• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/2018
  • Ngày hết hiệu lực: 10/03/2023
BỘ XÂY DỰNG
Số: 02/2018/TT-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 6 tháng 2 năm 2018

THÔNG TƯ

Quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình

và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng

_________________________________

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của  Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường,

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án, nhà thầu thi công trong thi công các công trình xây dựng và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động thi công các công trình xây dựng và công tác bảo vệ môi trường ngành Xây dựng.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường là việc lập, cung cấp các thông tin, số liệu, dữ liệu về nguồn phát sinh chất thải, tác động của chất thải tới các thành phần môi trường, công tác quản lý và hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình và hoạt động sản xuất kinh doanh của cơ sở sản xuất ngành Xây dựng.

2. Chủ dự án là chủ đầu tư theo quy định của pháp luật về xây dựng đối với dự án đầu tư xây dựng công trình.

3. Cơ sở sản xuất ngành Xây dựng là cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất sản phẩm cơ khí xây dựng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Chương II

BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THI CÔNG XÂY DỰNG CÔNG TRÌNH

Điều 3. Trách nhiệm bảo vệ môi trường của chủ dự án trong thi công xây dựng công trình

1. Lập kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trên cơ sở chương trình quản lý môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận theo quy định tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường, Thông tư số 27/2015/TT-BTNMT ngày 29/5/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường trước khi thi công xây dựng công trình.

2. Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để kiểm tra, giám sát nhà thầu thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng.

3. Trên cơ sở các biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt trong báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường đã được cấp có thẩm quyền xác nhận, chủ dự án có trách nhiệm bố trí đầy đủ kinh phí để thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng.

4. Tổ chức kiểm tra, giám sát các nhà thầu tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.

5. Đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng.

6. Phối hợp với nhà thầu thi công xây dựng công trình xử lý, khắc phục khi xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường; kịp thời báo cáo, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền để giải quyết ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và các vấn đề phát sinh.

Điều 4. Trách nhiệm của nhà thầu thi công xây dựng

1. Thực hiện kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường và các quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình thi công gói thầu.

2. Bố trí nhân sự phụ trách về môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường của dự án.

3. Xây dựng và thực hiện nội quy, quy định về bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.

4. Tổ chức lập, trình chủ dự án chấp thuận các giải pháp kỹ thuật, biện pháp bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình.

5. Tổ chức tập huấn, phổ biến hướng dẫn các nội quy, quy trình, biện pháp bảo vệ môi trường cho cán bộ, công nhân, người lao động và các đối tượng có liên quan trên công trường.

6. Dừng thi công xây dựng công trình khi phát hiện nguy cơ xảy ra ô nhiễm, sự cố môi trường nghiêm trọng và có biện pháp khắc phục để đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi tiếp tục thi công.

7. Thực hiện các nội dung khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Chương III

CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

          Điều 5. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của cơ sở sản xuất ngành Xây dựng

Cơ sở sản xuất ngành Xây dựng có trách nhiệm:    

1. Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường bằng văn bản định kỳ 01 (một) lần/năm theo mẫu tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Sở Xây dựng trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

          2. Cập nhật và lưu trữ các thông tin, dữ liệu của báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên phần mềm quản lý trực tuyến cơ sở dữ liệu môi trường ngành Xây dựng tại địa chỉ trang thông tin điện tử: http://dulieumoitruong.xaydung.gov.vn/.

          Điều 6. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố có trách nhiệm:   

1. Lập báo cáo công tác bảo vệ môi trường bằng văn bản định kỳ 01 (một) lần/năm theo mẫu tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này và gửi về Bộ Xây dựng trước ngày 15 tháng 01 của năm kế tiếp.

          2. Cập nhật và lưu trữ các thông tin, dữ liệu của báo cáo công tác bảo vệ môi trường trên phần mềm quản lý trực tuyến cơ sở dữ liệu môi trường ngành Xây dựng tại địa chỉ trang thông tin điện tử: http://dulieumoitruong.xaydung.gov.vn/.

         Điều 7. Báo cáo công tác bảo vệ môi trường của nhà thầu tư vấn quản lý dự án, nhà thầu giám sát thi công xây dựng

1. Báo cáo kịp thời cho chủ dự án và các nhà thầu có liên quan về những nguy cơ, vấn đề phát sinh có thể ảnh hưởng đến công tác bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng công trình để có các giải pháp ngăn ngừa, xử lý phù hợp.

2. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất với chủ dự án về công tác bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình của các nhà thầu trên công trường theo quy định của hợp đồng tư vấn xây dựng.

         Điều 8. Hiệu lực thi hành

          Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2018.  Quyết định số 29/1999/QĐ-BXD ngày 22/10/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế Bảo vệ môi trường ngành Xây dựng hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Điều 9. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Phan Thị Mỹ Linh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.