Sign In

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 199/TTg ngày 3/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ

về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu Công nghiệp
____________________

 

Căn cứ Luật bảo vệ môi trường ngày 27 tháng 12 năm 1993; Nghị định 175/CP ngày 18/10/1994 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường; Nghị định 15/CP ngày 4/3/1994 của Thủ tướng Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ xây dựng;

Căn cứ Chỉ thị 199/TTg ngày 3/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp;

Căn cứ tình hình thực tiễn công tác quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp trên địa bàn toàn quốc;

Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường và bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 199/TTg ngày 3/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách trong quản lý chất thải rắn ở các đô thị và khu công nghiệp như sau:

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1- Chất thải rắn trong Thông tư này được hiểu là chất thải rắn phát sinh từ các hoạt động ở các đô thị và khu công nghiệp bao gồm: Chất thải khu dân cư, chất thải từ các hoạt động thương mại, dịch vụ đô thị, bệnh viện, chất thải công nghiệp, chất thải do hoạt động xây dựng (sau đây gọi tắt là chất thải).

2- Quản lý chất thải là các hoạt động nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình từ khâu sản sinh chất thải đến thu gom, vận chuyển, xử lý (tái sử dụng, tái chế), tiêu huỷ (thiêu đốt, chôn lấp...) chất thải và giám sát các địa điểm tiêu huỷ chất thải.

3- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý chất thải theo các quy định tại Chỉ thị 199/TTg ngày 3/4/1997 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư hướng dẫn này.

 

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Các tổ chức, cá nhân (các cơ sở sản xuất, kinh doanh, kể cả các cơ sở sản xuất kinh doanh liên doanh với nước ngoài hoặc có 100% vốn đầu tư của nước ngoài, các công sở, trường học bệnh viện, các hộ gia đình ở các dô thị và khu công nghiệp...) trong hoạt động của mình có phát sinh chất thải cần phải:

Áp dụng các biện pháp giảm thiểu sự phát sinh chất thải, phân loại chất thải ngay từ ngay từ nguồn, chấp hành quy định của các cơ quan có chức năng thu gom chất thải, nhằm thu gom tối đa lượng chất thải đã phát sinh, vận chuyển đến nơi xử lý hoặc tiêu huỷ.

Phải có biện pháp xử lý đến mức tối đa lượng chất thải do mình tạo ra. Trong trường hợp không có thiết bị xử lý thì phải có hợp đồng với một đơn vị có chức năng quản lý chất thải để thu gom triệt để lượng chất thải phát sinh.

Không được đổ các chất thải nguy hại vào bất cứ nơi nào khi chưa có giấy phép của Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Tuân thủ nghiêm các quy định về việc trả phí quản lý chất thải đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

2.1- Khẩn trương phê duyệt quy hoạch bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh của địa phương mình kết hợp với khu xử lý tái chế chất thải. Diện tích các bãi chôn lấp chất thải tuỳ thuộc tình hình cụ thể về dân số, điều kiện kinh tế - xã hội và sự phát triển công nghiệp của từng địa phương. Tuy nhiên, việc quy hoạch và xây dựng các bãi chôn lấp chất thải của các đô thị phải đáp ứng một số yêu cầu cơ bản sau đây:

Có đủ khả năng đáp ứng việc chôn lấp chất thải ít nhất là 25 năm. Diện tích quy hoạch bãi chôn lấp chất thải cho mỗi đô thị được quy định như sau:

Đô thị loại 1: Từ 100 đến 150 ha Đô thị loại 2: Từ 50 đến 100 ha Đô thị loại 3: Từ 20 đến 50 ha Đô thị loại 4: Từ 10 đến 20 ha

Địa điểm bãi chôn lấp chất thải không đặt gần các khu dân cư để tránh các tác động có hại tới môi trường và sức khoẻ con người nhưng không quá xa trung tâm các đô thị và khu công nghiệp để hạn chế chi phí cho việc vận chuyển.

Thiết kế xây dựng các bãi chôn lấp chất thải phù hợp các yêu cầu về kỹ thuật và vệ sinh môi trường, phải có hệ thống thu gom và xử lý nước thải thoát ra từ các bãi chôn lấp chất thải để tránh ô nhiễm nguồn nước ngầm và nước mặt của khu vực.

2.2 Huy động các nguồn vốn đầu tư để xây dựng các bãi chôn lấp chất thải và có cơ chế thích hợp để khuyến khích các tổ chức phi chính phủ (các công ty tư nhân, liên doanh, hợp tác xã...) tham gia việc thu gom, xử lý chất thải.

2.3- Chỉ đạo Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường.

2.3.1 Tổ chức điều tra khảo sát các điều kiện địa chất thuỷ văn, địa chất công trình và môi trường của khu vực được quy hoạch làm cơ sở cho việc thiết kế xây dựng bãi chôn lấp và khu xử lý chất thải. Theo dõi, đôn đốc chủ đầu tư xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường bãi chôn lấp chất thải để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

2.3.2- Giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập báo cáo về tình hình quản lý chất thải của địa phương mình theo định kỳ hàng năm hoặc đột xuất, gửi về Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường để Bộ tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2.4- Chỉ đạo Sở Xây dựng tổ chức việc thiết kế và xây dựng bãi chôn lấp chất thải đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường hiện hành của Việt Nam.

2.5- Chỉ đạo Sở giao thông Công chính tổ chức việc thu gom vận chuyển và xử lý chất thải tại địa phương mình; phối hợp với sở Tài chính xây dựng trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành lệ phí thu gom xử lý chất thải cho địa phương (trong khi Nhà nước chưa ban hành Phí quản lý chất thải áp dụng chung cho cả nước).

3- Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường:

3.1- Khẩn trương ban hành "Quy chế quản lý chất thải", "Quy chế quản lý chất thải nguy hại" và "Phí thu gom vận chuyển tiêu huỷ chất thải".

3.2- Nghiên cứu đề xuất các công nghệ xử lý chất thải và các tiêu chuẩn môi trường cho việc thiết kế xây dựng và vận hành các bãi chôn lấp chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Hướng dẫn các chủ đầu tư xây dựng báo cáo đánh giá tác động môi trường bãi chôn lấp chất thải để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3.3- Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho mọi người dân về vấn đề quản lý chất thải. Tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng trong và ngoài nước về chuyên môn nghiệp vụ quản lý chất thải cho cán bộ của các đơn vị liên quan.

3.4- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch hàng năm và kế hoạch dài hạn về quản lý chất thải và tổng hợp tình hình quản lý chất thải hàng năm trong phạm vi cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

4- Bộ Xây dựng:

4.1- Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng quy hoạch phát triển đô thị gắn với quy hoạch xây dựng các bãi chôn lấp và các khu xử lý chất thải hợp vệ sinh môi trường.

4.2- Chỉ đạo các Sở Xây dựng lập quy hoạch và kế hoạch xây dựng các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh trình Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt.

4.3- Phối hợp với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và giám sát việc quản lý đô thị đặc biệt lưu ý tới vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý, chôn lấp chất thải của các đô thị và các khu công nghiệp sao cho đảm bảo các tiêu chuẩn môi trường.

4.4- Ban hành các quy trình, quy phạm, hướng dẫn việc thu gom và vận chuyển chất thải tại các công trình xây dựng, đặc biệt tại các đô thị lớn.

4.5- Ban hành văn bản hướng dẫn thiết kế kỹ thuật các bãi chôn lấp chất thải hợp vệ sinh và một số loại nhà máy xử lý tái chế chất thải đảm bảo các yêu cầu công nghệ và kỹ thuật môi trường.

 

III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Trong qua trình thực hiện nếu có vướng mắc gì đề nghị các ngành các địa phương phản ảnh về Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng để nghiên cứu bổ sung cho phù hợp./.

Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường

Bộ Xây dựng

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Chu Tuấn Nhạ

Nguyễn Mạnh Kiểm