• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/01/1995
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 115 TC/GTBĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 16 tháng 12 năm 1994

THÔNG TƯ

Quy định chế độ quản lý thu và sử dụng nguồn thu

lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên

___________________

 

- Căn cứ điều 5 Nghị định số 14/CP ngày 25/3/1994 của Chính phủ ban hành quy chế đăng ký tàu biển và thuyền viên.

- Căn cứ quyết định số 276-CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ ). Về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí.

Bộ Tài chính quy định thống nhất việc thu và sử dụng nguồn thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG NỘP LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN:

Đối tượng nộp lệ phí khi đăng ký tàu biển, thuyền  viên là các chủ sở hữu tàu biển của các loại tàu buôn, tàu công vụ Nhà nước, tàu nghiên cứu khoa học kỹ thuật, tàu thể thao và những thuyền viên làm việc trên các tàu nói trên. (Trừ tàu đánh bắt cá và hải sản có hướng dẫn riêng).

Riêng các tàu chuyên dùng vào mục đích quân sự, an ninh thuộc quyền quản lý của Bộ Quốc phòng, nội vụ và các thuyền viên làm việc trên các tàu đó không thuộc đối tượng nộp lệ phí đăng ký quy định tại Thông tư này.

II- MỨC THU LỆ PHÍ ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN

1. Lệ phí đăng ký tàu biển

a. Tàu biển thuộc sở hữu các tổ chức, cá nhân Việt nam và tổ chức liên doanh giữa Việt nam với nước ngoài đầu tư tại Việt nam khi đăng ký chính thức lần đầu hoặc tái đăng ký, phải nộp một lần lệ phí tính theo tổng dung tích đăng ký toàn phần GRT (Gross Regi Ster Tonage).

Mức thu:

- Tàu có tổng dung tích đăng ký dưới 500 GRT mức thu 3000đ/1 GRT nhưng mức thu tối thiểu đối với mỗi tàu không dưới 300.000đ.

- Tàu có dung tích đăng ký từ 501 đến 1600 GRT mức thu từ 2500đ/ GRT

- Tàu có dung tích đăng ký từ 1601 đến 3000 GRT, mức thu từ 2000đ/GRT

- Tàu có dung tích đăng ký từ 3001 GRT trở lên, mức thu 1500đ/ GRT.

b. Tàu biển thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân người nước ngoài, khi được phép đăng ký chính thức lần đầu hoặc tái đăng ký tại Việt nam phải nộp lệ phí đăng ký hàng năm với mức 0,40 USD/ GRT.

c. Lệ phí đăng ký tạm thời, chuyển đăng ký, đổi tên tàu mức thu lệ phí bằng 30% mức thu lệ phí ký chính thức của tàu đó.

d. Các loại tàu biển không có tổng dung tích đăng ký (GRT) thì đơn vị tính thu lệ phí đăng ký được quy đổi từ mã lực, công suất máy hoặc tổng trọng tải của tàu như sau:

- Tàu kéo, tàu đẩy và các tàu dịch vụ khác: 1 HP tính bằng 1 GRT.

- Xà lan các loại, tàu chở hàng: 1 tấn trọng tải tính bằng 1 GRT.

2. Lệ phí đăng ký thuyền viên.

Lệ phí đăng ký đối với thuyền viên được quy định như sau:

- Đăng ký vào sổ danh bạ thuyền viên :40.000đ/ 1 lần

- Cấp sổ thuyền viên        :30.000đ/    "

- Cấp giấy chứng nhận ĐBATTT        :20.000đ/    "

- Cấp hộ chiếu thuyền viên               :40.000đ/    "

- Thay đổi trong hộ chiếu thuyền viên  :10.000đ/    "

- Cấp bằng cấp trưởng các loại, hạng   :30.000đ/ 1 lần

- Cấp các giấy chứng nhận chuyên môn khác         : 20.000đ/    "

III- TỔ CHỨC THU VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU LỆ PHÍ

 ĐĂNG KÝ TÀU BIỂN VÀ THUYỀN VIÊN.

1. Cơ quan thu lệ phí: Cục Hàng hải Việt nam là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về Hàng hải, thực hiện việc đăng ký tàu biển và thuyền viên trong cả nước, trực tiếp thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên theo những quy định tại Thông tư này (sau đây gọi là cơ quan thu lệ phí).

- Cơ quan thu lệ phí phải sử dụng chứng từ thu do Bộ Tài chính (Tổng cục thuế) phát hành và nhận tại cơ quan Thuế địa phương nơi cơ quan thu lệ phí đặt trụ sở, thực hiện việc bảo quản chứng từ, mở sổ sách kế toán, ghi chép đầy đủ, rõ ràng toàn bộ tiền thu lệ phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2. Sử dụng nguồn thu lệ phí.

- Cơ quan thu lệ phí được gửi lại 50% trên tổng số tiền thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên để bù đắp chi phí cho công tác tổ chức đăng ký và thu lệ phí. Các khoản chi bao gồm:

+ Chi phí in ấn mẫu biểu, sổ đăng ký.

+ Chi phí công tác kiểm tra, xác minh trước khi đăng ký.

+ Chi phí làm biển đăng ký tàu.

- Số tiền còn lại 50% được nộp vào NSNN tại  Kho bạc, nơi cơ quan thu lệ phí đặt trụ sở.

- Cơ quan thu lệ phí có trách nhiệm đăng ký với cơ quan Thuế Địa phương và hàng tháng thực hiện việc nộp tiền thu lệ phí sát sinh theo tỷ lệ đã quy định vào NSNN. (Thủ tục đăng ký và thu nộp lệ phí được quy đinh tại Thông tư số 48 TC/TCT ngày 28/9/1992 của Bộ Tài chính ).

- Cơ quan Thuế địa phương có trách nhiệm phối hợp và đôn đốc nộp kịp thời số thu lệ phí vào NSNN.

- Hàng năm, chậm nhất là sau 30 ngày hết năm, cơ quan thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên có trách nhiệm lập báo cáo quyết toán toàn bộ số thu lệ phí, số tiền được sử dụng và số tiền thu nộp NSNN với cơ quan Thuế và Bộ Tài chính .

Trường hợp số tiền được giữ lại (50%) để chi tiêu thực tế cho công tác đăng ký, thu lệ phí (có chứng từ hợp lý hợp lệ) vẫn còn dư, thì số tiền còn lại phải nộp vào NSNN. Ngược lại, nếu số tiền được giữ lại để chi phí cho công tác đăng ký và thu lệ phí không đủ, thì số tiền còn thiếu, cơ quan tổ chức thu phải bù đắp bằng nguồn tiền được giữ lại của năm tiếp theo.

IV-  ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

- Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày  1/1/1995. Mọi quy định trước đây về việc thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

- Quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc cần bổ sung, đề nghị cơ quan thu lệ phí đăng ký tàu biển và thuyền viên báo cáo kịp thời về Bộ Tài chính  để nghiên cứu giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Trọng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.