NGHỊ ĐỊNH CỦA BỘ LAO ĐỘNG
Thành lập phòng giới thiệu công nhân tại Bộ Lao động và các liên khu
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Chiểu Sắc lệnh số 226/SL ngày 28/11/1946, tổ chức Bộ Lao động trong Chính phủ hiện thời;
Chiểu Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 quy định chế độ công nhân trong toàn cõi Việt Nam;
Chiểu Sắc lệnh số 169/SL ngày 14/4/1948 tổ chức lại các cơ quan lao động;
Chiểu Nghị định của Bộ Lao động số 20 ngày 15/5/1948 ấn định chi tiết tổ chức các cơ quan lao động cấp tỉnh và liên khu;
Xét cần phải phân phối nhân công một cách hợp lý,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. - Nay thành lập tại Bộ Lao động, các liên khu và các tỉnh những Phòng giới thiệu công nhân.
Điều 2. - Mục đích thành lập các Phòng giới thiệu công nhân là để:
- Huy động nhân công cung cấp cho các ngành sản xuất, vận tải, tiếp tế,
- Tìm việc và giới thiệu chỗ làm cho thợ thuyền không công ăn việc làm,
- Tổ chức các đoàn thợ cấy, thợ gặt để đưa đến những vùng khan hiếm nhân công nông nghiệp,
Điều 3. - Phụ trách phòng giới thiệu công nhân tại Bộ Lao động do Nghị định Bộ trưởng bổ nhiệm.
Phụ trách Phòng giới thiệu công nhân liên khu là một nhân viên sở lao động liên khu do Giám đốc sở này chỉ định.
Giám đốc Sở lao động liên khu sẽ xét xem tỉnh nào có quan hệ về sự tập trung nhân công mà đặt phòng giới thiệu công nhân cho tỉnh đó và chỉ định nhân viên phụ trách.
Điều 4. - Phụ trách phòng giới thiệu công nhân tại bộ có phận sự điều khiển công việc của các Phòng giới thiệu công nhân liên khu và tỉnh để thực hành những mục đích nói ở điều 2.
Điều 5. - Ở mỗi phòng giới thiệu công nhân phải có 2 quyển sổ:
- Một quyển ghi những đơn xin việc, biên rõ tên, tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ,
- Một quyển ghi những đơn của tư nhân, công văn, tư văn của các cơ quan Chính phủ, yêu cầu giới thiệu nhân công.
Điều 6. - Phòng giới thiệu công nhân liên khu được sử dụng một quỹ ứng trước để cấp cho các Phòng giới thiệu công nhân tỉnh nào cần tiền đưa nhân công mượn ăn đường đang đi đến nơi làm việc. Món tiền này, tư nhân hoặc cơ quan thâu dụng nhân công phải hoàn lại cho Sở Lao động.
Điều 7. - Những người phụ trách Phòng giới thiệu công nhân các tỉnh, nếu không phải là nhân viên thuộc Bộ Lao động, được cấp một món tiền hàng tháng là một trăm đồng (100đ)
Điều 8. - Cứ ba tháng những Phòng giới thiệu công nhân các tỉnh và liên khu phải làm bản thống kê số người xin việc, số người được giới thiệu đi rồi gửi về Phòng giới thiệu công nhân trung ương đặt tại Bộ Lao động.
Điều 9. - Các khoản chi phí cho Phòng giới thiệu công nhân do ngân sách Bộ lao động đài thọ.
Điều 10. - Các ông Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Giám đốc các Sở Lao động liên khu chiểu nghị định thi hành./.