THÔNG TƯ LIÊN BỘ
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI - BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM
Về việc ưu tiên, ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công giúp đỡ Cách mạng trong quá trình đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp
Từ trước đến nay, trong những chủ trương chính sách về ruộng đất và nông nghiệp, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm và có sự ưu tiên, ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công giúp đỡ cách mạng.
Nhân dân ta cũng có rất nhiều hình thức và việc làm cụ thể thể hiện tấm lòng ưu ái, quan tâm chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công giúp đỡ cách mạng.
Hiện nay, cả nước đang tiến hành đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp theo Nghị quyết số 10/NQ-TƯ ngày 5/4/1988 của Bộ Chính trị và Nghị định số 171-HĐBT ngày 14/11/1988 của Hội đồng Bộ trưởng, thi hành Nghị quyết và Nghị định trên, để tiếp tục chăm sóc và động viên các gia đình chính sách kể cả các gia đình chưa vào hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, hăng hái lao động sản xuất, ổn định đời sống phù hợp với cơ chế quản lý mới, Liên Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm - Lao động - Thương binh và xã hội hướng dẫn việc thực hiện ưu tiên, ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công giúp đỡ cách mạng như sau:
I- Yêu cầu của việc ưu tiên, ưu đãi
Với tinh thần đền ơn trả nghĩa đối với những người, những gia đình đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, việc ưu tiên, ưu đãi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công giúp đỡ cách mạng trong quá trình đổi mới quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp phải nhằm đạt các yêu cầu sau:
- ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của các gia đình chính sách, bảo đảm cho các gia đình này có mức sống ít nhất cũng bằng mức sống trung bình của nhân dân địa phương.
- Gắn việc thực hiện tốt chính sách ưu tiên ưu đãi đối với người có công, việc thực hiện tốt Nghị quyết 10 và Nghị định số 171-HĐBT, thực hiện đoàn kết nông thôn với việc phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
- Nội dung ưu tiên, ưu đãi được thể hiện chủ yếu bằng giao ruộng đất và tạo điều kiện cho các gia đình chính sách sử dụng có hiệu quả cao phần đất được giao, để từ lao động sản xuất mà có thu nhập, bảo đảm cuộc sống một cách cơ bản và ổn định; hết sức quan tâm những gia đình có nhiều cống hiến, gia đình gặp nhiều khó khăn, tránh bình quân, dàn đều trong phân phối.
II- Nội dung ưu tiên, ưu đãi
1. Các đối tượng chính sách ưu tiên nhận ruộng đất khoán và được tạo mọi điều kiện thuận tiện (về sức kéo, vốn lao động, kỹ thuật...) để sử dụng có hiệu quả cao phần ruộng đất nhận khoán. Cụ thể là:
a) Được nhận khoán ruộng, đất, vườn ao ở những nơi thuận tiện và phù hợp với điều kiện canh tác của từng gia đình;
Những gia đình có nhu cầu và điều kiện thì được xét giao thêm đất khoán theo khả năng của địa phương.
Tuỳ tình hình cụ thể (về quỹ ruộng đất, về số đối tượng...) các địa phương có thể dành một số diện tích ruộng đất giao cho các đối tượng chính sách trước hết là những gia đình chính sách có nhiều khó khăn. Các đối tượng chính sách được quyền chủ động canh tác, sử dụng hoa lợi và được miễn góp quỹ trên diện tích được giao.
b) Các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có biện pháp bảo đảm một số khâu dịch vụ nhất là những khâu nặng nhọc như làm đất, tưới tiêu nước... (theo điều 7 bản quy định kèm theo Nghị định số 171-HĐBT ngày 14/11/1988 của Hội đồng Bộ trưởng) cho các gia đình chính sách, trước hết là những gia đình có nhiều khó khăn như thương binh hạng 1, bệnh binh hạng 1, thương binh cụt chân, cụt tay, thân nhân liệt sĩ thiếu sức lao động... gieo cấy kịp thời vụ.
Chính quyền cấp xã, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các đoàn thể quần chúng các tổ chức xã hội có kế hoạch và vận động nhân dân giúp đỡ các gia đình này trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng hoàn thành được hợp đồng đã ký kết với tập thể.
c) Đối với những gia đình thiếu vốn, các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất và các tổ chức kinh tế quốc doanh cần ưu tiên thực hiện phương thức ứng vật tư trước, thu sản phẩm sau hoặc cho vay vốn với lãi suất hợp lý để các hộ này có điều kiện bảo đảm sản xuất. ở những nơi đã lập quỹ xã hội, thì trước hết cần sử dụng vào công việc này.
d) Đối với các gia đình chính sách gặp khó khăn, thì hợp tác xã, tập đoàn sản xuất xét miễn giảm mức đóng góp các quỹ cho tập thể. Trường hợp quá khó khăn thì hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trích quỹ phúc lợi, quỹ bảo hiểm sản xuất để hỗ trợ thêm, không để các gia đình này phải chịu vay nặng lãi. Đối với một số gia đình chịu khó lao động và chi tiêu tiết kiệm nhưng do hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nợ tập thể lâu ngày không thể trả được thì đưa ra đại hội xã viên xét xoá nợ.
e) Những gia đình nhận khoán cây trồng hoặc vật nuôi cũng được ưu tiên và giúp đỡ các công việc cần thiết để bảo đảm thực hiện kế hoạch hợp đồng với tập thể.
f) Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương, theo quyền hạn quy định trong Pháp lệnh về thuế nông nghiệp (điều 18), xét miễn giảm thuế nông nghiệp cho những người được hưởng chính sách có mức sống thấp, dưới mức trung bình của nhân dân địa phương.
ở những nơi chưa tổ chức hợp tác xã, hoặc tập đoàn sản xuất và đối với những gia đình chính sách chưa vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức giúp đỡ thiết thực để các gia đình chính sách sản xuất có kết quả, có thu nhập ổn định đời sống.
2. Ngoài việc ưu tiên, ưu đãi nói trên các đối tượng chính sách còn được ưu tiên về đào tạo sắp xếp công việc làm phù hợp. Cụ thể là:
- Những người có đủ điều kiện thì được ưu tiên về đào tạo, bồi dưỡng để trở thành cán bộ quản lý có chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật làm nòng cốt cho hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.
- Được hợp tác xã, tập đoàn sản xuất dành hoặc tạo những công việc ngành nghề đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới và phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của từng người, từng gia đình, được sự giúp đỡ về vốn, ưu tiên cung ứng vật tư, nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
- Được ưu tiên thu nhận vào làm việc ở các vườn cây, ao cá và các tổ chức dịch vụ của địa phương, được giúp đỡ phát triển kinh tế vườn, phát triển ngành nghề, hướng dẫn xây dựng kế hoạch làm ăn chi tiêu...
Đối với một số đối tượng không thể nhận ruộng và cũng không thể sắp xếp công việc phù hợp thì hợp tác xã, tập đoàn sản xuất trích quỹ phúc lợi hoặc quỹ xã hội (nếu đã thành lập) trợ giúp để họ bảo đảm cuộc sống, hoặc đưa vào nuôi dưỡng tại các nhà bảo trợ của xã (nếu có).
Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng và nhiều văn bản tiếp theo của Đảng, Nhà nước đã đề cập những nội dung của chính sách xã hội, trong đó có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và gia đình có công giúp đỡ cách mạng, thể hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Liên Bộ yêu cầu Uỷ ban nhân dân các cấp cùng với việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ hiện hành, cần quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các ngành kinh tế - xã hội, các tổ chức quần chúng thực hiện nghiêm chỉnh các nội dung ưu tiên, ưu đãi đã nêu trong Thông tư này, để sớm ổn định đời sống cho các gia đình chính sách.
Các Sở Nông nghiệp, Lao động - Thương binh và xã hội phối hợp chặt chẽ, làm tham mưu đắc lực cho Uỷ ban nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Thông tư này.