NGHỊ QUYẾT
Về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Nghị quyết số 05/1997/QH10 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 2 về tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư;
Trên cơ sở xem xét Báo cáo số 1581/CP-CN ngày 22 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về dự án tổng thể đường Hồ Chí Minh; Báo cáo thẩm tra số 757/UBKHCNMT11 ngày 02 tháng 11 năm 2004 của ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội và ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1. Đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh với những thông số cơ bản sau đây:
1. Tổng chiều dài toàn tuyến đường: 3167 km (trong đó tuyến chính dài 2667 km; tuyến nhánh phía Tây dài 500 km).
2. Điểm đầu của tuyến đường: Pác Bó - tỉnh Cao Bằng;
Điểm cuối của tuyến đường: Đất Mũi - tỉnh Cà Mau;
3. Hướng tuyến: Qua một số điểm khống chế chủ yếu theo Phụ lục số 1 kèm theo.
4. Quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật: Mặt cắt ngang đường được quy hoạch theo từng đoạn với quy mô từ 2 đến 8 làn xe theo Phụ lục số 2 kèm theo. Nền đường và khoảng hai phần ba tuyến đường được quy hoạch thiết kế theo tiêu chuẩn của đường cao tốc.
5. Về vốn đầu tư và phân kỳ đầu tư:
- Đến năm 2010: Đầu tư để nối thông đường từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe. Giao Chính phủ thẩm định và phê duyệt dự toán tổng mức vốn đầu tư.
- Từ năm 2010 đến 2020: Nâng cấp đường Hồ Chí Minh đạt tiêu chuẩn đường cao tốc; những đoạn không thể nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cao tốc thì mở rộng mặt cắt ngang đường phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ. Dự toán tổng mức vốn đầu tư của giai đoạn này do Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện.
Điều 2. Giao Chính phủ triển khai xây dựng công trình với những yêu cầu cơ bản sau:
1. Lựa chọn hướng tuyến cụ thể phải đảm bảo tương đối thẳng theo hướng Bắc - Nam, tránh độ dốc lớn, gấp khúc nhiều; giảm thiểu việc đi qua làng mạc và khu vực có đông dân cư; hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường, cảnh quan, các di tích lịch sử, văn hóa, các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, các công trình năng lượng, thủy lợi và các công trình, dự án quan trọng khác; đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở những vùng có tuyến đường đi qua; đồng thời tạo được khả năng liên kết giữa các khu đô thị, vùng dân cư, các khu công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm.
2. Có quy hoạch mở rộng và nâng cấp tối đa các đoạn tuyến trên đường Hồ Chí Minh thành đường cao tốc sau năm 2010 theo nhu cầu phát triển và lưu lượng vận chuyển; xác định rõ phạm vi hành lang an toàn giao thông của tuyến đường, trên cơ sở đó quản lý chặt chẽ, lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, bố trí lại dân cư, đảm bảo cho những người phải di dời, tái định cư sau khi ổn định có cuộc sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ; tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng ở những vùng có tuyến đường đi qua; ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh hành vi lấn chiếm trái phép hành lang an toàn giao thông của tuyến đường.
3. Việc phân kỳ đầu tư và quy mô đầu tư cho từng đoạn tuyến cần xem xét cụ thể về nhu cầu phát triển, khả năng cân đối vốn và phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ toàn quốc; ưu tiên đầu tư trước những đoạn có nhu cầu cấp thiết về giao thông vận tải, phát huy tiềm năng kinh tế và phòng chống thiên tai; tận dụng hợp lý những đoạn tuyến hiện có để nâng cao hiệu quả và tiết kiệm vốn đầu tư.
4. Đảm bảo đúng tiến độ và yêu cầu cao về chất lượng, hiệu quả, sự bền vững của công trình; chỉ đạo chặt chẽ việc triển khai dự án theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư xây dựng.
5. Phối hợp đồng bộ giữa xây dựng đường Hồ Chí Minh với việc xây dựng các tuyến đường ngang, đường gom phục vụ dân sinh để đảm bảo an toàn giao thông, hình thành mạng lưới giao thông đường bộ thông suốt nhằm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của đường Hồ Chí Minh phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Điều 3. Hàng năm Chính phủ báo cáo với Quốc hội tình hình thực hiện công trình. Các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 03 tháng 12 năm 2004./.