THÔNG TƯ
Quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo
Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Các tổ chức tín dụng ngày 16 tháng 6 năm 2010 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng ngày 20 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 16/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
Căn cứ Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Thông tư này quy định về việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là tái cấp vốn).
Điều 2. Số tiền tái cấp vốn
Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng (mười sáu nghìn tỷ đồng).
Điều 3. Lãi suất tái cấp vốn
1. Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm.
2. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.
Điều 4. Thời hạn tái cấp vốn, giải ngân tái cấp vốn
1. Thời hạn tái cấp vốn là 364 ngày, kể từ ngày tiếp theo liền kề ngày Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Thời hạn tái cấp vốn quy định tại khoản 1 Điều này được áp dụng theo từng lần giải ngân quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này.
3. Thời hạn giải ngân tái cấp vốn từ ngày ký khế ước nhận nợ đầu tiên đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020.
Điều 5. Tài sản bảo đảm
Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
Điều 6. Trình tự tái cấp vốn
1. Ngân hàng Chính sách xã hội gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bản Giấy đề nghị vay tái cấp vốn theo Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này đến trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước (Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả).
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại khoản 1 Điều này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định tái cấp vốn quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện ký Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn với các nội dung cơ bản theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
4. Ngân hàng Nhà nước giải ngân tái cấp vốn từng lần đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo trình tự sau:
a) Trên cơ sở Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn quy định tại khoản 3 Điều này và Danh sách người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn để trả lương ngừng việc đã được Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sau đây gọi là Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg), Ngân hàng Chính sách xã hội gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính 01 bản Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn theo Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này đến Ngân hàng Nhà nước (Sở Giao dịch).
b) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại điểm a khoản này, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, giải ngân tái cấp vốn theo số tiền tại Giấy đề nghị giải ngân tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội sau khi Khế ước nhận nợ theo Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này đã được ký.
Điều 7. Trả nợ vay tái cấp vốn
1. Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn đã được giải ngân theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (sau đây gọi là người sử dụng lao động).
2. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Thông tư này thì chậm nhất đến ngày 15 tháng 8 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả Ngân hàng Nhà nước số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất.
3. Trường hợp khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội không trả hết nợ theo quy định tại khoản 1 Điều này thì Ngân hàng Nhà nước chuyển khoản tái cấp vốn sang theo dõi quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước và tổ chức tín dụng.
4. Trường hợp phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động, trong thời hạn 05 ngày làm việc đầu tháng tiếp theo, Ngân hàng Chính sách xã hội phải sử dụng toàn bộ số tiền trả nợ của người sử dụng lao động trong tháng để trả nợ vay tái cấp vốn theo thứ tự từ Khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất (bao gồm trường hợp khoản vay tái cấp vốn đã chuyển sang theo dõi quá hạn, khoản vay tái cấp vốn chưa đến hạn), trừ trường hợp khoản nợ vay của người sử dụng lao động đã được xóa theo quy định tại khoản 4 Điều 17 Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg.
5. Trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước áp dụng biện pháp xử lý như sau:
a) Áp dụng lãi suất bằng lãi suất cho vay quá hạn của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với người sử dụng lao động theo quy định tại Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (12%/năm) đối với số tiền chưa trả đúng, kể từ ngày tiếp theo liền kề sau ngày phải trả theo quy định tại Thông tư này đến ngày Ngân hàng Chính sách xã hội trả hết số tiền chưa trả đúng;
b) Trích tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Chính sách xã hội tại Ngân hàng Nhà nước để thu hồi số tiền vay tái cấp vốn mà Ngân hàng Chính sách xã hội chưa trả đúng và tiền lãi quy định tại điểm a Khoản này trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước nhận được văn bản thông báo vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 5 Điều 9 Thông tư này.
6. Ngân hàng Nhà nước xử lý rủi ro đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại điểm b khoản 3 Mục IV Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và các quy định của pháp luật liên quan.
Điều 8. Trách nhiệm của Ngân hàng Chính sách xã hội
1. Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho Ngân hàng Nhà nước các văn bản, tài liệu về việc vay tái cấp vốn. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, hợp pháp của các văn bản, tài liệu đã cung cấp.
2. Ký Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn, Khế ước nhận nợ với Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, nhận giải ngân tiền vay tái cấp vốn và trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại Thông tư này.
3. Sử dụng tiền vay tái cấp vốn đúng mục đích; theo dõi, hạch toán, quản lý riêng khoản vay tái cấp vốn quy định tại Thông tư này.
4. Chậm nhất vào ngày 20 tháng 8 năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về số liệu tiền vay tái cấp vốn đã giải ngân theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg theo Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này, đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; thời gian chốt số liệu từ ngày bắt đầu nhận giải ngân tiền vay tái cấp vốn đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020.
5. Trong thời hạn 10 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo sau tháng phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động, Ngân hàng Chính sách xã hội có văn bản giấy, gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế), báo cáo về việc trả nợ vay tái cấp vốn từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động theo Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này; thời gian chốt số liệu từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng phát sinh tiền trả nợ của người sử dụng lao động.
6. Đôn đốc, thu hồi khoản cho vay người sử dụng lao động để trả nợ vay tái cấp vốn Ngân hàng Nhà nước.
Điều 9. Trách nhiệm các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước
1. Vụ Chính sách tiền tệ
a) Đầu mối trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư này;
b) Đầu mối xử lý các vướng mắc phát sinh liên quan đến quy định tại Thông tư này.
2. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng
a) Giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 7 và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có văn bản thông báo vi phạm gửi Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế. Văn bản thông báo vi phạm xác định rõ nội dung vi phạm và biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này.
3. Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước
a) Thực hiện ký Hợp đồng nguyên tắc về tái cấp vốn, phê duyệt và giải ngân tái cấp vốn, thu nợ tái cấp vốn, chuyển khoản tái cấp vốn sang theo dõi quá hạn theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật có liên quan;
b) Thực hiện các biện pháp quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này sau khi nhận được văn bản thông báo vi phạm quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 5 Điều này;
c) Trong thời hạn 15 ngày làm việc đầu tiên của tháng tiếp theo của tháng báo cáo, báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về số liệu tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội theo Phụ lục VII ban hành kèm theo Thông tư này; đồng thời gửi Vụ Chính sách tiền tệ, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế; thời gian chốt số liệu từ ngày 01 đến hết ngày cuối cùng của tháng báo cáo.
4. Vụ Tài chính - Kế toán
a) Hướng dẫn hạch toán kế toán liên quan đến việc tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội quy định tại Thông tư này;
b) Đầu mối trong việc thực hiện xử lý rủi ro phát sinh đối với khoản vay tái cấp vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
5. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với đơn vị trực thuộc của Ngân hàng Chính sách xã hội trên địa bàn trong việc thực hiện các quy định tại Thông tư này;
b) Trường hợp phát hiện Ngân hàng Chính sách xã hội có tiền trả nợ của người sử dụng lao động mà không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 7 và/hoặc Ngân hàng Chính sách xã hội không trả nợ vay tái cấp vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có văn bản thông báo vi phạm gửi Ngân hàng Chính sách xã hội, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, Vụ Chính sách tiền tệ, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng. Văn bản thông báo vi phạm xác định rõ nội dung vi phạm và biện pháp xử lý theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Thông tư này.
6. Cục Công nghệ thông tin
Tổ chức nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống phần mềm nghiệp vụ đáp ứng theo quy định tại Thông tư này.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 07 tháng 05 năm 2020.
2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này./.