• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/05/1948
BỘ LAO ĐỘNG
Số: 20/NĐ
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 1948

NGHỊ ĐỊNH CỦA BỘ LAO ĐỘNG

Ấn định nhiệm vụ và quyền hạn của các Sở và Ty Lao động

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG

Chiểu Sắc lệnh số 226/SL ngày 28/11/1946, tổ chức Bộ Lao động trong Chính phủ hiện thời;

Chiểu Sắc lệnh số 29/SL ngày 12/3/1947 quy định chế độ công nhân trong toàn cõi Việt Nam;

Chiểu Sắc lệnh số 169/SL ngày 14/4/1948 tổ chức lại các cơ quan lao động;

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. - Sở Lao động liên khu có nhiệm vụ:

Trong phạm vi liên khu

- Kiểm soát việc thi hành luật lệ lao động và nhân công,

- Đề nghị những sự cải cách về luật lệ lao động,

- Giải quyết và dàn xếp những sự xích mích giữa chủ và công nhân,

- Điều khiển và kiểm soát các cơ quan lao động cùng các nhân viên phụ thuộc,

- Sưu tầm tài liệu thuộc về tình hình lao động (công ăn việc làm, sinh hoạt của công nhân, tranh đấu, đòi hỏi, chiến đấu, sản xuất, v.v...)

- Tổ chức công ăn việc làm cho những gia đình chiến sĩ công nhân và những công nhân chuyên môn ra khỏi vùng địch,

- Huy động nhân công cho các ngành sản xuất,

- Sưu tầm tài liệu, nghiên cứu giá sinh hoạt để đưa ra Hội đồng định lương tối thiểu và giá công nhân tối đa,

- Giúp Uỷ ban kháng chiến liên khu về phương diện chuyên môn, ra những quyết nghị về mọi vấn đề lao động mà không trái với chỉ thị của Bộ và thi hành những quyết nghị ấy.

- Thi hành kế hoạch và chỉ thị của Bộ trong vùng địch kiểm soát.

Điều 2. - Ty Lao động có nhiệm vụ

Trong phạm vi tỉnh

- Kiểm soát việc thi hành các luật lệ lao động,

- Dàn xếp những sự xích mích xảy ra giữa chủ và công nhân,

- Huy động nhân công cho các ngành sản xuất,

- Tổ chức thi đua, khuyến khích, khen thưởng, động viên thợ thuyền tích cực sản xuất,

- Thi hành chỉ thị của cấp trên đối với công nhân trong vùng địch tạm kiểm soát.

Tại nơi nào không có Ty Lao động thì một uỷ viên trong Uỷ ban kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách công việc lao động và làm các công việc của một Ty lao động tỉnh.

Uỷ viên phụ trách lao động sẽ do nghị định của Bộ trưởng Bộ Lao động bổ nhiệm theo đề nghị của Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Điều 3. - Những sự điều khiển, liên lạc giữa các sở, ty lao động với các cấp hành chính kháng chiến tương đương, trong lúc bình thời, hay trong lúc chiến sự lan đến phải mất liên lạc với cấp trên đều theo thể thức chung đã ấn định cho các Ủy ban kháng chiến hành chính và các Sở chuyên môn.

Điều 4. - Trước khi nhận việc, các Giám đốc, trưởng ty hay uỷ viên hành chính kháng chiến phụ trách lao động, được uỷ quyền của Bộ để kiểm soát việc thi hành luật lệ lao động, đều phải tuyên thệ không được tiết lộ những bí mật chế tạo và những phương pháp tổ chức chuyên nghiệp mà họ được biết trong khi thừa hành chức vụ.

Giám đốc Sở Lao động sẽ tuyên thệ với Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính liên khu, còn các trưởng ty và uỷ viên hành chính kháng chiến phụ trách lao động thì tuyên thệ với Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh.

Điều 5. - Các khoản chi về các sở, ty và uỷ viên hành chính kháng chiến phụ trách lao động sẽ tính vào ngân sách của Bộ Lao động.

Điều 6. - Các ông Chánh Văn phòng Bộ Lao động, Giám đốc, Trưởng ty và uỷ viên hành chính kháng chiến phụ trách lao động, chịu uỷ nhiệm thi hành nghị định này./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Tạo

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.