• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/06/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2003
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 34/2002/QĐ-BKHCNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 31 tháng 5 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH 

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Về việc ban hành quy định tạm thời về phương thức làm việc

của Hội đồng Khoa học và Công nghệ xác định các đề tài

cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

 

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 06 năm 2000;

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

Căn cứ Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 05 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và danh mục các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001 - 2005;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên và Vụ Kế hoạch,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng Khoa học và Công nghệ xác định các đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký và thay thế cho Quyết định số 07/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/04/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành "Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng Khoa học và công nghệ xác định các đề tài của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005".

Điều 3. Các Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý khoa học xã hội và tự nhiên, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

QUY ĐỊNH

tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng Khoa học và công nghệ

xác định các đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005

(Kèm theo quyết định số 34/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 31/05/2002

của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

Điều 1. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng Khoa học và Công nghệ

1. Kỳ họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số uỷ viên có mặt (ý kiến bằng văn bản của uỷ viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo).

2. Việc tư vấn xác định các đề tài được thực hiện bằng một Hội đồng khoa học và công nghệ với hai bước sau đây:

Bước 1: Xác định Danh mục dự kiến các đề tài cấp Nhà nước

Bước 2: Xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài

3. Tại bước 1 Hội đồng tư vấn sử dụng nguyên tắc bỏ phiếu để thực hiện 2 công đoạn sau:

a) Công đoạn 1: Lựa chọn những đề tài đề nghị thực hiện bằng cách đánh giá xếp các đề tài vào 2 loại "Đề nghị thực hiện" và "Không thực hiện".

Những đề tài được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt kiến nghị mới được coi là Hội đồng nhất trí đề nghị thực hiện.

b) Công đoạn 2: Phân loại những đề tài đã được Hội đồng nhất trí đề nghị thực hiện vào 2 mức A hoặc B (A là mức cao hơn, cần ưu tiên thực hiện hơn).

4. Tại bước 2 Hội đồng tư vấn sử dụng nguyên tắc biểu quyết theo đa số để kết luận về đề cương tóm tắt cho từng đề tài.

5. Tài liệu làm việc được gửi đến các thành viên Hội đồng ít nhất 3 ngày trước phiên họp Hội đồng.

Điều 2. Quy trình làm việc của Hội đồng trong bước 1

Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp Hội đồng.

1. Trước khi Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp

a) Thư ký giúp việc Hội đồng đọc Quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần Hội đồng và các đại biểu tham dự.

b) Đại diện Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường nêu những yêu cầu và nội dung chủ yếu của các Văn bản và Quy định liên quan đến việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005, bao gồm Quyết định số 82/2001/QĐ-TTg ngày 24/05/2001 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường phê duyệt mục tiêu, nội dung chủ yếu của Chương trình (đối với Hội đồng tư vấn xác định các đề tài thuộc Chương trình); tóm tắt dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài dự kiến đưa vào Chương trình khoa học và công nghệ (đối với các Hội đồng xác định đề tài thuộc Chương trình), hoặc dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài độc lập theo chuyên ngành tương ứng (đối với Hội đồng xác định đề tài độc lập); giới thiệu những nội dung chủ yếu của các tài liệu chuyên môn và nghiệp vụ liên quan cần thiết khác.

2. Công đoạn 1: Lựa chọn những đề tài đề nghị cho thực hiện

a) Hội đồng thảo luận

Hội đồng xem xét, phân tích dự thảo Danh mục tổng hợp sơ bộ những đề tài dự kiến đưa vào Chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục tổng hợp sơ bộ các đề tài độc lập do Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường cung cấp về những nội dung:

- Sự phù hợp với mục tiêu của Chương trình (đối với các đề tài thuộc Chương trình);

- Tính cấp thiết - sự cần thiết phải thực hiện đề tài:

+ Ý nghĩa thực tiễn của đề tài (trực tiếp hoặc góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất và đời sống,... có khả năng tác động to lớn, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước);

+ Ý nghĩa khoa học của đề tài (tính mới, tính tiên tiến về công nghệ);

- Tính khả thi (sự phù hợp về thời gian nghiên cứu, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể thực hiện được);

Hội đồng thảo luận về những đề tài đề nghị cho thực hiện và về những đề tài không cần thực hiện.

b) Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu

Ban kiểm phiếu gồm 3 thành viên Hội đồng, trong đó có 1 trưởng ban.

Hội đồng bỏ phiếu để đánh giá xếp các đề tài vào 2 loại sau đây:

- Đề nghị thực hiện.

- Không thực hiện.

Hội đồng tư vấn xác định các đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước bỏ phiếu đánh giá đề nghị đề tài thuộc Chương trình theo mẫu Phiếu 1-ĐTCT-A.

Hội đồng tư vấn xác định các đề tài độc lập cấp Nhà nước bỏ phiếu đánh giá đề nghị đề tài độc lập theo mẫu Phiếu1-ĐTĐL-A.

Những phiếu hợp lệ là những phiếu đánh dấu vào 1 trong 2 cột ("đề nghị thực hiện" hoặc "không đề nghị") tương ứng đã trình bày trên phiếu.

c) Tổng hợp số phiếu đề nghị

Ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả bỏ phiếu của Hội đồng theo biểu KP1-ĐTCT-A và KP1-ĐTĐL-A tương ứng với mỗi Hội đồng.

Những đề tài được ít nhất 2/3 số thành viên Hội đồng có mặt kiến nghị mới được coi là Hội đồng nhất trí đề nghị thực hiện.

3. Công đoạn 2: Phân loại những đề tài đã được Hội đồng nhất trí đề nghị thực hiện vào 2 mức A hoặc B (A là mức cao hơn, cần ưu tiên thực hiện hơn).

a) Hội đồng thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung hoặc chính xác hoá tên, đối tượng nghiên cứu, nêu sơ bộ mục tiêu và sản phẩm dự kiến cho từng đề tài.

b) Hội đồng bỏ phiếu để phân loại đề tài vào 2 mức A hoặc B (theo biểu Phiếu 2-ĐTCT-A và Phiếu 2-ĐTĐL-A tương ứng với mỗi Hội đồng).

Ban Kiểm phiếu gồm những thành viên đã được bầu kiểm phiếu công đoạn 1.

Những phiếu hợp lệ là những phiếu đánh dấu vào 1 trong 2 cột (A hoặc B) tương ứng đã trình bày trên phiếu.

c) Tổng hợp số phiếu phân loại

Ban kiểm phiếu tổng hợp kết quả bỏ phiếu của Hội đồng theo biểu KP2-ĐTCT-A và KP2-ĐTĐL-A tương ứng với mỗi Hội đồng.

4. Hội đồng thông qua Biên bản về kết quả làm việc của Hội đồng, kiến nghị Danh mục dự kiến các đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục dự kiến các đề tài độc lập theo chuyên ngành tương ứng gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Biên bản làm việc của Hội đồng xây dựng theo mẫu quy định: mẫu BBHĐ1-CT-A đối với Hội đồng xác định đề tài thuộc Chương trình và mẫu BBHĐ1-ĐL-A đối với Hội đồng xác định đề tài độc lập.

Điều 3. Quy trình làm việc của Hội đồng trong bước 2

Sau khi Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thông qua Danh mục dự kiến các đề tài thuộc từng Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước và Danh mục dự kiến các đề tài độc lập cấp Nhà nước, các Hội đồng tổ chức làm việc để chuẩn bị đề cương tóm tắt cho từng đề tài.

1. Hội đồng thảo luận

Hội đồng thảo luận để thống nhất những yêu cầu đối với việc xác định đề cương tóm tắt cho từng đề tài: Đề cương tóm tắt phải thể hiện được tính cấp thiết của đề tài với mục tiêu và đối tượng nghiên cứu rõ ràng, phù hợp thời gian nghiên cứu đã quy định và có tính khả thi cao.

Đề cương tóm tắt của từng đề tài có các yếu tố cơ bản sau:

- Tên đề tài;

- Mục tiêu cần đạt;

- Kết quả và sản phẩm dự kiến, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu (nếu có).

Hội đồng phân công hai hoặc ba thành viên am hiểu chuẩn bị đề cương tóm tắt cho từng đề tài trong Danh mục dự kiến đề tài cấp Nhà nước đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường thông qua.

Trong trường hợp cần thiết, theo đề nghị của Hội đồng, Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường sẽ mời thêm chuyên gia không phải thành viên Hội đồng am hiểu sâu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài chuẩn bị đề cương tóm tắt.

2. Hội đồng thống nhất đề cương tóm tắt của từng đề tài

Sau khi nhận được các bản đề cương tóm tắt cho từng đề tài do các thành viên Hội đồng hoặc các chuyên gia chuẩn bị, Hội đồng họp trao đổi, thảo luận, bổ sung hoặc sửa đổi những chi tiết liên quan đến từng yếu tố cơ bản của từng đề cương tóm tắt đã được chuẩn bị.

Hội đồng biểu quyết thông qua từng đề cương tóm tắt với đa số tán thành.

Hội đồng gửi Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường Biên bản làm việc của Hội đồng với đề cương tóm tắt các yếu tố cơ bản của từng đề tài kèm theo Danh mục các đề tài thuộc Chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục các đề tài độc lập theo chuyên ngành khoa học tương ứng (theo biểu BBHĐ2-CT-A và BBHĐ2-ĐL-A tương ứng cho mỗi Hội đồng) đã được Hội đồng nhất trí tán thành.

Điều 4. Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Các cấp quản lý đề tài (cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố, ...) vận dụng Quy định này để áp dụng trong việc xác định các đề tài thuộc cấp quản lý của mình./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Văn Huây

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.