Sign In

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ LAO ĐỘNG SỐ 18/LĐ-TT NGÀY 8 THÁNG 7 NĂM 1959 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THI HÀNH VIỆC TUYỂN DỤNG NGƯỜI VÀO BIÊN CHẾ CÁC XÍ NGHIỆP, CÔNG, NÔNG, LÂM TRƯỜNG CỦA CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Kính gửi : - Các Bộ

- Các cơ quan,đoàn thể Trung ương

- Các Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố

- Các sở, ty, phòng lao động

Căn cứ theo công văn số 2477/NC ngày 20-6-1959 của Thủ tướng phủ về việc tuyển dụng người vào biên chế và sử dụng nhân viên phụ động, hợp đồng.

Sau khi thống nhất ý kiến với Tổng liên đoàn và Bộ, các ngành, Bộ Lao động ban hành thông tư này để hướng dẫn các ngành, các cấp về việc tuyển dụng người vào biên chế các xí nghiệp, công, nông, lâm trường của Chính phủ.

 

I. MỤC ĐÍCH Ý NGHĨA

 

Từ hoà bình lập lại, theo tình hình phát triển kinh tế, các ngành đã sử dụng nhiều nhân công, nhưng có nhiều người đã làm lâu năm mà chưa được vào biên chế. Hiện nay kế hoạch sản xuất và kiến thiết của các ngành có phương hướng phát triển rõ rệt. Nhiều ngành cần tuyển dụng thêm người để đảm bảo công tác.

Việc tuyển dụng người vào biên chế có ý nghĩa quan trọng, nhằm ổn định tổ chức lao động, xây dựng lực lượng nhân công cố định của mỗi cơ sở, mỗi ngành, đồng thời làm cho công nhân, viên chức yên tâm, phấn khởi sản xuất,cố gắng đi sâu vào nghề nghiệp,tích luỹ kinh nghiệm sản xuất , hăng hái thi đua cải tiễn kỹ thuật, nâng cao năng suất lao động, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

 

II. NGUYÊN TẮC TUYỂN DỤNG

 

Khi tuyển người vào biên chế các xí nghiệp, công, nông, lâm trường cần theo mấy nguyên tắc sau đây:

1. Việc tuyển dụng người làm việc phải thích hợp với yêu cầu và tính chất sản xuất. Những cơ sở mà yêu cầu sản xuất có tính chất thường xuyên, lâu dài nên sử dụng nhân công cố định, và tuyển dụng vào biên chế. Nếu yêu cầu sản xuất có tính chất bất thường, hoặc trong một thời gian ngắn, hoặc theo từng mùa thì nên thuê mướn nhân công tạm thời, theo chế độ công nhật hay hợp đồng có thời hạn.

2. Khi tuyển dụng người, các ngành phải căn cứ theo yêu cầu sản xuất và chỉ tiêu kế hoạch lao động đã được duyệt. Phải quán triệt phương châm giảm nhẹ biên chế hành chính quản lý, bố trí lực lượng lao động cho hợp lý, làm việc có chế độ, có mức năng suất và không ngừng nâng cao năng suất lao động, mặt khác cần phải chú trọng kế hoạch đào tạo nhiều cán bộ, công nhân để đáp ứng yêu cầu trong ngành.

3. Khi tuyển dụng phải chọn người có khả năng đảm bảo sản xuất và cần kết hợp việc tuyển dụng với việc sắp xếp việc làm cho những người thiếu công ăn việc làm.

4. Khi tuyển dụng vào biên chế phải dành ưu tiên cho người miền Nam, quân nhân phục viên và những người đã làm lâu năm trong các xí nghiệp, các công, nông, lâm trường.

5. Khi tuyển dụng người vào các cơ sở thuộc khu vực sản xuất, các ngành, các xí nghiệp, công, nông, lâm trường cần lấy người theo các nguồn nhân công do cơ quan Lao động phân phối và theo thủ tục quy định trong thông tư này.

 

III. NỘI DUNG TUYỂN DỤNG

A. TUYỂN DỤNG NGƯỜI ĐÃ LÀM LÂU NĂM VÀO BIÊN CHẾ

 

- Như đã nói, nếu yêu cầu sản xuất có tính chất thường xuyên lâu dài thì sử dụng nhân công cố định và tuyển vào biên chế và phải dành ưu tiên cho những người đã làm lâu năm ở các xí nghiệp,công trường, nông trường, lâm trường... Vì vậy trước khi quyết định tuyển dụng người vào biên chế, phải xác định rõ yêu cầu và tính chất sản xuất của đơn vị và của mỗi công tác.

Các xí nghiệp mà yêu cầu sản xuất có tính chất thường xuyên lâu dài thì sử dụng nhân công cố định, những người làmviệc trong dây chuyền sản xuất được tuyển vào biên chế.

Công tác kiến thiết cơ bản của ngành nào có tính chất liên tục, dài hạn, phải xây dựng một lực lượng nhân ciông cố định của ngành đó. Các ngành cần trao đổi thống nhất với Bộ Lao động để định một tỷ lệ thích đáng so với tổng số người làm việc ở các công trường, nhằm nâng cao chất lượng lao động, tích luỹ kinh nghiệm sản xuất, có đủ khả năng đảm bảo công việc xây dựng căn bản của các công trường.

Những công trường, những đội công tác thăm dò, khảo sát lưu động ở miền núi, dân số ít, thuê mướn nhân công khó khăn thì tỷ lệ số người được tuyển dụng vào biên chế phải cao hơn các công trường khác.

- Hiện nay trong các xí nghiệp, các công, nông, lâm trường có nhiều người đã làm lâu năm, có người đã phục vụ 2, 3 năm, có người đã phục vụ lâu hơn, nhưng chưa được đưa vào biên chế. Trước đây khi tuyển người vào các xí nghiệp, các công trường có trường hợp chưa chú ý đầy đủ các tiêu chuẩn tuyển dụng, không thẩm tra kỹ về sức khoẻ, về chính trị. Tuy vậy từ trước đến nay các ngành vẫn sử dụng anh chị em làm được việc. Trong quá trình lao động họ đã quen công việc của xí nghiệp, của công trường. Nhiều người đã trở thành công nhân có nghề, đã học được nhiều kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy khi tuyển dụng người đã làm lâu năm vào biên chế phải căn cứ vào tình hình thực tế đã nói trên đây mà chiếu cố thích đáng, và không nên coi như trường hợp tuyển dụng hoàn toàn mới.

a. Tiêu chuẩn tuyển dụng người đã làm lâu năm vào biên chế:

1.Trình độ nghề nghiệp và văn hoá: Anh chị em đã làm việc từ trước, nên không cần nêu ra tiêu chuẩn nghề nghiệp, văn hoá, nếu ai còn yếu vè mặt này thì các cơ sở có kế hoạch bồi dưỡng để đáp ứng với yêu cầu công tác.

2. Chính trị: lý lịch rõ ràng không mất quyền công dân. Có tinh thần tích cực sản xuất, không chây lười vô kỷ luật. Cần đề phòng kẻ phá hoại chui vào cơ sở.

3. Sức khoẻ: tuổi từ 18 trở lên, có sức khoẻ đảm bảo công tác. Không hay ốm đau bỏ việc luôn. Không có bệnh truyền nhiễm.

Trong tình hình hiện nay, để kiểm tra về sức khoẻ phải căn cứ vào nhận xét của tập thể có cán bộ y tế trong đơn vị tham gia ý kiến. Không cần phải khám sức khoẻ cho tất cả mọi người , mà chỉ tổ chức khám sức khoẻ những người do tập thể đề nghị, hoặc những công tác đặc biệt cần thiết phải làm.

Đối với anh chị em miền Nam, thanh niên xung phong, bộ đội phục viên, thương binh, những người bị tai nạn lao động nặng tuy yếu hoặc có bệnh sốt rét, nhưng vẫn làm việc được thì vẫn được xét để tuyển dụng vào biên chế. Đối với phụ nữ, không những không nên khắt khe mà cần phải chiếu cố nhất là những người có thai, có con nhỏ đã cố gắng sản xuất, có sức khoẻ và hiện đang làm việc thì không được coi là không đủ tiêu chuẩn. Phải chú ý tuyển dụng chi em vào biên chế và cố gắng bố trí công việc cho hợp với khả năng của chị em.

b.Thời gian làm việc.

Người được chính thức tuyển dụng vào biên chế phải qua một thời gian làm việc như sau:

- Người có nghề chuyên môn cần cho công tác từ 3 tháng trở lên;

- Người không có nghề chuyên môn từ 12 tháng trở lên.

Các đơn vị cơ sở không được tuyển những người chưa đủ thời gian lao động thử thách trên đây. Nếu thiếu người thì tiếp tục sử dụng những người hiện đang làm việc theo chế độ đã hưởng và báo cáo với Bộ chủ quản (nếu cơ sở thuộc Bộ quản lý) hoặc Uỷ ban hành chính khu,tỉnh, thành, địa phương (nếu cơ sở thuộc Uỷ ban hành chính quản lý) và Bộ Lao động để điều chỉnh người nơi khác đến.

c. Đối tượng lựa chọn:

Lần này các nghành được tuyển dụng nhiều người vào biên chế, tuy nhiên không thể tuyển dụng hết số người phụ động vào biên chế được vì vậy khi thi hành cần phân loại các đối tượng sau đây để xét trước sau:

- Những người có nghề cần cho sản xuất, kiến thiết ( thợ cơ khí kiến trúc, vận tải, cơ giới...) nếu họ tình nguyện vào biên chế.

- Những người lao động nhờ công tác từ trước đến nay mà có kinh nghiệm sản xuất, có thành tích.

- Những người làm lâu nhất được xét trước. Cần ưu tiên tuyển dụng: thương binh, quân nhân phục viên, người miền Nam, thanh niên xung phong, Việt kiều về nước. Tiếp đến vợ con liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng, vợ con công nhân, quân nhân, cán bộ, người mồ côi trước ở các trại cứu tế hiện đang làm việc ở các ngành. Rồi đến lao động thiếu việc làm ở thành phố, người nông thôn thoát ly nông nghiệp đã làm lâu năm ở các xí nghiệp, công, nông, lâm trường.

Những người vốn ở nông thôn vừa làm ruộng vừa đi làm công nói chung không được tuyển vào biên chế các xí nghiệp công nghiệp, nhất là các xí nghiệp ở thành phố. Trừ những người dân tộc ít người, người bán ruộng đất cho Chính phủ để xây dựng các công trình, các xí nghiệp, người có nghề chuyên môn cần cho sản xuất.

B. TUYỂN DỤNG NGƯỜI MỚI VÀO BIÊN CHẾ

 

Các xí nghiệp, các công trường cần tăng thêm người trước hết phải thu nhận những người ở những đơn vị khác có thừa chuyển sang. Phải được Bộ sở quan thống nhất với Bộ lao động đồng ý, các xí nghiệp, các công trường mới được tuyển người mới, và phải theo thể lệ, tiêu chuẩn tuyển dụng sau đây:

a.Tiêu chuẩn tuyển dụng người vào biên chế:

1. Trình độ nghề nghiệp văn hoá: Có đủ khả năng đảm bảo công tác theo yêu cầu của đơn vị.

2. Chính trị: Lý lịch rõ ràng, không mất quyền công dân, có chứng thực hạnh kiểm tốt của Uỷ ban hành chính địa phương hoặc đơn vị quản lý của công nhân.

3. Sức khoẻ: tuổi từ 18 đến 35. Có sức khoẻ đảm bảo công tác. Không có bệnh truyền nhiễm, không bị tàn tật ảnh hưởng đến công tác.

Những trường hợp được chiếu cố lúc tuyển dụng:

- Những người giỏi nghề cần cho sản xuất, cho công tác thì không hạn chế tuổi, nhưng phải có sức khoẻ đảm bảo công tác.

- Theo yêu cầu sản xuất cần lấy người trên tuổi hoặc dưới tuổi đã quy định, nhưng phải được sự đồng ý của Bộ sở quan đã thống nhất với Bộ Lao động.

- Đối với đồng bào miền Nam, quân nhân phục viên, dân tộc ít người, Việt kiều mới về nước thì có châm chước về tuổi và trình độ văn hoá. Đối với phụ nữ cần chiếu cố, không vì đông con mà không thu nhận, đối với vợ công nhân, cán bộ, quân nhân có khả năng đảm bảo công tác, có thể châm chước về tuổi.

b. Đối tượng được tuyển dụng:

Để kết hợp thi hành chính sách sử dụng nhân công phải tuỳ đối tượng sau đây mà chọn trước, sau khi tuyển dụng người vào biên chế:

- Ưu tiên dành cho những người đã làm lâu năm ở các công trường, các xí nghiệp khác chuyển đến.

- Những người chưa có việc làm, trước tiên phải thu nhận thương binh, quân nhân phục viên, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.

- Những công nhân, viên chức ra ngoài biên chế hiện nay đang gặp khó khăn - vợ con công nhân, quân nhân, cán bộ.

- Công nhân các xí nghiệp tư doanh thiếu việc làm. Học sinh đã thôi học không có cơ sở sản xuất. Dân nghèo thành phố.

- Đối với người ở nông thôn, cần giải quyết cho những người đã bán đất để xây dựng nhà máy, công trường, hiện thiếu cơ sở làm ăn.

Trừ trường hợp đặc biệt được Bộ Lao động đồng ý, các ngành không được tuyển dụng vào biên chế những người đã có cơ sở làm ăn vững chắc (ở thành phố cũng như ở nông thôn).

c.Thể lệ tuyển dụng:

1. Những người được tuyển dụng, phải lập hồ sơ của mình gồm có:

- Đơn xin việc và nếu có thì kèm theo những giấy tờ khác: học bạ, chứng nhận về nghề nghiệp,giấy chứng nhận của những cơ sở đã làm việc trước đây, giấy cho thôi việc...

- Bản kê khai lý lịch và chứng nhận hạnh kiểm

- Giấy chứng nhận sức khoẻ của y sĩ hay bác sĩ công cấp...

2. Thời gian tập sự: Được tuyển vào biên chế phải qua một thời gian tập sự như sau:

- Những người có nghề cần sử dụng vào sản xuất : từ 3 tháng đến 6 tháng;

- Những người không có nghề : từ 6 tháng đến 1 năm:

Những người trước đây đã làm việc đủ thời gian tập sự và chính thức trong biên chế cơ quan, đoàn thể, các cơ sở sản xuất, kiến thiết quốc doanh thôi việc có lý do chính đáng, không phải vì bị thi hành kỷ luật, thì được coi như tái tuyển và được miễn thời gian tập sự quyđịnh trên đây: công nhân, quân nhân phục viên, viên chức.

3. Hồ sơ của đương sự phải được Hội đồng tuyển dụng của xí nghiệp, công, nông, lâm trường xét duyệt và công nhận đủ điều kiện trước khi báo cáo lên trên để quyết định chính thức. Hồ sơ sẽ do cơ quan quản lý giữ trong thời gian làm việc và trả lại cho đương sự khi thôi việc.

 

III. KẾ HOẠCH TIẾN HÀNH

 

Trung ương:

Nhận được thông tư này các Bộ cần nghiên cứu lập kế hoạch tuyển dụng và kịp thời có công văn hướng dẫn cụ thể để các cơ sở thi hành, trước mắt việc tuyển số người làm hợp đồng lâu năm vào biên chế, cần xây dựng phương án tuyển dụng nêu rõ ngành nào, cơ sở nào cần có tổ chức lao động như thế nào, được đưa vào biên chế lần này bao nhiêu, nếu cần quy định thêm tiêu chuẩn thì nên nói rõ các tiêu chuẩn, những đối tượng được lựa chọn, kế hoạch hướng dẫn phổ biến để các cơ sở tiến hành v.v...

Phương án này trao đổi thống nhất với Bộ lao động rồi phổ biến và hướng dẫn cho các ngành, các cơ sở trong Bộ để thi hành. Trong khi thi hành cần báo cáo kết quả về Bộ lao động để tổng hợp.

địa phương:

Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành dựa vào các ngành thuộc Uỷ ban quản lý mà làm phương án tuyển dụng người vào biên chế nếu không có điều gì trái với thông tư này thì chỉ cần gửi phương án trên đây về Bộ, Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành quyết định thi hành và báo cáo kết quả trên đây về Bộ lao động : Uỷ ban hành chính khu, tỉnh thành có nhiệm vụ giúp đỡ các đơn vị xí nghiệp, công trường thi hành theo đúng công văn 2477 của Thủ tướng Chính phủ và thông tư này của Bộ lao động. Để giúp Uỷ ban hành chính công tác này, các sở, ty, phòng lao động cần nắm chắc kế hoạch tiến hành của cơ sở, theo dõi nắm tình hình và báo cáo với Uỷ ban hành chính, xin các chủ trương khi cần thiết.

cơ sở:

Mỗi cơ sở (xí nghiệp, công trường) theo quyết định của Bộ sở quan hoặc Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành mà thành lập Hội đồng tuyển dụng gồm có:

- Giám đốc xí nghiệp, công trường (hoặc Phó giám đốc) Trưởng ban

- Đại diện Đảng uỷ Uỷ viên

- Đại diện Ban chấp hành Công đoàn Uỷ viên

- Đại diện Ban chấp hành Thanh niên Uỷ viên

(Cán bộ phụ trách về việc tuyển dụng ở cơ sở)

Hội đồng có nhiệm vụ làm kế hoạch cụ thể để thi hành đúng tinh thần công văn 2477/NC của Thủ tướng phủ và thông tư của Bộ lao động:

- Xét duyệt hồ sơ, xác nhận những người làm đủ tiêu chuẩn và quyết định lập danh sách đề nghị lên trên.

- Hội đồng phải làm việc tập thể, và chịu trách nhiệm trước Uỷ ban hành chính địa phương khu, tỉnh, thành và Bộ sở quan.

- Các xí nghiệp, công trường phải chấp hành đúng kế hoạch của Bộ sở quan, phải lập danh sách những người được lựa chọn theo các đối tượng nói trên và báo cáo với sở, ty, phòng lao động để tham gia góp ý kiến trước khi thi hành. Trường hợp có vấn đề chưa thống nhất thì báo cáo Uỷ ban hành chính địa phương giải quyết, sau đó nếu cần thiết sẽ báo cáo với Bộ sở quan và Bộ lao động giải quyết.

Việc tuyển dụng người làm lâu năm vào biên chế là một yêu cầu cấp thiết, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch thực hiện một cách thận trọng nhưng phải thật khẩn trương. Nếu xét trong ngành có nhiều vấn đề hứuc tạp thì cần giải quyết trước cho các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở đã ổn định, nhất là những người làm việc trong dây chuyền sản xuất của các xí nghiệp để thi hành cho kịp thời, rồi giải quyết dần đến các đơn vị khác, không nên chờ tất cả được xét duyệt mới quyết định.

Việc tuyển dụng vào biên chế không thể làm một lần tất cả và không phải mọi người đều được tuyển vào biên chế, do đó sẽ động đến quyền lợi của nhiều người, người được tuyển trước, người được tuyển sau, có người chưa được tuyển v.v...; nên khi thực hiện các ngành, các địa phương cần lưu ý các cơ sở chú trọng kế hoạch giáo dục công nhân, đề phòng tư tưởng tiêu cực, suy tỵ, để giữ vững tinh thần phấn khởi đoàn kết sản xuất. Đối với cán bộ cần chú trọng chống lối giải quyết thiên vị, cảm tình, thành kiến, độc đoán hoặc bản vị, cục bộ và sơ hở mất cảnh giác chính trị.

Sau khi cơ sở tuyển dụng người vào biên chế thì sẽ tuỳ khả năng mà xếp cấp bậc và cho hưởng lương mới từ ngày quyết định.

Đi đôi với việc tuyển dụng người vào biên chế, cần chuẩn bị để thi hành một số chế độ lao động như trả phụ cấp con, tổ chức giữ trẻ, nơi ăn ở cho những người mới được tuyển; có những vấn đề chưa giải quyết được thì cần giải thích để công nhân rõ khả năng thực tế hiện nay chỉ có thể giải quyết được cho những người khó khăn nhất, chưa thể giải quyết được cho nhiều người trong một lúc.

-Trường hợp có những người đã làm lâu năm, trước hết là những người miền Nam, quân nhân phục viên, thương binh, thanh niên xung phong (cả nam và nữ) không được tuyển vào biên chế, vì các cơ sở đã thực hiện chỉ tiêu lao động của kế hoạch thì báo cáo lên Bộ sở quan hoặc Uỷ ban hành chính địa phương để điều hoà sang các đơn vị khác; nếu không giải quyết hết thì báo cáo cho Bộ lao động để giới thiệu sang ngành khác. Trong khi chờ đợi, các cơ sở cần giải quyết tư tưởng để anh chị em được an tâm và tiếp tục công tác.

- Đối với những người thuê mướn theo hợp đồng có thời hạn, hoặc công nhật, có thể châm chước về tiêu chuẩn ,và có thể làm hồ sơ đơn giản hơn nhưng phải đảm bảo chính trị và sức khoẻ.

- Những người không được tuyển vào biên chế, có đủ điều kiện làm việc thì được tiếp tục làm việc và hưởng theo chế độ như trước, hết thời gian sẽ tuỳ đối tượng mà giải quyết.

- Những người đã làm trên một năm, không đủ điều kiện làm việc phải thôi việc, thì được ảnh hưởng chế độ phụ cấp thôi việc hiện hành; ngoài ra các ngành có thể xét đến công lao và hoàn cảnh khó khăn mà cấp một số tiền trợ cấp cứu tế, trích trong quỹ xã hội của các ngành.

Những người ốm đau, mắc bệnh truyền nhiễm, không tiếp tục làm việc được thì phải cho đi chữa bệnh. Sau khi lành mạnh nếu cần cho sản xuất, kiến thiết, thì đơn vị cơ sở sắp xếp công tác cho anh chị em, nếu không đủ điều kiện làm việc phải cho thôi việc thì trả trợ cấp cấp thôi việc đã nói trên đây.

Trường hợp có những người đã làm lâu năm, không có cơ sở làm ăn, cần cho về thì phải xét kỹ và phải báo cáo đề nghị ý kiến với Bộ sở quan và Bộ lao động nghiên cứu hướng giải quyết cho thoả đáng.

 

V. PHẠM VI THI HÀNH

 

Thông tư này áp dụng trong trường hợp tuyển dụng người vào biên chế các xí nghiệp, công, nông, lâm trường của Chính phủ, gồm các xí nghiệp công nghiệp, các cơ sở giao thông vận tải, các công, nông, lâm trường và có hiệu lực, từ ngày ban hành.

- Thông tư này không áp dụng cho những cơ sở sản xuất có tính chất gia công, giao khoán việc, giao thầu cho người làm.

- Những người được chính thức tuyển dụng vào biên chế kể từ ngày có quyết định tuyển dụng. Đối với những người làm lâu năm sau này khi xây dựng các chế độ lao động sẽ chiếu cố đến những năm phục vụ.

- Những văn bản này đã quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

Việc tuyển dụng nguời vào biên chế nói chung, trước mắt là việc tuyển số người làm hợp đồng lâu năm vào biên chế lần này có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của quần chúng, thi hành được tốt sẽ có tác dụng đẩy mạnh sản xuất, hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước.

Bộ lao động mong các Bộ, các ngành, các Uỷ ban hành chính khu, tỉnh, thành phố nghiên cứu và có kế hoạch thi hành thông tư này chu đáo. Trong khi thực hiện nếu có điều kiện gì khó khăn; đề nghị các Bộ, các địa phương phản ánh về Bộ lao động để nghiên cứu bổ sung.

 

Nguyễn Văn Tạo

(Đã ký)

 

 

Bộ Lao động

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tạo