• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 11/01/2003
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 147/2002/TTLT/BNNPTNT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2002

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Về hướng dẫn một số điểm về việc xác nhận thương binh hoặc liệt sĩ đối với

lực lượng kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng

______________________________

 

Căn cứ Nghị định số 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công với Cách mạng.

 

Thực hiện Chỉ thị số 286/TTg và 287/TTg ngày 02 tháng 5 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn một số điểm về việc xác nhận thương binh hoặc liệt sĩ đối với lực lượng Kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng,

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN XEM XÉT

1. Đối tượng:

Công chức, viên chức, lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong lực lượng Kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, tài sản về rừng.

2. Điều kiện:

Công chức, viên chức, lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong lực lượng Kiểm lâm khi làm nhiệm vụ bị thương (có vết thương thực thể) được xem xét xác nhận là người hưởng chính sách như thương binh hoặc hy sinh được xem xét xác nhận liệt sĩ thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Đấu tranh chống các tội phạm về rừng;

b) Dũng cảm làm những công việc cấp bách để bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, tài sản về rừng;

c) Những người trong quá trình làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, tài sản về rừng ở địa bàn có phụ cấp lương đặc biệt mức 100% và ở nơi được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ: Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính, mà bị ốm đau, tai nạn dẫn đến bị chết, hoặc bị tai nạn dẫn đến bị thương (trừ trường hợp tự bản thân gây nên hoặc vi phạm pháp luật, quy định của đơn vị).

II. THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM LẬP THỦ TỤC CÔNG NHẬN VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI NGƯỜI HƯỞNG CHÍNH SÁCH NHƯ THƯƠNG BINH

1. Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nếu được uỷ quyền xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương thuộc lực lượng Kiểm lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Trưởng Ban Tổ chức chính quyền nếu được uỷ quyền xem xét cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương thuộc lực lượng Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý.

2. Giới thiệu giám định thương tật:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương chịu trách nhiệm giới thiệu người bị thương (kèm hồ sơ) đến giám định thương tật tại Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh/thành phố nơi người bị thương hiện đang có hộ khẩu thường trú, đồng thời thông báo cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người bị thương cư trú biết để phối hợp giải quyết.

3. Hồ sơ thương binh:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận bị thương lập và hoàn chỉnh hồ sơ, gồm:

a) Giấy xác nhận đối với trường hợp bị thương:

Biên bản xảy ra sự việc đối với người bị thương trong trường hợp qui định tại tiết a và b điểm 2 mục I nêu trên (do cơ quan quản lý người bị thương hoặc chính quyền địa phương nơi xẩy ra sự việc lập). Trường hợp bị thương do đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về rừng thì ngoài biên bản xảy ra sự việc còn kèm theo bản án hoặc kết luật của cơ quan điều tra;

Giấy xác nhận hưởng phụ cấp lương đặc biệt mức 100% nếu bị thương trong trường hợp quy định tại tiết c mục 1 nêu trên hoặc giấy xác nhận địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ (do cơ quan cấp giấy chứng nhận bị thương xác nhận) theo quy định tại Thông tư số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính;

b) Giấy ra viện sau khi điều trị vết thương;

c) Giấy chứng nhận bị thương (Lập 4 bản theo mẫu số 6-TB1 Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an bản kèm theo) do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký;

d) Biên bản giám định thương tật do Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền cấp.

4. Thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương:

Sau khi nhận được kết quả giám định thương tật của Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh/thành phố, cơ quan/đơn vị giới thiệu người bị thương đi giám định thương tật có trách nhiệm đăng ký, lưu giữ biên bản giám định (bản sao) của người bị thương, sau đó làm thủ tục chuyển toàn bộ hồ sơ đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh/thành phố nơi người bị thương cư trú, hoặc công tác để kiểm tra lập thủ tục giải quyết quyền lợi đối với người bị thương theo qui định tại điểm 2, điểm 3, mục IV, phần B Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an.

III. THẨM QUYỀN TRÁCH NHIỆM LẬP HỒ SƠ LIỆT SỸ VÀ GIẢI QUYẾT QUYỀN LỢI ĐỐI VỚI GIA ĐÌNH LIỆT SĨ

1. Thẩm quyền cấp Giấy báo tử:

a) Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ nếu được uỷ quyền, xem xét cấp giấy báo tử đối với người hy sinh thuộc lực lượng Kiểm lâm trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

b) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố hoặc Trưởng ban Ban Tổ chức chính quyền nếu được uỷ quyền, xem xét cấp giấy báo tử đối với người hy sinh thuộc lực lượng Kiểm lâm trực thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quản lý.

2. Hồ sơ đề nghị công nhận liệt sỹ:

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử lập và hoàn chỉnh hồ sơ, gồm:

a) Giấy xác nhận đối với trường hợp hy sinh:

- Biên bản xảy ra sự việc đối với người hy sinh trong trường hợp quy định tại tiết a và b điểm 2 mục I nêu trên (do cơ quan quản lý người hy sinh hoặc chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc lập). Trường hợp hy sinh do đấu tranh chống các hành vi vi phạm pháp luật về rừng thì ngoài biên bản xảy ra sự việc còn kèm theo bản án hoặc kết luận của cơ quan điều tra;

- Giấy xác nhận hưởng phụ cấp lương đặc biệt mức 100% nếu hy sinh trong trường hợp quy định tại tiết c mục I nêu trên hoặc giấy xác nhận địa bàn được coi là đặc biệt khó khăn gian khổ (do cơ quan cấp giấy báo tử xác nhận) theo quy định tại Thông tư số 2076/1998/TTLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 08 tháng 7 năm 1998 của Liên Bộ Quốc phòng - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính.

- Hồ sơ bệnh án và giấy chứng tử của bệnh viện.

b) Giấy báo tử (Lập 4 bản theo mẫu số 3-LS1 Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an bản kèm theo) do thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền ký.

Sau khi lập và hoàn chỉnh hồ sơ cơ quan, đơn vị lưu giữ 01 giấy báo tử; bàn giao hồ sơ để nghị công nhận liệt sỹ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú.

3. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Thực hiện như quy định tại điểm 2, mục III, phần A Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an.

4. Giải quyết quyền lợi đối với gia đình liệt sĩ:

Thực hiện như quy định tại mục IV, phần A Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Công chức, viên chức lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong lực lượng Kiểm lâm bị thương hoặc bị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, tài sản về rừng từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà đủ điều kiện xác nhận hưởng chính sách như Thương binh hoặc Liệt sỹ theo quy định tại Thông tư này thì các cơ quan, đơn vị tự tập hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét lập thủ tục xác nhận từng trường hợp, sau đó báo cáo về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để thống nhất với Bộ Lao - Thương binh và Xã hội cho ý kiến thực hiện.

2. Công chức, viên chức, lao động làm việc theo hợp đồng lao động trong lực lượng Kiểm lâm bị thương hoặc hy sinh không phải trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ rừng, tài nguyên rừng, tài sản về rừng thì việc xem xét, xác nhận hưởng chính sách thương binh hoặc liệt sỹ thực hiện theo Nghị định 28/CP ngày 29 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA ngày 25 tháng 11 năm 1998 của Liên bộ Bộ Lao động thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

3. Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Nguyễn Đình Liêu

Nguyễn Văn Đẳng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.