Sign In

QUYẾT ĐỊNH

Về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao

______________________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Đầu tư ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Chuyn giao công nghệ ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Nghị định số 76/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyn giao.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục và kinh phí thực hiện việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao (sau đây gọi tắt là Giấy chứng nhận).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Quyết định này áp dụng đối với:

a) Dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ thuộc Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Luật Đầu tư;

b) Dự án đầu tư thực hiện chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao cho doanh nghiệp Việt Nam để được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt quy định tại Điều 20 Luật Đầu tư;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp, cấp lại, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận.

2. Quyết định này không áp dụng đối với chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp bí mật nhà nước trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng hoặc chuyển giao công nghệ thuộc trường hợp mua sắm tài sản từ nguồn ngân sách đặc biệt cho an ninh, quốc phòng.

Điều 3. Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận

Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận (sau đây gọi tắt là Cơ quan cấp Giấy chứng nhận):

1. Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong dự án đầu tư thuộc thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và dự án đầu tư thuộc đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

2. Cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đối với chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong dự án đầu tư tại địa phương và không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 4. Hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt hoặc bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực đối với văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ bằng tiếng nước ngoài;

c) Thuyết minh nội dung chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao trong văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

d) Bản sao văn bằng bảo hộ hoặc đơn đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp (trong trường hợp chưa được cấp văn bằng bảo hộ), giấy chứng nhận chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp (trong trường hợp có chuyển giao quyền đối với đối tượng sở hữu công nghiệp);

đ) Báo cáo triển khai hoạt động chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo nội dung trong văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ có xác nhận của đầy đủ các bên tham gia chuyển giao công nghệ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

e) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương của các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

2. Trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận:

a) Việc xem xét, cấp Giấy chứng nhận thực hiện sau khi các nội dung chuyển giao công nghệ đã được triển khai, sản xuất ra sản phẩm. Trong trường hợp văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ có quy định về tiêu chuẩn sản phẩm, thì sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn đúng theo văn bản thỏa thuận;

b) Bên giao hoặc bên nhận công nghệ thay mặt các bên tham gia chuyển giao công nghệ, gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan cấp Giấy chứng nhận;

c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ hoặc có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung;

d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ (sau đây gọi tắt là Hội đồng) để thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

đ) Hội đồng có số lượng từ 07 đến 11 thành viên gồm: Chủ tịch, Thư ký là công chức của Cơ quan cấp Giấy chứng nhận và các ủy viên Hội đồng. Thành phần của Hội đồng gồm: 02 ủy viên phản biện là những người am hiểu sâu lĩnh vực công nghệ được chuyển giao; đại diện các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và tối thiểu 1/2 (một phần hai) thành viên Hội đồng là các chuyên gia, nhà khoa học độc lập phù hợp với lĩnh vực công nghệ chuyển giao cần thẩm định;

e) Họp thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Hội đồng tổ chức họp thẩm định Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày thành lập. Phiên họp của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 (hai phần ba) số thành viên Hội đồng, trong đó phải có Chủ tịch, ủy viên phản biện và ủy viên thư ký tham dự. Trường hợp không đủ 2/3 (hai phần ba) thành viên Hội đồng tham dự, Chủ tịch Hội đồng xem xét, quyết định việc lấy ý kiến bằng văn bản đối với thành viên vắng mặt. Phiếu ý kiến thành viên Hội đồng vắng mặt có giá trị như phiếu ý kiến thành viên Hội đồng có mặt.

Hội đồng xem xét sự phù hợp của công nghệ chuyển giao với Danh mục công nghệ khuyến khích chuyển giao theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ; đánh giá việc triển khai các nội dung chuyển giao công nghệ được ghi trong văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ và các nội dung khác có liên quan.

Hội đồng hoạt động theo nguyên tắc tập thể, bỏ phiếu kín về việc đồng ý hay không đồng ý cấp Giấy chứng nhận. Phương án được trên 1/2 (một phần hai) số phiếu của thành viên Hội đồng trở lên lựa chọn là ý kiến chính thức của Hội đồng.

Phiếu ý kiến thành viên Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và Biên bản họp Hội đồng theo Mẫu số 04 và Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này.

Chủ tịch Hội đồng thay mặt Hội đồng ký Báo cáo kết quả thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

g) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được Báo cáo kết quả thẩm định và Biên bản họp của Hội đồng, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét, quyết định việc cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này. Trường hợp từ chối, phải trả lời và nêu rõ lý do từ chối bằng văn bản.

Điều 5. Hiệu lực, hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận

1. Giấy chứng nhận có hiệu lực kể từ ngày cấp.

2. Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có thẩm quyền xem xét, quyết định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận trong trường hợp sau đây:

a) Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận;

b) Vi phạm nội dung trong Giấy chứng nhận;

c) Theo đề nghị của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp vi phạm pháp luật có liên quan.

3. Trường hợp Giấy chứng nhận bị hủy bỏ hiệu lực, hiệu lực của Giấy chứng nhận chấm dứt kể từ thời điểm xảy ra hành vi vi phạm. Trong trường hợp không xác định được chính xác thời điểm xảy ra hành vi vi phạm thì hiệu lực của Giấy chứng nhận chấm dứt kể từ thời điểm phát hiện ra hành vi vi phạm.

4. Quyết định hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận phải được thông báo đến các bên tham gia chuyển giao công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, cơ quan quản lý nhà nước về thuế và các cơ quan có liên quan đến quyết định và thực hiện ưu đãi, hỗ trợ.

Điều 6. Sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận

1. Việc sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận áp dụng đối với trường hợp các bên tham gia chuyển giao công nghệ có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao, đã được cấp Giấy chứng nhận và đã triển khai các nội dung sửa đổi, bổ sung đó.

2. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận gồm:

a) Văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận;

c) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực văn bản thỏa thuận sửa đổi, bổ sung văn bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ bằng tiếng Việt hoặc bản dịch sang tiếng Việt có công chứng hoặc chứng thực đối với văn bản thỏa thuận bằng tiếng nước ngoài;

d) Các tài liệu liên quan đến nội dung sửa đổi, bổ sung theo quy định tại các điểm c, d, đ và e khoản 1 Điều 4 Quyết định này.

3. Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận:

a) Bên giao hoặc bên nhận công nghệ thay mặt các bên, gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến đến Cơ quan cấp Giấy chứng nhận;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ hoặc có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung;

c) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét, cấp Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao sửa đổi, bổ sung. Trường hợp từ chối, phải trả lời và nêu rõ lý do từ chối bằng văn bản.

4. Trong trường hợp nội dung chuyển giao công nghệ có thay đổi công nghệ, sản phẩm công nghệ hoặc quy mô sản lượng, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận thành lập Hội đồng và thực hiện cấp Giấy chứng nhận sửa đổi, bổ sung theo trình tự quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định này.

Điều 7. Cấp lại Giấy chứng nhận

1. Việc cấp lại áp dụng đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị mất, hư hỏng hoặc thay đổi tên, địa chỉ của một trong các bên tham gia chuyển giao công nghệ.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định này;

b) Bản chính Giấy chứng nhận chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao (trừ trường hợp Giấy chứng nhận bị mất);

c) Bản sao một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương của các bên tham gia chuyển giao công nghệ (nếu thay đổi tên, địa chỉ của các bên tham gia chuyển giao công nghệ).

3. Trình tự, thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận:

a) Bên giao hoặc bên nhận công nghệ thay mặt các bên, gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận trực tiếp hoặc thông qua đường bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công đến Cơ quan cấp Giấy chứng nhận;

b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét tính đầy đủ, hợp lệ của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc có nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có văn bản đề nghị sửa đổi, bổ sung, trong đó nêu rõ nội dung, thời hạn sửa đổi, bổ sung;

c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đầy đủ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy chứng nhận xem xét, quyết định việc cấp lại Giấy chứng nhận.

Điều 8. Kinh phí thực hiện

1. Nguồn kinh phí thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp hằng năm cho Cơ quan cấp Giấy chứng nhận theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước của Luật Ngân sách nhà nước.

2. Định mức chi và thanh quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 9. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Trần Hồng Hà