• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/03/1993
  • Ngày hết hiệu lực: 02/02/1996
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH-UỶ BAN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC
Số: 3-TT/LB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 3 năm 1993

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện chương trình viện trợ nhân đạo của Chính phủ cộng hoà liên bang Séc Slôvakia (cũ) để hỗ trợ tạo việc làm và dạy nghề cho Lao động Việt Nam về nước trước thời hạn

Căn cứ Nghị quyết số 120/HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) về giải quyết việc làm;

Căn cứ Nghị định thư về việc thực hiện khoản viện trợ nhân đạo một lần của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) dành cho nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam để hỗ trợ tạo việc làm và dạy nghề cho lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) về nước trước thời hạn.

Liên Bộ Lao động - Thương binh xã hội - Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hướng dẫn việc quản lý và sử dụng như sau.

 

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Khoản viện trợ nhân đạo một lần của Chính phủ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) dành cho người lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) về nước trước thời hạn, được quản lý và sử dụng theo đúng quy định tại Thông tư số 45-TC/VT ngày 15-8-1991 và số 27-TC/KBNN ngày 7-5-1991 của Bộ Tài chính và theo nguyên tắc ghi thu vào Ngân sách Nhà nước, ghi chi cho chương trình quốc gia giải quyết việc làm trong mục tạo việc làm và dạy nghề cho người lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về trước thời hạn, có tài khoản tại Cục kho bạc Nhà nước để thực hiện cho vay với lãi suất ưu đãi theo các dự án tạo việc làm; tài trợ cho các dự án dạy nghề và chi phí phục vụ cho việc điều hành thực hiện chương trình theo dự toán được duyệt đúng với đối tượng và chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

2. Khoản viện trợ này được quản lý tập trung, điều hành thống nhất ở Trung ương và có hồ sơ theo dõi riêng để có thể kiểm tra, đánh giá, báo cáo Chính phủ và định kỳ thông báo kịp thời cho Chính phủ Cộng hoà Séc và Cộng hoà Slôvakia về kết quả thực hiện theo Nghị định thư.

3. Nội dung và cơ cấu sử dụng:

a) Dành 75% khoản viện trợ nhân đạo này để cho vay với lãi suất ưu đãi để trợ giúp và khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình và đơn vị kinh tế có dự án tạo việc làm mới thu hút lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về nước trước hạn và về đúng hạn nhưng chưa có việc làm. Nguồn vốn cho vay này được ưu tiên cho các đơn vị cơ sở ở các địa phương, ngành có nhiều lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về, có dự án tạo việc làm mới với suất đầu tư một chỗ làm việc hợp lý, ổn định có thu nhập bảo đảm cuộc sống cho người lao động.

b) Dành 20% trong khoản viện trợ nhân đạo này để thực hiện chương trình dạy nghề cho người lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) về nước trước hạn và về đúng hạn nhưng chưa có việc làm bao gồm:

- Bồi dưỡng về kiến thức quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa cho những người đã hoặc có khả năng lập doanh nghiệp thu hút được nhiều lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về. Việc bồi dưỡng chủ doanh nghiệp được tổ chức theo kế hoạch của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

- Đào tạo lại và dạy nghề cho lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về phải chuyển nghề để thích ứng với công việc mới (bao gồm chi phí học nghề và đầu tư trợ giúp để mua sắm trang thiết bị dạy nghề cần thiết cho các cơ sở, Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm). Việc dạy nghề và đào tạo lại được thực hiện trên cơ sở các dự án khả thi được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định và xét duyệt.

c) Dành 5% trong khoản viện trợ nhân đạo để chi phí cho việc điều hành thực hiện chương trình, bao gồm hướng dẫn xây dựng dự án, tập huấn cán bộ, kiểm tra, thẩm định dự án, một số trang thiết bị văn phòng, đánh giá thực hiện chương trình, chi phí chuyên gia (nếu có), (không dùng để trả lương cho cán bộ, nhân viên thực hiện chương trình).

 

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Về cho vay tạo việc làm:

a) Đối tượng được vay vốn từ khoản viện trợ nhân đạo trên là:

- Bản thân người lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về thành lập doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để sản xuất kinh doanh hoặc để phát triển kinh tế gia đình.

- Các chủ doanh nghiệp tư nhân có dự án mở rộng sản xuất kinh doanh tạo việc làm mới thu hút được lao động mới trong đó có 50% từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về.

- Doanh nghiệp Nhà nước, trước hết là các xí nghiệp, công ty liên doanh giữa Việt Nam và Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) có dự án mở rộng sản xuất thu hút được lao động mới trong đó ít nhất có 50% là lao động Việt Nam từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về trước hạn.

b) Về xây dựng dự án vay vốn:

Vận dụng theo văn bản hướng dẫn số 1979-LĐTBXH/CS ngày 11-7-1992 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn xây dựng dự án nhỏ xin vay vốn tạo việc làm tại chỗ, với hai loại dự án là dự án của người kinh doanh thu hút nhiều lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về và dự án phát triển kinh tế gia đình của người lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia trở về được Uỷ ban nhân dân huyện, quận tập hợp thành dự án chung xin vay vốn. Dự án phải nói rõ nhu cầu xin vay vốn, nội dung sử dụng vốn vay có hiệu quả kinh tế và cam kết hoàn trả vốn và lãi. Các dự án trên đều do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, thẩm định và trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định.

c) Mức vay, lãi suất cho vay và thời hạn vay:

Vận dụng theo những quy định về cho vay vốn từ quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đối với các dự án nhỏ theo Nghị quyết số 120-HĐBT ngày 11-4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) và các văn bản hướng dẫn kèm theo.

d) Về quyết định chuyển nguồn vốn cho vay:

Sau khi có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định và Bộ Tài chính chuyển vốn sang Cục Kho bạc Nhà nước để tiến hành cho vay theo Thông tư số 10-TT/LB ngày 24-7-1992 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước "hướng dẫn về chính sách cho vay đối với các dự án nhỏ giải quyết việc làm theo Nghị quyết số 120-HĐBT ngày 11- 4-1992 của Hội đồng Bộ trưởng" và Thông tư số 17-TT/LB ngày 9- 9- 1992 của Liên Bộ hướng dẫn bổ sung Thông tư số 10-TT/LB ngày 24- 7- 1992 và các văn bản hướng dẫn bổ sung khác.

2. Về dạy nghề:

a) Bồi dưỡng các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Đối tượng bồi dưỡng là người lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) về trước hạn lập doanh nghiệp và các chủ doanh nghiệp khác thu hút thêm lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về.

Sau khi thống nhất với Liên Bộ Tài chính - Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lập kế hoạch, xây dựng chương trình, dự toán kinh phí, tổ chức các lớp học ở các địa bàn có nhiều lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về lập doanh nghiệp, hoặc có nhiều chủ doanh nghiệp có dự án thu hút lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về.

b) Dạy nghề cho người lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về:

- Lao động hợp tác từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về trước hạn nếu có nhu cầu học nghề để chuyển nghề, được tiếp nhận vào học một lần không mất tiền tại các cơ sở dạy nghề và giới thiệu việc làm.

- Các cơ sở dạy nghề (kể cả Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm) có dự án dạy nghề, tiếp nhận lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về nước trước hạn đến học được cấp kinh phí theo chế độ hiện hành.

c) Đối tượng hưởng dự án là người lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về nước trước hạn có đủ hồ sơ cá nhân hợp lệ bao gồm:

- Quyết định của ban quản lý lao động Việt Nam tại Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) điều chuyển lao động về nước.

- Phiếu nhân sự.

- Quyết định của Cục hợp tác quốc tế về lao động về việc chuyển trả lao động về đơn vị cũ, về địa phương.

- Phiếu thu hồi hộ chiếu (Photocopy).

3. Bộ Tài chính căn cứ vào quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt các dự án dạy nghề, đào tạo bồi dưỡng kiến thức kinh doanh, điều hành triển khai chương trình và căn cứ vào nguồn vốn nêu ở điểm b, c tiết 3, mục I để cấp kinh phí cho các chủ dự án, chương trình triển khai thực hiện và quyết toán với Bộ Tài chính theo các chế độ hiện hành.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các ngành và địa phương tổ chức nắm lại số lao động từ Cộng hoà Liên bang Séc và Slôvakia (cũ) trở về có nhu cầu vay vốn, dạy nghề để lập danh sách, xây dựng kế hoạch và dự kiến nhu cầu báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình.

2. Trên cơ sở Thông tư hướng dẫn của liên Bộ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp điều hành, triển khai chương trình theo đúng mục tiêu, đối tượng, hiệu quả; Bộ Tài chính chỉ đạo Cục kho bạc Nhà nước hướng dẫn nghiệp vụ quản lý và sử dụng nguồn vốn này trong toàn hệ thống.

3. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp kết quả thực hiện chương trình báo cáo Chính phủ và liên ngành biết; đồng thời thường xuyên thông báo cho phía Cộng hoà Séc và Slôvakia.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện nếu có gì vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Liên Bộ để nghiên cứu giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Bộ trưởng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Trần Đình Hoan

Hồ Tế

Đỗ Quốc Sam

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.