• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/03/2011
BỘ Y TẾ
Số: 08/2011/TT-BYT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 26 tháng 1 năm 2011

THÔNG TƯ

Hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện
_________________________

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế.

Bộ Y tế hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong các bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh (sau đây gọi chung là bệnh viện) như sau:

Chương I

CÔNG TÁC CHUYÊN MÔN VỀ DINH DƯỠNG, TIẾT CHẾ

Điều 1. Khám, tư vấn về dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú

1. Tổ chức khám, đánh giá tình trạng dinh dưỡng và tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh ngoại trú.

2. Ghi chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh cần điều trị bằng chế độ ăn vào y bạ hoặc đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Điều 2. Theo dõi, đánh giá tình trạng dinh dưỡng của người bệnh nội trú trong quá trình điều trị

1. Người bệnh vào viện phải được đo chiều cao, cân nặng và ghi vào hồ sơ bệnh án. Các chuyên khoa căn cứ vào nhu cầu chuyên môn có thể quy định thêm các chỉ số khác để đánh giá tình trạng dinh dưỡng.

2. Tổ chức hội chẩn giữa cán bộ khoa Dinh dưỡng, tiết chế với bác sĩ điều trị về chế độ ăn đối với những trường hợp bệnh đặc biệt có liên quan đến dinh dưỡng.

Điều 3. Điều trị bằng chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh nội trú

1. Bác sĩ điều trị đánh giá và ghi nhận xét tình trạng dinh dưỡng của người bệnh lúc nhập viện và trong quá trình điều trị.

2. Bác sĩ chỉ định chế độ ăn hằng ngày phù hợp với bệnh của người bệnh và ghi mã số chế độ ăn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế vào phiếu điều trị trong hồ sơ bệnh án.

3. Lập kế hoạch can thiệp dinh dưỡng cho người bệnh suy dinh dưỡng hoặc người bệnh cần hỗ trợ dinh dưỡng.

4. Xây dựng thực đơn và chế độ ăn phù hợp với bệnh lý của người bệnh và áp dụng chế độ ăn bệnh lý theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 4. Tổ chức phục vụ dinh dưỡng, tiết chế

1. Người bệnh được bác sĩ chỉ định chế độ ăn bệnh lý được cung cấp suất ăn tại buồng bệnh.

2. Cung cấp chế độ ăn cho người bệnh tại bệnh viện.

3. Bảo quản, chế biến, vận chuyển suất ăn bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều 5. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm trong bệnh viện

1. Thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh phục vụ ăn, uống trong bệnh viện.

2. Kiểm tra việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại cơ sở kinh doanh phục vụ ăn, uống trong bệnh viện.

Điều 6. Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế

1. Xây dựng các tài liệu truyền thông về dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm và phổ biến cho người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế trong bệnh viện.

2. Tổ chức giáo dục sức khỏe và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà người bệnh thực hiện chế độ ăn bệnh lý và an toàn thực phẩm.

Điều 7. Đào tạo, chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học

1. Tổ chức đào tạo cho bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên bệnh viện về dinh dưỡng, tiết chế.

2. Thực hiện nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào công tác dinh dưỡng, tiết chế.

3. Tham gia đào tạo học sinh, sinh viên về dinh dưỡng, tiết chế và chỉ đạo tuyến khi được phân công.

Chương II

CÁC ĐIỀU KIỆN BẢO ĐẢM CÔNG TÁC DINH DƯỠNG, TIẾT CHẾ TRONG BỆNH VIỆN

Điều 8. Tổ chức dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện

1. Bệnh viện công lập từ hạng III trở lên thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế; bệnh viện hạng đặc biệt thành lập khoa Dinh dưỡng, tiết chế hoặc Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng; các bệnh viện khác thành lập khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế tùy theo điều kiện của từng bệnh viện.

2. Khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế thuộc khối các khoa lâm sàng do Giám đốc hoặc Phó giám đốc chuyên môn phụ trách.

3. Tổ chức của khoa hoặc tổ Dinh dưỡng, tiết chế:

a) Lãnh đạo khoa hoặc tổ gồm trưởng khoa (tổ trưởng), các phó trưởng

khoa (phó tổ trưởng).

b) Điều dưỡng trưởng khoa.

c) Các bộ phận chuyên môn:

- Bộ phận dinh dưỡng điều trị.

- Bộ phận chế biến và cung cấp suất ăn: do bệnh viện thực hiện hoặc bệnh viện hợp đồng với cá nhân, đơn vị đáp ứng đủ điều kiện để chế biến và cung cấp chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh. Bộ phận này chịu sự giám sát về chuyên môn và an toàn thực phẩm của khoa Dinh dưỡng, tiết chế.

- Bộ phận hành chính.

4. Bệnh viện có mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế: mỗi khoa lâm sàng cử một bác sĩ hoặc điều dưỡng viên tham gia mạng lưới dinh dưỡng, tiết chế.

Điều 9. Nhân lực làm công tác dinh dưỡng, tiết chế

1. Lãnh đạo:

a) Đối với khoa: trưởng khoa là bác sĩ hoặc cử nhân dinh dưỡng, tiết chế hoặc cán bộ đại học được đào tạo về dinh dưỡng, tiết chế.

b) Đối với tổ: tổ trưởng có thể là bác sĩ hoặc cử nhân dinh dưỡng, tiết chế hoặc cán bộ đại học được đào tạo về dinh dưỡng, tiết chế.

2. Nhân lực chuyên môn: căn cứ vào qui mô bệnh viện, thành phần gồm: bác sĩ, điều dưỡng viên, kỹ thuật viên dinh dưỡng, tiết chế, cử nhân dinh dưỡng, tiết chế và cán bộ được đào tạo từ các chuyên ngành thực phẩm và chế biến thực phẩm.

3. Viên chức và người phục vụ trong khoa Dinh dưỡng, tiết chế phải bảo đảm có đủ sức khỏe theo quy định hiện hành và được khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và được cung cấp đầy đủ trang phục theo quy định.

Điều 10. Nhiệm vụ của khoa Dinh dưỡng, tiết chế và các chức danh khác

1. Nhiệm vụ khoa Dinh dưỡng, tiết chế

a) Tổ chức thực hiện chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh trong bệnh viện theo các quy định hiện hành và hỗ trợ dinh dưỡng (đường ruột, đường tĩnh mạch) cho người bệnh tại các khoa lâm sàng trong bệnh viện.

b) Khám, tư vấn và điều trị bằng chế độ dinh dưỡng cho người bệnh.

c) Giáo dục truyền thông về dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho người bệnh và các đối tượng khác trong bệnh viện.

d) Kiểm tra chất lượng dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm đối với đơn vị chế biến và cung cấp suất ăn, dịch vụ ăn, uống trong bệnh viện.

đ) Thực hiện công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm.

e) Nghiên cứu khoa học, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm trong điều trị, phòng bệnh và nâng cao sức khỏe.

2. Nhiệm vụ của các chức danh khác

Do giám đốc bệnh viện quyết định theo hướng dẫn tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này (từ Phụ lục 1 đến Phụ lục 6).

Điều 11. Cơ sở vật chất

1. Khoa Dinh dưỡng, tiết chế (hoặc tổ) tùy điều kiện cụ thể tối thiểu phải tổ chức những khu vực làm việc sau:

a) Phòng hành chính.

b) Khu vực bếp chế biến, bảo quản thực phẩm, pha chế sữa, chuẩn bị các suất ăn và lưu mẫu thức ăn.

c) Khu vực phục vụ ăn uống cho người bệnh, viên chức y tế bệnh viện và các đối tượng khác.

d) Căn cứ nhu cầu thực tiễn bệnh viện có thể bố trí giường bệnh điều trị phục hồi dinh dưỡng; phòng tư vấn, truyền thông về dinh dưỡng.

2. Khoa Dinh dưỡng, tiết chế (hoặc tổ) có hệ thống cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, nhà vệ sinh, phương tiện phòng chống cháy nổ.

3. Bộ phận chế biến thức ăn được thiết kế một chiều. Nơi chế biến và cung cấp suất ăn trong bệnh viện phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.

4. Các khoa lâm sàng phải có nơi tiếp nhận và phát suất ăn cho người bệnh. Các bệnh viện Sản, bệnh viện Nhi hoặc bệnh viện Sản - Nhi, khoa Sơ sinh phải có nơi pha chế sữa đúng thực đơn do bác sĩ chỉ định.

Điều 12. Thiết bị, dụng cụ

Khoa (hoặc tổ) Dinh dưỡng, tiết chế có các trang thiết bị, dụng cụ sau đây:

1. Dụng cụ phục vụ công tác khám, tư vấn dinh dưỡng: cân, thước đo chiều cao và các dụng cụ khác đáp ứng yêu cầu chuyên môn của từng bệnh viện.

2. Dụng cụ chuyên dụng: bếp nấu, dụng cụ bảo quản và chế biến thực phẩm, dụng cụ bảo quản thức ăn, dụng cụ lưu mẫu thức ăn, hệ thống rửa và bảo quản dụng cụ.

3. Phương tiện vận chuyển suất ăn tới người bệnh.

4. Bộ dụng cụ xét nghiệm nhanh an toàn thực phẩm .

5. Phương tiện văn phòng: máy vi tính, máy in, tủ, bàn ghế.

6. Dụng cụ khác theo yêu cầu chuyên môn.

Chương III

TRÁCH NHIỆM THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Giám đốc bệnh viện

1. Ban hành quy định cụ thể về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện.

2. Đầu tư kinh phí cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí thường xuyên hằng năm cho công tác dinh dưỡng, tiết chế.

3. Bảo đảm đủ nhân lực, phương tiện, thiết bị, hoá chất, vật tư cho việc thực hành công tác dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm trong bệnh viện.

4. Tổ chức kiểm tra việc thực hiện Thông tư hướng dẫn về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện.

5. Phát động phong trào thi đua và thực hiện khen thưởng, kỷ luật về công tác dinh dưỡng, tiết chế trong bệnh viện.

Điều 14. Trách nhiệm của Trưởng các phòng chức năng

1. Phối hợp với khoa (hoặc tổ) Dinh dưỡng, tiết chế trong việc tổ chức thực hiện các quy định về dinh dưỡng, tiết chế liên quan tới lĩnh vực từng phòng phụ trách.

2. Phối hợp với khoa (hoặc tổ) Dinh dưỡng, tiết chế xây dựng các quy định cụ thể về dinh dưỡng, tiết chế trình Giám đốc phê duyệt và giám sát việc thực hiện các quy định này.

3. Phòng Tài chính, kế toán phối hợp với khoa (hoặc tổ) Dinh dưỡng, tiết chế bảo đảm công khai kinh phí thu, chi đối với chế độ ăn cho người bệnh.

Điều 15. Trách nhiệm của Trưởng các khoa lâm sàng

1. Tổ chức thực hiện các quy định về công tác dinh dưỡng, tiết chế, an toàn thực phẩm.

2. Kiểm tra đôn đốc các bác sĩ điều trị, điều dưỡng viên, hộ sinh viên thực hiện các quy định về chăm sóc dinh dưỡng cho người bệnh.

3. Tổ chức hướng dẫn người bệnh, người nhà người bệnh, khách đến thăm thực hiện các quy định dinh dưỡng, tiết chế liên quan đến người bệnh, người nhà người bệnh và khách.

4. Phát hiện và thông báo kịp thời các trường hợp nhiễm khuẩn liên quan đến ăn uống, thực phẩm không bảo đảm an toàn cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế và lãnh đạo bệnh viện để có biện pháp giải quyết kịp thời.

5. Phối hợp với khoa Dinh dưỡng, tiết chế tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe về dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh, người nhà người bệnh; kiểm tra, đánh giá công tác dinh dưỡng, tiết chế trong điều trị.

Điều 16. Trách nhiệm của bác sĩ điều trị

1. Theo dõi, kiểm tra việc nuôi dưỡng người bệnh và chế độ an toàn thực phẩm liên quan tới người bệnh.

2. Cung cấp đầy đủ những thông tin cần thiết của người bệnh cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế để áp dụng chế độ nuôi dưỡng thích hợp.

3. Chủ động mời cán bộ khoa Dinh dưỡng, tiết chế tham gia hội chẩn các trường hợp bệnh liên quan đến dinh dưỡng hoặc các trường hợp cần hỗ trợ dinh dưỡng.

Điều 17. Trách nhiệm của Điều dưỡng trưởng các khoa lâm sàng

1. Kiểm tra việc tổng hợp chế độ ăn bệnh lý hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ điều trị và báo cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế chuẩn bị chế độ ăn bệnh lý cho người bệnh của khoa.

2. Tổ chức tiếp nhận suất ăn và hỗ trợ ăn uống cho người bệnh tại khoa.

3. Kiểm tra việc thực hiện chế độ ăn bệnh lý của viên chức y tế và người bệnh trong khoa.

Điều 18. Trách nhiệm của Trưởng khoa Vi sinh

1. Thông báo kịp thời cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và các khoa lâm sàng về kết quả xét nghiệm vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm.

2. Phối hợp với khoa Dinh dưỡng, tiết chế và các khoa lâm sàng thực hiện kiểm tra an toàn thực phẩm trong bệnh viện.

Điều 19. Trách nhiệm của Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn

1. Phát hiện và thông báo các trường hợp nhiễm khuẩn liên quan đến ăn uống cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế.

2. Phối hợp với khoa Dinh dưỡng, tiết chế trong công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm.

Điều 20. Trách nhiệm của Trưởng khoa Dược

1. Cung cấp thông tin về các sản phẩm dinh dưỡng điều trị, các loại dung dịch dùng nuôi ăn tĩnh mạch, thuốc hỗ trợ tiêu hóa (đạm, béo, đường, khoáng, vitamin) liên quan đến dinh dưỡng, tiết chế cho khoa Dinh dưỡng, tiết chế.

2. Phối hợp cùng khoa Dinh dưỡng, tiết chế đề xuất mua sắm, cung cấp và sử dụng các hoá chất đáp ứng công tác dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm.

Điều 21. Trách nhiệm của viên chức trong bệnh viện

1. Tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về dinh dưỡng, tiết chế.

2. Thực hiện đúng các quy định về dinh dưỡng, tiết chế và an toàn thực phẩm.

Điều 22. Trách nhiệm của người bệnh, người nhà người bệnh và khách đến thăm

1. Tuân thủ thực hiện chỉ định của bác sĩ điều trị về chế độ ăn bệnh lý.

2. Thực hiện các quy định về dinh dưỡng, tiết chế cho người bệnh theo hướng dẫn của bệnh viện.

3. Phối hợp với nhân viên y tế hỗ trợ người bệnh ăn uống.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2011.

Bãi bỏ Quy chế công tác khoa Dinh dưỡng và Quy chế chức năng, nhiệm vụ của Trưởng khoa Dinh dưỡng trong Quy chế bệnh viện được ban hành kèm theo Quyết định số 1895/1997/BYT-QĐ ngày 19/9/1997 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Giám đốc bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng Y tế các ngành chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra đánh giá việc thực hiện Thông tư này./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Xuyên

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.