• Hiệu lực: Ngưng hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 24/05/1989
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Số: 112/CT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 5 năm 1989

CHỈ THỊ

CỦA CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 112/CT NGÀY 9-5-1989

VỀ CÔNG TÁC THỂ DỤC THỂ THAO TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC MẮT

Mấy năm nay, nhờ sự cố gắng của các cấp chính quyền, của các đoàn thể và sự hưởng ứng của nhân dân, nên mặc dù có nhiều khó khăn, phong trào thể dục thể thao được duy trì và có một số tiến bộ.

Tuy nhiên, hoạt động thể dục thể thao ở nhiều nơi còn mang tính hình thức, sôi nổi nhất thời; công tác giáo dục thể chất trong các trường học rất yếu và bị coi nhẹ, thành tích các môn thể thao thấp và tiến bộ chậm; trong các hoạt động thể thao còn nhiều biểu hiện tiêu cực; việc tổ chức và quản lý vẫn mang tính chất hành chính, bao cấp, chưa huy động được sự tham gia đông đảo và tích cực của nhân dân.

Mở rộng phong trào thể dục thể thao là một yêu cầu và một nhiệm vụ quan trọng của nhà nước và nhân dân ta nhằm góp phần bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, xây dựng con người mới một cách toàn diện về đức dục, trí dục và thể lực, làm phong phú thêm đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân, thiết thực phục vụ những nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong tình hình mới.

Theo tinh thần đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện tốt các nhiệm vụ và biện pháp sau đây:

1. Nâng cao chất lượng giáo dục thể chất cho học sinh các trường học, duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao trong các lực lượng vũ trang, trong công nhân, viên chức và trong nhân dân.

- Đối với học sinh, sinh viên, trước hết nhà trường phải thực hiện nghiêm túc việc dạy và học môn thể dục theo chương trình quy định, có biện pháp tổ chức, hướng dẫn các hình thức tập luyện và hoạt động thể thao tự nguyện ngoài giờ học.

Bộ Giáo dục, Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề phối hợp với Tổng cục thể thao cùng với các địa phương có kế hoạch nâng cao trình độ và đáp ứng giáo viên thể dục thể thao ở các trường học; cải tiến chương trình giáo dục thể chất, bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên kiến thức và thói quen tự tập luyện; chú trọng đưa vào chương trình những hình thức và phương pháp đơn giản, hấp dẫn vừa dễ thực hiện, vừa gây được hứng thú tập luyện của học sinh, sinh viên; thực hiện tốt chế độ "rèn luyện thân thể theo tiêu chuẩn", tổ chức theo dõi và định kỳ đánh giá tình trạng sức khoẻ, thể lực của học sinh.

Đối với các lực lượng vũ trang, cải tiến nội dung và bảo đảm thời gian rèn luyện thể lực trong chương trình huấn luyện quân sự của chiến sĩ và dân quân tự vệ, mở rộng phong trào "chiến sĩ khoẻ" và duy trì thường xuyên các hoạt động thể dục thể thao trong các đơn vị vũ trang, chú trọng các môn thể thao ứng dụng quân sự và một số môn thể thao kỹ thuật thích hợp.

Phong trào thể dục thể thao trong học sinh, sinh viên và lực lượng vũ trang phải trở thành nòng cốt của phong trào thể dục thể thao chung trong cả nước.

- Đối với công nhân, viên chức và nhân dân, cần hướng dẫn các hình thức tập thể dục hàng ngày và các hoạt động thể thao ngoài giờ làm việc phù hợp với đặc điểm ngành, nghề và điều kiện lao động; tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các câu lạc bộ, nhà văn hoá - thể dục thể thao ở các cơ sở sản xuất, các xí nghiệp, các khu công nghiệp và các địa bàn dân cư.

2. Mở rộng các cơ sở đào tạo vận động viên, tập trung sức nâng cao thành tích một số môn thể thao.

- Củng cố các trường năng khiếu thể thao tập trung hiện có ở các tỉnh, thành phố, nâng cao chất lượng tuyển chọn, giáo dục, huấn luyện, để đào tạo ngày càng nhiều vận động viên trẻ có triển vọng đạt thành tích cao. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần quan tâm chỉ đạo, huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế, xã hội và của nhân dân, tạo thêm các điều kiện về cán bộ, về vật chất, kỹ thuật cho các trường này. Tổng cục Thể dục thể thao cần ban hành quy chế hoạt động của các trường năng khiếu thể thao trong cả nước.

- Tổng cục Thể dục thể thao xác định các môn thể thao trọng điểm của ta trong những năm tới; cùng với các Hội, các Liên đoàn thể thao và một số ngành, địa phương có điều kiện xúc tiến xây dựng các đội tuyển quốc gia, sẵn sàng tham gia một số hoạt động ở khu vực Đông Nam á, châu á và thế giới.

- Củng cố Trung tâm đào tạo vận động viên quốc gia ở Hà Nội và chuẩn bị thành lập thêm một Trung tâm quốc gia ở thành phố Hồ Chí Minh để tập trung huấn luyện, đào tạo vận động viên trẻ xuất sắc của cả nước và chuẩn bị các đội dự tuyển quốc gia. Các Trung tâm này cần kết hợp chặt chẽ với các trường đại học và Viện Khoa học thể dục thể thao, để sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ và các phương tiện khoa học, kỹ thuật hiện có. Trong Cục Thể dục thể thao cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Tài chính xác định các yêu cầu, điều kiện bảo đảm cho các trung tâm nói trên hoạt động tốt.

3. Tổ chức đại hội thể dục thể thao các cấp và đại hội thể dục thể thao toàn quốc lần thứ II vào năm 1990. Cải tiến việc chỉ đạo các hoạt động thi đấu thể thao.

- Đại hội thể dục thể thao ở mỗi cấp phải thực sự là đỉnh cao của phong trào thể dục thể thao, tạo được bước tiến mới về phong trào thể dục thể thao quần chúng, về thành tích thể thao, về xây dựng cơ sở vật chất và cải tiến tổ chức, quản lý thể dục thể thao. Tránh tổ chức đại hội một cách hình thức, gây lãng phí về thời gian và tiền của. Theo tinh thần đó, Tổng cục thể dục thể thao cần có kế hoạch hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể; Uỷ ban nhân dân các cấp bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ của các ngành và đoàn thể liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các đại hội thể dục thể thao đạt kết quả tốt.

- Mở rộng các hình thức thi đấu thể thao ở cơ sở và thi đấu theo khu vực; nâng cao chất lượng các cuộc thi đấu toàn quốc nhằm thúc đẩy quá trình phấn đấu nâng cao thành tích thể thao, cổ vũ phong trào tập luyện của quần chúng và đáp ứng yêu cầu văn hoá của nhân dân. Tổng cục thể dục thể thao cùng với các hội, các liên đoàn thể thao cần có biện pháp tích cực cải tiến việc tổ chức điều hành các cuộc thi đấu; coi trọng công tác tuyên truyền giáo dục đối với vận động viên và người xem; sửa đổi bổ sung các Điều lệ thi đấu; dựa vào luật lệ để xử lý nghiêm khắc đối với những hành vi thiếu văn hoá và những biểu hiện tiêu cực trong thi đấu thể thao.

4. Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý các hoạt động thể dục thể thao.

- Củng cố tổ chức và đổi mới phương thức hoạt động của các cơ quan quản lý Nhà nước và thể dục thể thao ở trung ương và các địa phương theo hướng gọn, nhẹ, có chất lượng, tập trung sức thực hiện các chức năng quản lý Nhà nước đối với công tác thể dục thể thao là xây dựng các quy hoạch, kế hoạch phát triển sự nghiệp thể dục thể thao; nghiên cứu, ban hành các chế độ, chính sách, các luật lệ của Nhà nước về thể dục thể thao và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tổ chức nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; xây dựng và quản lý các cơ sở vật chất và công trình thể dục thể thao chủ yếu.

- Xây dựng và củng cố các tổ chức xã hội về thể dục thể thao, trước hết là các Hội, các Liên đoàn về từng môn thể thao và các Hội thể dục thể thao của một số ngành, qua đó phát huy vai trò chủ động của quần chúng trong việc tổ chức các hoạt động thể dục thể thao. Các tổ chức xã hội về thể dục thể thao hoạt động theo nguyên tắc tự quản, có sự giám sát và giúp đỡ của cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trước pháp luật và tự bảo đảm về tài chính.

Tổng cục thể dục thể thao phải chuyển dần tổ chức các hoạt động thể dục thể thao quần chúng, trước hết là các cuộc thi đấu thể thao cho các Hội, các Liên đoàn thể thao đảm nhiệm. Cần bắt đầu tiến hành việc này ngay từ năm 1989.

- Sắp xếp lại mạng lưới các trường đào tạo cán bộ thể dục thể thao; mở rộng các hình thức liên kết trong công tác đào tạo bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học, kỹ thuật về thể dục thể thao; kết hợp đào tạo vận động viên với đào tạo huấn luyện viên, giáo viên thể dục thể thao. Chú trọng đào tạo cán bộ tại chỗ cho các địa phương miền núi.

- Tổng cục thể dục thể thao cùng với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu để xác định tỷ lệ đầu tư hợp lý của Nhà nước cho lĩnh vực thể dục thể thao trong những năm trước mắt; bổ sung các chính sách chế độ đối với vận động viên, huấn luyện viên và giáo viên thể dục thể thao; nghiên cứu xây dựng chế độ vận động viên chuyên nghiệp, cải tiến hệ thống phong đẳng cấp và các danh hiệu vinh dự của Nhà nước đối với những người tham gia hoạt động thể dục thể thao. Các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế cần tạo điều kiện để tăng thêm cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao. Những xã, phường có điều kiện cần xây dựng các cơ sở tập luyện gắn với trường học. Trong quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các xí nghiệp, trường học, cần có các cơ sở tập luyện và công trình thể dục thể thao tương ứng.

- Khuyến khích các tổ chức thể dục thể thao tiến hành các hoạt động kinh tế, tạo thêm nguồn tài chính để tự bảo đảm và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao. Trước hết cần đẩy mạnh sản xuất dụng cụ thể dục thể thao; mở rộng các hoạt động dịch vụ phù hợp với yêu cầu và đặc điểm chuyên ngành, các hình thức hoạt động thể dục thể thao theo phương thức tự trang trải chi phí.

5. Mở rộng hợp tác quốc tế về thể dục thể thao, trước hết là với các nước xã hội chủ nghĩa; tranh thủ sự giúp đỡ về đào tạo, bồi dưỡng huấn luyện viên, vận động viên và trao đổi kinh nghiệm về tổ chức quản lý; khai thác các khả năng về hợp tác sản xuất, kinh doanh các dụng cụ thể dục thể thao. Tranh thủ các nguồn đầu tư, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế để phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.

Các đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ trưởng các Bộ và Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Chỉ thị này.

 

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Khánh

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.