THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC, QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ; MỐI QUAN HỆ GIỮA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ VỚI NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ CƠ QUAN QUẢN LÝ CẤP TRÊN; TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ TRONG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC NGÀNH, LĨNH VỰC LAO ĐỘNG, NGƯỜI CÓ CÔNG VÀ XÃ HỘI
Căn cứ Nghị định số
62/2022/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số
60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ;
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý và tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý; mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội (sau đây gọi là Hội đồng quản lý).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội (sau đây gọi là đơn vị sự nghiệp công lập) được cấp có thẩm quyền thành lập theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập và hoạt động của Hội đồng quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 3. Nguyên tắc và điều kiện thành lập Hội đồng quản lý
Nguyên tắc, điều kiện thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây viết tắt là Nghị định số
120/2020/NĐ-CP).
Chương II
THÀNH LẬP, KIỆN TOÀN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
Điều 4. Thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý
Thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP.
Điều 5. Hồ sơ, thủ tục thành lập Hội đồng quản lý
1. Hồ sơ đề nghị thành lập Hội đồng quản lý bao gồm:
a) Văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập; văn bản đề nghị thành lập Hội đồng quản lý của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có). Cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cục, thuộc tổng cục thuộc bộ là cục, tổng cục thuộc bộ; cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b) Đề án thành lập Hội đồng quản lý;
c) Dự thảo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý;
d) Các hồ sơ, tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập Hội đồng quản lý theo quy định;
đ) Ý kiến bằng văn bản của các cơ quan có liên quan về việc thành lập Hội đồng quản lý;
e) Các giấy tờ có liên quan khác (nếu có).
2. Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý
Thủ tục thành lập Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP.
Điều 6. Đề án thành lập Hội đồng quản lý
Đề án thành lập Hội đồng quản lý bao gồm các nội dung sau:
1. Sự cần thiết và cơ sở pháp lý thành lập Hội đồng quản lý.
2. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý.
3. Số lượng, thành phần, cơ cấu thành viên Hội đồng quản lý; nhiệm vụ cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý.
4. Dự kiến phương án nhân sự của Hội đồng quản lý.
5. Kiến nghị của đơn vị đề nghị thành lập Hội đồng quản lý (nếu có).
6. Các nội dung khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành (nếu có).
Điều 7. Kiện toàn Hội đồng quản lý
1. Kiện toàn Hội đồng quản lý theo nhiệm kỳ
Trước khi hết nhiệm kỳ 03 (ba) tháng, Chủ tịch Hội đồng quản lý đương nhiệm triệu tập họp Hội đồng quản lý, đề xuất cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư này kiện toàn Hội đồng quản lý nhiệm kỳ kế tiếp.
2. Kiện toàn thành viên Hội đồng quản lý trong nhiệm kỳ
Trường hợp Hội đồng quản lý bị khuyết thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản lý triệu tập họp Hội đồng quản lý, căn cứ vào thành phần của thành viên bị khuyết để lựa chọn nhân sự thay thế, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý theo quy định.
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý bị khuyết, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có) hoặc Thư ký Hội đồng quản lý báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định.
Trường hợp đồng thời bị khuyết Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý theo quy định.
Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Hội đồng quản lý báo cáo, gửi hồ sơ kiện toàn thành viên Hội đồng quản lý đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét, cho ý kiến; cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm báo cáo, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập xem xét, bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định.
Thời hạn để tổ chức kiện toàn thành viên Hội đồng quản lý là 30 ngày kể từ ngày có thành viên bị khuyết.
3. Hồ sơ kiện toàn Hội đồng quản lý
a) Văn bản đề nghị của Hội đồng quản lý;
b) Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị kiện toàn Hội đồng quản lý (nếu có);
c) Nghị quyết, Biên bản họp Hội đồng quản lý;
d) Ý kiến bằng văn bản của cấp ủy cùng cấp;
đ) Sơ yếu lý lịch của nhân sự được đề nghị kiện toàn;
e) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
Chương III
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, CƠ CẤU TỔ CHỨC VÀ QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
Điều 8. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP.
Điều 9. Số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý
1. Thành phần Hội đồng quản lý
a) Đại diện cơ quan quản lý cấp trên hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có) của đơn vị sự nghiệp công lập, gồm đại diện của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (nếu có);
b) Đại diện Lãnh đạo đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập;
d) Đại diện tổ chức, đơn vị liên quan.
2. Số lượng, cơ cấu Hội đồng quản lý
Hội đồng quản lý có từ 05 đến 11 thành viên; tổng số thành viên phải là số lẻ, gồm Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý và các thành viên khác.
3. Số lượng, cơ cấu, thành phần cụ thể của thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế và đặc thù hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.
4. Nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý không quá 05 (năm) năm.
Điều 10. Nguyên tắc, chế độ làm việc của Hội đồng quản lý
1. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng quản lý
a) Hội đồng quản lý làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của Hội đồng quản lý được thể hiện bằng hình thức Nghị quyết. Trường hợp số phiếu tán thành và không tán thành bằng nhau thì sẽ quyết định theo bên có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng.
b) Hội đồng quản lý hoạt động theo Quy chế hoạt động được cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng quản lý phê duyệt.
c) Văn bản của Hội đồng quản lý được sử dụng con dấu của đơn vị sự nghiệp công lập và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.
2. Chế độ làm việc của Hội đồng quản lý
a) Chủ tịch Hội đồng quản lý không phải là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Chế độ làm việc của Chủ tịch Hội đồng quản lý do cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quyết định căn cứ vào yêu cầu thực tế và quy định của pháp luật.
b) Đại diện của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập (nếu có) trong Hội đồng quản lý làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Thành viên Hội đồng quản lý là viên chức của đơn vị sự nghiệp công lập có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm và được xác định trong Đề án thành lập Hội đồng quản lý.
3. Hội đồng quản lý tổ chức cuộc họp theo yêu cầu công việc và được xác định trong Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý. Các cuộc họp của Hội đồng quản lý được coi là hợp lệ khi có trên 2/3 số thành viên tham dự. Trường hợp cần thiết, Chủ tịch Hội đồng quản lý có thể mời đại diện một số cơ quan, tổ chức có liên quan tham dự cuộc họp Hội đồng quản lý để tham khảo ý kiến. Đại diện được mời dự họp Hội đồng quản lý không có quyền biểu quyết.
4. Nghị quyết của Hội đồng quản lý
a) Nghị quyết của Hội đồng quản lý được ghi thành văn bản, có ý kiến, chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng quản lý tham dự họp hoặc ý kiến bằng văn bản của tất cả các thành viên Hội đồng quản lý trong trường hợp không tổ chức cuộc họp.
b) Nghị quyết của Hội đồng quản lý được thông qua khi có ít nhất ¾ tổng số thành viên Hội đồng quản lý tham dự họp nhất trí thông qua bằng hình thức bỏ phiếu kín.
c) Nghị quyết của Hội đồng quản lý phải được gửi đến tất cả các thành viên của Hội đồng quản lý.
5. Kinh phí hoạt động của Hội đồng quản lý, chế độ phụ cấp và chế độ khác (nếu có) cho các thành viên Hội đồng quản lý được tính trong chi phí hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý
1. Hội đồng quản lý xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý gửi cơ quan thẩm định theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP xem xét và trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, phê duyệt.
2. Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Các quy định chung;
b) Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng quản lý;
c) Số lượng, cơ cấu, nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý;
d) Cơ chế hoạt động của Hội đồng quản lý;
đ) Nhiệm vụ, quyền hạn, nhiệm kỳ của thành viên Hội đồng quản lý; bổ nhiệm, bổ sung, thay thế, miễn nhiệm, kỷ luật thành viên Hội đồng quản lý;
e) Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên;
g) Các quy định khác bảo đảm cho hoạt động của Hội đồng quản lý theo quy định của pháp luật.
3. Trường hợp cần thiết sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động, Hội đồng quản lý đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung và gửi cơ quan thẩm định theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 7 Nghị định số
120/2020/NĐ-CP để trình cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng quản lý quy định tại Điều 4 Thông tư này xem xét, phê duyệt.
Điều 12. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan quản lý cấp trên
1. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với cơ quan quản lý cấp trên
a) Hội đồng quản lý chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên về kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao;
b) Hội đồng quản lý có trách nhiệm báo cáo các hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập đối với cơ quan quản lý cấp trên;
c) Cơ quan quản lý cấp trên thông qua hoặc có ý kiến đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của Hội đồng quản lý.
2. Mối quan hệ giữa Hội đồng quản lý với người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
a) Hội đồng quản lý quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền theo đề nghị của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý điều hành hoạt động của đơn vị thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nghị quyết trước Hội đồng quản lý.
Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản lý
a) Điều hành Hội đồng quản lý thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 8 Thông tư này;
b) Tổ chức việc giám sát và đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược, kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; kết quả quản lý điều hành của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập;
c) Chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm, hàng quý của Hội đồng quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Hội đồng quản lý;
d) Triệu tập, chủ trì các cuộc họp Hội đồng quản lý; chỉ đạo chuẩn bị các chương trình, tài liệu cuộc họp hoặc lấy ý kiến thành viên Hội đồng quản lý và tổ chức bỏ phiếu tại cuộc họp;
đ) Ký các văn bản của Hội đồng quản lý;
e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật hoặc theo quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có)
a) Điều hành hoạt động và ký các văn bản theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng quản lý;
b) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Thư ký Hội đồng quản lý
Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý theo quy định tại khoản 4 Điều này và trực tiếp giúp Chủ tịch Hội đồng quản lý những nhiệm vụ sau đây:
a) Tổng hợp thông tin về hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý; chuẩn bị chương trình nghị sự, tài liệu, giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của Hội đồng quản lý; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của Hội đồng quản lý;
b) Chuẩn bị các báo cáo, văn bản giải trình với cơ quan có liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của Hội đồng quản lý theo định kỳ hoặc đột xuất;
c) Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch Hội đồng quản lý giao và theo Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng quản lý
a) Thực hiện các nhiệm vụ do Hội đồng quản lý phân công; các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý, của đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động theo nhiệm kỳ và hàng năm, hàng quý; đề xuất nội dung và các vấn đề cần thảo luận tại cuộc họp Hội đồng quản lý;
c) Dự các cuộc họp của Hội đồng quản lý, góp ý kiến, biểu quyết về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các cuộc họp của Hội đồng quản lý.
Chương IV
TIÊU CHUẨN, ĐIỀU KIỆN BỔ NHIỆM, MIỄN NHIỆM THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ, CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUẢN LÝ
Điều 14. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý
1. Là công chức hoặc viên chức. Trong trường hợp thành viên Hội đồng quản lý là đại diện của tổ chức có lợi ích liên quan thì không bắt buộc phải là công chức hoặc viên chức.
2. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có uy tín, có đủ sức khỏe để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
3. Không đang trong thời gian khởi tố, truy tố, điều tra xét xử, chấp hành quyết định kỷ luật, không đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 82 Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008; Điều 56 Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010; khoản 17 Điều 1 và khoản 8 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019.
4. Có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên.
5. Đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm lần đầu làm thành viên Hội đồng quản lý phải còn tuổi công tác ít nhất 01 nhiệm kỳ đủ 60 tháng tính từ thời điểm bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định.
6. Không phải là cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, anh, chị, em ruột của bên vợ (chồng) hoặc vợ hoặc chồng hoặc là con đẻ, con nuôi của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, kế toán trưởng của đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 15. Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý
1. Đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 14 Thông tư này.
2. Có năng lực quản lý và đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn như người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và quy định của cấp có thẩm quyền.
Điều 16. Bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý
Chủ tịch Hội đồng quản lý, thành viên Hội đồng quản lý do người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Đề án tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập quyết định bổ nhiệm.
Điều 17. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý
1. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân tự nguyện xin thôi tham gia Hội đồng quản lý;
b) Bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không đủ sức khỏe để đảm nhiệm công việc được giao;
c) Có trên 50% tổng số thành viên của Hội đồng quản lý kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm;
d) Bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật;
đ) Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm công việc được giao; bị kỷ luật khiển trách hai lần trong cùng thời hạn bổ nhiệm hoặc có hai năm liên tiếp bị xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ;
e) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm những điều đảng viên không được làm, vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và đơn vị nơi công tác;
g) Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng, Nhà nước đến mức phải miễn nhiệm;
h) Có các vi phạm khác đã quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý;
i) Nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác hoặc được cấp có thẩm quyền bố trí công tác khác không phù hợp với cơ cấu Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 9 Thông tư này;
2. Miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch hội đồng quản lý
a) Trường hợp miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch hội đồng quản lý chủ trì họp để thảo luận, thống nhất. Trường hợp miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý thì Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có) hoặc Thư ký Hội đồng quản lý chủ trì cuộc họp để thảo luận, thống nhất. Trường hợp miễn nhiệm đồng thời Chủ tịch Hội đồng quản lý, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý (nếu có), Thư ký Hội đồng quản lý thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp báo cáo cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 16 Thông tư này để quyết định việc tổ chức họp thảo luận, thống nhất.
b) Hội đồng quản lý có trách nhiệm rà soát, tổng hợp, báo cáo và gửi hồ sơ trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 16 Thông tư này ra quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định.
c) Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp, Hội đồng quản lý gửi hồ sơ đề nghị miễn nhiệm đến cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp để xem xét, cho ý kiến; cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm báo cáo, trình cấp có thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 16 Thông tư này xem xét miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, miễn nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định.
3. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm:
a) Văn bản đề nghị miễn nhiệm của Hội đồng quản lý, trong đó nêu rõ lý do miễn nhiệm và đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia Hội đồng quản lý trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Văn bản của cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của đơn vị sự nghiệp công lập đề nghị miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý (nếu có);
c) Nghị quyết, Biên bản họp Hội đồng quản lý;
d) Các văn bản, tài liệu khác có liên quan (nếu có).
4. Người có thẩm quyền bổ nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý theo quy định tại Điều 16 Thông tư này xem xét, quyết định miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản lý, Chủ tịch Hội đồng quản lý.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 9 năm 2024.
Điều 19. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, người đứng đầu tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực lao động, người có công và xã hội và các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quy định tại Thông tư này.
2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng quy định tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
3. Trong quá trình thực hiện Thông tư này nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn, giải quyết theo quy định./.