THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/2/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam
______________________
Thực hiện Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan tại cuộc họp ngày 6/02/2001. Liên bộ Y tế - Bộ Lao động thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
1. Việc xác định các bệnh hiểm nghèo và mức độ dị dạng, di tật do bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và xác định khả năng lao động cho các đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam là dựa trên cơ sở thực chứng đã được lập danh sách trong cuộc điều tra về "Người bị hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" theo Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg ngày 3/4/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều tra, xác định nạn nhân bị hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và đã hoàn tất thủ tục hồ sơ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 17/2000/TTLT/BLĐTBXH-BTC ngày 5/7/2000 của Liên Bộ Lao động thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (được gọi chung là tỉnh) phối hợp với Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh hướng dẫn, kiểm tra thực hiện theo quy định tại điểm 1 nói trên.
2. Đối với những trường hợp còn vướng mắc hoặc có khiếu nại về việc xác định mức độ bệnh, dị dạng, dị tật và khả năng lao động thì Trung tâm Y tế cấp Quận, Huyện, Thành phố, Thị xã thuộc tỉnh (được gọi chung là Huyện) hoặc bệnh viện đa khoa khu vực có trách nhiệm phối họp với Phòng Lao động thương binh và Xã hội của Huyện và Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đương sự cư trú để kiểm tra xác minh, kết luận. Nếu vẫn có sự không thống nhất thì Phòng Lao động thương binh và Xã hội Huyện lập hồ sơ gửi lên Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh để giới thiệu giám định tại Hội đồng giám định Y khoa tỉnh theo quy định hiện hành.
Hội đồng giám định Y khoa tỉnh giám định mức độ bệnh, dị dạng, di tật và tổn hại sức khoẻ của đối tượng dựa trên thực chứng hiện tại, kết luận khả năng lao động của từng người theo quy định tại Điều 1, Quyết định số 26/2000/QĐ-TTg ngày 23/02/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chế độ đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam làm cơ sở thực hiện chế độ.
3. Trường hợp phát hiện không đúng đối tượng hưởng trợ cấp hoặc không phải là người tham gia công tác, chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại vùng bị Mỹ sử dụng chất độc hoá học (từ Nam vĩ tuyến 17 trở vào) trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giai đoạn từ tháng 8 năm 1961 đến 30 tháng 4 năm 1975 thì sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh căn cứ vào "Phiếu điều tra người bị hậu quả chất độc học học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh tại Việt Nam" theo Quyết định số 74/1998/QĐ-TTg ngày 03 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ (được lưu tại Sở hoặc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) để phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp huyện kiểm tra, xác minh kết luận và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
4. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Người bị nhiễm chất độc hoá học đã được xem xét kết luận và đã được hưởng chế độ theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 17/2000/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 7 năm 2000 và theo đúng qui định tại Thông tư này thì vẫn được tiếp tục thực hiện chế độ trợ cấp.
Các qui định trước đây về xác định các bệnh hoặc dị dạng, dị tật do nhiễm chất độc hoá học trái với qui định trong Thông tư này đều bị bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để kịp thời nghiên cứu giải quyết.