SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
SỐ 29 NGÀY 12 THÁNG 3 NĂM 1947
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ
Chiểu Sắc lệnh số 64 ngày 8 tháng 3 năm 1946 tổ chức các cơ quan lao động;
Chiểu Nghị định số 1 ngày 1 tháng 10 năm 1945 sửa đổi bởi nghị định số 5 ngày 23 tháng 11 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Lao động về thời hạn báo trước khi thải hồi công nhân;
Chiểu Nghị định số 2 ngày 1 tháng 10 năm 1945 sửa đổi bởi nghị định số 4 ngày 12 tháng 10 năm 1945 của Bộ trưởng Bộ Lao động về phụ cấp thâm niên;
Chiểu Sắc lệnh số 55 ngày 20 tháng 4 năm 1945 về việc cho các công nhân được nghỉ mà được ăn lương ngày lễ lao động mùng 1 tháng 5;
Chiểu lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động;
Sau khi các nguyên tắc đã được Quốc hội thông qua;
Hội đồng Chính phủ đã thoả hiệp,
RA SẮC LỆNH:
CHƯƠNG THỨ NHẤT
TỔNG LỆ
Điều thứ nhất
Mục đích sắc lệnh này là để qui định trong toàn cõi Việt Nam những sự giao dịch về việc làm công, giữa các chủ nhân, người Việt Nam hay người ngoại quốc và các công nhân Việt Nam làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và các nhà làm nghề tự do.
Riêng chế độ thi hành cho công nhân đồn điền, công nhân nông nghiệp, các người làm với tư gia (gia nhân), công nhân làm việc cho Chính phủ sẽ do những sắc lệnh quy định sau.
Điều thứ 2
Phàm công việc cưỡng bách thì cấm hẳn, trừ khi có lệnh trưng tập của Chính phủ.
Công việc cưỡng bách là những công việc người ta không thuận làm mà bị ép phải làm.
Điều thứ 3
Cấm hẳn những sự mộ nhân công theo cách thức dụ dỗ hoặc cưỡng bách.
Điều thứ 4
"Công nhân" là người làm thuê với một người chủ để lấy tiền và thuộc quyền điều khiển của người chủ.
Công nhân gồm có: thợ, gia nhân, người làm công và phu.
Điều thứ 5
"Thợ" là những người có nghệ, làm việc thủ công hay việc gì khác cho chủ.
Điều thứ 6
"Gia nhân" là những người mà chủ thuê để giúp việc trong nhà.
Điều thứ 7
"Người làm công" là những người không làm việc thủ công mà chủ mượn để giúp mình về công việc thương mại, kỹ nghệ, nông lâm hay nghề tự do.
Điều thứ 8
"Phu" là người làm việc bằng tay mà không chuyên một nghề rõ rệt.
Điều thứ 9
"Nhà tiểu công nghệ" (hay thủ công nghệ) là người dùng thủ công làm lấy cho mình, hay làm thuê cho người khác hoặc làm ở nhà mình, hoặc làm ở nơi khác, bất cứ dùng máy hay không, có cửa hàng, biển hiệu hay không, chuyên bán những hoá phẩm tự mình làm ra, hoặc làm một mình, hoặc có vợ con, thợ bạn hay thợ học nghề giúp việc.
Số thợ bạn và thợ học nghề của một nhà thủ công nghiệp hạn định không bao giờ được quá mười người.
Điều thứ 10
"Thợ học nghề" là người mà chủ đã nhận dạy cho biết nghề và đã cam đoan làm cho chủ, tuỳ theo những điều kiện và thời hạn mà đôi bên đã thoả thuận.
CHƯƠNG THỨ HAI
SỰ HỌC NGHỀ
Điều thứ 11
Tính cách "thợ học nghề" định bởi:
1- Tuổi của người tình nguyện học nghề
2- Sự thuận nhận của chủ cho học nghề.
Điều thứ 12
Không được dùng trẻ con dưới 12 tuổi (tính theo dương lịch) làm thợ học nghề. Đến 18 tuổi phải kể là thợ chính thức, trừ những trường hợp nói ở điều thứ 14 dưới đây.
Điều thứ 13
Những thợ học nghề từ 16 đến 18 tuổi không có khế ước, hay có khế ước mà không ấn định học nghề, nếu tự xét mình đã lành nghề mà chủ không chịu công nhận như vậy, có thể xin Ty Lao động địa phương đưa ra một hội đồng chuyển nên khảo xét. Nếu được hội đồng công nhận đã đủ tư cách, thì chủ phải nhận là đã thành thợ.
Qui tắc việc lập hội đồng khảo xét này do Bộ trưởng Bộ Lao động định sau.
Điều thứ 14
Chủ cũng phải đưa ra hội đồng khảo xét nói trên những người học nghề, không có khế ước, quá 18 tuổi mà chủ không công nhận là lành nghề.
Nếu hội đồng xét quả thật chưa lành nghề, thì những người ấy chưa được coi là thợ.
Những người học nghề mặc dầu quá 18 tuổi mà chưa học hết thời hạn đã định trong khế ước, cũng chưa được kể là thợ.
Những người quá 18 tuổi, muốn học nghề và được chủ thuận nhận, cũng phải xin phép hội đồng khảo xét nói trên. Hội đồng này sẽ cấp giấy phép nếu xét không có sự gian lậu.
Điều thứ 15
Trừ các xưởng tiểu công nghệ, số thợ học nghề trong xí nghiệp không được quá một phần tư tổng số thợ kể cả thợ học nghề.
Điều thứ 16
Bắt buộc các hãng kỹ nghệ, hầm mỏ hay thương điếm nào dùng từ 30 người thợ chuyên nghiệp trở lên phải dậy một số thợ học nghề bằng 1 phần 10 số thợ chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, nếu xí nghiệp nào muốn xin miễn điều bắt buộc này thì phải làm đơn, nói rõ lý lẽ, gửi đến ty Lao động địa phương. Ty này xét song sẽ trình bầy ý kiến lên Bộ trưởng Bộ Lao động để định đoạt, sau khi hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn.
Điều thứ 17
Nếu số thợ học nghề quá 30 người, thì phải mở lớp tu nghiệp.
Chương trình những lớp học này sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ấn định.
CHƯƠNG THỨ III
KHẾ ƯỚC LÀM CÔNG
TIẾT THỨ NHẤT
TỔNG LỆ
Điều thứ 18
Khế ước làm công phải theo dân luật. Chủ và công nhân có thể giao kết bằng miệng, hoặc ký kết trên mặt giấy. Khi viết thành giấy, thì được miễn tem và thuế trước bạ. Khế ước có thể lặp theo tục lệ địa phương. Nếu chỉ giao kết bằng miệng thì như chủ với công nhân đã theo những điều khoản ấn định trong sắc lệnh này và những tục lệ riêng của nơi sở tại.
Điều thứ 19
Chủ chỉ có thể thuê công nhân trong một thời hạn, hay để làm một việc gì nhất định.
Điều thứ 20
Nếu như không có ước định trước, thời hạn làm việc sẽ theo tục lệ nơi sở tại.
Điều thứ 21
Các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ và thương điếm dùng quá 25 công nhân phải lập một bản nội quy.
Bản nội qui định thể lệ về cách tổ chức làm việc, về việc giữ trật tự, kỷ luật, vệ sinh và bảo an trong sở, về cách tuyển người làm, cách tính và trả tiền công, về thời hạn báo trước khi bị sa thải hay xin thôi vệc, về điều kiện nghỉ hàng tuần, v.v...
Điều thứ 22
Phải đem trình các nội qui ấy cho Sở thanh tra lao động duyệt y. Mỗi khi có sửa đổi điều gì, cũng phải đem duyệt y lại. Những điều khoản của nội qui đưa trình phải hợp với luật lệ lao động hiện hành.
Nội qui đã duyệt y phải niêm yết bằng tiếng Việt Nam tại nơi làm việc, cửa hàng, nơi trả tiền công và nơi tuyển người làm.
Điều thứ 23
Đối với việc làm công không định hạn thì chủ và thợ, bất cứ lúc nào, cũng có thể tự mình thôi được. Nhưng phải báo trước trong thời hạn và trường hợp do Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định.
Điều thứ 24
Bên nào tự ý bãi khế ước có thể phải bồi thường cho bên kia.
Tiền bồi thường về sự tự ý bãi khế ước khác hẳn với tiền bồi thường vì không tuân hạn báo trước. Việc đòi tiền bồi thường này sẽ đưa ra toà sơ cấp hay đệ nhị cấp tuỳ theo thẩm quyền định trong hệ luật. Toà án có thể điều tra về trường hợp của sự quá hạn bãi bỏ khế ước ấy. Bất cứ trong trường hợp nào, bản án cũng phải ghi rõ duyên cớ của bên bãi khế ước đã viện ra.
Khi có sự thay đổi về phương diện pháp luật của xí nghiệp, nhất là khi có sự kế thừa, bán chác, hợp vốn, cải cách hình thức, v.v... thì chủ mới phải thi hành cho xong khế ước của chủ cũ.
Muốn kiện về việc bãi khế ước thì phải nộp đơn trong hạn 6 tháng kể từ ngày bãi khế ước.
Chủ hãng nào thôi không kinh doanh nữa, vẫn phải tuân lệ báo trước.
Điều thứ 25
Chủ và thợ, không được cam kết trước sẽ không đòi những tiền bồi thường nói trong điều thứ 24. Về phương diện pháp luật, những tiền bồi thường ấy, đối với công nhân, được coi như tiền lương. Những chủ nợ, kể cả chủ người công nhân bị thải, chỉ được trừ nợ theo như dân luật.
Những tiền bồi thường đó cũng được hưởng ưu tiên quyền do dân luật ấn định cho lương công nhân.
Điều thứ 26
Khi một công nhân tự ý bãi khế ước một cách quá lạm để đi làm với một chủ khác thì người chủ mới này phải liên đới với người công nhân ấy bồi thường cho người chủ cũ trong 3 trường hợp sau đây:
1- Khi xét đích là người chủ mới có can dự vào sự thôi việc
2- Khi người chủ mới rủ người công nhân về làm với mình, tuy đã biết người ấy đương có khế ước làm với chủ khác.
3- Khi người chủ mới cứ mượn người công nhân mặc dầu biết khế ước của người này với chủ cũ chưa hết hạn.
Tuy nhiên trong trường hợp thứ ba này người chủ mới không phải chịu trách nhiệm, nếu, đối với khế ước không có định hạn, khi biết tin thì hạn báo trước đã qua.
Điều thứ 27
Công nhân thôi làm cho chủ, hay đã hết hạn khế ước, có quyền xin chủ cấp cho một tờ chứng chỉ biên ngày đến làm, ngày thôi việc và công việc đã làm. Trong giấy chứng, chủ không được phê bình điều gì có hại đến sinh kế của công nhân. Nếu chủ không chịu cấp giấy ấy, công nhân có thể đòi bồi thường.
Giấy chứng nói trên được miễn tem và trước bạ.
Điều thứ 28
Khi chủ hay một công nhân bị gọi ra chịu huấn luyện quân sự, hay làm phận sự binh bị trong một thời hạn, thì khế ước làm công không được vì lẽ ấy mà bãi bỏ.
Điều thứ 29
Nếu vì một duyên cớ chính đáng mà muốn bãi khế ước thì thời gian chịu huấn luyện quân sự hay làm phận sự binh bị không được tính vào thời hạn báo trước.
Trừ khi công việc nói trong khế ước là một công việc tạm thời và đã hết hạn trong lúc chủ hay công nhân đương chịu huấn luyện quân sự hoặc làm phận sự binh bị.
Điều thứ 30
Bên nào không tuân theo hai điều 28 và 29 phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.
Điều thứ 31
Chủ không được phép bãi khế ước của người công nhân đàn bà nào đình việc luôn 8 tuần lễ trong thời kỳ thai sản. Công nhân đàn bà đau ốm vì có thai, hay đau ốm vì sinh đẻ có thể nghỉ lâu hơn thời hạn nói trên, nhưng không quá 12 tuần lễ. Chủ cũng không được phép vì thế mà bãi khế ước. Trái lệnh này, người công nhân đàn bà có quyền đòi bồi thường.
Công nhân đàn bà phải báo trước cho chủ biết duyên cớ mình nghỉ việc: chủ có thể nhờ thầy thuốc xét xem có đích thực không.
Khế ước nào trái với lệ nói trên đều vô hiệu.
TIẾT THỨ II
SỰ BAO KHOÁN
(Nói về cai khoán)
Điều thứ 32
"Cai khoán" là người thầu lại với người thầu khoán chính, người chủ công nghệ, v.v..., để cung cấp công nhân, vật liệu hay để làm một công tác đã định.
Người cai khoán phải đối đãi với công nhân đúng theo các điều khoản định trong sắc lệnh này.
Điều thứ 33
Chủ có bổn phận bắt buộc cai khoán niêm yết tại các xưởng, cửa hàng hay công trường những điều này:
a) Lương tối thiểu hiện thi hành trong miền đó,
b) Lương mà cai khoán trả cho công nhân theo từng hạng hay từng việc làm.
Nếu những nơi làm việc nói trên không thuộc của chủ chính thì người cai khoán, ngoài 2 điều nói trên, phải yết thêm tên và chỗ ở của người chủ chính. Người cai khoán phải nộp cho người chủ chính một tờ nhận thực đã thi hành các khoản trên. Người chủ chính phải gửi một bản sao lại cho ty Lao động địa phương.
Điều thứ 34
Người chủ chính phải thế người cai khoán trả cho công nhân tiền lương, các khoản phụ cấp, tiền bồi thường mà họ được hưởng theo sắc lệnh này, nếu người cai khoán không thể trả được.
Người chủ chính phải chịu trách nhiệm theo bộ luật về việc người cai khoán không thi hành những điều bắt buộc trong sắc lệnh này.
Nếu có công nhân nào khiếu nại người cai khoán, thì người chủ chính phải báo cho Ty Lao động địa phương biết.
Điều thứ 35
Những xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm và những công trường nào dùng cai khoán đều phải có bản danh sách và địa chỉ những người ấy để trình cho nhân viên kiểm soát của Ty Lao động.
Điều thứ 36
Cấm hẳn chế độ ăn công làm khoán. Theo chế độ này người công nhân bắt buộc phải làm xong một công việc đã định nới được cả số lương hàng ngày.
TIẾT THỨ III
NÓI VỀ TẬP HỢP KHẾ ƯỚC
Điều thứ 37
Tập hợp khế ước là những khế ước lập ra để ấn định những quy tắc làm việc và tiền lương chung cho từng nghề, từng xí nghiệp hay từng địa phương, do sự thoả thuận của chủ hay đại biểu chủ và công nhân hay đại biểu công nhân.
Điều thứ 38
Đại biểu công đoàn không cần có giấy uỷ quyền riêng của đoàn viên cũng có thể thay mặt họ mà ký tập hợp khế ước.
Nếu không có công đoàn, thì đại biểu công nhân phải có giấy uỷ quyền rõ ràng của những người mình thay mặt, mới có thể ký tập hợp khế ước được. Đại biểu chủ cũng phải có giấy uỷ quyền của những người chủ mà mình thay mặt mới ký tập hợp khế ước được.
Điều thứ 39
Tập hợp khế ước bắt buộc phải viết thành giấy, nếu không, sẽ vô hiệu. Phải đưa nộp 2 bản chính tập hợp khế ước đã ký: một bản tại phòng lục sự toà án tỉnh, một bản tại Ty Lao động tỉnh, ở tại tỉnh mà hai bên đã ký kết.
Phòng lục sự sẽ phát biên lai. Hai mươi bốn giờ sau ngày phòng lục sự đã nhận được bản chính, tập hợp khế ước sẽ có hiệu lực.
Điều thứ 40
Trong những tập hợp khế ước ký kết giữa đại biểu chủ và công nhân nhiều xí nghiệp phải định rõ phạm vi thi hành của bản giao kèo ấy. Bằng không, tập hợp khế ước sẽ thi hành trong khu vực thẩm quyền của toà án mà phòng lục sự đã nhận được một bản chính.
Tập hợp khế ước nào sẽ thi hành trong phạm vi nhiều tỉnh, thì phải nộp theo cách thức ở điều 39 tại phòng lục sự và Ty Lao động những tỉnh ấy.
Điều thứ 41
Tập hợp khế ước có thể ký:
1- Để thi hành trong một thời hạn mà hai bên đã định rõ. Thời hạn này không bao giờ được quá 3 năm.
2- Để làm một công việc nhất định.
Nếu không có định rõ thời hạn thi hành thì lúc nào cũng có thể xin huỷ bỏ tập hợp khế ước. Nhưng bên muốn xin huỷ tập hợp khế ước phải cho bên cùng ký khế ước và phòng lục sự đã nhận tập hợp khế ước, biết trước một tháng. Tập hợp khế ước nào đã hết hạn mà chủ và công nhân chưa thủ tiêu, hay sửa chữa, thì vẫn tiếp tục thi hành sáu tháng sau. Hết hạn này, tập hợp kế ước sẽ coi như là một tập hợp khế ước không có định hạn.
Điều thứ 42
Đối với tập hợp khế ước không định hạn, mà lại không định rõ cách thức sửa đổi, thì bất cứ lúc nào chủ hoặc thợ đều có thể yêu cầu Ty Lao động cho triệu tập hai bên để sửa đổi.
Ty Lao động xét nếu những cớ viện ra không được chính đáng, có thể bác bỏ yêu cầu.
Điều thứ 43
Công đoàn, đại biểu có giấy uỷ quyền của chủ hay công nhân nếu muốn dự vào một tập hợp khế ước nào đang thi hành thì cứ khai ý muốn ấy tại phòng lục sự toà án đã nhận bản chính của tập hợp khế ước đó. Tập hợp khế ước này sẽ có hiệu lực đối với công đoàn, các chủ hay công nhân mà đại biểu đã xin gia nhập, kể từ hôm sau ngày phòng lục sự nhận được giấy khai.
Giấy khai này cũng phải nộp cho Ty Lao động.
Điều thứ 44
Tập hợp khế ước có hiệu lực đối với:
1- Tất cả đoàn viên công đoàn, tất cả chủ mà đại biểu đã thấy ? ký kế.
Những đoàn viên nào không có xin ra khỏi công đoàn và nếu ra khỏi công đoàn mà không có báo cho phòng lục sự biết trong năm ngày sau ngày nộp tập hợp khế ước tại phòng lục sự, cũng phải thi hành tập hợp khế ước.
2- Tất cả những đoàn viên công đoàn mà đại biểu đã xin gia nhập tập hợp khế ước trong trường hợp nói ở điều 43. Cũng trong trường hợp này, đoàn viên nào không xin ra khỏi công đoàn và nếu ra khỏi công đoàn mà không có báo cho phòng lục sự biết, trong thời hạn 5 ngày, sau hôm phòng lục sự nhận được giấy khai xin gia nhập của đại biểu đoàn mình, thì cũng phải thi hành tập hợp khế ước.
3- Tất cả những người đã gia nhập sau vào công đoàn mà đại biểu đã ký tập hợp khế ước.
4- Những chủ mà đại biểu đã ký tập hợp khế ước nếu những người ấy không khai trong hạn 5 ngày với phòng lục sự rằng mình không thuận sự ký kết tập hợp khế ước.
5- Những chủ lấy tư cách cá nhân đã ký kết.
6- Những chủ đã xin gia nhập sau vào tập hợp khế ước trong trường hợp nói ở điều 43.
Điều thứ 45
Những giao kèo ký kết riêng giữa những người thuộc phạm vi thi hành một tập hợp khế ước không được trái với tập hợp khế ước. Điều khoản nào trái với tập hợp khế ước sẽ coi như vô hiệu. Nếu điều khoản trái này là điều khoản cốt yếu thì cả giao kèo đó coi như vô hiệu.
Điều thứ 46
Những người hay đoàn thuộc phạm vi thi hành tập hợp khế ước không được làm việc gì tổn thương đến sự thi hành thành thực tập hợp khế ước.
Những người hay đoàn có tư cách pháp nhân bị thiệt hại có thể kiện những người hay đoàn có những hành vi tổn hại nói trên để đòi bồi thương. Những đoàn có thể kiện đòi bồi thường những đoàn viên nào của mình có những hành vi ấy.
Điều thứ 47
Công đoàn có tư cách pháp nhân có thể thay mặt một đoàn viên bị thiệt hại để kiện đòi bồi thường mà không cần phải có giấy uỷ quyền. Chỉ phải báo trước và được sự ưng thuận của người ấy. Người này vẫn có quyền tham dự vào việc kiện.
Điều thứ 48
Khi có những việc kiện tụng nói ở 2 điều trên những đoàn có tư cách pháp nhân cùng thuộc phạm vi thi hành tập hợp khế ước với người hoặc đoàn đứng kiện hay bị kiện đều có thể tham dự vào những việc kiện ấy.
Điều thứ 49
Trong tập hợp khế ước có thể định sẽ để cho trọng tài xét xử những sự xích mích xẩy ra do việc thi hành khế ước. Cách thức chọn trọng tài do hai bên thoả thuận định lấy, nhưng trọng tài phải có quốc tịch Việt Nam.
Điều thứ 50
Nếu có người xin, những phòng lục sự toà án có nhiệm vụ cho xem những tập hợp khế ước cùng những tờ khai đã nộp nơi phòng ấy. Những phòng này có thể cấp những bản sao y bản chính.
Điều thứ 51
Nếu xét ra cần Bộ trưởng Bộ Lao động có thể định rõ chi tiết việc thi hành những điều khoản trong tiết này.
TIẾT THỨ IV
TIỀN KÝ QUỸ ĐỂ BẢO ĐẢM CHO CHỦ TRONG NHỮNG
VIỆC THÂU XUẤT TIỀN BẠC
Điều thứ 52
Trong nghề nào mà công nhân phải ký quỹ tiền thì số tiền đó phải nộp thẳng vào quỹ tạm ký của Công khố Quốc gia. Người gửi tiền phải nói rõ ký quỹ cho chủ hay xí nghiệp nào. Quỹ nhận tiền sẽ cấp giấy biên lai đề rõ số tiền gửi, người gửi và ký quỹ cho ai, hay cho xí nghiệp nào.
Chủ không được trực tiếp hay gián tiếp nhận và giữ tiền ký quỹ của công nhân.
Điều thứ 53
Khi muốn lấy một phần hay cả số tiền ký quỹ ra, thì phải có chữ ký của cả chủ và công nhân.
Nếu công khố có cấp lãi cho số tiền gửi thì công nhân được hưởng món lãi đó.
Điều thứ 54
Chủ được hưởng "ưu tiên quyền" về số tiền ký quỹ. Nếu có sự bất đồng ý giữa chủ và công nhân về tiền ký quỹ, thì phải khiếu nại tại toà án.
Điều thứ 55
Nếu xét ra cần, Bộ trưởng Bộ Lao động có thể định rõ chi tiết việc thi hành những điều khoản nói trong tiết này.
TIẾT THỨ V
TIỀN CÔNG
1- TIỀN CÔNG TỐI THIỂU
Điều thứ 56
Tiền công nói trong tiết này là tiền lương chính không kể các khoản phụ cấp, mà chủ đã hứa trả hay đã ghi trong khế ước.
Không thể lấy cớ phải trả các khoản phụ cấp, như phụ cấp thâm niên, phụ cấp gia đình, v.v... định trong sắc lệnh này mà trừ một số tiền công đó.
Những phụ cấp hay tiền thưởng đặc biệt như phụ cấp làm được nhiều việc và tiền chia lãi, sẽ trả ngoài số lương chính.
Điều thứ 57
Công nhân đàn bà hay trẻ con mà làm một công việc công nhân đàn ông đều được lĩnh tiền công bằng số tiền công đàn ông.
Điều thứ 58
Tiền công tối thiểu là số tiền công do chính phủ ấn định theo giá sinh hoạt, để một công nhân không chuyên nghiệp sinh sống một mình, trong một ngày, ở một khu vực nhất định.
Điều thứ 59
Tiền công tối thiểu cốt để cho các chủ lấy đó làm định lương cho các hạng công nhân. Bất luận trường hợp nào không được trả lương công nhân ít hơn lương tối thiểu này sẽ định riêng cho người nhớn và trẻ con dưới 15 tuổi hình thức nói ở điều sau.
Tiền công căn bản của công nhân chuyên môn sẽ định trong các tập hợp khế ước.
Điều thứ 60
Nghị định bộ trưởng Bộ Lao động sẽ ấn định cách tổ chức các hội đồng có nhiệm vụ đề nghị số tiền công tối thiểu cho từng khu vực. Những hội đồng này mỗi năm ít ra họp một lần. Nếu có sự thay đổi quan trọng về giá sinh hoạt, thì các Ty Thanh tra Lao động, theo lời đề nghị của đại biểu chủ hay công đoàn, có thể triệu tập các hội đồng bất thường.
Bộ Lao động sẽ hỏi ý kiến Uỷ ban hành chính kỳ về đề nghị của những hội đồng nói trên trước khi ra nghị định ấn định lương tối thiểu.
Điều thứ 61
Nếu làm khoán từng kiện, bất luận là làm ở xưởng hay ở nhà, tiền công từng kiện phải tính thế nào cho một người thợ trung bình làm trong một ngày, theo số giờ định trong luật, có thể kiếm ít ra bằng số tiền công tối thiểu định ở các điều trên.
Điều thứ 62
Tiền công tối thiểu phải niêm yết luôn bằng tiếng Việt Nam tại các nơi làm việc, các phòng trả lương và tuyển người làm.
Điều thứ 63
Các bản điều lệ cho đấu giá các công tác công chính hoặc cho đấu giá việc cung cấp vật liệu cho Chính phủ phải có những khoản bắt buộc người thầu khoán định rõ sự thi hành tập hợp khế ước và lương tối thiểu cho công nhân.
Điều thứ 64
Nếu xét ra cần, Bộ trưởng Bộ Lao động có thể định rõ chi tiết việc thi hành những điều khoản nói trong tiết này.
2- Việc trả tiền công
Điều thứ 65
Tiền công của công nhân phải trả bằng tiền tệ do pháp luật cho phép lưu hành. Điều khoản khế ước nào trái với lẽ trên là vô hiệu.
Tuy nhiên, nếu được công nhân ưng thuận, chủ có thể trả một phần tiền công bằng gạo hay hoá phẩm cần thiết khác, theo giá của Chính phủ đã định. Nếu như không có giá của Chính phủ định, thì phải theo giá hiện hành ở thị trường nơi sở tại.
Điều thứ 66
Tiền công tháng phải trả mỗi tháng 2 kỳ, cách nhau 15 ngày.
Số tiền lĩnh lần đầu phải ngang với số tiền công những ngày đã làm trong kỳ đầu, và có thể coi như tiền cho mượn trước để tiện việc kế toán. Tiền công hàng tuần phải trả cuối tuần làm việc.
Điều thứ 67
Cấm chế độ giảm tiền lương của công nhân.
Nếu vô cớ mà chủ chậm trả tiền công, thì Thanh tra Lao động sẽ can thiệp bắt chủ phải trả trong một thời hạn nhất định. Nếu hết hạn mà vẫn chưa trả thì thanh tra lao động lập biên bản, không phải lệ phí, đưa trình thẩm phán sơ cấp hoặc đệ nhị cấp tuỳ theo số tiền công nhận trả. Thẩm phán sẽ xét theo thủ tục cấp thẩm. Khi nào cấp bách đặc biệt, Thẩm phán đệ nhị cấp có thể ra lệnh thi hành mọi phương pháp bảo thủ quyền lợi cho công nhân và có thể cử một người tạm quản lý công việc thay chủ.
Sau đó công nhân hoặc Thanh tra Lao động thay mặt công nhân sẽ kiện trước toà án bắt chủ trả món tiền thiếu.
Điều thứ 68
Khi có sự khiếu nại về việc trả tiền công thì chủ phải trình đủ giấy tờ, bằng chứng là mình đã trả rồi.
Điều thứ 69
Không được trả tiền công vào ngày thợ được nghỉ.
Điều thứ 70
Không được chặn lại hay giam giữ những số tiền trả các thầu khoán làm công việc công chính nếu số tiền ấy cần dùng để trả lương cho công nhân.
Điều thứ 71
Tiền công của công nhân được hưởng ưu tiên quyền định trong dân luật.
3- Việc phạt và trừ tiền công
Điều thứ 72
Cấm phạt vào tiền công.
Điều thứ 73
Chủ cho công nhân vay tiền, hoặc ứng tiền để cung cấp vật dụng cho công nhân, mỗi lần trừ không được quá một phần mười (1/10) số lương tháng.
Tiền cho mượn, hoặc gạo, vải, có thể trừ ngay, nếu như chủ trả trước tất cả tiền công của những việc đương làm.
TIẾT THỨ VI
PHỤ CẤP GIA ĐÌNH
Điều thứ 74
Tất cả công nhân đều được phụ cấp gia đình.
Điều thứ 75
Những con ruột hay con nuôi đã được công nhận hợp pháp, chưa tự kiếm ăn được, mà cha mẹ có phận sự phải nuôi, đều được hưởng phụ cấp này.
Phụ cấp gia đình chỉ trả cho đến hết năm 16 tuổi tính theo dương lịch. Tuy nhiên, trẻ nào đang học nghề theo những pháp luật hiện hành, hay đang theo học chữ, hay vì tàn tật hoặc bệnh kinh niên mà không tự kiếm ăn được thì sẽ được hưởng đến hết năm 18 tuổi.
Tiền phụ cấp này sẽ do sắc lệnh Chính phủ định sau.
Điều thứ 76
Phụ cấp gia đình sẽ trả cho người cha hay mẹ đang phải nuôi con.
Nếu cha mẹ cùng đi làm, phụ cấp gia đình sẽ trả cho người cha. Trừ khi hai vợ chồng đã ly dị thì phụ cấp sẽ trả cho người nào phải nuôi con.
Nếu người cha mất đi, thất nghiệp, hay coi như mất tích, thì người mẹ sẽ được lĩnh phụ cấp.
Điều thứ 77
Để trả khoản phụ cấp gia đình, chủ phải đóng vào một quỹ do sắc lệnh Chính phủ định sau, một số tiền tỷ lệ đối với số tiền lương tổng cộng phải trả cho tất cả công nhân làm trong xí nghiệp.
Điều thứ 78
Tiền phụ cấp gia đình phải trả đủ cho công nhân không được vì một lẽ gì mà phạm đến món tiền ấy.
Chủ cũng không được lấy cớ phải trả phụ cấp gia đình mà giảm tiền lương của công nhân.
Điều thứ 79
Các chi tiết thi hành những điều khoản nói trong tiết này sẽ do sắc lệnh định sau.
TIẾT THỨ VII
PHỤ CẤP THÂM NIÊN
Điều thứ 80
Công nhân Việt Nam, phải được chủ trả phụ cấp thâm niên khi bị thải hồi, trừ những trường hợp sau đây:
1- Tự ý xin thôi ra làm một sở khác hay ra kinh doanh để lợi riêng cho mình.
2- Bị thải vì đã phạm một trọng tội về hình luật.
Điều thứ 81
Những công nhân đã làm được 15 năm trở lên mà xin thôi để dưỡng lão và những công nhân vì sức yếu không thể làm việc được nữa mà phải xin thôi cũng được hưởng phụ cấp nói trên.
Trong trường hợp sau này, những công nhân ấy phải có giấy chứng nhận của một thày thuốc của Chính phủ hay được Chính phủ công nhận.
Nếu có sự kháng cáo về giấy chứng nhận ấy thì sẽ đem ra một hội đồng thầy thuốc định đoạt. Hội đồng này sẽ đặt dưới quyền chủ tịch của một thầy thuốc khác của Chính phủ và có hai thầy thuốc do chủ và công nhân viện ra làm hội viên. Công nhân nào không có thầy thuốc, sẽ xin Chính phủ cử ra một người.
Điều thứ 82
Đối với công nhân quá cố tiền phụ cấp thâm niên sẽ trả cho các con người ấy. Nếu không có con thì người chồng hay vợ còn sống được quyền hưởng.
Điều thứ 83
Các thợ học việc không được hưởng phụ cấp thâm niên. Những khi lành nghề mà vẫn làm với chủ, thì thời gian tập việc cũng tính vào hạn thâm niên.
Điều thứ 84
Tiền phụ cấp thâm niên tính như sau;
Công nhân đã làm với chủ được một năm trở lên thì cứ tính mỗi năm (12 tháng) ít nhất được 50đ00. Người nào làm kém 1 năm không được phụ cấp ấy.
Điều thứ 85
Theo pháp luật phụ cấp thâm niên được kể như tiền công và được ưu tiên quyền như tiền công.
Phụ cấp thâm niên phải trả riêng không lẵn với tiền bồi thường khi thải hồi mà không báo trước.
Điều thứ 86
Những điều khoản nói trên có cả hiệu lực đối với dĩ vãng nếu công nhân bị thải, xin thôi hay quá cố, sau ngày ban hành sắc lệnh này.
Phụ cấp thâm niên bao giờ cũng tính theo những năm đã làm việc nhân với số phụ cấp một năm.
Tuy nhiên đối với thời hạn của công nhân làm việc trước ngày ban hành sắc lệnh này, chủ chỉ phải trả cho công nhân lúc xin thôi, bị thải hay quá cố một món phụ cấp không quá 10 năm thâm niên.
Điều thứ 87
Những giao kèo, nội lệ, hay quỹ trữ phòng của xí nghiệp nào đã đảm bảo cho công nhân khi xin thôi hay bị sa thải một số tiền bằng hay nhiều hơn tiền phụ cấp thâm niên đã định ở những điều khoản trên, thì vẫn thi hành. Xí nghiệp ấy không phải trả phụ cấp thâm niên nữa.
Điều thứ 88
Nay bãi bỏ 2 nghị định về phụ cấp thâm niên số 2 ngày 1 tháng 10 và số 4 ngày 12 tháng 10 năm 1945, của Bộ trưởng Bộ Lao động.
TIẾT THỨ VIII
VIỆC CHIA LÃI CHO CÔNG NHÂN
Điều thứ 89
Để khuyến khích công nhân trong các ngành kỹ nghệ và thương mại,
có thể định cho công nhân tham gia vào việc chia lãi hàng năm.
Một sắc lệnh sẽ ấn định sau tỷ lệ số lãi mà công nhân được hưởng tuỳ theo từng xí nghiệp và những chi tiết thi hành điều khoản này.
TIẾT THỨ IX
KHO TIẾP TẾ
Điều thứ 90
Chủ một xí nghiệp hoặc người thay quyền, nếu muốn lập một kho tiếp tế riêng cho các công nhân thuộc xí nghiệp của mình thì phải theo những điều kiện nói sau đây:
1- Kho tiếp tế chỉ có những thực phẩm hoặc hoá phẩm cần thiết,
2- Thực phẩm hoặc hoá phẩm bán cho công nhân phải tính theo giá vốn (giá mua cộng với các khoản tiền phí tổn).
3- Không được bắt buộc công nhân phải mua hàng ở kho tiếp tế.
4- Việc bán hàng không phải là một nguồn lợi cho chủ hay người quản lý.
5- Kho tiếp tế phải đặt dưới quyền kiểm soát của một Uỷ ban mà trong đó ít ra một nửa số uỷ viên là đại biểu công nhân,
6- Kế toán của kho tiếp tế phải hoàn toàn tự trị không thuộc vào việc kế toán của xí nghiệp.
Điều thứ 91
Cấm những cai thầu không được trực tiếp hoặc gián tiếp lập những kho tiếp tế.
Điều thứ 92
Giá những thực phẩm và hoá phẩm phải niêm yết rõ ràng bằng tiếng Việt Nam ở nơi bán các phẩm vật ấy.
Điều thứ 93
Các nhân viên kiểm soát của Ty Lao động đều có quyền khám những kho tiếp tế. Nếu xét thấy trái với các điều nói trên thì các nhân viên này có thể xin Bộ trưởng Bộ Lao động đình chỉ việc hoạt động của kho tiếp tế.
Chủ hay người quản lý có quyền kháng cáo lên Bộ trưởng Bộ Lao động. Đại biểu của công nhân cũng có quyền kháng cáo.
Điều thứ 94
Khi xét ra cần, Bộ trưởng Bộ Lao động có thể bắt buộc một xí nghiệp nào đó lập kho tiếp tế cho công nhân.
TIẾT THỨ X
VIỆC MỘ CÔNG NHÂN VÀ SỰ THIẾT LẬP CÁC PHÒNG TÌM
VIỆC CHO CÔNG NHÂN
Điều thứ 95
Thể lệ việc mộ công nhân sẽ do một sắc lệnh ấn định sau.
Điều thứ 96
Tại những đô thị nào xét ra cần, thì các Uỷ ban hành chính kỳ có thể ban bố nghị định thiết lập những phòng tìm việc giùm cho công nhân. Những nghị định này trước khi thi hành phải được Bộ trưởng Bộ Lao động duyệt y.
CHƯƠNG THỨ IV
TIẾT THỨ NHẤT
KHAI TRÌNH VỀ VIỆC DÙNG NHÂN CÔNG TRONG CÁC XƯỞNG KỸ
NGHỆ, HẦM MỎ HAY THƯƠNG ĐIẾM
Điều thứ 97
Các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ hay thương điếm, các xưởng gia đình, tiểu công nghệ dùng quá 10 công nhân đều phải khai cho Ty Lao động địa phương biết, trong hạn 15 ngày sau khi thành lập.
Cũng bắt buộc phải khai trong những trường hợp sau này:
1- Xí nghiệp nào đã thôi kinh doanh quá 6 tháng, nay lại tiếp tục,
2 ?
3- Xí nghiệp nào đang làm mà dọn đi nơi khác hoặc sửa đổi, hoặc khuếch trương khiến cho việc kỹ nghệ hay thương mại đó thay đổi khác trước,
4- Xí nghiệp nào trước không dùng trẻ con dưới 18 tuổi hay đàn bà mà nay muốn mượn 2 hạng công nhân đó,
5- Xí nghiệp nào trước chưa dùng máy mà nay lại dùng đến.
Tờ khai phải biên tên, địa chỉ của người đứng khai, nơi lập xí nghiệp và tính cách công việc kỹ nghệ hay thương mại của xí nghiệp. Phải khai rõ có dùng trẻ con dưới 18 tuổi hoặc đàn bà và có dùng máy hay không.
Điều thứ 98
Hạn 3 tháng kể từ ngày ban bố đạo sắc lệnh này, tất cả các xí nghiệp đều phải khai theo thể lệ nói trên.
TIẾT THỨ HAI
TUỔI LÀM VIỆC
Điều thứ 99
Các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ và thương điếm không được mượn trẻ con dưới 12 tuổi dương lịch.
Điều thứ 100
Các Ty Lao động có thể yêu cầu 1 viên thầy thuốc nhà nước xét xem trẻ con hay thiếu niên từ 12 tuổi đến 18 tuổi dùng trong các xí nghiệp đã nói trên có đủ sức làm các công việc của chủ giao cho không.
Nếu xét ra quá sức thì ty Lao động, sau khi đồng ý với viên thầy thuốc, có quyền bắt chủ đổi việc làm hay thôi không cho làm nữa.
TIẾT THỨ III
THỜI HẠN LÀM VIỆC
Điều thứ 101
Thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bàm bất kỳ tuổi nào, không được quá 48 giờ một tuần lễ.
Điều thứ 102
Về những công việc làm dưới hầm mỏ hoặc trong những xưởng kỹ nghệ có hại có sức khoẻ, thì giờ công nhân phải có mặt ở nơi làm việc không được quá 45 giờ một tuần lễ.
Nghị định của Bộ Lao động sẽ ấn định sau những ngành kỹ nghệ coi là có hại cho sức khoẻ.
Thì giờ công nhân có mặt ở các hầm mỏ tính như sau này:
a) Trong các mỏ có giếng thông xuống, giờ làm việc tính từ lúc công nhân bước chân vào thang máy để xuống cho đến lúc ra khỏi giếng lên mặt đất.
b) Trong các mỏ xuống bằng đường hầm thì tính từ lúc vào đường hầm cho đến lúc ra khỏi mặt đất.
Không thể viện cớ giảm giờ làm việc nói trong điều này mà bớt tiền công của người làm.
Điều thứ 103
Bộ trưởng Bộ Lao động có thể do đề nghị của các cơ quan chuyên môn mà ấn định các chi tiết thi hành những điều khoản trên cho từng ngành hầm mỏ, kỹ nghệ, hay thương mại trong toàn cõi Việt Nam hay trong từng miền.
Sau khi thoả thuận với công nhân, chủ có thể xin Ty Lao động cho phép làm thêm giờ, để bù vào những giờ mất đi vì:
1- Toàn thể công nhân ngừng việc,
2- Công việc trong sở bị đình trệ do những duyên cớ bất thường, nhất là vì thời tiết không thuận hay vì những ngày lễ, hội hè, cùng là những việc khác xảy ra trong miền. Tuy vậy, những giờ làm phụ đó mỗi năm, mỗi người làm, không được quá 100 giờ.
Điều thứ 104
Những giờ được phép làm thêm nói ở điều 103 phải trả theo lương phụ cấp.
Điều thứ 105
Trong thời kỳ chiến tranh, hay vì sự khẩn cấp chung của quốc gia, thì giờ làm việc có thể tăng quá hạn định ở những điều trên; biến lệ này sẽ do sắc lệnh của Chính phủ ấn định.
TIẾT THỨ IV
LÀM ĐÊM
Điều thứ 106
Con trai chưa đến 18 tuổi, đàn bà, con gái bất kỳ bao nhiêu tuổi, làm tại các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm đều không được làm đêm. Phàm công việc nào làm trong khoảng từ 9 giờ tối đến 5 giờ sáng đều là công việc làm đêm.
Điều thứ 107
Thì giờ nghỉ đêm của công nhân con trai dưới 18 tuổi và của đàn bà, con gái bất kỳ bao nhiêu tuổi, ít ra phải được 11 giờ liền. Tuy nhiên, gặp các trường hợp nói ở hai điều sau đây có thể rút xuống còn 10 giờ:
Điều thứ 108
Đối với những xí nghiệp dùng các nguyên liệu hay những chất đang biến hoá, không thể để lâu được thì Bộ trưởng Bộ Lao động sẽ ra nghị định cho những nhà kỹ nghệ đó được tạm thời dùng thì giờ làm đêm dễ dàng hơn thể lệ nói trên.
Điều thứ 109
Gặp công việc khẩn cấp phải làm ngay để ngăn ngừa tại nạn sắp đến hoặc để tổ chức việc cứu vãn hay sửa chữa các khí cụ, vật liệu, nhà cửa bị tai nạn làm hư hỏng, thì hạn làm việc của công nhân con trai dưới 18 tuổi và đàn bà con gái bất kỳ bao nhiêu tuổi, có thể tăng quá giới hạn đã định ở điều 107.
Điều thứ 110
Trong những trường hợp nói trên phải trả phụ cấp cho những giờ làm đêm.
Điều thứ 111
Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Lao động, sau khi hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn, có thể ra nghị định cho phép dùng đàn bà, trẻ con dưới 18 tuổi làm đêm theo những điều kiện của nghị định ấy.
TIẾT THỨ V
NGÀY NGHỈ HÀNG TUẦN
Điều thứ 112
Mỗi tuần lễ công nhân phải được nghỉ 24 giờ liền.
Tuy nhiên, lệ nghỉ hàng tuần của những công nhân các sở vận tải đường bộ, đường thuỷ, đường hàng không, cùng là xe lửa, xe điện sẽ do nghị định riêng ấn định.
Điều thứ 113
Bộ trưởng Bộ Lao động theo đề nghị của Ty Lao động địa phương sẽ ra nghị định ấn định những sở nào có thể cho công nhân nghỉ hàng tuần theo cách lần lượt kế tiếp và những biến lệ về việc nghỉ của những thợ chuyên môn làm trong các nhà máy đốt lửa hay chạy luôn luôn, cũng là cách thức thi hành các điều khoản ở tiết này.
Điều thứ 114
Đối với các sở, vì thời tiết bất thường mà phải đình việc, thì công nhân có thể phải làm bù vào những ngày nghỉ hàng tuần nhưng không được quá 3 ngày trong một tháng. Những ngày làm việc này phải trả lương phụ cấp.
Điều thứ 115
Các kỹ nghệ nào chỉ làm từng mùa trong một năm hoặc dùng chất dễ hư hỏng thì có thể xin Ty Lao động cho phép tạm thời đình việc thi hành lệ nghỉ hàng tuần.
Điều thứ 116
Chiểu theo tờ trình của Uỷ ban hành chính kỳ và sau khi hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn, Bộ trưởng Bộ Lao động sẽ ra nghị định lập danh sách các xưởng kỹ nghệ hay thương điếm có thể được hưởng hai điều nói trên.
TIẾT THỨ VI
NGHỈ NHỮNG NGÀY LỄ CHÍNH THỨC
Điều thứ 117
Tất cả công nhân đều được nghỉ việc và được hưởng lương như ngày làm việc trong những lễ chính thức kể sau đây:
1- Ngày lễ lao động 1 tháng 5 dương lịch,
2- ????
3- Ngày mồng 2 tháng 9 dương lịch, ngày lễ độc lập,
4- Ngày mồng 1 tháng giêng dương lịch,
5- Ngày Phận đản, mồng 8 tháng 4 âm lịch
6- Ngày Thiên chúa giáng sinh.
Điều thứ 118
Khi công việc sở hay xí nghiệp nào không thể tạm ngừng lại được thì những công nhân phụ trách thường trực trong những ngày nghỉ nói ở điều trên được lĩnh gấp đôi lương.
Những công nhân ăn lương ngày mà phải đi thường trực trong những ngày nghỉ nói ở điều trên được lĩnh gấp đôi lương.
Những công nhân ăn lương tháng mà phải đi thường trực thì tiền phụ cấp về những ngày nghỉ ấy sẽ tính là 1/25 số lương tháng.
Điều thứ 119
Khi một ngày hay nhiều ngày lễ chính thức nói trên nhằm vào ngày nghỉ hàng tuần thì công nhân chỉ được lương nếu hợp đồng hay nội quy của sở hay xí nghiệp có cho ăn lương cả ngày nghỉ hàng tuần. Những công nhân đi thường trực sẽ được lương thường nếu nội quy hay hợp đồng của sở hay xí nghiệp không cho lương ngày nghỉ hàng tuần. Họ sẽ lĩnh gấp đôi nếu họ được lương ngày nghỉ hàng tuần.
Điều thứ 120
Những công nhân làm khoán, tính kiện ăn công thì số lương những ngày nghỉ ấy sẽ tính theo số lương trung bình đã lĩnh hàng ngày trong 7 hôm trước ngày lễ chính thức.
TIẾT THỨ VII
LỆ NGHỈ CỦA ĐÀN BÀ ĐẺ VÀ ĐÀN BÀ CHO CON BÚ
Điều thứ 121
Đàn bà nghỉ về thai sản được lĩnh trong thời hạn 8 tuần lễ nói ở điều 31 nửa số tiền công kể cả phụ cấp.
Chủ không được lấy cớ người công nhân có thai mà sa thải hoặc bắt làm công việc nặng nề hơn hoặc đổi chỗ làm mà không được họ đồng ý.
Điều thứ 122
Người mẹ có thể cho con bú tại nơi mình làm việc trong hạn một năm kể từ ngày đẻ. Lúc cho con bú được nghỉ 30 phút trong giờ làm buổi sáng và 30 phút trong giờ làm buổi chiều.
Các giờ nghỉ cho con bú không được trừ vào hạn nghỉ thường lệ do sắc lệnh này.
Điều thứ 123
Nơi nào dùng 100 công nhân đàn bà phải lập một nhà để giữ trẻ con cần cho bú.
TIẾT THỨ VIII
NGHỈ HÀNG NĂM
Điều thứ 124
Công nhân hay thợ học nghề làm được một năm thì được nghỉ hàng năm ít nhất 10 ngày liền được cả lương và phụ cấp. Trong 10 ngày ấy, phải 8 ngày không là chủ nhật hay ngày lễ chính thức. Công nhân nào làm được 6 tháng được nghỉ ít nhất 5 ngày lĩnh cả lương và phụ cấp, mà 4 ngày không phải là chủ nhật hay ngày lễ chính thức.
Điều thứ 125
Trước khi nghỉ hàng năm, công nhân được lĩnh trước số tiền công và cả mọi khoản phụ cấp đã nói trong điều trên, tính theo tiền công hàng ngày của họ.
Điều thứ 126
Khế ước nào định rằng công nhân tình nguyện không hưởng lệ nghỉ hàng năm, đều kể là vô hiệu, dù chủ có cấp cho một số tiền bù vào cũng vậy.
TIẾT THỨ IX
LỆ NGHỈ CỦA CÔNG NHÂN KHI ỐM ĐAU
Điều thứ 127
Công nhân khi ốm đau muốn xin nghỉ ăn lương phải có giấy chứng nhận của bác sĩ hoặc thầy thuốc.
Điều thứ 128
Nếu bệnh không do một tai nạn lao động gây ra thì công nhân có quyền được nghỉ bệnh mà vẫn có lương, nhiều nhất là 20 ngày trong một năm.
Hạn nghỉ này không được trừ vào hạn nghỉ hàng năm ăn lương.
Điều thứ 129
Các xí nghiệp hoặc tự lập nhà thương riêng hoặc bị bắt buộc phải có nhà thương và chịu hết phí tổn về ăn uống và thuốc men cho công nhân trong khi ốm đau, thì không phải trả lương trong những ngày công nhân nằm điều trị.
Xí nghiệp nào đưa công nhân ốm đến bệnh viện tư hay công và chịu hết phí tổn như đã nói trên cũng không phải trả lương.
Nếu lương công nhân nhiều hơn số tiền phí tổn này thì chủ phải trả lại số tiền thừa.
CHƯƠNG THỨ V
CÁC ĐIỀU KHOẢN RIÊNG
CÔNG VIỆC LÀM DƯỚI HẦM MỎ
Điều thứ 130
Đàn bà, con gái bất kỳ bao nhiêu tuổi và con trai dưới 15 tuổi không được dùng làm việc dưới hầm mỏ và trong những xưởng kỹ nghệ có hại cho sức khoẻ hay nguy hiểm do Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định.
Tuy nhiên, trong những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Lao động có thể cho phép một vài xí nghiệp (trừ dưới hầm mỏ) không phải tuân theo lệ này.
NGHỀ Ả ĐÀO VÀ VŨ NỮ
Điều thứ 131
Cấm không được dùng trẻ con chưa đến 15 tuổi tính theo dương lịch, để làm ả đào và vũ nữ.
VIỆC DÙNG NHÂN CÔNG NGOẠI QUỐC
Điều thứ 132
Những người không có quốc tịch Việt Nam muốn làm ăn trên đất Việt Nam phải được Chính phủ Việt Nam cấp cho giấy phép trước. Những chủ muốn dùng công nhân ngoại quốc phải xin phép bộ trưởng Bộ Lao động.
Sắc lệnh này cũng thi hành cho công nhân ngoại quốc được phép làm ăn trên đất Việt Nam.
Tỷ số nhân công ngoại quốc không được quá một tỷ số sẽ ấn định sau.
CHƯƠNG THỨ VI
VỆ SINH VÀ BẢO AN CHO NGƯỜI LÀM
TIẾT THỨ I
TỔNG LỆ
Điều thứ 133
Các điều khoản ở chương này thi hành cho tất cả công nhân các xưởng kỹ nghệ, hầm mỏ, thương điếm bất luận tư hay công.
Tuy vậy, những xưởng gia đình, những nhà tiểu công nghệ đều được miễn lệ này, trừ khi những xưởng đó dùng nồi máy hay động cơ, hoặc thuộc vào hạng xưởng có hại cho sức khoẻ ở chương này phải có đủ phương tiện để bảo an và giữ gìn sức khoẻ cho công nhân.
Các máy móc và dụng cụ phải xếp đặt và giữ gìn thế nào cho hợp sự bảo an.
Điều thứ 134
Công nhân hay thợ học nghề làm trong các giếng mỏ, các ống dẫn hơi, các ống khói, các chuồng tiêu, các thùng máy chứa chất độc, v.v. .. đều phải có những dụng cụ thích hợp để bảo vệ sinh mệnh và tránh tại nạn.
Các miệng giếng, miệng lỗ, nắp hầm đều phải có chắn chung quanh.
Các động cơ phải đặt riêng biệt và có rào chắn. Các giàn cất để làm việc trên cao đều phải có tay vịn vững chắc. Các bộ phận máy đương chạy đều phải che chở hay đặt xa tầm tay thợ làm cho khỏi nguy hiểm. Các dây truyền điện đặt trong xưởng không cao quá 2 thước 50 cũng đều phải che chở như thế.
Phải có dụng cụ riêng cho chạy dây chuyền các máy móc để thợ khỏi mó tay vào.
Điều thứ 135
Bộ trưởng Bộ Lao động sẽ ấn định những điều cần thiết cho sự bảo an và vệ sinh trong các xí nghiệp nói ở điều thứ 133.
Điều thứ 136
Chủ các xưởng nói ở điều thứ 133 phải có một cuốn sổ biên những điều mà sở Lao động bắt thi hành. Sổ đó phải đưa trình khi Thanh tra và kiểm soát viên ty Lao động hỏi đến.
Điều thứ 137
Trước khi lập biên bản phạt, các Thanh tra và Kiểm soát lao động phải ra lệnh bắt chủ thi hành những phương pháp đã định trong một thời gian không được kém 15 ngày. Lệnh đó phải ghi vào quyển sổ nói ở điều 136.
Điều thứ 138
Sau khi nhận được lệnh nói ở điều trên, chủ có thể khiếu nại lên Bộ Lao động, trong hạn 15 ngày; nếu có đơn khiếu nại thì sự thi hành được phép hoãn lại.
Nếu Bộ Lao động bác đơn khiếu nại thì thời hạn phải thi hành bắt đầu tính từ ngày chủ nhận được giấy thông đạt sự bác bỏ đó. Nếu hết kỳ hạn mà các phương pháp về vệ sinh và bảo an vẫn chưa thi hành thì lập biên bản lần thứ hai. Biên bản này sẽ đệ trình ông Thẩm phán đệ nhị cấp xử theo thủ tục cấp thẩm không mất lệ phí. Vị này sẽ ra lệnh thi hành những phương pháp cần thiết.
Điều thứ 139
Nếu công nhân tự tìm được chỗ ở gần nơi làm thì chủ không phải trù liệu chỗ ở cho họ.
Nhưng nếu số công nhân nhiều đến nỗi không tìm đủ chỗ ở trong các vùng gần nơi làm hoặc nếu họ đông đến nỗi làm hại vệ sinh chung, và trong các vùng mỏ, các khu tập trung công nhân xa thành thị, thì chủ sẽ bắt buộc lo nhà ở cho tất cả hay một phần thợ thuyền làm với mình.
Gặp một vài trường hợp đặc biệt, nhất là trong những khi có bệnh dịch tả, chủ cũng có thể bị bắt buộc phải tạm trù liệu nhà cho công nhân ở.
Việc bắt buộc vĩnh viễn hay tạm thời phải có những khu nhà cho công nhân ở sẽ do Uỷ ban hành chính kỳ quyết định theo lời đề nghị của Ty Lao động, và sau khi đã hỏi ý kiến sở y tế.
Điều thứ 140
Những nơi làm việc phải rộng rãi, thoáng khí và có ánh nắng mặt trời. Những nơi làm việc phải cách biệt hẳn những nhà tiêu, những cống, rãnh, để tránh mùi hôi tanh.
Điều thứ 141
Mỗi ngày các nơi làm việc phải quét dọn sạch sẽ trước khi công nhân vào làm.
Điều thứ 142
Chủ phải xếp đặt chỗ nhà tiêu, đi tiểu đủ dùng cho công nhân trong xí nghiệp và phải rửa quét một ngày 2 lần.
Điều thứ 143
Chủ phải trù liệu cho công nhân có nước ăn đủ vệ sinh ở nơi làm.
Điều thứ 144
Xí nghiệp nào dùng từ 25 đến 100 công nhân bắt buộc phải có hộp thuốc cấp cứu, từ 100 đến 500 phải có phòng thuốc và y tá thường trực để cho thuốc, từ 500 đến 2.000 phải có phòng thuốc do y sĩ trông nom.
Từ 2.000 trở lên phải có bệnh viện.
ở những nơi nước độc có từ 1.000 công nhân trở lên phải có bệnh viện do y sĩ trông nom.
Những xí nghiệp nào bị bắt buộc có bệnh viện mà dùng nhiều công nhân đàn bà thì phải có phòng hộ sinh.
Đối với các xí nghiệp gần bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Lao động có thể đặc biệt cho phép không theo lệnh này.
Điều thứ 145
ở các vùng có bệnh sốt rét rừng, chủ phải chịu phí tổn về việc đề phòng bệnh này mà phát thuốc cho công nhân không lấy tiền.
Điều thứ 146
Bộ trưởng Bộ Lao động sẽ chỉ định:
1- Những công việc coi là nguy hiểm, quá sức, đối với đàn bà trẻ con để cấm họ không được làm;
2- Những thể lệ đặc biệt cho phép đàn bà, trẻ con làm trong các sở có hại cho sức khoẻ hay nguy hiểm vì phải gần những chất hay hơi độc, với những sự bảo vệ cần phải có cho họ.
Điều thứ 147
Xí nghiệp nào nuôi cơm cho thợ, thì bắt buộc phải có nhà ăn riêng biệt chỗ làm việc, và phải rộng rãi, sạch sẽ.
TIẾT THỨ II
THỂ LỆ RIÊNG CHO CÁC HẦM MỎ
Điều thứ 148
Thể lệ riêng về việc bảo vệ sức khoẻ và sinh mệnh cho công nhân các hầm mỏ sẽ do Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định sau khi hỏi ý kiến các cơ quan chuyên môn.
CHƯƠNG THỨ VII
TAI NẠN LAO ĐỘNG
Điều thứ 149
Tại nạn lao động là những tai nạn xảy ra cho công nhân bỏ công việc làm hay công nhân khi làm công việc.
Công nhân bị tai nạn lao động, dù lỗi tại mình hay không, mà phải nghỉ việc quá 4 ngày, thì phải được chủ bồi thường; nếu vì tai nạn ấy mà chết thì những người thừa kế được bồi thường. Số tiền bồi thường sẽ kể từ hôm sau ngày xảy ra tai nạn. Ngày xảy ra tai nạn coi như ngày công nhân vẫn làm việc, chủ phải trả cả lương.
Điều thứ 150
Một sắc lệnh sẽ định rõ chi tiết thi hành điều khoản trên.
CHƯƠNG THỨ VIII
VIỆC LẬP ĐOÀN THỂ CÔNG NHÂN
TIẾT THỨ 1
CÔNG ĐOÀN
A- MỤC ĐÍCH VÀ CÁCH THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN
Điều thứ 151
Công đoàn là những đoàn thể lập ra mục đích để bảo vệ quyền lợi của công nhân về phương diện nghề nghiệp.
Điều thứ 152
Những người sáng lập công đoàn phải khai rõ tên tuổi, nghề nghiệp và chỗ ở của mình và của những người sẽ tham dự vào việc điều khiển hay quản lý công đoàn, và phải nộp bản điều lệ của công đoàn tại:
1- Uỷ ban hành chính tỉnh hay thành phố nơi công đoàn đặt hội sở;
2- Phòng lục sự toà án tỉnh;
3- Ty Lao động tỉnh.
Điều thứ 153
Sẽ nộp những giấy tờ nói trên cho Chủ tịch Uỷ ban hành chính và vị này có nhiệm vụ phát biên lai.
Mỗi khi có sự thay đổi điều lệ hay nhân viên ban quản trị thì những người thay mặt hội phải khai sự thay đổi ấy với các cơ quan nói trên trong hạn nhiều nhất là 5 ngày kể từ ngày có sự thay đổi.
Điều thứ 154
Những người tham dự vào ban quản trị phải có đủ điều kiện sau đây:
1- Có quốc tịch Việt Nam,
2- Phải là đoàn viên,
3- Phải có đủ quyền về dân luật.
Điều thứ 155
Đàn bà có quyền vào công đoàn và có quyền tham dự vào ban quản trị.
Người vị thành niên từ 16 tuổi trở lên tính theo dương lịch được phép vào công đoàn, nhưng không được tham dự vào ban quản trị.
Điều thứ 156
Chỉ những người ở trong nghề mới được vào công đoàn nghề ấy, khi đã vào công đoàn được ít nhất là một năm, thì dầu có thôi không làm nghề cũ vẫn có thể ở trong công đoàn.
Điều thứ 157
Công đoàn không có quyền bắt buộc ai vào tổ chức, nhưng có quyền nhận hay từ chối đoàn viên theo điều lệ riêng của mình. Công đoàn không có thể bắt buộc đoàn viên phải ở trong đoàn một cách vĩnh viễn, nhưng có quyền bắt người xin ra phải nộp tiền nguyệt phí trong một hạn nhiều nhất là 6 tháng kể từ ngày xin ra.
Điều thứ 158
Khi nào vì một cớ gì mà giải tán thì của cải của công đoàn không được đem chia cho đoàn viên, mà phải đem sử dụng theo điều kiện định trong điều lệ. Không nữa thì phải chuyển sang cho một cơ quan cứu tế do Bộ Lao động ấn định.
B- PHÁP NHÂN TƯ CÁCH CỦA CÔNG ĐOÀN
Điều thứ 159
Công đoàn có pháp nhân tư cách, có thể đối tụng trước toà án hay đứng nguyên đơn mỗi khi có việc gì xảy ra làm tổn hại gián tiếp hay trực tiếp đến quyền lợi chung của nghề nghiệp mà công đoàn đứng thay mặt.
Điều thứ 160
Công đoàn có quyền thay mặt công nhân trong đoàn mình trước toà án.
Điều thứ 161
Công đoàn có thể mua hay nhận không cần xin phép, các động sản và bất động sản.
Điều thứ 162
Công đoàn được tự do sáng lập và quản trị những phòng tìm việc và cung cấp nhân công. Công đoàn được tự do sáng lập, quản trị hay giúp đỡ những công cuộc có tính cách nghề nghiệp, như quỹ tương tế, phòng thí nghiệm, trường dạy về khoa học, canh nông, xã hội, hay lớp dạy nghề.
Điều thứ 163
Công đoàn ??? do bác sỹ hay y sỹ của công đoàn điều khiển và cho giấy chứng nhận bệnh tật của đoàn viên.
Điều thứ 164
Công đoàn có thể sáng lập hay giúp đỡ những hợp tác xã tiêu thụ sản xuất.
Điều thứ 165
Các cơ quan của Chính phủ có thể hỏi ý kiến công đoàn về việc định giá sinh hoạt, định giá nhân công và mọi vấn đề có liên can đến nghề nghiệp mà công đoàn đứng thay mặt.
Điều thứ 166
Những hội viên xin ra công đoàn vẫn có thể là những hội viên của các hội tương tế, mà họ đã đóng góp.
C- LIÊN ĐOÀN
Điều thứ 167
Những công đoàn đã thành lập theo những điều trên này có thể liên kết với nhau để lập những liên đoàn hay tổng liên đoàn.
Điều thứ 168
Những khoản nói trong những điều từ 151 đến 158 trên này sẽ thi hành cho liên đoàn cùng những người đứng quản lý.
Trong điều lệ mỗi liên đoàn phải định rõ danh hiệu và hội sở của liên đoàn và cách thức bầu cử ban quản trị của liên đoàn.
Điều thứ 169
Sau khi thành lập, liên đoàn hay tổng liên đoàn cũng được hưởng quyền hạn định trong những điều từ 159 đến 16 ? trên đây.
D- LINH TINH
Điều thứ 170
Những người sáng lập hay quản lý công đoàn và liên đoàn không theo đúng những điều 151 đến 158 cùng những điều 167, 168 trên đây, hoặc là cố ý khai gian, có thể bị phạt tù 1 đến 6 tháng án treo và phạt bạc từ 15 đ đến 1.000 đ.
Nếu tái phạm, toà án sẽ phạt tù.
Điều thứ 171
Nếu công đoàn hành động trái với điều lệ công đoàn, trái với những điều khoản trong chương này, hay có những hành vi tổn hại đến nền Dân chủ cộng hoà của nước Việt Nam thì Biện lý nơi hội sở có quyền xin toà giải tán công đoàn hay liên đoàn và tịch thu của cải của những hội ấy để cấp cho một cơ quan cứu tế do Bộ Lao động ấn định.
Trừ những người trong ban quản trị có thể bị truy tổ theo pháp luật, những người trong công đoàn hay liên đoàn đã bị giải tán vẫn giữ quyền tự do lập công đoàn khác hợp theo pháp luật.
TIẾT THỨ II
UỶ BAN Ở CÁC CÔNG SỞ
Điều thứ 172
ở các ngành kỹ nghệ của quốc gia hay thuộc quyền quốc gia kiểm soát, công nhân có thể lập các uỷ ban công sở để trực tiếp giao thiệp với những cơ quan của Chính phủ.
ở các xí nghiệp của tư nhân, công đoàn hoặc đại biểu công nhân sẽ thay mặt cho toàn thể công nhân ở xí nghiệp ấy trong mọi trưởng hợp.
Điều thứ 173
Những chi tiết thi hành điều thứ 172 trên này sẽ do một nghị định Bộ trưởng Bộ Lao động ấn định sau.
TIẾT THỨ III
QUYỀN TỰ DO KẾT HỢP VÀ BÃI CÔNG
Điều thứ 174
Công nhân có quyền tự do kết hợp và bãi công.
Một sắc lệnh sau sẽ ấn định phạm vi sử dụng những quyền này cùng cách thức hoà giải và trọng tài.
CHƯƠNG THỨ IX
NÓI VỀ HÌNH PHẠT
Điều thứ 175
Hễ phạm vào một trong các điều sau này thì phải phạt bạc từ 10đ đến 50đ và tái phạm thì phạt từ 51đ đến 100đ.
Điều thứ 9 về số thợ hay thợ học nghề nhiều nhất mà nhà tiểu công nghệ được dùng.
Điều thứ 15 và 16 về thể lệ hạn tuổi thợ học nghề và số thợ học nghề trong các xí nghiệp.
Điều thứ 21 và 22 về việc lập và niêm yết nội quy.
Điều thứ 33 về lệ niêm yết nói trong điều này.
Điều thứ 35 không có danh sách các cai khoán.
Điều thứ 36 cấm chế độ ăn công làm khoán.
Điều thứ 46 không tuân tập hợp khế ước.
Điều thứ 62 về việc niêm yết số lương tối thiểu.
Điều thứ 66 về việc trả tiền công mỗi tháng 2 kỳ.
Điều thứ 72 cấm phạt vào tiền công.
Điều thứ 73 cấm trừ tiền công trái phép.
Điều thứ 91, 92 và 93 về việc cấm cai thầu làm kho tiếp tế và bắt buộc yết thị giá thực phẩm bán tại các kho tiếp tế.
Điều 97 và 98 về việc khai trình nói trong 2 điều ấy.
Điều 101 và 102 không tuân hạn giờ làm việc đã định.
Điều 106 không tuân việc cấm dùng trẻ con và đàn bà làm đêm, và thời hạn nghỉ đêm của hai hạng công nhân này.
Điều 112 không tuân hạn nghỉ hàng tuần.
Điều 114 lạm dụng hạn làm bù.
Điều 124 và 126 không tuân hạn nghỉ hàng năm ăn lương,
Điều 136 không có cuốn sổ ghi những điều các nhà chức trách bắt phải làm về việc vệ sinh và bảo an.
Điều 146 về những việc nguy hiểm hay quá sức cho đàn bà, trẻ con.
Điều thứ 176
Nếu phạm vào những điều sau này sẽ bị phạt bạc từ 101đ đến 200đ và tái phạm từ 201đ đến 1.000đ.
Điều 3 cấm mộ công nhân theo cách dụ dỗ hoặc cưỡng bách.
Điều 12 cấm dùng trẻ con dưới 12 tuổi làm thợ học nghề.
Điều 52 cấm chủ không được nhận thẳng tiền ký quỹ của công nhân.
Điều 123 không trù liệu nơi cho công nhân đàn bà cho con bú.
Điều 130 không tuân lệnh cấm đàn bà trẻ con làm dưới hầm mỏ.
Điều 131 cấm dùng trẻ con dưới 15 tuổi làm nghề ả đào hay vũ nữ.
Điều 132 dùng công nhân ngoại quốc trái phép.
Điều 133 và 134 không trù liệu những phương pháp về bảo an và vệ sinh.
Điều 139 về việc trù liệu nơi trú ngụ cho công nhân.
Điều 143 không trù liệu nước ăn đủ vệ sinh cho công nhân.
Điều 144 không trù liệu các cách cứu chữa cho công nhân hay không có khán hộ hay y sỹ.
Điều 145 không trù liệu thuốc men đề phòng và chữa bệnh sốt rét rừng.
Điều thứ 177
Khi phạm vào luật lệ lao động mà không có những điều khoản riêng định trừng phạt thì sẽ bị phạt bạc từ 10đ đến 50 đ và nếu tái phạm từ 51đ đến 100đ.
Điều thứ 178
Những chủ nào không chịu nộp tiền góp về phụ cấp gia đình cho công nhân sẽ phải phạt một số tiền gấp đôi số tiền phải góp.
Những chủ cố ý khai man trong việc tính tiền góp về phụ cấp gia đình sẽ phải phạt bạc từ 10đ đến 50đ và nếu tái phạm từ 51đ đến 100đ.
Điều thứ 179
Những cai khoán cố ý khai man những điều nói trong điều 33 sẽ bị phạt bạc từ 10đ đến 50đ hoặc phải phạt giam từ 7 đến 15 ngày. Nếu tái phạm sẽ bị cả hình phạt trên.
Điều thứ 180
Về luật lao động, nếu trong 12 tháng mà phạm cùng một lỗi thời coi là tái phạm.
Điều thứ 181
Nếu phạm pháp thì cứ dùng bao nhiêu công nhân trong trường hợp ấy sẽ bị phạt tiền bầy nhiều lần.
Tuy nhiên, lần đầu mà phạm pháp như thế, thì tổng cộng số tiền phạt không được quá 500đ.
Điều thứ 182
Ai làm ngăn trở các Bộ trưởng, Thanh tra, Kiểm soát hay Uỷ viên lao động, trong khi thi hành công vụ thì sẽ bị phạt bạc từ 100đ đến 1.000đ và nếu tái phạm thì bị phạt từ 1.000đ đến 10.000đ.
Ngoài ra, những người phạm tội ngăn trở, công việc làm của các viên chức lao động nói trên, hoặc vũ mãn hay bạo động đối với những người ấy đều bị truy tố theo các điều khoản trong hình luật thi hành cho các uỷ viên tư pháp công an.
Điều thứ 183
Xí nghiệp phải chịu trách nhiệm về mặt hội đồng với những án phạt giám đốc, Quản lý hay người thay mặt xí nghiệp đó.
CHƯƠNG THỨ X
Điều thứ 184
Để kiểm soát việc thi hành luật lệ lao động, một sắc lệnh sẽ lập những ngạch Thanh tra và Kiểm soát lao động cùng định rõ nhiệm vụ và quyền hành của những viên chức này.
Điều thứ 185
Các luật lệ, nghị định, thông tư trái với điều khoản đạo sắc lệnh này đều bãi bỏ.
Những luật lệ hiện hành nói đến những vấn đề chưa giải quyết bởi sắc lệnh này vẫn tạm thi hành.
Điều thứ 186
Công nhân đứng kiện hay bị kiện về việc thi hành các điều khoản sắc lệnh này, được tư pháp bảo trợ tại toà án không mất phí tổn kiện tụng.
Điều thứ 187
Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và Bộ Lao động thi hành sắc lệnh này.
Hồ Chí Minh
(Đã ký)