THÔNG TƯ
LIÊN BỘ VĂN HOÁ - LAO ĐỘNG - TÀI CHÍNH SỐ 202-TT/LB NGÀY
30 - 12 - 1985 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ - NGHỆ THUẬT CHUYÊN NGHIỆP.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết lần thứ 8 của Trung ương Đảng khoá V, và thi hành Nghị định số 235 - HĐBT ngày 18 - 9 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng về cải tiến chế độ tiền lương của công nhân viên chức Nhà nước, liên Bộ Văn hoá - Lao động - Tài chính hướng dẫn thực hiện các chế độ phụ cấp đối với hoạt động văn hoá - nghệ thuật chuyên nghiệp trong ngành văn hoá, như sau:
I. VỀ CHẾ ĐỘ BỒI DƯỠNG DIỄN VIÊN NGHỆ THUẬT.
Lao động nghệ thuật biểu diễn là lao động nội tâm đồng thời với hình thức biểu hiện mang tính đặc thù. Để khuyến khích phát huy tài năng sáng tạo trong lao động nghệ thuật đạt chất lượng cao, diễn viên nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp được hưởng các chế độ phụ cấp bồi dưỡng như sau:
1. Phụ cấp bồi dưỡng luyện tập biểu diễn nghệ thuật.
Các mức bồi dưỡng luyện tập sau đây, nhằm bồi dưỡng sức hao phí về thể lực và trí tuệ của người diễn viên trong lao động luyện tập, hưởng theo nguyên tắc lao động trực tiếp của từng buổi luyện tập.
a) Mức 8 đồng (tám đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên đảm nhiệm luyện tập những vai chính, chủ chốt của các tiết mục, vở diễn thuộc các môn nghệ thuật có cường độ lao động nặng nhọc và tương đương của xiếc, múa, nhạc, vũ kịch, tuồng cổ, kèn hơi.
b) Mức 6 đồng (sáu đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên đảm nhiệm luyện tập những vai chính, chủ chốt hoặc tương đương trong các tiết mục, vở diễn thuộc các môn nghệ thuật, chèo, cải lương, kịch nói, kịch dân ca, ca múa nhạc, rối, nhạc giao hưởng, dàn nhạc của nhạc vũ kịch.. . và các môn nghệ thuật của xiếc mà có cường độ luyện tập tương đương không thuộc diện quy định ở điểm a.
c) Mức 4 đồng (bốn đồng) một buổi tập luyện, áp dụng đối với các diễn viên luyện tập những vai phụ hoặc thứ trong các tiết mục, vở diễn của tất cả các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.
- Chế độ phụ cấp bồi dưỡng trên đây, chỉ áp dụng đối với diễn viên có trực tiếp luyện tập trong các tiết mục, vở diễn đã được duyệt trong kế hoạch hoạt động của đơn vị quản lý nghệ thuật và những tiết mục, vở diễn phải luyện tập thường xuyên mới biểu diễn được.
- Những trường hợp luyện tập ngoài kế hoạch, luyện tập cơ bản, tự luyện tập, hoặc luyện tập những tiết mục, vở diễn theo nhu cầu hợp đồng và những diễn viên không trực tiếp luyện tập, đều không được hưởng chế độ bồi dưỡng này.
- Những đơn vị nghệ thuật có diễn viên trong diện hợp đồng để rồi tuyển dụng vào biên chế, diễn viên đào tạo kèm cặp, diễn viên tập sự, do yêu cầu phục vụ được đơn vị lựa chọn sắm vai trong các tiết mục, vở diễn mà phải trực tiếp luyện tập để biểu diễn, thì cũng được hưởng các mức bồi dưỡng theo buổi luyện tập nói trên.
- Người trực tiếp hướng dẫn diễn viên luyện tập tiết mục, vở diễn, hưởng bồi dưỡng luyện tập bằng mức bồi dưỡng quy định ở điểm a.
- Trong khi đang luyện tập, mà diễn viên hoặc người hướng diễn luyện tập không may bị tai nạn, bị bệnh bất ngờ phải bỏ dở luyện tập để điều trị, thì người hướng dẫn và diễn viên ấy vẫn được hưởng các mức bồi dưỡng của buổi luyện tập đó.
2. Phụ cấp bồi dưỡng sau buổi biểu diễn.
a) Đối với diễn viên trực tiếp tham gia biểu diễn:
- Mức 10 đồng (mười đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với những diễn viên có tài năng đảm nhiệm những vai chính, chủ chốt trong các tiết mục, vở diễn của tất cả các bộ môn nghệ thuật.
- Mức 8 đồng (tám đồng) một buổi biểu diễn áp dụng với các diễn viên đảm nhiệm những vai phụ, hoặc không phải vai chính, chủ chốt của các tiết mục, vở diễn và diễn viên nhạc phải phục vụ suốt cả chương trình biểu diễn.
- Mức 6 đồng (sáu đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với những diễn viên phụ (đóng vai quần chúng) của tất cả các bộ môn nghệ thuật và diễn viên trong dàn nhạc phục vụ diễn không thuộc diện quy định ở mức trên.
b) Đối với cán bộ, công nhân viên phục vụ buổi biểu diễn.
Cán bộ, công nhân kỹ thuật, nhân viên trong các đơn vị nghệ thuật được phân công trực tiếp phục vụ buổi biểu diễn, thì sau mỗi buổi biểu diễn, hưởng mức bồi dưỡng như sau:
- Mức 7 đồng (bảy đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm nhiệm vụ kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, phải trực tiếp phục vụ suốt cả buổi biểu diễn.
- Mức 6 đồng (sáu đồng ) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm nhiệm vụ trang trí, chuyển cảnh, hậu đài.
- Mức 5 đồng (năm đồng) một buổi biểu diễn, áp dụng với người làm những nhiệm vụ gián tiếp phục vụ buổi biểu diễn.
c) Đối với đài trưởng (còn gọi là chỉ huy biểu diễn), chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ công việc biểu diễn, hưởng mức bồi dưỡng:
10 đồng (mười đồng) một buổi biểu diễn, đối với người chỉ huy có tài năng, có tên tuổi.
8 đồng (tám đồng) một buổi biểu diễn, đối với người chỉ huy không thuộc đối tượng mức 10 đồng.
Trường hợp là diễn viên mà được giao nhiệm vụ chỉ huy buổi biểu diễn,
thì ngoài việc hưởng bồi dưỡng của suất diễn, còn được hưởng thêm 50% của mức 8 đồng.
d) Biểu diễn ngoài trời không có sân khấu cố định, các diễn viên và cán bộ công nhân viên phục vụ buổi biểu diễn còn được hưởng thêm 20% của từng mức bồi dưỡng sau buổi biểu diễn, nói tại điểm 2, mục a, b, c.
e) Đi phục vụ biểu diễn ngoài phạm vi trụ sở của đơn vị, theo chương trình kế hoạch đã được duyệt, thì ngoài việc hưởng các chế độ bồi dưỡng nói trên, các thành viên đi làm nhiệm vụ đó được hưởng chế độ công tác phí và phụ cấp lưu trú hiện hành. Nếu do có khó khăn trở ngại, không biểu diễn phục vụ được thì không hưởng chế độ bồi dưỡng sau buổi biểu diễn, mà chỉ được hưởng công tác phí và phụ cấp lưu trú.
g) Biểu diễn để thu băng phát sóng, phát hình, mà do yêu cầu của nhiệm vụ chính trị, hưởng phụ cấp bồi dưỡng bằng 80% của các mức bồi dưỡng quy định ở điểm 2, mục a, b, c.
h) Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn đã xếp theo bảng lương lãnh đạo, ngoài số giờ làm việc tiêu chuẩn (8 giờ ngày) phải dẫn đoàn đi biểu diễn phục vụ, mà không trực tiếp biểu diễn, thì số giờ làm việc ngoài tiêu chuẩn được tính để nghỉ bù. Nếu không thể sắp xếp để nghỉ bù được, thì số giờ ngoài tiêu chuẩn đó, được hưởng phụ cấp làm thêm giờ đã quy định tại điểm 11, điều 5 Nghị định số 235 - HĐBT ngày 18 - 9 - 1985 của Hội đồng Bộ trưởng và Thông tư số 22 - LĐ/TL ngày 20 - 11 - 1985 của Bộ lao động hướng dẫn việc thực hiện chế độ trả phụ cấp cho công nhân viên chức làm đêm và làm thêm giờ.
Đối với diễn viên (không xếp theo bảng lương lãnh đạo) mà vừa trực tiếp biểu diễn, vừa được cử làm nhiệm vụ Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn nghệ thuật, khi đưa đoàn đi phục vụ biểu diễn, thì ngoài việc hưởng bồi dưỡng của suất diễn, còn được hưởng thêm phụ cấp trách nhiệm 7% lương chính đối với Trưởng đoàn, 5% lương chính đối với Phó trưởng đoàn. Khoản phụ cấp này chỉ được tính hưởng trong thời gian kiêm nhiệm.
i) Những trường hợp không được hưởng bồi dưỡng biểu diễn.
- Các chế độ bồi dưỡng nói ở trên; chỉ áp dụng cho những buổi biểu diễn ghi trong kế hoạch hoạt động đã được duyệt của đơn vị. Những buổi biểu diễn ngoài kế hoạch, biểu diễn hợp đồng theo yêu cầu riêng mà đơn vị ký hợp đồng đã trả bồi dưỡng... đều không được hưởng chế độ bồi dưỡng này.
- Các chế độ bồi dưỡng nói ở trên cũng không được áp dụng đối với những diễn viên không trực tiếp biểu diễn, những diễn viên hợp đồng phối hợp không thuộc diện quản lý của đơn vị mà đã trả tiền hợp đồng và những cán bộ, công nhân viên không trực tiếp phục vụ buổi biểu diễn.
3. Chế độ phụ cấp hoạt động trong điều kiện nguy hiểm nặng nhọc - khó khăn.
Do đặc điểm lao động của nghệ thuật có nhiều tiết mục biểu diễn nặng nhọc, nguy hiểm và thể hiện các động tác nội tâm của nhân vật rất khó khăn, được hưởng mức 5% (năm phần trăm) của lương cấp bậc, các bộ môn nghệ thuật sau đây:
- Nghệ thuật xiếc (nuôi - dạy - diễn thú vật, xiếc uốn dẻo, nhào lộn - thể thao - thăng bằng và các môn xiếc khác có cường độ lao động nặng nhọc, nguy hiểm tương đương).
- Diễn viên múa, tuồng cổ, nhạc hơi, rối nước...
Khoản phụ cấp trên đây chỉ áp dụng với các diễn viên chuyên nghiệp thực sự làm việc biểu diễn. Mức 5% này được tính theo mức lương chính cấp bậc của diễn viên và lĩnh cùng kỳ lương hàng tháng, nhưng không được cộng vào lương cấp bậc để tính hưởng các khoản phụ cấp 10% lương cấp bậc khác.
Để bảo đảm việc thực hiện các chế độ bồi dưỡng ghi tại điểm 1, 2, 3 phần I Thủ trưởng các đơn vị nghệ thuật phải đề cao ý thức trách nhiệm của người phụ trách trong việc tổ chức thực hiện. Cần có sự tham gia ý kiến của Hội đồng nghệ thuật đơn vị, người chỉ huy biểu diễn - luyện tập, các Trưởng đoàn, Phó trưởng đoàn, để xem xét quyết định đúng đối tượng được hưởng các chế độ phụ cấp đã quy định. Nếu làm trái với các điều quy định trên, thì Thủ trưởng đơn vị nghệ thuật phải chịu trách nhiệm.
II. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG THÔNG TIN -
CHIẾU BÓNG - BẢO TỒN BẢO TÀNG.
1. Đối với các đội thông tin lưu động chuyên nghiệp, đội chiếu bóng lưu động chuyên nghiệp, đội triển lãm bảo tàng lưu động, đội khảo sát thăm dò, sưu tầm khai quật khảo cổ, công trường tu bổ di tích.
a) Cán bộ công nhân viên công tác ở các đội nói trên, được hưởng chế độ phụ cấp lưu động theo địa bàn hoạt động với các mức sau đây:
- Vùng núi, biên giới, hải đảo được hưởng phụ cấp 20% lương cấp bậc hoặc lương chức vụ.
- Vùng trung du được hưởng phụ cấp 15% lương cấp bậc hoặc lương chức vụ.
- Vùng đồng bằng được hưởng phụ cấp 10% lương cấp bậc hoặc lương chức vụ.
b) Phụ cấp lưu động ở điểm a được trả theo tháng thực sự có đi công tác lưu động và sau khi đã hoàn thành đủ số lượng theo chất lượng đề cương của kế hoạch định mức hoạt động. Trường hợp không hoàn thành đủ định mức quy định, thì cơ quan quản lý có thẩm quyền căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định trả đủ 1/2 hoặc 1/3 mức phụ cấp đã nói trên.
c) Các đối tượng đã được hưởng phụ cấp lưu động, thì không được hưởng phụ cấp lưu trú. Đối với các hoạt động thăm dò, sưu tầm, khai quật khảo cổ, nếu phụ cấp lưu động thấp hơn phụ cấp lưu trú thì được hưởng phụ cấp lưu trú. Riêng đối với đội thông tin lưu động chuyên nghiệp vì hằng năm được lựa chọn đi dự tập huấn, dự hội thi, hội diễn do cấp tỉnh, thành phố, đặc khu và trung ương triệu tập, thì những lần đi đó các cán bộ, đội viên còn được hưởng chế độ công tác và phụ cấp lưu trú hiện hành.
2. Ngoài phụ cấp lưu động, cán bộ, đội viên đội thông tin lưu động chuyên nghiệp, khi phải tập luyện tiết mục mới để đi phục vụ, còn được hưởng phụ cấp bồi dưỡng luyện tập mỗi buổi 3 đồng (ba đồng) áp dụng với những người thực sự có luyện tập, nhưng không được vượt quá 10 (mười) buổi luyện tập trong một tháng.
3. Người thuyết minh phim của các đội chiếu bóng lưu động, thuyết minh triển lãm bảo tàng lưu động, ngoài việc được hưởng chế độ phụ cấp lưu động, còn được hưởng phụ cấp bồi dưỡng 2 đồng (hai đồng) một buổi thuyết minh phim hoặc một buổi thuyết minh triển lãm lưu động.
4. Hoạt động chiếu phim ở các rạp chiếu bóng, đội chiếu bóng cố định,
được hưởng chế độ phụ cấp làm thêm giờ đối với những buổi chiếu vượt kế hoạch trong ngày. Mức hưởng làm thêm giờ tính phần trăm của lương cấp bậc hoặc lương chức vụ của số giờ đã làm thêm (ngày thường 50% lương, ngày nghỉ chủ nhật, ngày lễ, ngày tết 100% lương) đã quy định tại mục 11, điều 5 trong Nghị định số 235 - HĐBT ngày 18 - 9 -1985 của Hội đồng Bộ trưởng.
Riêng người thuyết minh phim ở rạp, ở đội cố định, còn được hưởng bồi dưỡng 3 đồng (ba đồng) tính từ buổi chiếu thứ 2 trong ngày, nếu vẫn còn tiếp tục thuyết minh.
Căn cứ vào các khoản và các mức phụ cấp quy định ở phần II, các cơ quan chủ quản trực tiếp của các hoạt động thông tin lưu động - chiếu bóng - bảo tồn bảo tàng, có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ, và tổ chức phân loại người được hưởng các mức phụ cấp khác nhau sao cho đúng, hợp lý, tránh gây thắc mắc, suy tỵ giữa những người được hưởng phụ cấp nói trên.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH.
1. Kinh phí cho các chế độ phụ cấp hoạt động văn hoá - nghệ thuật quy định trong Thông tư này do ngân sách Nhà nước cấp và được thể hiện trong kế hoạch tài chính của các đơn vị hoạt động văn hoá - nghệ thuật. Các cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm lập dự toán kế hoạch thu chi hàng quý và cả năm gửi đến cơ quan tài chính cùng cấp xét duyệt để thi hành.
Các đơn vị văn hoá - nghệ thuật hoạt động dưới các hình thức sự nghiệp, sự nghiệp có thu hoặc đơn vị kinh doanh, đều phải đảm bảo thực hiện những chế độ phụ cấp bồi dưỡng trên đây.
Các sở Văn hoá và thông tin, Sở Lao động. Sở Tài chính có trách nhiệm duyệt kế hoạch hoạt động, kế hoạch tài chính và mức trợ cấp ngân sách (trong trường hợp thu ít hơn chi) theo chế độ quản lý hiện hành cho các đơn vị hoạt động.
2. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 1 năm 1986 trong phạm vi cả nước.
Những văn bản quy định trước đây, kể cả các mức phụ cấp đối với các đội chiếu bóng lưu động, đội triển lãm, bảo tồn bảo tàng, khảo sát sưu tầm và khai quật khảo cổ ghi tại Thông tư số 15 - LĐTT ngày 7 - 1 - 1985 của Bộ Lao động hướng dẫn thi hành chế độ phụ cấp lưu động, trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, có vướng mắc khó khăn trở ngại gì, các Sở kịp thời báo cáo về liên Bộ Văn hoá - Lao động - Tài chính để nghiên cứu giải quyết.