THÔNG TƯ
LIÊN BỘ UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC, BỘ TÀI CHÍNH
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Hướng dẫn bổ sung về chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng
Thực hiện Nghị quyết số 120- HĐBT ngày 11- 4- 1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới; Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính đã ban hành các Thông tư liên Bộ số 10/TT-LB ngày 24-7-1992 và Thông tư liên Bộ bổ sung số 17-TT/LB ngày 9- 9-1992 hướng dẫn về chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm.
Nhằm đơn giản một số thủ tục, rút ngắn thời gian từ khi lập dự án đến khi được vay, đồng thời phân cấp trách nhiệm, tạo quyền chủ động cho các địa phương, các đoàn thể quần chúng, hội nghề nghiệp trong quá trình thực hiện cho vay vốn giải quyết việc làm, liên Bộ hướng dẫn bổ sung một số điểm như sau:
1. Đối tượng được vay:
Ngoài các đối tượng nêu tại Thông tư liên Bộ số 10/TT-LB và số 17/TT-LB, nay bổ sung một số đối tượng:
Các cơ sở sản xuất kinh doanh của thương, bệnh binh, người tàn tật theo Quyết định số 15/TTg ngày 20-10-1992 của Thủ tướng Chính phủ. Các chương trình dự án của thanh niên xung phong tham gia giải quyết việt làm trong phạm vi quản lý theo Quyết định số 182/TTg ngày 20-4-1993 của Thủ tướng Chính phủ.
Các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề và tạo việc làm cho các đối tượng xã hội do các cấp có thẩm quyền quyết định thành lập, có phương án sản xuất, tạo việc làm tại Trung tâm cho đối tượng thuộc Nghị quyết số 5-CP và Nghị quyết số 6-CP ngày 29-1-1993 của Chính phủ.
2. Nội dung cho vay:
Do quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm được Chính phủ quyết định có hạn, nên việc cho vay theo dự án nhỏ từ nguồn quỹ này chỉ là hỗ trợ để tạo điều kiện cho đối tượng được vay vốn mở rộng sản xuất, tạo thêm chỗ làm việc. Do vậy, vốn vay từ quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm chỉ cho vay để đầu tư bổ sung thiết bị, vật tư sản xuất, không cho vay để xây dựng cơ bản, trả công lao động cho bản thân thành viên tham gia dự án.
3. Mức vay tính trên một chỗ làm việc:
Đối với dự án của người kinh doanh, mức vay tối đa không quá 200 triệu đồng cho một dự án, nhưng phải bảo đảm tạo việc làm mới thu hút được lao động. Suất đầu tư bình quân cho một chỗ làm việc mới trong từng dự án tối đa không quá 5 triệu đồng.
4. Về xây dụng kế hoạch hằng năm:
- Hằng năm vào tháng đầu quý IV, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các ngành liên quan ở địa phương đánh giá tình hình thực hiện chương trình việc làm và kết quả cho vay theo dự án nhỏ trong năm, và nhu cầu giải quyết việc làm trên địa bàn, xây dựng kế hoạch chương trình, dự án tạo việc làm năm sau.
- Uỷ ban kế hoạch tỉnh, thành phố sau khi thống nhất với sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính vật giá, Chi cục kho bạc, chịu trách nhiệm tổng hợp kế hoạch vốn vay - dự án nhỏ giải quyết việc làm cùng với các kế hoạch kinh tế - xã hội khác trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố phê duyệt để Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố làm việc với Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi báo cáo Chính phủ vào tháng 10 hằng năm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở tổng hợp kế hoạch chương trình, dự án việc làm và nhu cầu vốn vay của các dự án trên phạm vi cả nước do các địa phương, các đoàn thể quần chúng, xây dựng tính toán nguồn quỹ quốc gia về giải quyết việc làm và làm việc với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính.
- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu vay vốn dự án nhỏ giải quyết việc trên cơ sở đã thống nhất với Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính trình Chính phủ phê duyệt cùng với các kế hoạch kinh tế - xã hội khác.
5. Việc phân cấp xét duyệt và tổ chức thực hiện:
- Sau khi kế hoạch năm được duyệt, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước chính thức giao chỉ tiêu. Chủ tịch Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đoàn thể Trung ương thẩm định, xét duyệt dự án và quyết định cho vay theo đúng hướng dẫn của liên Bộ và trong phạm vi hạn mức đã được phân bổ, thành phần kiểm tra và xét duyệt dự án ở địa phương gồm các ngành Lao động - Thương binh và xã hội, Sở Tài chính vật giá, Uỷ ban kế hoạch, kho bạc Nhà nước. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các Bộ, ngành và tổ chức đoàn thể Trung ương chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn vốn vay tạo việc làm đúng mục tiêu, đối tượng, hiệu quả thu hồi vốn, lãi cho vay từ quỹ Quốc gia về việc làm; báo cáo kết quả với liên Bộ theo chế độ quy định.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện cho vay theo dự án nhỏ để báo cáo Chính phủ.
6. Về chuyển vốn cho vay:
- Trên cở sở nguồn vốn của quỹ Quốc gia về giải quyết việc làm, nhu cầu của các địa phương và sau khi thoả thuận bằng văn vản với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước thông báo chỉ tiêu hạn mức vay vốn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và một số đoàn thể quần chúng, hội nghề nghiệp (nếu được Nhà nước cho phép lập một đầu mối riêng để vay vốn giải quyết việc làm).
- Căn cứ quyết định và biểu tổng hợp các dự án giải quyết việc làm được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đoàn thể quần chúng, hội nghề nghiệp duyệt cho vay và ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nếu cần), trong phạm vi chỉ tiêu do Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước phân bổ, Bộ Tài chính làm thủ tục chuyển vốn sang hệ thống Kho bạc Nhà nước để thực hiện cho vay đối với các dự án ở các địa phương.
7. Thu hồi vốn cho vay và hướng sử dụng:
- Vốn cho vay đến hạn thu nợ ở các địa phương được dùng để tiếp tục cho vay theo các dự án ở địa phương do cấp có thẩm quyền quyết định.
- Hạn mức vốn vay hàng năm ở các địa phương bao gồm vốn trong chỉ tiêu phân bổ hàng năm và vốn cho vay đến hạn trả của các dự án nhỏ thực hiện ở địa phương.
8. Kinh phí thực hiện:
Giải quyết việc làm là trách nhiệm của Nhà nước, của các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội và của mỗi người lao động. Vì vậy, kinh phí thực hiện sự nghiệp này sẽ được lập trong kế hoạch tài chính hằng năm của các đơn vị.
9. Chế độ kiểm tra, báo cáo:
- Hằng tháng, hằng quý, Chi cục Kho bạc tỉnh, thành phố có trách nhiệm báo cáo tình hình cho vay (theo hướng dẫn của cục Kho bạc Nhà nước); với ban chỉ đạo tỉnh, thành phố; đồng thời báo cáo với Cục Kho bạc Nhà nước.
- Hằng quý và cuối năm, Uỷ ban Nhân dân tỉnh và Thủ trưởng cơ quan Trung ương các đoàn thể, tổ chức quần chúng báo cáo chi tiết tình hình cho vay, giải quyết việc làm với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
- Hằng quý, Cục Kho bạc Nhà nước tổng hợp tình hình thực hiện và cho vay vốn từ quỹ Quốc gia giải quyết việc làm ở các địa phương để báo cáo với liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước - Bộ Tài chính.
Từng bộ, theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra uốn nắn kịp thời việc thực hiện công tác cho vay giải quyết việc làm ở các địa phương.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính (Cục Kho bạc Nhà nước) và Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn cụ thể những vấn đề nghiệp vụ thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình để việc cho vay được thực hiện thuận tiện, đúng mục tiêu, đối tượng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các ngành, các địa phương phản ánh kịp thời về liên Bộ nghiên cứu giải quyết.