THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện điều chỉnh tiền lương
và phụ cấp trong các doanh nghiệp
Thực hiện Nghị định số 10/2000/NĐ-CP ngày 27/3/2000 của Chính phủ về việc quy định tiền lương tối thiểu trong các doanh nghiệp, sau khi có ý kiến của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc điền chỉnh tiền lương trong các doanh nghiệp như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp Nhà nước, bao gồm: doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp thuộc lực lượng vũ trang; tổ chức, đơn vị được phép hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, Đảng, đoàn thể, các Hội quần chúng tự trang trải về tài chính;
- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, bao gồm: Công ty cổ phẩn, Công ty trách nhiệm hữu hạn, Công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân;
(Các tổ chức nêu trên gọi tắt là doanh nghiệp)
II. CÁCH TÍNH LẠI MỨC LƯƠNG
1. Đối với doanh nghiệp đang áp dụng thang lương, bảng lương, phụ cấp lương do Nhà nước ban hành căn cứ vào hệ số mức lương, mức phụ cấp lương quy định tại Nghị định số 26/CP ngày 23/5/1993, Nghị định số 110/1997/NĐ-CP ngày 18/11/1997 của Chính phủ và mức lương tối thiểu quy định tại Nghị định số 10/2000/NĐ-CP ngày 27/3/2000 của Chính phủ, mức lương, phụ cấp lương làm cơ sở tính các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương khi làm thêm giờ, làm đêm, ngừng việc, nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước được tính lại như sau:
a. Tính lại mức lương:
Mức lương thực hiện từ 01/01/2000
|
=
|
Mức lương tối thiểu
(180.000 đ/tháng)
|
x
|
Hệ số mức lương hiện hưởng
|
b. Tính lại mức phụ cấp:
- Đối với các phụ cấp tính trên tiền lương tối thiểu:
Mức phụ cấp thực hiện từ 01/01/2000
|
=
|
Mức lương
tối thiểu
(180.000 đ/tháng)
|
x
|
Hệ số phụ cấp được hưởng theo quy định
|
- Đối với các khoản phụ cấp tính trên tiền lương cấp bậc, chức vụ, chuyên môn, nghiệp vụ:
Mức phụ cấp thực hiện từ 01/01/2000
|
=
|
Mức lương
thực hiện
từ 01/01/2000
|
x
|
Tỷ lệ phụ cấp được hưởng theo quy định
|
c. Tính lại mức tiền lương của hệ số chênh lệch bảo lưu:
Mức tiền lương của hệ số chênh lệch bảo lưu
(nếu có) từ 01/01/2000
|
=
|
Mức lương
tối thiểu
(180.000 đ/tháng)
|
x
|
Hệ số
chênh lệch hiện hưởng
|
d. Đối với các ngành được Nhà nước quy định chế độ tiền thưởng trong quỹ tiền lương thì được tính lại theo mức lương tối thiểu 180.000 đồng/tháng.
2. Đối với doanh nghiệp Nhà nước khi áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm không quá 1,5 lần trên mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định (từ 01/01/2000 là 180.000 đồng/tháng) để làm cơ sở tính đơn giá tiền lương thì phải bảo đảm các điều kiện quy định tại Điều 1, Nghị định số 28/CP ngày 28/3/1997 của Chính phủ và Thông tư số 13/LĐTBXH-TT ngày 10/4/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn phương pháp xây dựng đơn giá tiền lương và quản lý tiền lương, thu nhập trong doanh nghiệp Nhà nước.
3. Đối với doanh nghiệp tự xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định của pháp luật lao động thì căn cứ vào mức lương tối thiểu 180.000 đồng/tháng, doanh nghiệp tính lại mức lương ghi trong hợp đồng lao động, làm cơ sở trả lương, tính lại chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tiền lương khi làm thêm giờ, làm đêm, ngừng việc, nghỉ hàng năm và các chế độ khác theo quy định của Nhà nước.
4. Mức ăn ca quy định tại Thông tư số 15/1999/TT-BLĐTBXH ngày 22/6/1999 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kể từ ngày 01/01/2000 không vượt quá mức lương tối thiểu 180.000 đồng/tháng.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 91/TTg có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra các doanh nghiệp thực hiện theo đúng quy định của Thông tư này.
2. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, khi xác định đơn giá tiền lương, tính toán bữa ăn giữa ca theo mức lương tối thiểu 180.000 đồng/tháng trong nhiệm vụ kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm, cần có các giải pháp tích cực để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả, gắn việc tăng thu nhập của người lao động với việc tăng lợi nhuận, tăng đóng góp cho Nhà nước theo các văn bản đã quy định.
3. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2000. Những quy định trước đây trái với những quy định tại Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các doanh nghiệp phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính xem xét, giải quyết.