• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/03/2000
BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Số: 32/2000/CT-BNNPTNT/KL
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 2000

CHỈ THỊ

Về việc tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp trong cả nước

Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là một nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng đã được quy định trong các văn bản của Thủ tướng Chính phủ như:

- Chỉ thị 286-TTg ngày 02/5/1997 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để bảo vệ và phát triển rừng;

- Quyết định 661/QĐ-TTg ngày 29/7/1998 về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

- Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp.

Thực hiện chủ trương trên, trong 2 năm qua, các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức kiểm kê rừng theo một quy trình thống nhất, lấy xã làm đơn vị kiểm kê cơ sở, thành quả kiểm kê được các cấp chính quyền tỉnh, huyện, xã ký xác nhận. Thành quả kiểm kê này là căn cứ khoa học và pháp lý để lập cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp.

Các lần tổng điều tra kiểm kê rừng trước đây, thành quả kiểm kê không đưa ngay vào để quản lý theo dõi các biến động về rừng và đất lâm nghiệp, không cập nhật kịp thời các diễn biến, nên chỉ sau một thời gian ngắn thông tin bị lạc hậu, không còn giá trị sử dụng. Để khắc phục tình trạng nói trên, sau khi hoàn tất công tác kiểm kê rừng theo Chỉ thị 286/TTg, cần tập trung chỉ đạo thực hiện việc kế thừa thành quả kiểm kê rừng để hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp, thực hiện việc theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp, thường xuyên cập nhật và định kỳ nâng cấp cơ sở dữ liệu, cung cấp thông tin tin cậy cho công tác quản lý bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng trước mắt và lâu dài.

Để thực hiện cụ thể chủ trương trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ thị:

Các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

1. Lập Ban chỉ đạo dự án của Bộ để xây dựng dự án "Cơ sở dữ liệu Ngành về quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp" bao gồm đại diện các đơn vị: Cục Kiểm lâm, Cục Phát triển Lâm nghiệp, Viện Điều tra quy hoạch rừng, các Vụ liên quan, Văn phòng Bộ, (Thường trực Ban Chỉ đạo Công nghệ Thông tin của Bộ).

2. Các đơn vị trong Bộ (Cục Kiểm lâm là đầu mối) xây dựng các văn bản trình Bộ ban hành theo nội dung và phân công dưới đây:

a) Cục Kiểm lâm soạn thảo các văn bản:

- Hướng dẫn lập dự án theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp của tỉnh và hình thành cơ sở dữ liệu quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp;

- Quy định về trách nhiệm của các cơ quan trong việc theo dõi diễn biến rừng và sử dụng đất lâm nghiệp: Lực lượng Kiểm lâm, Vườn Quốc gia, các chủ rừng, lực lượng Điều tra quy hoạch rừng và các tổ chức quản lý lâm nghiệp khác;

Quy trình kỹ thuật thu thập thông tin ngoài thực địa, xác định các thay đổi về rừng, đất lâm nghiệp trên thực địa và bản đồ.

b) Cục Phát triển lâm nghiệp soạn thảo quy định về chế độ báo cáo tập hợp thông tin về hoạt động lâm nghiệp.

c) Viện Điều tra quy hoạch rừng soạn thảo quy định về thiết kế hệ thống Cơ sở dữ liệu quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp; Quy trình kỹ thuật vận hành, khai thác, cập nhật, nâng cấp cơ sở dữ liệu tỉnh và kết nối với cơ sở dữ liệu trên mạng vi tính.

3. Cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình Ban Chỉ đạo kế hoạch thực hiện hành năm về:

- Tổ chức tập huấn cho các cơ sở và chỉ đạo thực hiện thí điểm;

- Chỉ đạo triển khai dự án của tỉnh;

- Chuyển giao số liệu và kết nối 2 chiều giữa cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở dữ liệu của tỉnh.

Các cơ quan quản lý lâm nghiệp cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:

Căn cứ Quyết định 245/1998/QĐ-TTg ngày 21/12/1998 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp, về tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp là trách nhiệm của các cấp chính quyền, đề nghị UBND tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo thực hiện nội dung sau đây:

1. Đề nghị thành lập Ban chỉ đạo thực hiện dự án của tỉnh bao gồm các thành viên: Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ban ngành liên quan và giao cho Chi cục Kiểm lâm là cơ quan chủ trì thực hiện dự án. Các tỉnh chưa có Chi cục Kiểm lâm thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ trì dự án.

2. Xây dựng dự án theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và hình thành cơ sở dữ liệu quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh theo đề cương hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Thực hiện việc theo dõi diễn biến rừng, đất lâm nghiệp và hình thành cơ sở dữ liệu bao gồm các nhiệm vụ sau:

- Tập hợp và nạp vào máy tính thành quả kiểm kê rừng, bao gồm số liệu, bản đồ rừng và đất lâm nghiệp các xã, các thông tin liên quan. Hình thành cơ sở dữ liệu về quản lý rừng và sử dụng đất lâm nghiệp của tỉnh.

- Tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp từ cơ sở, định kỳ tập hợp các thông tin về các hoạt động lâm nghiệp, tập hợp theo đơn vị hành chính cấp xã.

- Tổ chức cập nhật, nâng cấp thông tin cơ sở dữ liệu, xử lý kết quả. Định kỳ báo cáo thông tin cập nhật của tỉnh về Cơ sở dữ liệu ngành theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

4. Hình thành hệ thống tổ chức theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp từ xã lên huyện, tỉnh với sự phối hợp các lực lượng trên địa bàn bao gồm: Cán bộ lâm nghiệp thuộc UBND huyện, xã, kiểm lâm, chủ rừng, điều tra quy hoạch rừng, địa chính.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các ngành, các cấp có liên quan ở địa phương đưa công tác theo dõi diễn biến rừng và đất lâm nghiệp vào kế hoạch hàng năm của tỉnh để bố trí kinh phí thực hiện.

Ông Chánh văn phòng Bộ, thủ trưởng các Cục, Vụ, Viện có liên quan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tổ chức thực hiện Chỉ thị này.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Đẳng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.