THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện việc sử dụng đồng hồ xăng dầu trong giao nhận,
mua bán nhiên liệu xuất cho phương tiện thủy
_________________________
Căn cứ Pháp lệnh Đo lường số 16/1999/PL-UBTVQH 10 ngày 06/10/1999;
Căn cứ Quyết định số 2537/1998/QĐ-BKHCNMT ngày 31/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành Danh mục phương tiện đo phải được kiểm định nhà nước;
Xét thực trạng trang bị đồng hồ xăng dầu của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu hiện nay;
Liên Bộ Thương mại - Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thực hiện việc thống nhất sử dụng đồng hồ xăng dầu trong giao nhận, mua bán nhiên liệu xuất cho phương tiện thủy như sau:
1. Quy định chung
1.1. Việc giao nhận, mua bán nhiên liệu xuất cho phương tiện thủy được thống nhất sử dụng đồng hồ đo xăng dầu (sau đây gọi tắt là lượng kế).
Nhiên liệu được đề cập đến trong Thông tư này bao gồm: Xăng ô tô các loại, dầu hỏa dân dụng (KO), nhiên liệu diezen (DO), nhiên liệu phản lực (JET A1, TC1) và dầu đốt lò (FO).
1.2. Trong giao nhận, mua bán nhiên liệu xuất cho phương tiện thủy, thống nhất sử dụng lượng kế làm phương tiện đo lường khi xuất bán. Giá trị đo được qua lượng kế được sử dụng để thanh quyết toán khi giao nhận, mua bán.
1.3. Người mua hàng, chủ phương tiện vận tải có quyền sử dụng bảng dung tích của phương tiện để đối chứng, nếu có sự chênh lệch lớn giữa chỉ số của lượng kế so với bảng dung tích mà các bên liên quan không thỏa thuận được thì thực hiện giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
1.4. Hệ thống công nghệ sử dụng lượng kế (sau đây gọi là hệ thống công nghệ) để giao nhận, mua bán nhiên liệu phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật và đo lường nêu tại Mục 2 của Thông tư này.
1.5. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm định lượng kế, xác nhận hệ thống công nghệ phù hợp với lượng kế đã được kiểm định đảm bảo độ chính xác của phép đo đối với các điểm giao nhận, mua bán nhiên liệu xuất cho phương tiện thủy.
2. Yêu cầu kỹ thuật và đo lường đối với hệ thống công nghệ
Hệ thống công nghệ sử dụng lượng kế để giao nhận, mua bán nhiên liệu bao gồm các bộ phận chủ yếu là: lượng kế và cơ cấu chỉ thị, máy bơm, bể chứa và hệ thống đường ống công nghệ. Các thiết bị này phải đảm bảo các yêu cầu dưới đây:
a) Lượng kế phải có độ chính xác Ê 0,5% và phù hợp với từng loại xăng dầu, đảm bảo phòng chống cháy nổ.
b) Cơ cấu chỉ thị phải hoạt động tin cậy và được bố trí ở vị trí thuận tiện cho việc theo dõi, kiểm tra kết quả đo.
c) Máy bơm phải có công suất và lưu lượng phù hợp với phạm vi lưu lượng của lượng kế.
d) Trên hệ thống đường ống công nghệ phải bố trí 1 hoặc 1 số bộ lọc tách khí. Các bộ lọc tách khí này phải bảo đảm tách khí triệt để và có kết cấu phù hợp với hệ thống công nghệ.
3. Yêu cầu về vận hành, kiểm tra hệ thống công nghệ
3.1. Doanh nghiệp giao nhận, mua bán nhiên liệu bằng lượng kế phải có quy trình vận hành, kiểm tra hệ thống công nghệ. Quy trình này được niêm yết công khai để dễ theo dõi, kiểm tra.
3.2. Quy trình vận hành, kiểm tra hệ thống công nghệ của doanh nghiệp phải thể hiện được các nội dung sau:
a) Quy định rõ trình tự, nội dung các bước thao tác, vận hành, xác lập các thông số công nghệ phù hợp với yêu cầu kỹ thuật của hệ thống công nghệ;
b) Quy định chiều cao tối thiểu mức nhiên liệu trong bể nguồn đảm bảo không lọt khí trong quá trình bơm xuất nhiên liệu;
c) Quy định chế độ kiểm tra định kỳ của toàn hệ thống và kiểm tra độ chính xác chỉ thị của lượng kế;
d) Quy định chế độ kiểm tra thường xuyên trong quá trình giao nhận, mua bán nhiên liệu;
3.3. Công nhân thao tác, vận hành hệ thống công nghệ phải được tập huấn thành thạo quy trình, nắm vững chức năng, nhiệm vụ công tác của mình.
3.4. Duy trì hoạt động thường xuyên của hệ thống công nghệ, phát hiện những hư hỏng, sai lệch và kịp thời sửa chữa, hiệu chỉnh. Trong những trường hợp cần thiết phải tiến hành kiểm định lại lượng kế trước thời hạn quy định.
4. Điều khoản thi hành
4.1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2001. Khuyến khích các doanh nghiệp đã có đầy đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu quy định của Thông tư này tổ chức thực hiện ngay sau khi Thông tư được ký ban hành.
4.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh cần báo cáo về Bộ Thương mại và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để có chỉ đạo giải quyết.