• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 15/04/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 09/02/2021
BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 02/2013/TT-BTNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 1 tháng 3 năm 2013

THÔNG TƯ

Quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực

được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản

______________

 

Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12 ngày 17 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật khoáng sản;

Căn cứ các Nghị định: số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 03 năm 2008, số 19/2010/NĐ-CP ngày 05 tháng 03 năm 2010 và số 89/2010/NĐ-CP ngày 6 tháng 8 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư quy định việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản,

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản quy định tại Điều 63 Luật khoáng sản số 60/2010/QH12.

2. Thông tư này áp dụng đối với các cơ quan quản lý nhà nước về khoáng sản; các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản theo giấy phép do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Trữ lượng địa chất được phép khai thác là trữ lượng khoáng sản địa chất đã điều tra, đánh giá hoặc thăm dò được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc công nhận nằm trong khu vực được phép khai thác nêu trong Giấy phép khai thác khoáng sản.

2. Khu vực khoáng sản ngập nước là khu vực có khoáng sản nằm trong khu vực khai thác khoáng sản mà không thể tháo khô hoặc không sử dụng biện pháp tháo khô trong quá trình khai thác xác định trong nội dung dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ.

3. Điểm mốc chính là điểm mốc trắc địa được lập trong quá trình thăm dò, xây dựng cơ bản mỏ và có tính ổn định trong suốt thời gian khai thác.

4. Điểm mốc phụ là điểm mốc trắc địa lập bổ sung nằm xen kẽ giữa các điểm mốc chính, không lưu giữ lâu dài nhằm đo đạc, thể hiện các yếu tố địa hình chi tiết thân khoáng sản phục vụ việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng.

5. Thống kê trữ lượng khoáng sản là việc xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác thực tế hàng năm và tổng trữ lượng khoáng sản đã khai thác từ khi được phép khai thác đến thời điểm thống kê.

6. Kiểm kê trữ lượng khoáng sản là việc xác định trữ lượng địa chất được phép khai thác còn lại tại thời điểm kiểm kê.

Điều 3. Yêu cầu khi lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng

1. Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác là căn cứ để thống kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm, kiểm kê trữ lượng khoáng sản còn lại và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Bản đồ hiện trạng được lập trên nền bản đồ địa hình hệ tọa độ VN- 2000, kinh tuyến trục, múi chiếu phù hợp với bản đồ khu vực khai thác khoáng sản được quy định trong Giấy phép khai thác khoáng sản. Tỷ lệ bản đồ hiện trạng phải bảo đảm thể hiện được đầy đủ các nội dung liên quan đến các thân khoáng sản đang khai thác và không nhỏ hơn tỷ lệ của bản vẽ tương ứng trong dự án đầu tư khai thác khoáng sản hoặc thiết kế mỏ đã duyệt;

b) Bản vẽ mặt cắt hiện trạng được thành lập cùng tỷ lệ hoặc lớn hơn tỷ lệ của bản đồ hiện trạng và phải thể hiện được các thông tin về hình thái, thế nằm và cấu trúc địa chất của các thân khoáng sản đang khai thác tại thời điểm thành lập;

c) Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác phải lập, thể hiện trên văn bản giấy và có thể sử dụng phần mềm ứng dụng tin học để lập, thể hiện trên mô hình 2D, 3D nhưng phải phản ánh trung thực các tài liệu, số liệu thực tế. Ký hiệu, hình thức, nội dung của các yếu tố trên bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng phải thể hiện thống nhất với bản vẽ trong báo cáo thăm dò khoáng sản, dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ và quy định của pháp luật liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có thể trực tiếp thực hiện việc lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng hoặc hợp đồng với đơn vị có chức năng và năng lực chuyên môn sâu thực hiện.

Điều 4. Thời điểm lập bản đồ hiện trạng, bản vẽ măt cắt hiện trạng; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản

1. Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản phải lập ngay từ khi bắt đầu xây dựng cơ bản mỏ; trong quá trình khai thác và được cập nhật thông tin thường xuyên tối thiểu 6 tháng một lần cho đến khi kết thúc khai thác (đóng cửa mỏ).

2. Sau khi cập nhật thông tin cho bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng, tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản tiến hành thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác; đánh giá trữ lượng, chất lượng khoáng sản khai thác thực tế so với tài liệu đã thăm dò hoặc thăm dò nâng cấp (nếu có).

3. Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác thực hiện theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này và thực hiện vào kỳ cuối cùng trong năm báo cáo. Thời điểm tính toán đến ngày 31 tháng 12 hàng năm, phù hợp với kỳ lập báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản.

Chương II

NỘI DUNG BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG, BẢN VẼ MẶT CẮT HIỆN TRẠNG KHU VỰC ĐƯỢC PHÉP KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Điều 5. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên

1. Các thông tin về trắc địa: đường bình độ, các điểm mốc trắc địa (mốc chính, điểm mốc phụ, điểm khống chế), địa vật, hệ thống thủy văn, đường giao thông (hào mở vỉa, đường vận chuyển nội bộ mỏ v.v...).

2. Các thông tin về địa chất: các phân vị địa chất (không tô màu theo tuổi), các đứt gãy, thế nằm của đá v.v...

3. Các thông tin về khoáng sản: ranh giới thân khoáng sản và thế nằm; các khối trữ lượng, các công trình thăm dò và số hiệu; thông tin về khoáng sản theo giai đoạn thăm đò trước khai thác, thăm dò nâng cấp; vị trí lấy mẫu bổ sung (nếu có).

4. Các thông tin về khu vực khai thác: các công trình xây dựng cơ bản mỏ, ranh giới moong khai thác theo thời gian, đường chân tầng, đường mép tầng đang khai thác/hoặc tầng kết thúc khai thác, bãi đổ đất đá thải.

5. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp lộ thiên áp dụng cho cả khu vực khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 6. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khoáng sản khai thác bằng phương pháp hầm lò

1. Các thông tin về trắc địa: đường bình độ, các điểm mốc trắc địa (mốc chính, điểm mốc phụ, điểm khống chế), địa vật, hệ thống thủy văn.

2. Các thông tin về địa chất: các phân vị địa chất (không tô màu theo tuổi), các đứt gãy, thế nằm của đá v.v...

3. Các thông tin về khoáng sản: ranh giới thân khoáng sản và thế nằm; các khối trữ lượng, các công trình thăm dò và số hiệu; thông tin về khoáng sản theo giai đoạn thăm dò trước khai thác, thăm dò nâng cấp; vị trí lấy mẫu bổ sung (nếu có).

4. Các thông tin về khu vực khai thác: các công trình xây dựng cơ bản mỏ; vị trí, thông số các đường lò/giếng mở vỉa, đường lò/giếng vận chuyển, đường lò/giếng thông gió, đường lò chợ và các đường lò, các công trình phụ trợ khác phục vụ hoạt động khai thác.

Đối với các đường lò/giếng xây dựng và hoạt động trong kỳ lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng phải lập bổ sung bản vẽ bình đồ, mặt cắt ngang hiện trạng của các đường lò/giếng đó. Bình đồ, mặt cắt phải ghi đủ các thông tin về tên, độ cao miệng giếng, các điểm đường lò/giếng đối phương, đối với lò/giếng nghiêng ghi giá trị góc nghiêng, có ký hiệu chỉ dẫn riêng từng loại đường lò/giếng.

Điều 7. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản ngập nước

1. Các thông tin về trắc địa: đường bình độ, các điểm mốc chính, điểm mốc phụ, đường đẳng sâu địa hình đáy.

2. Các thông tin về khoáng sản: các đường đẳng chiều dày khoáng sản, các khối trữ lượng, các công trình thăm dò, vị trí đã khai thác, vị trí đang khai thác, vị trí đổ thải (nếu có).

3. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản ngập nước dùng cho cả khu vực khai thác tận thu khoáng sản.

Điều 8. Nội dung thể hiện trên bản đồ hiện trạng khu vực khai thác đối với các loại khoáng sản khác

1. Bản đồ hiện trạng khu vực khai thác nước khoáng, nước nóng thiên nhiên, gồm:

a) Bản đồ địa hình khu vực được cấp phép có thể hiện vị trí lỗ khoan khai thác, lỗ khoan quan trắc (nếu có), vị trí máy bơm, công trình bảo vệ lỗ khoan;

b) Các sơ đồ cấu trúc lỗ khoan khai thác, lỗ khoan quan trắc (nếu có) thể hiện số hiệu, tọa độ lỗ khoan; chiều sâu lỗ khoan; chiều sâu vách, trụ tầng nước đang khai thác; chiều cao mực nước tĩnh; mực nước của phễu hạ thấp theo dự án đầu tư và thực tế quan trắc theo tần suất trong dự án đầu tư hoặc báo cáo Đánh giá tác động môi trường hoặc Bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường được phê duyệt;

c) Sổ quan trắc động thái về lưu lượng bơm, độ pH, nhiệt độ nước, nhiệt độ không khí, kết quả đo phục hồi trong kỳ báo cáo;

d) Kết quả phân tích chất lượng nước theo mục đích sử dụng trong kỳ báo cáo.

2. Bản đồ hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản rắn có thời hạn khai thác dưới 12 tháng là bản đồ kết thúc khai thác để lập hồ sơ đóng cửa mỏ.

Điều 9. Nội dung thể hiện trên bản vẽ mặt cắt hiện trạng

1. Mặt cắt hiện trạng khu vực được phép khai thác khoáng sản lập trên cơ sở bình đồ trữ lượng, bình đồ (vách/trụ) lộ thân khoáng sản, mặt cắt tính trữ lượng trong báo cáo kết quả thăm dò khoáng sản sử dụng khi lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản, thiết kế mỏ và được bổ sung các thông tin tại thời điểm lập bản đồ hiện trạng tương ứng quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Thông tư này.

Các yếu tố trên bản vẽ mặt cắt hiện trạng phải thể hiện được đầy đủ thông tin về thân khoáng sản và sự thay đổi của thân khoáng sản mà mặt cắt đó đi qua.

2. Trường hợp khu vực khai thác khoáng sản (moong khai thác, lò chợ) tại thời điểm lập mặt cắt hiện trạng không có tuyến thăm dò địa chất trước đó đi qua thì phải lập bổ sung tối thiểu 02 mặt cắt hiện trạng.

Các mặt cắt hiện trạng (bổ sung) phải phù hợp với các tuyến thăm dò và đi qua hết khu vực đang khai thác khoáng sản và các công trình thăm đò nâng cấp trữ lượng (nếu có).

Chương III

THỐNG KÊ, KIỂM KÊ TRỮ LƯỢNG KHOÁNG SẢN

Điều 10. Xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm

1. Trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm được xác định trên cơ sở các thông tin, tài liệu sau đây:

a) Các bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng khu vực khai thác khoáng sản đã lập của năm trước đó;

b) Bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng được cập nhật theo quy định tại Điều 4 hoặc lập bổ sung nêu tại khoản 2 Điều 9 Thông tư này;

c) Tập hợp các thông tin về địa chất, khoáng sản; số liệu, mẫu bổ sung trong quá trình khai thác của năm báo cáo;

d) Số liệu về tỷ lệ tổn thất khoáng sản, tỷ lệ làm nghèo khoáng sản thực tế; hệ số thực thu khoáng sản khi phân loại, làm giàu khoáng sản (nếu có).

2. Việc xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm được tính theo phương pháp tính trữ lượng đã sử dụng khi lập báo cáo kết quả thăm dò.

3. Trữ lượng khoáng sản đã khai thác hàng năm được tính quy đổi về khối trữ lượng địa chất (khoáng sản còn ở trạng thái tự nhiên, chưa khai thác) và phải xác định theo 02 nhóm chỉ tiêu và thông số tính trữ lượng sau:

a) Chỉ tiêu, thông số tính trữ lượng của báo cáo kết quả thăm dò;

b) Chỉ tiêu, thông số tính trữ lượng theo kết quả thăm dò bổ sung và khai thác thực tế.

Điều 11. Thống kê trữ lượng khoáng sản

Việc thống kê trữ lượng khoáng sản được xác định trên cơ sở các thông tin, tài liệu sau đây:

1. Tổng trữ lượng khoáng sản đã khai thác theo chỉ tiêu thông số tính trữ lượng của báo cáo kết quả thăm dò tính đến thời điểm thống kê. Đây là số liệu thống kê trữ lượng đã khai thác trong năm báo cáo.

2. Tổng trữ lượng khoáng sản đã khai thác theo chỉ tiêu thông số tính trữ lượng được xây dựng theo kết quả thăm dò bổ sung và khai thác thực tế tính đến thời điểm thống kê. Đây là số liệu để tính toán sản lượng khoáng sản đã khai thác, khối lượng khoáng sản đã xuất khẩu; tổng khối lượng khoáng sản đã tiêu thụ trong năm; tổng khối lượng khoáng sản đã khai thác thực tế tính đến năm báo cáo.

Điều 12. Kiểm kê trữ lượng khoáng sản

Việc kiểm kê trữ lượng khoáng sản trong khu vực được phép khai thác xác định trên cơ sở các thông tin, tài liệu sau đây:

1. Trữ lượng khoáng sản địa chất được phép khai thác ghi trong giấy phép khai thác khoáng sản.

2. Trữ lượng khoáng sản tăng hoặc giảm theo kết quả thăm dò nâng cấp tính đến thời điểm kiểm kê được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

3. Kết quả xác định trữ lượng khoáng sản đã khai thác trong kỳ báo cáo quy định tại Điều 10 Thông tư này.

4. Kết quả thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản tính từ năm cấp phép đến thời điểm kiểm kê thực hiện theo Mẫu số 02 và Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương IV

QUY ĐỊNH VỀ LƯU TRỮ BẢN ĐỒ HIỆN TRẠNG, BẢN VẼ MẶT CẮT HIỆN TRẠNG VÀ CÁC THÔNG TIN, TÀI LIỆU LIÊN QUAN

Điều 13. Lưu trữ bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng và các thông tin, tài liệu liên quan

1. Bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác và các thông tin, tài liệu liên quan đến hoạt động thăm dò, khai thác của mỏ phải được bảo quản dưới dạng tài liệu lưu trữ bằng văn bản giấy và tài liệu lưu trữ điện tử.

2. Tất cả tài liệu, thông tin nêu tại khoản 1 Điều này phải được lưu giữ tại trụ sở làm việc của tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản và tại khu vực khai thác khoáng sản.

3. Các tài liệu lưu trữ ở dạng văn bản giấy bao gồm:

a) Bản đồ hiện trạng;

b) Bản vẽ mặt cắt hiện trạng;

c) Tài liệu về thông tin thay đổi chất lượng, trữ lượng khoáng sản, hình thái thân khoáng sản trong kỳ lập bản đồ hiện trạng, mặt cắt hiện trạng;

d) Báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại;

đ) Thuyết minh báo cáo định kỳ hoạt động khai thác khoáng sản.

4. Tài liệu lưu trữ điện tử trên máy tính và đĩa CD rom/hoặc ổ lưu giữ di động (USB, hard disk) của toàn bộ thông tin, tài liệu nêu tại khoản 3 Điều này.

Điều 14. Trách nhiệm lập, quản lý bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng hoặc báo cáo hiện trạng và các thông tin, tài liệu liên quan

1. Người đại diện trước pháp luật của tổ chức, cá nhân được phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về sự đúng đắn các thông tin: tài liệu đã thu thập, lưu trữ, nội dung bản đồ hiện trạng và bản vẽ mặt cắt hiện trạng, báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản đã khai thác.

2. Giám đốc điều hành mỏ có trách nhiệm báo cáo, giải trình các vấn đề bao gồm: bản đồ hiện trạng, bản vẽ mặt cắt hiện trạng; thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản; sản lượng khoáng sản đã khai thác với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 4 năm 2013.

Điều 16. Tổ chức thực hiện

1. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Thông tư này.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc về nội dung Thông tư, các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản, các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Linh Ngọc

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.