THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg, ngày 30/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh và đấu tranh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS
___________________________
Thi hành Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg, ngày 30/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ quy định chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh và đấu tranh với đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS, liên tịch Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện như sau:
I. CHẾ ĐỘ PHỤ CẤP
1. Đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp:
Cán bộ y tế, quản giáo, cán bộ giáo dục và dạy nghề, Trưởng phân trại, Trưởng phân khu, trinh sát, cảnh sát bảo vệ công tác tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và giáo viên chủ nhiệm lớp trong các trường giáo dưỡng thuộc lực lượng Công an nhân dân thường xuyên (hàng ngày) trực tiếp tiếp xúc với những đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS tại các đơn vị nói trên.
2. Mức phụ cấp:
- Mức 120.000 đồng/người/tháng: Áp dụng đối với đối tượng nêu tại điểm 1 Mục I Thông tư liên tịch này đang công tác tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có tỷ lệ phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS từ 10% trở lên.
- Mức 100.000 đồng/người/tháng: Áp dụng đối với đối tượng nêu tại điểm 1 Mục I Thông tư liên tịch này đang công tác tại các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng có tỷ lệ phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS dưới 10% .
Tỷ lệ phạm nhân, trại viên, học sinh bị nhiễm HIV/AIDS được xác định trên cơ sở số lượng đối tượng đã được cơ quan y tế dự phòng cấp tỉnh nơi đơn vị trú đóng xét nghiệm, xác nhận bị nhiễm HIV/AIDS trên tổng số phạm nhân, trại viên, học sinh có mặt ở đơn vị tại thời điểm báo cáo.
3. Nguyên tắc chi trả:
Mức phụ cấp quy định tại điểm 2 Mục I Thông tư liên tịch này chỉ được chi trả cho cán bộ, chiến sĩ trong thời gian trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám chữa bệnh cho đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS (dưới đây gọi tắt là thời gian làm công việc được hưởng phụ cấp).
4. Cách tính trả:
Mức phụ cấp nói trên được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng. Trường hợp đối tượng được hưởng chế độ phụ cấp (nêu tại điểm 1 Mục I) làm công việc được hưởng phụ cấp không trọn tháng thì cách tính chi trả như sau:
- Nếu làm công việc được hưởng phụ cấp có thời gian từ 16 ngày trở lên/tháng thì được hưởng 100% mức phụ cấp.
- Nếu làm công việc được hưởng phụ cấp có thời gian dưới 16 ngày/tháng thì được hưởng 50% mức phụ cấp.
II. CHẾ ĐỘ VÀ THỦ TỤC, HỒ SƠ GIẢI QUYẾT CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CHIẾN SĨ CÔNG AN NHÂN DÂN BỊ NHIỄM HIV/AIDS TRONG KHI THI HÀNH NHIỆM VỤ
1. Cán bộ, chiến sĩ Công an trong khi làm nhiệm vụ bị tội phạm tấn công mà da hoặc niêm mạc của họ bị tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của đối tượng bị nhiễm HIV/AIDS (phơi nhiễm với HIV) thì đơn vị trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ đó phải lập biên bản xảy ra sự việc (do Thủ trưởng đơn vị hoặc đại diện chính quyền địa phương nơi xảy ra sự việc ký, đóng dấu) để lưu vào hồ sơ; đồng thời tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ đó đến cơ quan y tế để xét nghiệm chẩn đoán nhiễm HIV.
Chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an bị phơi nhiễm HIV thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành đối với cán bộ, công chức, viên chức bị phơi nhiễm HIV.
2. Cán bộ, chiến sĩ thuộc đối tượng nêu tại điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch này khi có kết luận chính thức của cơ quan y tế có thẩm quyền bị nhiễm vi rút HIV (kết quả xét nghiệm là dương tính) thì được hưởng chế độ, chính sách như sau:
- Được đơn vị bố trí công việc phù hợp.
- Được ưu tiên khám, chữa bệnh, ưu tiên cung cấp thuốc điều trị khác, tại các cơ sở y tế của Nhà nước và của Bộ Công an; được cấp thuốc điều trị đặc hiệu, thuốc nâng cao thể trạng, thuốc điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội do HIV/AIDS gây ra, theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Được hưởng nguyên lương và các khoản phụ cấp, bồi dưỡng khác đang hưởng (nếu có) trong thời gian khám, điều trị bệnh.
- Được hưởng chính sách bệnh binh khi đủ điều kiện quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
- Khi từ trần được đề nghị xét công nhận liệt sĩ theo quy định tại Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng.
3. Thủ tục, hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bệnh binh, xét công nhận liệt sĩ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân bị nhiễm HIV/AIDS nêu tại điểm 1 mục II Thông tư liên tịch này.
a) Thủ tục, hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bệnh binh:
- Hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ bệnh binh do Công an các cấp trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ bị nhiễm HIV/AIDS lập, báo cáo về Bộ Công an, gồm có:
+ Biên bản xảy ra sự việc (nêu tại điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch này).
+ Phiếu xét nghiệm và kết luận của cơ quan y tế nơi xét nghiệm HIV/AIDS.
+ Phiếu cá nhân.
+ Biên bản giám định bệnh tật.
- Căn cứ hồ sơ đề nghị của Công an các cấp nói ở phần trên, Bộ Công an xem xét, cấp giấy chứng nhận bệnh binh, phiếu trợ cấp bệnh binh cho cán bộ, chiến sĩ và giải quyết quyền lợi bệnh binh theo quy định tại điểm 2 Mục II Phần C Thông tư liên tịch số 16/1998/TTLT-BLĐTBXH-BQP-BCA, ngày 25/11/1998 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Quốc phòng - Bộ Công an hướng dẫn một số điểm về việc công nhận và giải quyết quyền lợi đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh.
b) Thủ tục, hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ:
- Hồ sơ đề nghị xét công nhận liệt sĩ:
+ Biên bản xảy ra sự việc (nêu tại điểm 1 Mục II Thông tư liên tịch này).
+ Phiếu xét nghiệm và kết luận của cơ quan y tế nơi xét nghiệm HIV/AIDS.
+ Phiếu cá nhân.
+ Bệnh án điều trị và giấy chứng tử của bệnh viện, bệnh xá hoặc trung tâm y tế nơi cán bộ, chiến sĩ chữa trị. Trường hợp từ trần tại gia đình, ngoài bệnh án điều trị phải có thêm xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường nơi cư trú về trường hợp tử vong.
+ Giấy báo tử do Thủ trưởng Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc cấp tương đương ký.
+ Giấy chứng nhận về thân nhân của cán bộ, chiến sĩ được đề nghị xét công nhận liệt sĩ do Uỷ ban nhân dân cấp xã, phường nơi thân nhân cư trú lập.
- Cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, chiến sĩ lưu giữ 01 bộ hồ sơ và có trách nhiệm theo dõi và bàn giao hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ và giải quyết quyền lợi liệt sĩ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú, cho đến khi giải quyết xong quyền lợi cho liệt sĩ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Công an có trách nhiệm theo dõi, kiểm định tỷ lệ đối tượng nhiễm HIV/AIDS hiện đang quản lý, giam giữ trong từng trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng và kiểm tra việc thực hiện các chế độ đối với cán bộ, chiến sĩ Công an theo quy định tại Thông tư liên tịch này.
2. Trên cơ sở tỷ lệ đối tượng nhiễm HIV/AIDS trong từng trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng đã được xác định, định kỳ 06 tháng một lần Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có trách nhiệm báo cáo Bộ Công an quyết định số lượng cán bộ, chiến sĩ được hưởng chế độ phụ cấp ở từng trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.
3. Nguồn chi trả chế độ phụ cấp cho cán bộ, chiến sĩ Công an bị nhiễm HIV/AIDS theo quy định tại Thông tư này do nguồn ngân sách nhà nước cấp trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của Bộ Công an. Riêng kinh phí để thực hiện chế độ năm 2003, Bộ Công an thống nhất với Bộ Tài chính để báo cáo Chính phủ cấp bổ sung.
4. Cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân trong khi làm nhiệm vụ bị tội phạm tấn công mà bị nhiễm HIV/AIDS hoặc trong quản lý, giáo dục, chăm sóc, khám, chữa bệnh với đối tượng nhiễm HIV/AIDS ở các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng mà bị nhiễm HIV/AIDS trước ngày Quyết định số 22/2003/QĐ-TTg, ngày 30/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực thì cũng được giải quyết chế độ bệnh binh, liệt sĩ quy định tại Mục II Thông tư liên tịch này.
5. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các chế độ quy định tại Thông tư liên tịch này được thực hiện từ ngày 01 tháng 3 năm 2003.
6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Công an - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết.