• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 13/03/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 10/03/2019
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 16/2007/TT-BNN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 2 năm 2007

 

 

 

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn quản lý, sử dụng Chứng chỉ xuất khẩu mẫu vật

lưu niệm thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế

các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp

_________________________

Căn cứ Nghị định số 86/2003/NĐ-CP ngày 18/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện việc quản lý, sử dụng Chứng chỉ xuất khẩu mẫu vật lưu niệm thuộc phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Chứng chỉ CITES).

Mục I:

QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Chứng chỉ CITES quy định tại Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10/8/2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.

2. Đối tượng áp dụng

Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến xuất khẩu ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam các mẫu vật lưu niệm được chế tác từ các loài động, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là Công ước CITES).

Mục II:

IN ẤN, PHÁT HÀNH, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG CHỨNG CHỈ CITES

1. In ấn, phát hành Chứng chỉ CITES

a) Chứng chỉ CITES do Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam in ấn và phát hành thống nhất chung trong toàn quốc. Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp nhận, quản lý, cấp phát cho các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện sử dụng quy định tại điều 2, Mục này.

b) Mẫu Chứng chỉ CITES

- Kích thước chứng chỉ: chiều dài 21 cm, chiều rộng 16 cm.

- Chứng chỉ CITES in bằng tiếng Anh và tiếng Việt trên giấy carbon, liên gốc giao khách hàng có màu trắng, liên lưu màu vàng.

- Chứng chỉ CITES có số sê-ri ở góc trên bên phải do Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam xác định.

- Mẫu Chứng chỉ CITES theo phụ lục kèm theo Thông tư này.

2. Tổ chức, cá nhân được cấp và sử dụng Chứng chỉ CITES

a) Trại nuôi sinh sản, trại nuôi sinh trưởng, cơ sở trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận đăng ký trại nuôi, cơ sở trồng cấy theo quy định tại Điều 21 Nghị định số 82/2006/NĐ-CP.

b) Cơ sở kinh doanh mẫu vật lưu niệm được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép đăng ký kinh doanh; có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng nguyên liệu từ động vật, thực vật hoang dã với các trại nuôi, cơ sở trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã theo quy định hiện hành của Nhà nước.

3. Quản lý và sử dụng Chứng chỉ CITES

a) Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam có trách nhiệm:

- In ấn, xem xét phát hành Chứng chỉ CITES theo đề nghị của Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

- Kiểm tra việc quản lý Chứng chỉ CITES đối với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức, cá nhân được cấp và sử dụng.

b) Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

- Đăng ký nhu cầu cấp Chứng chỉ CITES của các tổ chức cá nhân trên địa bàn quản lý với Cơ quan Quản lý CITES Việt Nam trong tháng 12 hàng năm; lập sổ theo dõi số lượng, số sê-ri Chứng chỉ CITES được nhận; đảm bảo cấp Chứng chỉ CITES kịp thời, đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các tổ chức, cá nhân quy định tại điểm 2, Mục này; thanh toán chi phí in ấn, phát hành Chứng chỉ CITES với Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam;

- Quản lý, kiểm tra và hướng dẫn việc sử dụng Chứng chỉ CITES của các tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật;

- Báo cáo định kỳ hàng năm cho Cơ quan quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam về tình hình quản lý, sử dụng và cấp Chứng chỉ CITES trên địa bàn vào tháng 01 năm kế tiếp;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, cấp phát Chứng chỉ CITES trên địa bàn.

c) Tổ chức, cá nhân được cấp và sử dụng Chứng chỉ CITES có trách nhiệm:

- Đăng ký với Chi cục Kiểm lâm sở tại về nhu cầu sử dụng Chứng chỉ CITES trong năm kế hoạch kế tiếp vào tháng 12 và thanh toán chi phí mua Chứng chỉ CITES với Chi cục Kiểm lâm;

- Đăng ký mẫu mã, biểu tượng, nhãn mác mẫu vật là hàng lưu niệm do mình sản xuất; lập sổ theo dõi số lượng, số sê-ri Chứng chỉ CITES được cấp và thanh toán chi phí mua Chứng chỉ CITES với Chi cục Kiểm lâm;

- Báo cáo định kỳ 6 tháng về việc sử dụng Chứng chỉ CITES chậm nhất vào ngày 15/7 hàng năm; báo cáo hàng năm chậm nhất vào ngày 15/01 hàng năm cho Chi cục Kiểm lâm sở tại. Nội dung báo cáo phải phản ánh cụ thể về số lượng Chứng chỉ CITES được cấp, số lượng Chứng chỉ đã sử dụng, số lượng và giá trị mẫu vật đã được cấp Chứng chỉ CITES;

- Viết đầy đủ các nội dung Chứng chỉ CITES cho khách hàng theo đúng quy định tại Thông tư này và chịu trách nhiệm trước pháp luật và Cơ quan Quản lý Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp Việt Nam về việc sử dụng và cấp Chứng chỉ CITES.

4. Sử dụng Chứng chỉ CITES

a) Chứng chỉ CITES được giao cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài (sau đây gọi là kháng hàng) có hoạt động xuất khẩu mẫu vật của các loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại các phụ lục của Công ước CITES và đủ điều kiện xuất khẩu theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP sử dụng;

b) Chứng chỉ CITES chỉ sử dụng trong trường hợp xuất khẩu mẫu vật lưu niệm hoàn chỉnh; không được sử dụng đối với mẫu vật là động vật, thực vật sống;

c) Một khách hàng chỉ được cấp Chứng chỉ CITES tối đa 4 (bốn) mẫu vật mỗi loại;

d) Chứng chỉ bị hỏng không thể sử dụng được thì gạch chéo và lưu đầy đủ. Chứng chỉ bị thất lạc hoặc khi phát hiện giấy Chứng chỉ giả, tổ chức, cá nhân phải báo ngay cho cơ quan công an và Chi cục Kiểm lâm sở tại.

5. Viết Chứng chỉ

- Viết rõ ràng, không tẩy xóa, chỉ viết một loại mực màu xanh hoặc màu đen, không viết tắt. Liên gốc màu trắng giao cho khách hàng, liên lưu màu vàng. Nội dung Chứng chỉ CITES tại liên giao cho khách hàng và liên lưu lại phải giống nhau.

- Mã số trại: ghi rõ mã số trại được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp.

- Tên và địa chỉ cơ sở phân phối: Ghi rõ tên và địa chỉ chi tiết của tổ chức, cá nhân phân phối mẫu vật.

- Số chứng chỉ: do tổ chức, cá nhân sử dụng Chứng chỉ CITES ghi theo số thứ tự tự nhiên liên tiếp từ số 1.

- Tên khách hàng: ghi rõ họ và tên đầy đủ của khách hàng.

- Quốc tịch: ghi rõ quốc tịch của khách hàng.

- Số hộ chiếu: ghi đầy đủ cả phần chữ và phần số hộ chiếu.

- Cột tên khoa học: ghi đầy đủ tên khoa học của mẫu vật.

- Cột mô tả mẫu vật: ghi rõ loại mẫu vật (túi xách, ví, thắt lưng…).

- Cột nguồn và phụ lục: ghi rõ mẫu vật thuộc phụ lục nào của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp, quy định tại Quyết định số 54/2006/QĐ-BNN ngày 05 tháng 7 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp về việc công bố Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp.

- Cột số lượng: ghi rõ số lượng và đơn vị tính (cái, chiếc…).

- Chữ ký và họ tên của chủ trại: ký và ghi rõ họ, tên đầy đủ của người cấp.

- Ngày: ghi rõ ngày cấp Chứng chỉ CITES.

Mục III:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ảnh về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xét giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Hứa Đức Nhị

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.