THÔNG TƯ
Hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với cục tần số vô tuyến điện
____________________________
- Căn cứ Nghị định 28/CP ngày 24/5/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Bưu điện.
- Căn cứ Quyết định 158/CT ngày 18/5/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thu “các phí cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện”.
- Căn cứ Quyết định 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí.
- Căn cứ Quyết định số 494/QĐ-TCBĐ ngày 8/6/1993 của Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Tần số vô tuyến điện.
Sau khi thống nhất với Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính đối với Cục Tần số vô tuyến điện như sau.
I/ NGUYÊN TẮC CHUNG:
Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị được Tổng cục Bưu điện giao quyền cấp giấy phép sử dụng, kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện, phạt hành chính các trường hợp vi phạm quy chế sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện.
Cục Tần số vô tuyến điện là đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động theo phương thức tự cân đối, Ngân sách không cấp bù khi số thu nhỏ hơn số chi thường xuyên và không thường xuyên. Riêng chi về đầu tư xây dựng cơ bản thực hiện theo Nghị định 385 HĐBT ngày 7/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý vốn đầu tư XDCB.
II/ NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ:
A/ Phần thu:
1/ Nội dung các khoản thu của Cục Tần số vô tuyến điện.
Cục Tần số vô tuyến điện được thu (bằng đồng Việt nam và ngoại tệ) các khoản sau:
a/ Thu lệ phí có tính chất thu sự nghiệp gồm:
- Thu cấp giấy phép sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện.
- Thu bảo vệ tần số vô tuyến điện: thu hàng năm (thời gian 12 tháng).
- Thu thử tần số vô tuyến điện.
- Thu kiểm tra kỹ thuật nhập máy vô tuyến điện cho một số loại thiết bị.
b/ Thu lệ phí có tính chất thu Nhà nước gồm:
- Phí cấp hoặc đổi bằng vô tuyến điện viên.
- Thu tiền phạt.
c/ Ngoài những khoản thu nói trên nếu có những khoản thu liên quan đến công tác kiểm soát tần số vô tuyến điện, Cục Tần số vô tuyến điện phải báo cáo Tổng cục Bưu điện, Bộ Tài chính mức thu và phương pháp thu.
2/ Đối tượng thu và miễn giảm thu.
a/ Đối tượng thu: Tất cả các tổ chức cá nhân trong nước và nước ngoài có sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt nam đều phải nộp phí “cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện” quy định tại Thông tư này, kể cả các đơn vị chuyên làm kinh tế của Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và các đơn vị thông tin liên lạc của Bộ Ngoại giao.
Riêng đối với các Đại sứ quản, Lãnh sự quán, Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt nam được hưởng quy chế ngoại giao, nay tạm thời chưa thu các khoản thu nói trên.
b/ Đối tượng giảm thu: Các đối tượng sau đây được giảm 50% mức thu “cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện”.
- Các đài phát vô tuyến điện hoạt động theo mùa ở các điểm trên các triền sông để báo mức nước sông và dự báo lũ lụt.
- Các đài phát sóng phát thanh và truyền hình.
- Các đài phát vô tuyến điện của ngành Bưu điện phục vụ thông tin liên lạc các Tỉnh biên giới phía Bắc và Tây nam.
- Các đài phát vô tuyến điện nghiệp dư của các trường học để phục vụ giảng dạy và học tập.
c/ Đối tượng miễn thu “Phí cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện”:
- Các đài phát VTĐ phục vụ an ninh quốc phòng.
- Các đài phát VTĐ phục vụ đột xuất chống lụt bão và các thiên tai khác.
- Các đài phát VTĐ hoạt động từ thiện.
- Các đài phát VTĐ thuộc hệ đặc biệt phục vụ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ.
3/ Mức thu các khoản thu cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện, thu kiểm tra kỹ thuật nhập thiết bị vô tuyến điện, thu thử tần số vô tuyến điện, thu cấp bằng vô tuyến điện viên thực hiện như quy định của phụ lục kèm theo Thông tư này.
Khi chỉ số giá thay đổi tăng hoặc giảm từ 20% trở lên, Cục Tần số vô tuyến điện báo cáo Tổng cục Bưu điện để điều chỉnh mức thu cho phù hợp sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính.
4/ Cục Tần số vô tuyến điện được thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện. Mức phạt được quy định như sau:
- Sử dụng máy phát và tần số không có giấy phép bị phạt 1.000.000 đ/ máy đối với các tổ chức và cá nhân trong nước. Đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài bị phạt 1000 USD/máy. Ngoài số tiền nộp phạt đơn vị, cá nhân vi phạm còn bị truy thu các khoản phải thu đối với máy phát và tần số đã sử dụng.
- Sử dụng tần số và máy phát không đúng giấy phép bị phạt 500.000đ/máy đối với các tổ chức và cá nhân trong nước, bị phạt 500 USD/máy đối với các tổ chức và cá nhân nước ngoài. Ngoài số tiền nộp phạt, đơn vị, cá nhân vi phạm còn bị truy thu các khoản phải thu đối với máy phát và tần số đã sử dụng.
- Các đơn vị và cá nhân sử dụng máy phát và tần số vô tuyến điện không nộp các khoản phải nộp như đã quy định ở trên sẽ bị truy thu tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp và tiền phạt chậm nộp theo tỷ lệ 0,2% ngày trên số tiền chậm nộp.
5/ Tổ chức thu:
Cục Tần số vô tuyến điện là cơ quan được giao trực tiếp thu các khoản thu cấp và bảo vệ tần số vô tuyến điện, có trách nhiệm quyết toán với Ngân sách về loại thu này.
Trường hợp các Bưu điện Tỉnh Thành phố được phân cấp “cấp giấy phép và quản lý tần số” tại Địa phương thì Cục Tần số vô tuyến điện ký hợp đồng uỷ nhiệm để Bưu điện Tỉnh Thành phố thu phí cấp và bảo vệ tần số tại Địa phương, nhưng vẫn chịu trách nhiệm trước Nhà nước về số thu này. Bưu điện Tỉnh, Thành phố được trích từ 5% đến 10% số thu để chi phí nếu được uỷ nhiệm quản lý và thu phí tần số ở Địa phương. Mức trích cụ thể đối với từng Bưu điện Tỉnh, Thành phố được xác định trong hợp đồng trách nhiệm với Cục Tần số vô tuyến điện trên cơ sở số lượng máy phát và tần số phải quản lý.
B/ Phần chi:
Chi của Cục Tần số vô tuyến điện (chi bằng đồng Việt nam và bằng ngoại tệ) gồm chi thường xuyên, chi không thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản.
1/ Chi thường xuyên :
- Chi lương của cán bộ công nhân viên
- Trích bảo hiểm xã hội và kinh phí công đoàn
- Trích bảo hiểm y tế
- Bảo quản sửa chữa thường xuyên TSCĐ
- Nhiên liệu, động lực
- Sách báo kỹ thuật, tài liệu
- Công tác phí
- Các chi phí quản lý khác.
2/ Chi không thường xuyên:
- Mua sắm thiết bị lẻ (không thuộc đối tượng quản lý vốn đầu tư XDCB)
- Chi sửa chữa lớn
3/ Chi đầu tư xây dựng cơ bản.
C/ Quản lý thu chi và nộp Ngân sách:
1/ Hàng năm Cục Tần số vô tuyến điện lập kế hoạch thu chi (bằng đồng Việt nam và bằng ngoại tệ) theo các nội dung thu chi đã nêu trên gửi Tổng cục Bưu điện và Bộ Tài chính. Sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính, Tổng cục Bưu điện duyệt dự toán chi thường xuyên và không thường xuyên cho Cục Tần số vô tuyến điện.
Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, trình tự lập, xét duyệt chi và cấp vốn đầu tư XDCB thực hiện theo Nghị định số 385 HĐBT ngày 7/11/1990 của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản.
Trường hợp do thay đổi nhiệm vụ, do chính sách của Nhà nước và giá cả biến động ảnh hưởng đến dự toán thu chi tài chính đã được duyệt thì Cục Tần số vô tuyến điện lập dự toán điều chỉnh trình Bộ Tài chính xem xét theo chế độ hiện hành.
2/ Cục Tần số vô tuyến điện phải mở sổ sách kế toán theo chế độ hiện hành để theo dõi và phản ánh đầy đủ mọi khoản thu chi phát sinh trong năm.
3/ Cục Tần số vô tuyến điện được dùng khoản thu sự nghiệp (Như đã nói ở trên) để cân đối những khoản chi thường xuyên và không thường xuyên theo dự toán được duyệt.
Các khoản thu lệ phí có tính chất thu Nhà nước, Cục Tần số vô tuyến điện được dùng một phần để bù đắp chi phí và trích thưởng cho cán bộ công nhân viên, số còn lại phải nộp vào Ngân sách Nhà nước 100%. Cụ thể như sau:
- Thu lệ phí cấp hoặc đổi bằng vô tuyến điện viên: 10% để bù đắp chi phí, 5% để lập quỹ khen thưởng, 85% nộp Ngân sách Nhà nước.
- Thu tiền phạt vi phạm hành chính: 15% để trích thưởng, 85% nộp Ngân sách Nhà nước.
4/ Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm nộp vào Ngân sách Nhà nước thông qua hệ thống Kho bạc phần chênh lệch giữa thu và chi của các khoản thu sự nghiệp (nếu có) và các khoản thu lệ phí (đã quy định ở trên) theo chế độ thu Ngân sách hiện hành.
Số nộp Ngân sách của Cục Tần số vô tuyến điện về thu sự nghiệp được xác định như sau:
Tổng số phải nộp Ngân sách
|
=
|
Tổng số thu
|
-
|
Tổng số chi thường xuyên và không thường xuyên
|
-
|
Tổng số trích lập 2 quỹ
|
Các Cục thuế Địa phương có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc Cục Tần số vô tuyến điện nộp kịp thời các khoản phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
5/ Chế độ kế toán và báo cáo quyết toán:
Cục Tần số vô tuyến điện được áp dụng chế độ kế toán đơn vị sự nghiệp theo Quyết định số 257 TC/CĐKT ngày 10/6/1990 của Bộ Tài chính.
Hàng quý, năm Cục Tần số vô tuyến điện có trách nhiệm lập quyết toán gửi Tổng cục Bưu điện và Bộ Tài chính.
Căn cứ vào số liệu quyết toán của Cục Tần số vô tuyến điện, Tổng cục Bưu điện, Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, xét duyệt quyết toán cho Cục Tần số vô tuyến điện.
6/ Khen thưởng và xử phạt:
Cục Tần số vô tuyến điện trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi. Mức trích vào hai quỹ như sau:
+ 13% số thu sự nghiệp
+ 5% số thu lệ phí
+ 15% số thu về tiền phạt
Mức trích vào mỗi quỹ tối đa không vượt quá 6 tháng lương thực hiện.
Căn cứ vào mức trích trên, hàng tháng Cục Tần số vô tuyến điện được tạm trích 70% để lập quỹ . Khi quyết toán năm được duyệt sẽ xác định chính thức số được trích vào hai quỹ .
Nếu Cục Tần số vô tuyến điện vi phạm chính sách chế độ về quản lý tài chính, thu nộp Ngân sách thì sẽ bị phạt trừ vào hai quỹ theo chế độ hiện hành.
III/ ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Thông tư liên bộ số 224-TT/LB ngày 25/11/1991 của Liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải và Bưu điện.
Quá trình thực hiện có khó khăn phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.