• Hiệu lực:
  • Ngày có hiệu lực: 24/08/2011
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 1474/CT-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 24 tháng 8 năm 2011

CHỈ THỊ

Về thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để chấn chỉnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai

________________________

 Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp để đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) theo Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12 tháng 11 năm 2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008; các địa phương đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận và kết quả đạt được trong 3 năm qua là rất lớn. Tuy nhiên, việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận một số loại đất còn chậm, nhất là đất chuyên dùng và đất ở đô thị; lượng Giấy chứng nhận đã ký chưa trao cho người được cấp ở một số địa phương còn tồn đọng nhiều; việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn chậm, chưa thống nhất, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng chưa cao; việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính chưa được thực hiện đầy đủ, thường xuyên theo quy định.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do thủ tục cấp Giấy chứng nhận ở một số địa phương chậm được cải cách, còn phiền hà, phức tạp, vượt quá thời gian quy định; việc đầu tư kinh phí đo đạc và đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của nhiều địa phương còn ít, địa bàn triển khai dàn trải nên việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận thực hiện chậm, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa thật sự được coi trọng và tập trung chỉ đạo thực hiện; hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất các cấp, nhất là ở cấp huyện còn hạn chế năng lực do thiếu cán bộ và các điều kiện làm việc cần thiết theo yêu cầu nhiệm vụ được giao; một số quy định về nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận chưa phù hợp thực tế; tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận chưa giảm, gây nhiều bức xúc trong dư luận; tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và pháp luật xây dựng còn phổ biến, nhất là các dự án phát triển nhà ở tại các thành phố lớn; ý thức chấp hành pháp luật trong việc đăng ký đất đai của các tổ chức, cá nhân sử dụng đất chưa nghiêm, nhất là các cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém trên đây nhằm xây dựng hệ thống quản lý đất đai có nền nếp, ổn định, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm công bằng, minh bạch trong các quan hệ về sử dụng đất đai và sở hữu tài sản gắn liền với đất, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

a) Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cấp Giấy chứng nhận ở địa phương, nhất là đất ở và đất chuyên dùng; hàng năm các tỉnh, thành phố giao chỉ tiêu kế hoạch cấp Giấy chứng nhận cho từng huyện, xã làm cơ sở để đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ.

Trước mắt, cần chỉ đạo rà soát, thống kê toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận và hồ sơ đăng ký biến động đất đai đã tiếp nhận chưa giải quyết, số Giấy chứng nhận đã ký chưa trao, tập trung lực lượng, phấn đấu giải quyết xong các công việc này trước tháng 12 năm 2011. Những trường hợp sử dụng đất có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai còn tồn đọng, phức tạp, có tính phổ biến thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét ban hành quy định cụ thể giải quyết dứt điểm tình trạng này trong 2 năm 2011 và 2012 để lập hồ sơ quản lý.

b) Tổ chức kiểm tra việc đăng ký, cấp Giấy chứng nhận đối với tất cả các tổ chức đang sử dụng đất, nhất là các dự án phát triển nhà ở tại các thành phố để xử phạt nghiêm khắc các trường hợp không thực hiện kê khai đăng ký đất đai theo quy định; đồng thời xử lý các vướng mắc nhằm hoàn thành việc đăng ký, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và cấp Giấy chứng nhận cho các đối tượng này trong năm 2011 và năm 2012.

c) Từ nay đến hết năm 2011 thực hiện rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định về cấp Giấy chứng nhận của địa phương không còn phù hợp với pháp luật hiện hành; tăng cường cải cách thủ tục cấp Giấy chứng nhận nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân thực hiện, giám sát; đồng thời, thông báo số điện thoại nóng để người dân phản ánh tình hình.

d) Thành lập, kiện toàn Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất bảo đảm có đủ bộ máy, nhân lực, kinh phí và các điều kiện làm việc cần thiết để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật đất đai. Đối với các địa bàn có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận và đăng ký biến động đất đai lớn mà Văn phòng đăng ký cấp huyện chưa đáp ứng được thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường mở các chi nhánh để hỗ trợ thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân.

đ) Bố trí đủ kinh phí từ ngân sách địa phương, bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và đăng ký biến động, chỉnh lý hồ sơ địa chính thường xuyên.

Việc đầu tư kinh phí cần tập trung để thực hiện đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hoàn thành dứt điểm cho từng đơn vị hành chính cấp huyện; trong đó, cần ưu tiên thực hiện trước ở đô thị và các địa bàn có tình hình sử dụng đất phức tạp.

e) Thường xuyên chỉ đạo theo dõi, cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai ở các cấp, phát huy hiệu quả của hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu địa chính và thực hiện tốt việc thống kê đất đai định kỳ hàng năm.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng kiểm tra việc sử dụng đất, xây dựng công trình và cấp Giấy chứng nhận tại một số dự án phát triển nhà ở thương mại tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trước tháng 10 năm 2011. Thực hiện đánh giá kết quả kiểm tra, đề xuất các giải pháp khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay; đối với những dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì tổ chức thanh tra, xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.

b) Chủ trì lập, triển khai thực hiện Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất từ Trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện bằng ngân sách trung ương, nhằm xây dựng mô hình quản lý đất đai hiện đại, đáp ứng yêu cầu thông tin đất đai của các ngành, các lĩnh vực và các giao dịch của người sử dụng đất.

Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ kinh phí thực hiện trong năm 2011; đồng thời tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương huy động các nguồn lực để trong 2 năm (2011 - 2012) xây dựng xong cho mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương một mô hình cơ sở dữ liệu đất đai hoàn chỉnh trên phạm vi cấp huyện làm cơ sở triển khai trên diện rộng trong những năm tới.

c) Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ chuyên môn và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương về đánh giá tình hình, kết quả thực hiện Chỉ thị này trong tháng 12 năm 2012.

3. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, đề xuất sửa đổi các quy định về thu, chi tài chính liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận, nhất là các quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, sử dụng phí, lệ phí liên quan đến các hoạt động của hệ thống Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, bảo đảm kinh phí cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước tháng 6 năm 2012.

b) Cân đối, bố trí kinh phí hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho các cán bộ thuộc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

c) Căn cứ khả năng cân đối ngân sách trung ương hàng năm để tiếp tục bố trí hỗ trợ các địa phương khó khăn một phần kinh phí thực hiện công tác đo đạc, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

d) Hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí hàng năm cho việc cập nhật, chỉnh lý biến động hồ sơ địa chính.

4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện Chỉ thị này, báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ 6 tháng, hàng năm về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra và báo cáo Thủ tướng Chính phủ định kỳ 6 tháng, hàng năm về tình hình thực hiện các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị này.

 

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Hoàng Trung Hải

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.