo quy định của pháp luật về tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm.
Điều 7. Cơ quan quản lý thu phí, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ, đơn vị vận hành thu, cơ quan nhượng quyền thu phí, tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc
1. Cơ quan quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc (sau đây gọi tắt là cơ quan quản lý thu) là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc.
2. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ là tổ chức được cơ quan quản lý thu hoặc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn để cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ đối với phí sử dụng đường bộ cao tốc.
3. Đơn vị vận hành thu là tổ chức được cơ quan quản lý thu hoặc cơ quan có thẩm quyền lựa chọn cung cấp dịch vụ vận hành hệ thống thiết bị lắp đặt tại các điểm thu.
4. Cơ quan nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là cơ quan quản lý đường bộ được giao ký hợp đồng nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc.
5. Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là tổ chức ký hợp đồng nhận chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng đường cao tốc theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 8. Chứng từ thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, vé đường bộ toàn quốc đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, Công an
1. Biên lai thu phí sử dụng đường bộ cao tốc là chứng từ được phát hành dưới dạng chứng từ điện tử theo quy định của pháp luật về chứng từ điện tử.
2. Vé đường bộ toàn quốc áp dụng riêng đối với xe ô tô của lực lượng quốc phòng, công an đã nộp phí sử dụng đường bộ thu qua đầu phương tiện đối với xe ô tô, gồm:
a) Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với các phương tiện thuộc Bộ Quốc phòng mang biển số nền màu đỏ, chữ và số màu trắng, không áp dụng đối với các phương tiện mang biển số khác (kể cả phương tiện của Bộ Quốc phòng không mang biển số nền màu đỏ). Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với xe quốc phòng bao gồm các thông tin sau: Cơ quan phát hành là Cục Đường bộ Việt Nam; loại phương tiện sử dụng (gồm 02 loại: Vé sử dụng cho xe ô tô con quân sự và vé sử dụng cho xe ô tô tài quân sự); kích cỡ vé có chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm; có màu sắc nền vé màu đỏ, chữ và số màu trắng; biển số xe;
b) Vé đường bộ toàn quốc áp dụng đối với xe của Bộ Công an bao gồm các thông tin sau: Cơ quan phát hành là Cục Đường bộ Việt Nam; loại phương tiện sử dụng gồm 02 loại (xe dưới 7 chỗ ngồi và xe ô tô từ 7 chỗ ngồi trở lên, xe khách, xe vận tải, xe ô tô chuyên dùng); kích cỡ vé có chiều dài nhân (x) chiều rộng là 12 cm x 8 cm; có màu sắc nền vé màu vàng có gạch màu đỏ dọc theo thân vé ở vị trí 1/3 vé tính từ trái sang phải, chữ và số màu đen; biển số xe.
3. Vé đường bộ toàn quốc được phát hành như sau:
a) Trước ngày 15 tháng 10 hằng năm, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an lập dự trù số lượng, chủng loại vé đường bộ toàn quốc có phân loại cụ thể các phương tiện cần sử dụng gửi Cục Đường bộ Việt Nam;
b) Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện in và phát hành vé đường bộ toàn quốc vào tháng 12 hằng năm. Kỳ hạn sử dụng của vé đường bộ toàn quốc theo năm từ ngày 01 tháng 01 đến ngày 31 tháng 12 hằng năm;
c) Sau ngày 15 tháng 12 hằng năm, người đại diện của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an mang giấy giới thiệu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ghi rõ: Họ tên, chức vụ của người đề nghị cấp vé; số lượng, chủng loại vé cần cấp kèm theo căn cước công dân đến Cục Đường bộ Việt Nam để được cấp vé. Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện cung cấp số lượng, chủng loại vé đường bộ toàn quốc theo yêu cầu. Cơ quan được cấp vé quản lý, sử dụng về đường bộ toàn quốc đúng quy định của pháp luật.
Chương III
QUY ĐỊNH VỀ MỨC THU, CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG PHÍ SỬ DỤNG ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC
Điều 9. Phí, mức phí sử dụng đường cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải
1. Phí sử dụng đường bộ cao tốc được xác định trên quãng đường thực tế phương tiện tham gia giao thông (km) và mức phí tương ứng với từng loại phương tiện (đồng/km).
2. Mức phí sử dụng đường bộ cao tốc thu đối với phương tiện lưu thông trên tuyến đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải quy định tại Phụ lục kèm theo Nghị định này.
3. Căn cứ mức phí quy định tại khoản 2 Điều này, mức phí áp dụng đối với từng tuyến, đoạn tuyến cao tốc được xác định cụ thể tại Đề án khai thác tài sản được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
Điều 10. Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc trong trường hợp cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc
1. Cơ quan quản lý thu mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để quản lý phí sử dụng đường bộ cao tốc gồm: Tài khoản phí chờ nộp ngân sách và tài khoản chi hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí.
2. Phí sử dụng đường bộ cao tốc do trung ương quản lý nộp vào ngân sách trung ương, phí sử dụng đường bộ cao tốc do địa phương quản lý nộp vào ngân sách địa phương. Cơ quan quản lý thu được trích để lại một phần phí sử dụng đường bộ cao tốc thực thu trước khi nộp vào ngân sách nhà nước theo tỷ lệ (%) để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, cụ thể:
a) Tỷ lệ để lại và việc quản lý, sử dụng đối với phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Tỷ lệ để lại đối với phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải là sáu phẩy năm phần trăm (6,5%) trên số tiền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thực thu được, trong đó: Không phẩy hai phần trăm (0,2%) để chi cho hoạt động quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của Cơ quan quản lý thu phí, thực hiện chi theo quy định của pháp luật phí, lệ phí; sáu phẩy ba phần trăm (6,3%) để chi phí thuê dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và chi phí thuê đơn vị vận hành thu và các chi phí có liên quan phục vụ công tác thu phí, chi tiết tại Khoản 3 Điều này.
3. Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải, cụ thể như sau:
a) Chi phí cung cấp dịch vụ thu phí được xác định trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ và đơn vị vận hành thu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và pháp luật có liên quan; toàn bộ số tiền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí (chi phí không quá sáu phẩy ba phần trăm (6,3%) trên tổng số phí thực thu), nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ chuyển vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước. Thời hạn chuyển tiền không quá 48 giờ, trong đó không quá 24 giờ đối với số tiền đã phát sinh trên tài khoản nhận tiền thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ kể từ thời điểm chốt số liệu đối soát. Trường hợp vào các ngày lễ, ngày nghỉ mà hệ thống ngân hàng nghỉ làm việc thì chuyển vào ngày làm việc kế tiếp;
b) Cơ quan quản lý thu xác định số tiền phí được trích lại để chi cho hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí; chuyển số tiền được trích còn lại (sau khi trừ chi phí cung cấp dịch vụ thu phí theo hợp đồng cung cấp dịch vụ thu phí) vào tài khoản chi hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước; phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước trong thời gian không quá ngày 20 của tháng tiếp theo và chi tiết theo mục lục ngân sách nhà nước hiện hành;
c) Số tiền đã chuyển vào tài khoản chi hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí của cơ quan quản lý thu mở tại Kho bạc nhà nước được sử dụng để chi chung cho các nhiệm vụ sau: Thanh toán chi phí thuê đơn vị vận hành thu (nếu có) theo hợp đồng; thanh toán chi phí còn thiếu của hợp đồng thuê nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ (trong trường hợp số tiền được giữ lại theo hợp đồng thấp hơn chi phí thuê nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ); chi phí cho hoạt động quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của cơ quan quản lý thu phí.
Hằng năm, cơ quan quản lý thu phải quyết toán thu, chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí được trích để lại chưa chi trong năm được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định; trường hợp hết 02 năm kể từ năm được chuyển nguồn, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi hoặc chính sách của Nhà nước thay đổi, số tiền phí được để lại không đủ bảo đảm chi phí cho hoạt động của tổ chức thu phí, cơ quan quản lý thu phải báo cáo Bộ quản lý chuyên ngành, để báo cáo Bộ Tài chính để nộp ngân sách nhà nước hoặc trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi tỷ lệ để lại cho phù hợp.
Điều 11. Quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc trong trường hợp chuyển nhượng quyền thu phí
1. Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Số tiền phí thu được trong thời gian thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, tổ chức nhận nhượng quyền không phải nộp ngân sách nhà nước, trừ phần doanh thu phải chia sẻ cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
3. Việc quản lý, sử dụng số tiền nhận nhượng quyền thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật có liên quan.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Cơ quan quản lý thu là cơ quan quản lý đường bộ trực tiếp tổ chức khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cao tốc có trách nhiệm:
a) Dự kiến số thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, số nộp ngân sách, lập dự toán chi cho công tác quản lý, thu phí theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, pháp luật phí và lệ phí và pháp luật về đường bộ; báo cáo cơ quan có thẩm quyền giao dự toán theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước;
b) Quản lý thu, nộp, sử dụng phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định; thực hiện kê khai, nộp phí sử dụng đường bộ cao tốc thu được theo tháng, quyết toán năm theo quy định về quản lý thuế;
c) Kiểm tra hoạt động, số thu từ cung cấp dịch vụ thu phí sử dụng đường bộ cao tốc của đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để bảo đảm thu đúng, thu đủ, nộp đúng hạn khoản thu phí sử dụng đường bộ cao tốc vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu; thanh quyết toán chi phí thuê dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông đường bộ, đơn vị vận hành thu theo quy định tại hợp đồng cung cấp dịch vụ;
d) Báo cáo quyết toán phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
2. Cơ quan nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc có trách nhiệm:
a) Quản lý thu, nộp giá trị chuyển nhượng theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký;
b) Tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng nhượng quyền thu phí theo hợp đồng đã ký kết và pháp luật có liên quan;
c) Kiểm tra hoạt động thu phí của đơn vị nhận chuyển nhượng thu phí bảo đảm thu đúng, thu đủ;
d) Báo cáo quyết toán về công tác quản lý hợp đồng chuyển nhượng theo quy định.
3. Tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc có trách nhiệm:
a) Nộp số tiền nhận nhượng quyền vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký;
b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định. Hằng năm, gửi báo cáo doanh thu kèm theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán theo quy định về cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31 tháng 3 năm sau để thực hiện quản lý hợp đồng theo quy định.
4. Đơn vị vận hành thu có trách nhiệm:
a) Thực hiện nhiệm vụ đối soát số liệu thu phí giữa lưu lượng phương tiện thực tế lưu thông với lưu lượng phương tiện thực hiện thu phí của nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc và hợp đồng cung cấp dịch vụ vận hành thu phí;
b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định. Hằng năm, gửi báo cáo quyết toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong năm về đơn vị quản lý thu trước ngày 30 tháng 01 năm sau để thực hiện quyết toán theo quy định tại hợp đồng.
5. Nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ có trách nhiệm:
a) Thực hiện nhiệm vụ đối soát số liệu thu phí giữa lưu lượng phương tiện thực tế lưu thông với lưu lượng phương tiện thực hiện thu phí với đơn vị vận hành thu theo quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ để xác định số phí sử dụng đường bộ cao tốc phải thu; chuyển số tiền phí sử dụng đường bộ cao tốc đúng hạn vào tài khoản phí chờ nộp ngân sách của đơn vị quản lý thu phí theo quy định và hợp đồng cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử.
Trường hợp nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ đồng thời là đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện đối soát số liệu thu phí giữa lưu lượng thực tế lưu thông với lưu lượng phương thực hiện thu phí bảo đảm thu đúng, thu đủ theo quy định;
b) Thực hiện báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất theo quy định. Hằng năm, gửi báo cáo quyết toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong năm về đơn vị quản lý thu trước ngày 30 tháng 01 năm sau để thực hiện quyết toán theo quy định tại hợp đồng.
6. Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
a) Kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác quản lý thu phí sử dụng đường bộ cao tốc thuộc phạm vi quản lý; tổ chức tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội, bảo đảm an ninh, an toàn, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thu phí theo quy định của pháp luật;
b) Tổng hợp dự toán thu phí sử dụng đường bộ cao tốc trong dự toán ngân sách hằng năm, gửi Bộ Tài chính cùng thời điểm thảo luận dự toán thu - chi ngân sách nhà nước hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
7. Cơ quan nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, tổ chức nhận nhượng quyền thu phí sử dụng đường bộ cao tốc, đơn vị vận hành thu, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ thực hiện báo cáo quyết toán về công tác quản lý hợp đồng chuyển nhượng; báo cáo doanh thu; báo cáo quyết toán phí sử dụng đường bộ; báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định tại hợp đồng và quy định của Bộ Giao thông vận tải về hoạt động của trạm thu phí đường bộ.
8. Chủ phương tiện giao thông đường bộ có trách nhiệm:
a) Thanh toán phí sử dụng đường bộ cao tốc theo quy định;
b) Thông báo, kê khai phương tiện sử dụng loại vé đường bộ toàn quốc cho đơn vị quản lý thu và nhà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ để thực hiện việc cập nhật trong toàn bộ hệ thống thu phí điện tử không dừng.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 10 năm 2024.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.