• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 25/10/1996
BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ-BỘ TƯ PHÁP-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ THƯƠNG MẠI-BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Số: 16-TT/LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1996

 

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn thực hiện chỉ thị số 657-TTG ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ

__________________________________

Để thực hiện Chỉ thị số 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, liên bộ Thương mại - Tài chính - Kế hoạch và Đầu tư - Tư pháp - Tổng cục Thống kê hướng dẫn việc kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh trên cả nước, như sau:

 

I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU

Chỉ thị số 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ ban hành nhằm mục đích lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện để khu vực kinh tế này ngày càng phát triển đúng hướng, góp phần mở rộng sản xuất và giao lưu hàng hoá.

Để thực hiện mục đích nói trên việc kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh lần này phải đạt được yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Nắm đầy đủ thực trạng và phân loại chính xác số lượng các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh hiện có trên từng địa bàn, trong từng loại hình kinh doanh và trong từng ngành nghề kinh doanh; xác định rõ quy mô kinh doanh và địa chỉ của từng cơ sở kinh doanh, số lượng các cơ sở đã đăng ký và chưa đăng ký kinh doanh, số lượng cơ sở đã nộp thuế và chưa nộp thuế.

2. Trên cơ sở kê khai, thống kê, phân loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiến hành việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh; gắn việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh với việc quản lý thu thuế; từng bước đưa việc quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh vào nề nếp; chấm dứt tình trạng kinh doanh không đăng ký, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký, có đăng ký mà không hoạt động kinh doanh, không đảm bảo các điều kiện hành nghề kinh doanh, có kinh doanh có đăng ký nhưng không nộp thuế hoặc nộp thuế không đúng, không đủ.

3. Tiến hành kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấy rõ lợi ích của công tác này, nắm được và tự giác chấp hành, đồng thời không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh bình thường hợp pháp của cơ sở kinh doanh, đến lưu thông hàng hoá và tạo ra những đột biến xấu trên thị trường.

4. Cùng với việc làm tốt công tác kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, tiến hành việc nghiên cứu để trình Chính phủ sửa đổi bổ sung các chế độ chính sách, cơ chế quản lý đối với thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, trước hết là chế độ đăng ký kinh doanh cho phù hợp với nền kinh tế nhiều thành phần, vừa đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước, vừa thuận tiện cho người kinh doanh.

 

II. TỔ CHỨC KÊ KHAI, THỐNG KÊ

1. Đối tượng phạm vi kê khai, thống kê

a. Đối tượng kê khai, thống kê lần này bao gồm tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh (sau đây gọi tắt là cơ sở kinh doanh) hiện đang hoạt động kinh doanh trên thị trường, không phân biệt loại hình kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, quy mô kinh doanh, hình thức kinh doanh, đã đăng ký hoặc chưa đăng ký kinh doanh hoặc được miễn xin phép kinh doanh, kể cả các đơn vị trực thuộc của các cơ sở kinh doanh nói trên.

b. Đối tượng không thuộc phạm vi kê khai, thống kê lần này là: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, HTX Nông nghiệp và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, cá nhân hành nghề tự do không thường xuyên không có địa điểm cố định như: xích lô, xe ôm, xe ba gác, xây dựng tự do, sửa chữa đồ dùng trong nhà, buôn bán lưu động của nông dân lúc nhàn rỗi.

2. Tổ chức kê khai

a. Thời điểm kê khai là ngày 31/12/1996. Từ ngày 1/1/1997, tất cả các cơ sở kinh doanh thuộc diện kê khai, thống kê (nói ở điểm 1.a mục II Thông tư này) đến trụ sở Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc cấp tương đương (sau đây gọi tắt là xã) nơi đóng trụ sở hoặc nơi đang kinh doanh để nhận bản khai và tiến hành kê khai ba bản theo mẫu in sẵn (các mẫu 1A, 1B, 1C và 1D-KK/97 kèm theo) rồi nộp cho Uỷ ban nhân dân xã nơi kê khai. ở các chợ, trung tâm thương mại có nhiều người kinh doanh, có Ban quản lý chợ thì có thể tổ chức kê khai riêng theo địa bàn chợ, trung tâm thương mại và nộp bản khai cho Ban quản lý chợ để chuyển đến Uỷ ban nhân dân xã sở tại. Đến ngày 15/1/1997 (đối với cá nhân, nhóm kinh doanh, hộ kinh tế gia đình) và ngày 31/1/1997 (đối với các doanh nghiệp, HTX và tổ hợp tác) phải thực hiện xong việc kê khai như trên.

Các cơ sở kinh doanh có trách nhiệm kê khai đúng thời hạn quy định, kê khai đầy đủ các nội dung ghi trong bản khai, đúng với thực tế kinh doanh và chịu trách nhiệm về sự kê khai của mình.

b. Sau khi cơ sở kinh doanh đã kê khai xong, Tổ công tác kê khai ở xã có trách nhiệm thẩm tra và xác nhận bản khai về những nội dung cơ sở kinh doanh đã kê khai. Nếu qua thẩm tra phát hiện cơ sở kinh doanh kê khai không đúng, không đầy đủ với thực tế kinh doanh thì Tổ công tác kê khai ở xã yêu cầu cơ sở kinh doanh phải kê khai lại, rồi mới xác nhận bản khai.

c. Các bản kê khai đã có xác nhận của Tổ công tác kê khai ở xã được phân loại theo từng loại hình kinh doanh rồi chuyển một bản lên Uỷ ban nhân dân huyện, quận hoặc cấp tương đương (sau đây gọi tắt là huyện) để phân loại, tổng hợp, thống kê; một bản nộp lên Chi cục thuế huyện; một bản trả lại cơ sở kinh doanh để làm thủ tục đăng ký và đăng ký lại kinh doanh.

d. Khi tổ chức thực hiện kê khai, cần chú ý làm tốt công tác tuyên truyền và có sự hướng dẫn cụ thể để cơ sở kinh doanh tự giác chấp hành việc kê khai đúng thời hạn, kê khai đúng và đầy đủ thực tế hoạt động kinh doanh. Những cơ sở kinh doanh có sai phạm: không đảng ký kinh doanh, kinh doanh sai với nội dung đăng ký, không đảm bảo điều kiện hành nghề kinh doanh theo quy định của pháp luật, chưa đăng ký nộp thuế nhưng tự giác chấp hành kê khai thì không áp dụng các biện pháp xử phạt hành chính khi kê khai. Những cơ sở kinh doanh nào cố tình trốn tránh việc kê khai, kê khai không đúng với thực tế kinh doanh hoặc gây khó khăn, cản trở việc kê khai thì Tổ công tác kê khai ở xã lập biên bản vi phạm hành chính để xử lý theo pháp luật.

3. Phân loại, tổng hợp, thống kê

a. Trên cơ sở bản kê khai của các cơ sở kinh doanh do Uỷ ban nhân dân xã nộp lên, từng huyện tiến hành việc phân loại, tổng hợp, thống kê và báo cáo lên cấp tỉnh, thành phố (sau đây gọi tắt là tỉnh) theo các biểu tổng hợp báo cáo kèm theo. Khi phân loại, tổng hợp, thống kê cần xác định chính xác các số liệu theo các chỉ tiêu phân loại sau đây:

- Theo từng ngành nghề sản xuất kinh doanh (Phụ lục số 1).

- Theo từng loại hình kinh doanh: doanh nghiệp tư nhân; Công ty trách nhiệm hữu hạn; Công ty cổ phần; Hợp tác xã, tổ hợp tác; cá nhân và nhóm kinh doanh theo Nghị định số 66-HĐBT; Hộ kinh tế gia đình theo Nghị định số 29-HĐBT.

- Theo tình hình đăng ký kinh doanh: có đăng ký kinh doanh; không đăng ký kinh doanh; có đăng ký nhưng không hoạt động kinh doanh; kinh doanh không đúng nội dung đăng ký; được miễn đăng ký kinh doanh theo các Nghị định số 66-HĐBT và số 29-HĐBT.

- Theo tình hình nộp thuế: đã đăng ký nộp thuế; chưa đăng ký nộp thuế; số thuế đã nộp và số thuế còn nợ; số cơ sở được miễn thuế.

- Tình hình chấp hành điều kiện hành nghề kinh doanh: có và không có chứng chỉ hành nghề kinh doanh đối với các ngành nghề, mặt hàng kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật.

- Tổng số vốn kinh doanh; doanh thu thực tế; số lao động sử dụng.

III. ĐĂNG KÝ VÀ ĐĂNG KÝ LẠI KINH DOANH

1. Đối tượng phạm vi đăng ký và đăng ký lại kinh doanh.

Tất cả các cơ sở kinh doanh thuộc diện kê khai, thống kê nói ở điểm 1a mục II, thông tư này đều phải thực hiện việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh.

Đối với HTX thì thực hiện đăng ký kinh doanh theo Nghị định riêng của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật HTX.

2.Tổ chức đăng ký và đăng ký lại kinh doanh.

a. Trên cơ sở kết quả kê khai, thống kê, phân loại nói trên các địa phương tiến hành việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn như sau:

+ Đối với cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, kinh doanh đúng nội dung đăng ký, không có sự thay đổi nội dung kinh doanh thì cơ sở kinh doanh mang Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (GCNĐKKD) hoặc Giấy phép kinh doanh (GPKD) được cấp cùng với bản khai có xác nhận của Tổ công tác ở xã đến cơ quan đã cấp GCNĐKKD hoặc GPKD để các cơ quan này ký đóng dấu kiểm tra vào GCNĐKKD (đối với doanh nghiệp) hoặc GPKD (đối với cá nhân, nhóm kinh doanh). Cơ sở kinh doanh không phải nộp lệ phí cho việc ký đóng dấu kiểm tra như trên.

+ Đối với cơ sở kinh doanh đã đăng ký kinh doanh, nhưng kinh doanh không đúng nội dung ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh thì cơ sở kinh doanh phải làm thủ tục khai báo, xin phép theo quy định hiện hành để được sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp) hoặc Giấy phép kinh doanh (đối với cá nhân, nhóm kinh doanh).

+ Đối với cơ sở kinh doanh chưa đăng ký kinh doanh thì phải đình chỉ hoạt động kinh doanh. Cơ sở kinh doanh phải làm thủ tục xin phép kinh doanh theo quy định hiện hành để được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp) hoặc Giấy phép kinh doanh (đối với cá nhân, nhóm kinh doanh).

+ Đối với các cơ sở kinh doanh trước đây được miễn xin phép kinh doanh theo quy định của các Nghị định số 66/HĐBT và số 29-HĐBT thì hướng dẫn cơ sở kinh doanh làm thủ tục xin phép kinh doanh theo quy định hiện hành để được cấp Giấy phép kinh doanh.

+ Đối với cơ sở kinh doanh đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép kinh doanh nhưng không hoạt động kinh doanh, tự ý ngừng hoặc chấm dứt kinh doanh mà không khai báo, xin phép theo quy định của pháp luật thì cơ quan đã cấp thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh.

Khi thực hiện đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh thu lệ phí theo quy định hiện hành (trừ trường hợp ký đóng dấu kiểm tra).

b. Thời gian tổ chức thực hiện đăng ký và đăng ký lại kinh doanh được bắt đầu từ ngày 1/2/1997 đến ngày 30/6/1997. Trong thời hạn nói trên, tất cả các cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nói ở điểm 1 mục III Thông tư này đều phải thực hiện đăng ký và đăng ký lại kinh doanh như hướng dẫn trên. Sau ngày 30/6/1997, cơ sở kinh doanh nào đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh từ trước đây, nhưng không thực hiện đăng ký lại kinh doanh theo quy định của Thông tư này thì Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh cũ không còn giá trị và phải thu hồi.

c. Khi thực hiện đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, cơ quan thuế các cấp ở địa phương đồng thời tiến hành việc rà soát công tác quản lý thu thuế đối với các cơ sở kinh doanh, chống trốn thuế và nợ đọng thuế. Cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh chỉ thực hiện việc ký đóng dấu kiểm tra, sửa đổi bổ sung, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh đối với cơ sở kinh doanh đã kê khai, có xác nhận của Tổ công tác kê khai ở xã trong bản khai về việc chấp hành chính sách thuế. Đối với các cơ sở kinh doanh không thực hiện các quy định về việc đăng ký nộp thuế, về mở sổ sách kế toán, sử dụng hoá đơn chứng từ, nộp thuế không đầy đủ, không đúng thời hạn, dây dưa nợ thuế phải bị đình chỉ kinh doanh. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm thông báo tình hình chấp hành pháp luật về thuế của cơ sở kinh doanh có vi phạm và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy phép kinh doanh đã cấp.

d. Đến hết ngày 30/6/1997, các cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy phép kinh doanh tiến hành việc tổng hợp và báo cáo tình hình đăng ký và đăng ký lại kinh doanh lên cấp trên theo các biểu tổng hợp báo cáo kèm theo.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ở cấp tỉnh:

Căn cứ Chỉ thị số 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên Bộ này, Uỷ ban nhân dân các tỉnh có kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện việc kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn địa phương.

+ Sở Thương mại có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Cục Thống kê, Cục thuế và các Sở, Ban ngành có liên quan ở tỉnh để xây dựng và trình Uỷ ban nhân dân phê duyệt kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện; hướng dẫn, đôn đốc kiểm tra quận, huyện tổ chức thực hiện; tổng hợp, báo cáo kết quả kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh trên địa bàn theo quy định.

+ Sở Kế hoạch và Đầu tư theo chức năng nhiệm vụ của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đóng dấu kiểm tra, sửa đổi bổ sung, cấp lại và cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh thuộc thẩm quyền trên địa bàn tỉnh; tổng hợp cáo cáo tình thình cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lên cấp trên theo quy định và sao gửi bản kê khai của các doanh nghiệp về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

2. Ở cấp huyện:

Uỷ ban nhân dân huyện là đơn vị trực tiếp tổ chức việc kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Uỷ ban nhân dân huyện thành lập một Tổ chuyên viên gồm các cán bộ các phòng: Tài chính - Thương nghiệp, Kế hoạch - Đầu tư, Thống kê, Công nghiệp, Chi cục thuế và đội quản lý thị trường. Tổ chuyên viên có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân huyện:

- Phổ biến chủ trương kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên địa bàn.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể của huyện để triển khai công tác kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh.

- Thu nhận, tiến hành phân loại, tổng hợp, thống kê và báo cáo tình hình kê khai, thống kê theo quy định.

- Tiếp nhận, thẩm tra xem xét hồ sơ trình Uỷ ban nhân dân ký đóng dấu kiểm tra, cấp lại và cấp mới Giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh thuộc thẩm quyền của huyện; tổng hợp và báo cáo tình hình cấp Giấy phép kinh doanh trên địa bàn theo quy định.

3. Ở cấp xã:

+ Uỷ ban nhân dân xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kê khai đối với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Tuỳ theo số lượng các cơ sở kinh doanh hiện có trên từng địa bàn, mỗi xã thành lập một Tổ công tác kê khai, nếu địa bàn có nhiều cơ sở kinh doanh thì có thể thành lập từ 2 đến 3 tổ công tác kê khai. Các tổ công tác kê khai do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện quyết định thành lập và do một Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã phụ trách, có từ 5 đến 7 người gồm cán bộ thuế, cán bộ quản lý thị trường, Ban quản lý chợ, cán bộ phụ trách kinh tế ở xã và công an xã. Tổ công tác kê khai có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân xã:

- Lên danh sách các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thuộc diện phải kê khai, thống kê trên cơ sở danh sách điều tra hiện có của cơ quan thống kê và sổ bộ thuế của cơ quan thuế địa phương đang quản lý thu thuế.

- Phát bản kê khai và hướng dẫn cơ sở kinh doanh kê khai đúng và đầy đủ nội dung ghi trong bản khai.

- Thẩm tra và xác nhận bản khai về những nội dung cơ sở kinh doanh đã kê khai gồm: Tên cơ sở hoặc tên chủ hộ kinh doanh; địa chỉ nơi đóng trụ sở hoặc địa điểm kinh doanh; ngành nghề mặt hàng hiện đang kinh doanh; đã đăng ký hoặc chưa đăng ký kinh doanh; có giấy chứng nhận hành nghề hoặc không có giấy chứng nhận hành nghề (nếu cơ sở kinh doanh những ngành nghề, mặt hàng, lĩnh vực có điều kiện theo quy định của pháp luật); đã đăng ký nộp thuế hoặc chưa đăng ký nộp thuế, số thuế đã nộp và chưa nộp.

- Phân loại các bản kê khai theo từng loại hình kinh doanh và nộp các bản khai lên huyện và chi cục thuế; lập danh sách các cơ sở kinh doanh hiện có trên địa bàn để quản lý theo dõi.

- Đôn đốc, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh, đăng ký nộp thuế với cơ quan quản lý thu thuế.

+ Việc tổ chức kê khai ở xã được thực hiện theo từng xóm, ấp, thôn, đường phố, chợ có đối chiếu kiểm tra với danh sách đã lập để không bỏ sót các cơ sở kinh doanh thuộc diện phải kê khai, thống kê và đảm bảo việc kê khai được thuận lợi, nhanh chóng. Khi tổ chức kê khai ở chợ hoặc trung tâm thương mại, các Ban quản lý chợ hoặc Trung tâm thương mại có trách nhiệm phối hợp cùng với tổ kê khai để tiến hành kê khai.

4. Ở cấp Trung ương:

Các Bộ Thương mại, Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ, Tổng cục có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan ngành dọc ở địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư này; đồng thời phối hợp với Bộ Thương mại và các Bộ, ngành có liên quan khác để tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác này đồng bộ, đúng tiến độ và có kết quả.

+ Bộ Thương mại có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức triển khai việc tập huấn cho các địa phương; in và cấp cho các địa phương các loại bản khai, tài liệu hướng dẫn dùng trong đợt kê khai thống kê theo Thông tư này; kiểm tra, đôn đốc các ngành và địa phương; tổng hợp và báo cáo tình hình kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại trên cả nước lên Thủ tướng Chính phủ.

+ Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể các sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với các doanh nghiệp theo thẩm quyền và hướng dẫn tại Thông tư này; tổng hợp tình hình đăng ký và đăng ký lại kinh doanh đối với khu vực doanh nghiệp để Bộ thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

+ Bộ Tài chính có trách nhiệm chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện việc rà soát công tác quản lý thu thuế đối với các cơ sở kinh doanh, việc thực hiện chế độ kế toán, sử dụng hoá đơn chứng từ của các cơ sở kinh doanh, phối hợp với cơ quan cấp Giấy phép kinh doanh và Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ở địa phương trong việc tổ chức đăng ký và đăng ký lại kinh doanh; chỉ đạo các Sở Tài chính cấp kinh phí phục vụ đợt kê khai thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh ở địa phương. Kinh phí bao gồm: chi phí in, phát hành các loại ấn chỉ kê khai thống kê, biểu mẫu tổng hợp báo cáo; chi phí tổ chức tập huấn, tuyên truyền; tiền bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp làm nhiệm vụ kê khai, thống kê, tổng hợp báo cáo theo chế độ hiện hành; chi phí xăng dầu đi lại; chi phí sơ, tổng kết.

Riêng kinh phí in, phát hành ấn chỉ kê khai thống kê, các loại biểu mẫu tổng hợp báo cáo, kinh phí tập huấn, tuyên truyền, sơ tổng kết ở Trung ương Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho Bộ Thương mại.

+ Bộ Tư pháp có trách nhiệm chỉ đạo các sở Tư pháp rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn của địa phương trong lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cùng với các Bộ, ngành nghiên cứu trình Chính phủ sửa đổi bổ sung chế độ đăng ký kinh doanh cho thống nhất giữa các thành phần kinh tế và phù hợp với nền kinh tế thị trường.

+ Tổng cục Thống kê có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn Cục Thống kê các tỉnh về nghiệp vụ kê khai thống kê, về việc tổng hợp và báo cáo tình hình kê khai thống kê ở địa phương, về việc cung cấp tài liệu điều tra hiện có trên từng địa bàn xã về các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh cho các Tổ công tác kê khai; tổng hợp và báo cáo kết quả kê khai thống kê các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh trên từng địa bàn và cả nước để Bộ Thương mại báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Chế độ báo cáo:

Chế độ báo cáo tình hình kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh thực hiện như sau:

+ Uỷ ban nhân dân huyện tổng hợp, báo cáo tình hình kê khai, thống kê đối với các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh, kết quả đăng ký và đăng ký lại đối với các cơ sở kinh doanh thuộc diện cấp Giấy phép kinh doanh trên địa bàn lên Uỷ ban nhân dân tỉnh, sở Thương mại và các ngành có liên quan ở tỉnh trước ngày 31/7/1997.

+ Uỷ ban nhân dân các tỉnh tổng hợp, báo cáo lên liên Bộ tình hình kê khai, thống kê, đăng ký và đăng ký lại kinh doanh trên địa bàn tỉnh trước ngày 31/8/1997, để liên Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/1997.

6. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc gì thì các địa phương kịp thời báo cáo cho liên Bộ biết để hướng dẫn bổ sung.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tư pháp
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trần Xuân Giá

Nguyễn Ngọc Hiến

Vũ Mộng Giao

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Giao thông vận tải
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Thương mại
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Mạnh Hùng

Trương Đình Tuyển

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.