• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1994
BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
Số: 71/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 25 tháng 8 năm 1994

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp phát và quyết toán các khoản chi của các chương trình y tế quốc gia phòng chống sốt rét, phòng chống bướu cổ, tiêm chủng mở rộng và phòng chống bệnh AIDS thuộc ngân sách trung ương

___________________________

 Căn cứ quyết định số 60/TTg ngày 8/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp điều hành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 1994; Thông tư Liên Bộ Tài chính - Y tế số 40/TTLB ngày 24/5/1993 hướng dẫn việc quản lý và điều hành Ngân sách Nhà nước đầu tư cho ngành Y tế; để giúp cho việc quản lý các chương trình Y tế Quốc gia có hiệu quả và phù hợp với tình hình mới; Liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn chế độ chi tiêu của các chương trình này như sau :

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Kinh phí của các chương trình Y tế Quốc gia (CTYTQG) được hình thành từ nhiều nguồn : Nguồn kinh phí của Nhà nước cấp, nguồn viện trợ và các nguồn thu khác. Các nguồn kinh phí nêu trên đều phải quản lý và sử dụng theo chế độ do Nhà nước quy định.

2. Hàng năm Bộ Y tế lập dự toán chi của 4 CTYTQG nói trên gửi Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước (UBKHNN) để thống nhất số liệu và tổng hợp vào dự toán Ngân sách Nhà nước trình Chính phủ.

3. Bộ Tài chính và các Sở Tài chính Vật giá các tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm đảm bảo cấp đủ, cấp đúng  và kịp thời cho các CTYTQG theo kế hoạch Ngân sách Nhà nước giao hàng năm nhằm  đảm bảo tiến độ hoạt động của các chương trình; Bộ Tài chính cấp trực tiếp cho Bộ Y tế, các Bộ, ngành thực hiện và cấp uỷ quyền qua Sở Tài chính - Vật giá địa phương phần kinh phí của các CTYTQG do các địa phương thực hiện.

4. Ngành Y tế Trung ương và địa phương có trách nhiệm quản lý, điều hành và sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho các CTYTQG và báo cáo tình hình sử dụng kinh phí hàng quý, năm cho cơ quan Tài chính đồng cấp để theo dõi, cấp phát và kiểm tra.

5. Các đơn vị sử dụng kinh phí của các CTYTQG để mua thuốc vật tư thiết bị, vác xin, trợ giá chi phí trộn và vận chuyển muối i ốt . . . phải theo giá chỉ đạo của Nhà nước quy định tại Thông tư số 06/TTLB ngày 10/7/1993 của Liên Bộ Ban Vật giá Chính phủ - Bộ Tài chính về quản lý những hàng hoá dịch vụ được thực hiện chính sách trợ giá và đặt hàng từ nguồn Ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hoá, thông tin Y tế - giáo dục đào tạo và TDTT.

6. Bộ Y tế quy định mức chi về thuốc, hoá chất, vác xin TCMR theo phác đồ điều trị của CTYTQG cho các đối tượng được phục vụ theo chính sách xã hội.

II. NỘI DUNG CHI CỦA NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ

 CHO TỪNG CT Y TẾ QUỐC GIA :

A. NỘI DUNG CHI CỦA NGÂN  SÁCH TW ĐẦU TƯ

CHO TỪNG CTYTQT :

1. Chi cho công tác phòng chống sốt rét (PCSR):

a) Chi mua thuốc sốt rét, hoá chất, dụng cụ và phương tiện phục vụ điều trị; chi xét nghiệm, phun thuốc diệt muỗi, tẩm màn.

b) Chi tiếp nhận, vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản thuốc, hoá chất diệt muỗi đến các huyện và phương tiện vận chuyển vận chuyển thuốc.

c) Chi cho đội Y tế lưu động đi PCSR và Y tế xã trọng điểm theo mức :

- Mỗi đội viên đội lưu động hoặc mỗi cán bộ đi triển khai công tác PCSR ở các địa phương được hưởng 5000đ/ ngày trong thời gian trực tiếp hoạt động ở thực địa.

- Mỗi xã trọng điểm : một định suất 50.000 đ/tháng.

d) Chi cho công tác in ấn và biên soạn tài liệu, chi cho công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống sốt rét; chi đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, chi kiểm tra, đánh giá, giám sát dịch tễ, sơ kết, tổng kết công tác PCSR.

2. Chi cho công tác phòng chống bệnh Bướu cổ (PCBC):

a) Chi trợ giá chi phí trộn muối i ốt để đảm bảo giá muối i ốt bằng giá muối trắng bán tại thị trấn, thị xã của tỉnh.

b) Chi vận chuyển muối iốt (đối với khoản chi này Liên Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ - Bộ thương mại sẽ có hướng dẫn riêng theo công văn số 1960/KTTH ngày 15/4/1994 của Chính phủ).

c) Chi mua bao bì, túi PE đóng gói muối i ốt.

d) Chi mua  hoá chất, phương tiện kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng muối i ốt.

e) Chi mua thuốc, trợ phí tiêm và uống dầu Lipiodol ở các vùng bướu cổ.

- Mức trợ phí tiêm dầu là : 1.500đ/một mũi tiêm

- Mức trợ phí uống dầu là : 1.200đ/một liều.

f) Chi cho in ấn tài liệu, tuyên truyền, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, chi điều tra đánh giá, sơ kết, tổng kết công tác phòng chống bướu cổ.

g) Chi bồi dưỡng đi lấy mẫu xét nghiệp chất lượng muối i ốt ở xã tại nhà dân là 1.000đ/mẫu.

3. Chi cho công tác tiêm chủng mở rộng (TCMR):

a) Chi mua vác xin phục vụ tiêm chủng (ưu tiên mua vác xin sản xuất trong nước).

b) Chi tiếp nhận, vận chuyển, bốc dỡ, bảo quản vác xin từ cơ sở sản  xuất, sân bay, bến cảng đến các kho lạnh của Trung ương, các khu vực tỉnh , huyện.

c) Chi mua dụng cụ thiết bị bảo quản lạnh và tiêm chủng, chi phí bảo dưỡng phương tiện bảo quản lạnh.

d) Chi cho tập huấn, đào tạo, tuyên truyền, điều tra, giám sát bệnh và đánh giá công tác TCMR.

e) Chi bồi dưỡng cho người đi tiêm: căn cứ vào khả năng Ngân sách được duyệt hàng năm, Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định mức bồi dưỡng và hướng dẫn cụ thể cho các địa phương.

4. Chi cho công tác phòng chống bệnh AIDS:

a) Mua trang thiết bị tiệt trùng, thuốc, hoá chất, sinh phẩm, các loại kits phục vụ việc chẩn đoán, xét nghiệm, điều trị phục vụ công tác phòng chống bệnh AIDS.

b) Chi in ấn tài liệu, tuyên truyền giáo dục, giám sát phát hiện bệnh AIDS

c) Chi cho một số hoạt động ngăn chặn bệnh AIDS lan tràn.

d) Chi cho một số hoạt động đào tạo, tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho công tác phòng chống bệnh AIDS.

e) Chi hỗ trợ cho cán bộ xét nghiệm máu để truyền cho người bệnh, phát hiện  và loại trừ máu có nhiễm HIV; mức chi là : 2.000đ/mẫu.

B.NỘI DUNG CHI CỦA NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG

 CHO CÁC CTYTQG

Theo Thông tư số 30/TC-NSNN ngày 5/4/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều về Tài chính và Ngân sách trong Quyết định số 60/TTg ngày 8/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ quy định : nhiệm vụ chi về Y tế của Ngân sách địa phương cơ bản vẫn giữ như quy định hiện hành. Đối với chi chống sốt rét, bướu cổ chủ yếu là Ngân sách Trung ương chi, nên Ngân sách địa phương chi hỗ trợ thêm.

III. CÔNG TÁC KẾ TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ CÁC CTYTQG:

1. Các CTYTQG thực hiện đúng các quy định hiện hành của Nhà nước tại pháp lệnh kế toán thống kê ngày 10/5/1988; Nghị định số 25/HĐBT ngày 18/3/1989 của HĐBT (nay là Chính phủ) ban hành điều lệ tổ chức kế toán; Quyết định số 257TC/CĐKT ngày 1/6/1990 của Bộ Tài chính ban hành chế độ kế toán HCSN; thông tư số 40/TTLB ngày 24/5/1993 của Liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn việc quản lý và  điều hành NSNN đầu tư cho ngành Y tế và Thông tư số 80/NSNN ngày 24/9/1993 của Bộ Tài chính, hướng dẫn cấp phát và quản lý các khoản kinh phí uỷ quyền của NSTW chuyển về cho địa phương.

2. Trình tự quyết toán cụ thể như sau :

a) Sở Y tế các Tỉnh, Thành phố trực thuộc TW và các Bộ, ngành được cấp kinh phí của các CTYTQG chịu trách nhiệm :

- Hàng quý, hàng năm tổng hợp quyết toán nguồn kinh phí uỷ quyền của các CTYTQG và gửi báo cáo quyết toán trực tiếp về Bộ Tài chính (Vụ Hành chính  Văn xã) sau khi đã có xét duyệt của Sở Tài chính, và gửi Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch Tài chính) để theo dõi và quản lý việc thực hiện các mục tiêu của chương trình. Đồng thời gửi về viện sốt rét ký sinh trùng và côn trùng Hà nội báo cáo quyết toán chương trình PCSR; gửi về bệnh viện Nội tiết báo cáo quyết toán chương trình PCBC; gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Hà nội báo cáo quyết toán chương trình TCMR, gửi về văn phòng Bộ Y tế báo cáo quyết toán chương trình phòng chống bệnh AIDS để theo dõi tổng hợp chung.

- Quyết toán với Bộ Y tế phần tiền thuốc, vật tư, thiết bị, hoá chất, vác xin . . . do Bộ Y tế quản lý và phân phối cho các Bộ, ngành Trung ương và các Sở Y tế để phục vụ cho hoạt động của các CTYTQG, cụ thể : Quyết toán kinh phí chương trình PCSR với Viện Sốt rét - KST và CT Hà nội; quyết toán kinh phí PCBC với bệnh viện Nội tiết; quyết toán kinh phí TCMR với Viện VSDT Hà nội; quyết toán kinh phí phòng chống bệnh AIDS với Văn phòng Bộ Y tế. Các Sở Y tế đồng thời gửi một bản cho Sở Tài chính- Vật giá địa phương để biết.

b) Bộ Y tế chịu trách nhiệm :

- Kiểm tra xét duyệt quyết toán chi và quyết toán với Bộ Tài chính phần kinh phí nhận trực tiếp từ Bộ Tài chính sau khi nhận được báo cáo quyết toán năm của các đơn vị có sử dụng kinh phí của các CTYTQG.

- Tổng hợp số liệu về nội dung quyết toán toàn bộ các khoản chi (kể cả nguồn kinh phí uỷ quyền) thuộc các CTYTQG để theo dõi và phối hợp với Bộ Tài chính cùng kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư.

c) Bộ Tài chính, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc TW có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế, Sở Y tế kiểm tra việc quản lý và sử dụng Ngân sách Nhà nước chi cho các CTYTQG theo chế độ Nhà nước quy định.

IV. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/1994, mọi quy định trái với Thông tư nàyđều bãi bỏ.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Y tế
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Tào Hữu Phùng

Lê Ngọc Trọng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.