• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/02/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 10/09/2016
BỘ TƯ PHÁP
Số: 21/2013/TT-BTP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 12 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật;

công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp

bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

____________________

 

Căn cứ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 22/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật,

Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành Thông tư quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.                                                      

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG         

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định trình tự, thủ tục công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật; công nhận, cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và một số biện pháp bảo đảm hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật.

Điều 2. Phạm vi hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

1. Báo cáo viên pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật Trung ương) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi toàn quốc.

2. Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật tỉnh) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.

3. Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật huyện) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.

4. Tuyên truyền viên pháp luật ở xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là tuyên truyền viên pháp luật) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã, phường, thị trấn nơi công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN, MIỄN NHIỆM

 BÁO CÁO VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 3. Đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận (sau đây gọi chung là Bộ, ngành, đoàn thể) chỉ đạo tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, đoàn thể mình lựa chọn, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại  khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trình Lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể xem xét, lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật.

2. Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư lệnh Thủ đô, Bộ chỉ huy quân sự Tỉnh, Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình lựa chọn, lập danh sách cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị xem xét, lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật.

3. Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Ban chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh lựa chọn, lập hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật gửi Phòng Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện) xem xét, quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật.

Điều 4. Hồ sơ đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật

1. Hồ sơ đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Công văn đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 3 của Thông tư này;

b) Danh sách trích ngang người được đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật theo mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật được nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật Trung ương), Sở Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh), Phòng Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật huyện), ngoài bì ghi rõ hồ sơ đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đó, cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

Điều 5. Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật

 1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật xem xét, ra quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật.

2. Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật được gửi tới cơ quan, tổ chức đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật; được thông báo công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

3. Báo cáo viên pháp luật được hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật kể từ khi Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật có hiệu lực thi hành.

Điều 6. Các trường hợp miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật

 Việc miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được thực hiện khi báo cáo viên pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Tự nguyện xin thôi làm báo cáo viên pháp luật;

2. Không còn là cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân;

3. Không còn đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

4. Từ chối không thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp mà không có lý do chính đáng từ 03 lần trở lên;

5. Thực hiện một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

6. Bị Tòa án kết án bản án đã có hiệu lực pháp luật;

 7. Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Điều 7. Đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật

1. Tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ, ngành, đoàn thể lập danh sách trình Lãnh đạo Bộ, ngành, đoàn thể xem xét, lập hồ sơ đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định miễn nhiệm đối với báo cáo viên pháp luật Trung ương.

2. Tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 2 Điều 3 của Thông tư này lập danh sách trình Lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị mình xem xét, lập hồ sơ gửi Sở Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh.

3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này lập hồ sơ gửi Phòng Tư pháp tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định miễn nhiệm đối với báo cáo viên pháp luật huyện.

4. Cơ quan, tổ chức lập danh sách đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật có trách nhiệm thông báo cho báo cáo viên pháp luật thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 6 của Thông tư này về việc đề nghị miễn nhiệm; trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo, báo cáo viên pháp luật có quyền có ý kiến về việc đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.

5. Báo cáo viên pháp luật thuộc các trường hợp quy định tại khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 6 của Thông tư này đang trong giai đoạn bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi báo cáo viên pháp luật công tác lập danh sách (mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này) đề nghị cơ quan có thẩm quyền công nhận báo cáo viên pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật tạm dừng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật.

Điều 8. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật

1. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được lập thành 01 bộ, bao gồm:

a) Công văn đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật của lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 7 của Thông tư này;

b) Danh sách trích ngang báo cáo viên pháp luật thuộc trường hợp miễn nhiệm theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Các văn bản, giấy tờ chứng minh báo cáo viên pháp luật thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7 Điều 6 của Thông tư này.

2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện đến Bộ Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật Trung ương), Sở Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh), Phòng Tư pháp (đối với báo cáo viên pháp luật huyện), ngoài bì ghi rõ hồ sơ đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đó, cơ quan tiếp nhận trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do bằng văn bản.

Điều 9. Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật quy định tại khoản 3 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật xem xét, ra quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.

2. Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được gửi tới cơ quan, tổ chức đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật có tên trong Quyết định miễn nhiệm; được công bố công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

3. Trường hợp không đồng ý với quyết định miễn nhiệm, báo cáo viên pháp luật có quyền khiếu nại. Việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

4. Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của báo cáo viên pháp luật chấm dứt, kể từ khi Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật có hiệu lực thi hành.

Điều 10. Miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật đối với trường hợp tự nguyện xin thôi làm báo cáo viên pháp luật

1. Trường hợp báo cáo viên pháp luật vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do chính đáng khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ, thì xin thôi làm báo cáo viên pháp luật.

2. Đơn xin thôi làm báo cáo viên pháp luật được gửi tới cơ quan, tổ chức đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật để trình cơ quan có thẩm quyền ra Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.

3. Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật được gửi tới cơ quan, tổ chức đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật và báo cáo viên pháp luật có tên trong Quyết định miễn nhiệm; được công bố công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

       Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN,

CHO THÔI LÀM TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT

          Điều 11. Đề nghị công nhận tuyên truyền viên pháp luật

1. Trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì, phối hợp với Trưởng thôn, ấp, bản, phum, sóc, tổ dân phố thông báo công khai tiêu chuẩn tuyên truyền viên pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật; trình tự, thủ tục công nhận tuyên truyền viên pháp luật theo quy định của Thông tư này tới cơ quan, đơn vị và người dân trên địa bàn.

2. Trong tháng 6 và tháng 12 hằng năm, Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách những người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật (mẫu số 04 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi công chức Tư pháp - Hộ tịch. Kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị công nhận tuyên truyền viên pháp luật của Trưởng ban công tác Mặt trận, công chức Tư pháp - Hộ tịch xem xét, tổng hợp danh sách những người có đủ tiêu chuẩn làm tuyên truyền viên pháp luật, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

Điều 12. Quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật

1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được danh sách đề nghị công nhận tuyên truyền viên pháp luật của công chức Tư pháp – Hộ tịch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật.

2. Quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật được gửi cho Trưởng ban công tác Mặt trận và tuyên truyền viên pháp luật; được công bố công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

Điều 13. Cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật

1. Việc cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật được thực hiện khi tuyên truyền viên pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện một trong các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 9 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Bị Tòa án kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật;

c) Bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự;

d) Không còn uy tín trong cộng đồng dân cư.

2. Trưởng ban công tác Mặt trận lập danh sách những người thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này (mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) gửi công chức Tư pháp – Hộ tịch tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật và thông báo cho tuyên truyền viên pháp luật về việc đề nghị cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật.

3. Trong trường hợp tuyên truyền viên pháp luật vì lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do chính đáng khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ thì xin thôi làm tuyên truyền viên pháp luật.

Đơn xin thôi làm tuyên truyền viên pháp luật được gửi tới công chức Tư pháp - Hộ tịch để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ra Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật.

4. Tuyên truyền viên pháp luật thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này đang trong giai đoạn bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc chờ kết luận của cơ quan có thẩm quyền, công chức Tư pháp – Hộ tịch lập danh sách (mẫu số 06 ban hành kèm theo Thông tư này) đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tạm dừng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của tuyên truyền viên pháp luật.

Điều 14. Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật

1. Kể từ ngày nhận được đề nghị của Trưởng ban công tác Mặt trận, công chức Tư pháp - Hộ tịch tổng hợp danh sách những người thuộc trường hợp cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, ra quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật.

2. Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật được gửi cho Trưởng ban công tác Mặt trận, tuyên truyền viên pháp luật và được công bố công khai theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 16 của Thông tư này.

3. Tuyên truyền viên pháp luật chấm dứt hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật kể từ khi Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật có hiệu lực thi hành.

Chương IV

MỘT SỐ  BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA BÁO CÁO

 VIÊN PHÁP LUẬT, TUYÊN TRUYỀN VIÊN PHÁP LUẬT

Điều 15. Biện pháp củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật quy định tại Điều 3 của Thông tư này, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Trên cơ sở quy định tại Thông tư này, các văn bản pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp (sau đây gọi chung là cơ quan Tư pháp) hướng dẫn, chỉ đạo tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

b) Cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật chuyên ngành cho báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan Tư pháp cùng cấp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

d) Định kỳ hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo cơ quan Tư pháp cùng cấp về kết quả xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

2. Tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật chủ trì, tham mưu giúp lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Thông tư này triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 của Thông tư này thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 1 Điều này và thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chủ trì tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 của Thông tư này tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý; 

c) Định kỳ hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu, Sở Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tư pháp; Phòng Tư pháp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Tư pháp về kết quả xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

4. Công chức Tư pháp - Hộ tịch có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp xã xây dựng, củng cố, kiện toàn, phối hợp tổ chức tập huấn về pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật cho đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật; định kỳ hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Phòng Tư pháp về kết quả xây dựng, củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý.

5. Thời gian thực hiện báo cáo quy định tại điểm d khoản 1, điểm c khoản 3 và khoản 4 Điều này được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp.

Điều 16. Biện pháp quản lý, sử dụng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật quy định tại Điều 3 của Thông tư này có các nhiệm vụ sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn, kế hoạch, chương trình hoạt động của báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

b) Kiểm tra, sơ kết, tổng kết, khen thưởng về hoạt động của báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý;

c) Tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện bảo đảm cho báo cáo viên pháp luật thuộc quyền trực tiếp quản lý thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật.

2. Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp, Tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật giúp Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Thông tư này thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều này và có các nhiệm vụ sau:

a) Phân công, giới thiệu báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc quyền quản lý trực tiếp cho cơ quan, tổ chức, đơn vị có nhu cầu phổ biến, giáo dục pháp luật để thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Công bố công khai danh sách, Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật, Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật, Quyết định công nhận tuyên truyền viên pháp luật, Quyết định cho thôi làm tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý trên Cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị;

c) Định kỳ 06 tháng, hằng năm và đột xuất khi có yêu cầu Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 3 của Thông tư này, báo cáo cơ quan Tư pháp cùng cấp về kết quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý; Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan Tư pháp cấp trên trực tiếp về kết quả hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc phạm vi quản lý. Thời gian thực hiện báo cáo theo quy định tại Thông tư số 20/2013/TT-BTP ngày 03 tháng 12 năm 2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số nội dung về hoạt động thống kê của Ngành Tư pháp.

Điều 17. Biện pháp bảo đảm về tài chính cho hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật

1. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý và hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật do Ngân sách Nhà nước cấp hằng năm trong dự toán kinh phí chi về phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật Ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

2. Thù lao cho hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật được thực hiện theo quy định của Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về lập, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho  công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

3. Hằng năm, Bộ Tư pháp, tổ chức pháp chế, đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của cơ quan, tổ chức, đơn vị  quy định tại Điều 3 của Thông tư này, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, Công chức Tư pháp – Hộ tịch phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập dự toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật thuộc quyền quản lý, trình Bộ Tài chính, lãnh đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt.

Chương  V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành và quy định chuyển tiếp

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2014 và thay thế Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2010 quy định về báo cáo viên pháp luật.

2. Báo cáo viên pháp luật đã được công nhận theo quy định của Thông tư số 18/2010/TT-BTP ngày 15 tháng 11 năm 2010 quy định về báo cáo viên pháp luật còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật tiếp tục là báo cáo viên pháp luật, không phải làm thủ tục công nhận lại; đối với báo cáo viên pháp luật không còn đủ điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 35 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Điều 6 của Thông tư này thì việc miễn nhiệm được thực hiện theo quy định của Thông tư này.

3. Trên cơ sở quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Thông tư này, đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước hướng dẫn, quyết định công nhận, miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật của Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước và thông báo cho Bộ Tư pháp đối với báo cáo viên pháp luật Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với báo cáo viên pháp luật tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với báo cáo viên pháp luật huyện về Quyết định công nhận, Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp; thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp; lãnh đạo Tổ chức pháp chế, các đơn vị được giao phụ trách công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận; Giám đốc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thúy Hiền

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.