• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 16/05/2004
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2019
BỘ XÂY DỰNG
Số: 02/2004/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2004

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn tính bổ sung chi phí xây dựng

công trình do giá thép xây dựng tăng đột biến 

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2004 số 03/2004/NQ-CP ngày 12/3/2004 về biện pháp cụ thể để bù đắp chi phí do giá vật liệu xây dựng tăng lên nhằm bảo đảm và đẩy nhanh tiến độ các công trình xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước;

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (tại Công văn số 1814/VPCP-KTTH ngày 14/4/2004 của Văn phòng Chính phủ) về việc giải pháp xử lý ảnh hưởng của việc tăng giá thép trong xây dựng cơ bản;

Sau khi thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng hướng dẫn việc tính bổ sung chi phí xây dựng công trình trong giai đoạn giá thép xây dựng tăng đột biến áp dụng từ ngày 01/01/2004 theo nguyên tắc và phương pháp như sau:

1. Nguyên tắc tính bổ sung

1.1. Bổ sung chi phí xây dựng công trình cho các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn: vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước và vốn đầu tư phát triển của doanh nghiệp nhà nước.

1.2. Việc bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến được áp dụng đối với các công trình, hạng mục công trình, gói thầu (sau đây gọi là công trình) được ghi trong kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2004 thực hiện chỉ định thầu, đấu thầu (theo hợp đồng có điều chỉnh giá hoặc trọn gói) hoặc tự thực hiện dự án, đang thi công hoặc sẽ thi công xây dựng, có khối lượng thực tế được thi công vào thời điểm giá thép xây dựng tăng đột biến.

1.3. Bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến được tính cho phần khối lượng xây lắp thi công phải sử dụng thép xây dựng có giá tăng chỉ khi có đủ các chứng từ, hóa đơn hợp pháp phù hợp với khối lượng, chủng loại thép xây dựng sử dụng theo thiết kế vào công trình. Giá thép trong chứng từ, hóa đơn được thanh toán phải thấp hơn hoặc bằng giá thông báo của liên Sở Tài chính - Xây dựng theo định kỳ.

1.4. Không bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng theo các quy định tại Thông tư này đối với thép xây dựng đã được nhập khẩu theo công trình.

1.5. Trường hợp trong xây dựng sử dụng các loại vật tư sản xuất từ sản phẩm thép như cáp, đường ống.v.v. thì cũng được điều chỉnh theo quy định tại Thông tư này.

1.6. Việc điều chỉnh chênh lệch vật liệu khác vẫn áp dụng theo quy định tại Thông tư số 09/2000/TT-BXD ngày 17/7/2000 và Thông tư số 07/2003/TT-BXD ngày 17/6/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2. Phương pháp tính bổ sung.

2.1. Đối với công trình xây dựng thực hiện hình thức chỉ định thầu, hình thức tự thực hiện dự án đang thi công xây dựng, chi phí xây dựng được tính bổ sung do giá thép xây dựng tăng đột biến căn cứ vào khối lượng, chủng loại thép xây dựng thực tế đã thực hiện được nghiệm thu và mức chênh lệch giữa giá thép xây dựng ở thời điểm thực hiện được nghiệm thu theo chủng loại, chứng từ, hóa đơn hợp pháp và giá thép xây dựng theo chủng loại tương ứng trong thông báo giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng đang có hiệu lực thực hiện ở thời điểm tháng 12 năm 2003 tại địa phương nơi xây dựng công trình được xác định như sau:

Tổng chi phí xây dựng được bổ sung do giá thép xây dựng tăng

=

Khối lượng thép xây dựng thực tế đã thực hiện nghiệm thu theo từng chủng loại thép

x

Mức chênh lệch giá thép xây dựng thực tế ở thời điểm thực hiện theo chủng loại thép tương ứng

Chi phí xây dựng được bổ sung do giá thép xây dựng tăng đột biến được bổ sung vào giá dự toán công trình trước thuế giá trị gia tăng như Phụ lục kèm theo Thông tư này.

2.2. Các công trình xây dựng thực hiện đấu thầu đang thi công xây dựng, chi phí xây dựng được bổ sung do giá thép xây dựng tăng đột biến được xác định như phương pháp nêu trong điểm 2.1 nói trên.

Trường hợp mức giá thép xây dựng trong đơn giá trúng thầu cao hơn mức giá thép xây dựng trong thông báo giá của liên Sở có hiệu lực thực hiện tại thời điểm tháng 12 năm 2003 thì lấy theo mức giá thép xây dựng trong đơn giá trúng thầu để tính chênh lệch giá thép. Trường hợp mức giá thép xây dựng trong đơn giá trúng thầu thấp hơn hoặc bằng mức giá thép xây dựng trong thông báo giá của liên Sở có hiệu lực thực hiện tại thời điểm tháng 12 năm 2003 thì lấy giá trong thông báo của liên Sở để tính chênh lệch giá thép.

Chi phí xây dựng bổ sung do giá thép xây dựng tăng đột biến (bao gồm chênh lệch giá thép và thuế giá trị gia tăng tương ứng tính theo mức thuế suất của hoạt động xây dựng và lắp đặt) được tính thành một khoản bổ sung vào giá hợp đồng.

2.3. Các công trình xây dựng đã chỉ định thầu, đã tổ chức đấu thầu nhưng triển khai thi công xây dựng vào thời điểm giá thép xây dựng vẫn còn tăng đột biến thì việc bổ sung chi phí vào giá dự toán công trình hoặc giá hợp đồng của công trình theo phương pháp tính bổ sung ở điểm 2.1 hoặc 2.2 nêu trên.

2.4. Các công trình xây dựng chưa chỉ định thầu, chưa tổ chức đấu thầu chủ đầu tư căn cứ vào giá thép xây dựng trong thông báo giá của liên Sở Tài chính - Xây dựng tại địa phương nơi xây dựng công trình điều chỉnh lại dự toán, tổng dự toán theo các quy định hiện hành.

2.5. Các dự án đầu tư xây dựng mới, việc lập tổng mức đầu tư, lập tổng dự toán thực hiện theo các quy định hiện hành.

3. Tổ chức thực hiện.

3.1. Chủ đầu tư cùng với các nhà thầu, tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát thi công xây dựng tổ chức nghiệm thu, xác nhận khối lượng xây lắp hoàn thành phù hợp với từng thời kỳ giá thép xây dựng tăng đột biến để làm cơ sở cho việc bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến được chính xác.

3.2. Chủ đầu tư thực hiện tính toán, xác nhận và chịu trách nhiệm về tính chính xác của khối lượng và mức bù chênh lệch giá thép xây dựng, đồng thời tổng hợp mức bổ sung chi phí báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán xem xét, kiểm tra khi cần thiết. Nghiêm cấm hiện tượng thông đồng, móc ngoặc hoặc khai khống khối lượng được tính bổ sung chi phí làm cho giá trị công trình xây dựng tăng không đúng với thực tế, gây thất thoát vốn đầu tư xây dựng.

3.3. Chủ đầu tư được điều chỉnh bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến vào giá trị dự toán công trình. Trường hợp bổ sung chi phí xây dựng do giá thép xây dựng tăng đột biến làm vượt tổng dự toán, tổng mức đầu tư đã được Người có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư bổ sung chênh lệch giá thép xây dựng vào giá dự toán công trình, hạng mục công trình, giá gói thầu và làm thủ tục để điều chỉnh tổng dự toán, tổng mức đầu tư theo quy định hiện hành.

3.4. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo liên Sở Tài chính - Xây dựng theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá thép xây dựng và có thông báo giá thép xây dựng thường xuyên, liên tục trong thời gian giá thép xây dựng tăng đột biến đúng với giá thép xây dựng tại địa phương theo từng thời điểm, từng khu vực làm cơ sở tính mức bù chênh lệch giá thép xây dựng.

3.5. Các công trình sử dụng các nguồn vốn khác với các nguồn vốn quy định tại điểm 1.1 mục 1 nêu trên thì Chủ đầu tư căn cứ vào giá thép xây dựng thực tế ở từng thời điểm để xem xét tự bổ sung.

3.6. Các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tổng công ty Nhà nước tổ chức chỉ đạo kiểm tra các Chủ đầu tư, các nhà thầu thực hiện nghiêm túc Thông tư này, đẩy nhanh tiến độ, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2004.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

PHỤ LỤC

(kèm theo Thông tư số 02/2004/TT-BXD ngày 22/4/2004)

BẢNG TỔNG HỢP DỰ TOÁN XÂY LẮP HẠNG MỤC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

STT

Khoản mục chi phí

Cách tính

Kết quả

I

Chi phí trực tiếp

 

 

1

Chi phí vật liệu

m

SQj x Djvl + CLvl

j=1

VL

2

Chi phí nhân công

m F1 F2

SQj x Djnc (1 + + )

j=1 h1n h2n

NC

3

Chi phí máy thi công

m

S Qj x Djm

j=1

M

 

Cộng chi phí trực tiếp

VL + NC + M

T

II

Chi phí chung

P x NC

C

hoặc P x M

III

thu nhập chịu thuế tính trước

(T+C) x tỷ lệ qui định

TL

 

Giá trị dự toán xây lắp trước thuế

(T+C+TL)

gXL

 

Bù chênh lệch giá thép tăng đột biến

u,v

Sqit x dit

t,i=1

BT

IV

Thuế giá trị gia tăng đầu ra

(gXL+ BT) x TXLGTGT

GTGT

 

Giá trị dự toán xây lắp sau thuế

gXL + BT + GTGT

Gxl

Trong đó:

Qj : Khối lượng công tác xây lắp thứ j

Djvl, Djnc, Djm: Chi phí vật liệu, nhân công, máy thi công trong đơn giá xây dựng của công tác xây lắp thứ j.

F1 : Các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo tiền lương tối thiểu mà chưa được tính hoặc chưa đủ trong đơn giá xây dựng.

F2 : Các khoản phụ cấp lương (nếu có) tính theo tiền lương cấp bậc mà chưa được tính hoặc chưa đủ trong đơn giá xây dựng.

h1n : Hệ số biểu thị quan hệ giữa chi phí nhân công trong đơn giá so với tiền lương tối thiểu của các nhóm lương thứ n.

- Nhóm I : h1.1 = 2,342

- Nhóm II : h1.2 = 2,493

- Nhóm III : h1.3 = 2,638

- Nhóm IV : h1.4 = 2,796

h2n : Hệ số biểu thị quan hệ giữa chi phí nhân công trong đơn giá so với tiền lương cấp bậc của các nhóm lương thứ n.

- Nhóm I : h2.1 = 1,378

- Nhóm II : h2.2 = 1,370

- Nhóm III : h2.3 = 1,363

- Nhóm IV : h2.4 = 1,357

P : Định mức chi phí chung (%).

TL : Thu nhập chịu thuế tính trước.

gXL : Gía trị dự toán xây lắp trước thuế.

Gxl : Giá trị dự toán xây lắp sau thuế.

CLvl : Chênh lệch vật liệu (nếu có).

BT : Bù chênh lệch giá thép xây dựng tăng đột biến (nếu có).

qit : Khối lượng thép xây dựng chủng loại i thực hiện được nghiệm thu tại thời điểm t.

dit : Mức bù chênh lệch thép xây dựng chủng loại i tại thời điểm thứ t.

TXLGTGT : Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng quy định cho công tác xây dựng, lắp đặt.

GTGT : Tổng số thuế giá trị gia tăng đầu ra (được tính theo quy định tại Thông tư số 120/2003/TT-BTC ngày 12/12/2003 của Bộ Tài chính).

 

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hồng Quân

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.