• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 01/12/1997
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 79 TC/TCT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 1 tháng 10 năm 1994

THÔNG TƯ

Hướng dẫn chế độ chứng từ đối với hàng hoá

lưu thông trên thị trường

___________________

 

Căn cứ  các Luật thuế, Pháp luật thuế hiện hành;

Căn cứ Quyết định số 60 TTg ngày 8/2/1994 của Thủ tướng Chính phủ về một số chủ trương và biện pháp điều hành phát triển kinh tế xã hội năm 1994;

Để quản lý hàng hoá lưu thông trên thị trường, thúc đẩy thực hiện chế độ  lập hoá đơn chứng từ khi mua bán hàng hoá và cung ứng dịch vụ thu tiền.

Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường như sau :

I/ NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1/ Hàng hoá sản xuất trong nước, hàng hoá nhập khẩu của các tổ chức và cá nhân lưu thông trên thị trường đều phải có chứng từ hợp lệ kèm theo chứng minh nguồn gốc lô hàng là hợp pháp.

2/ Các loại hoá đơn, hoá đơn kiêm phiếu xuất kho, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, biên lai thu thuế, biên lai thu tiền nêu trong Thông tư này phải là bản chính, do Bộ Tài chính  thống nhất phát hành.

II/ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

A. ĐỐI VỚI HÀNG CÔNG NGHIỆP

Tổ chức và cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng công nghiệp sản xuất trong nước phải có các chứng từ sau :

1/ Hàng hoá xuất bán cho bên mua hoặc bên mua hàng hoá về để bán, mua nguyên vật liệu về để sản xuất nhất thiết phải có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho của bên bán.

2/ Nếu mang hàng hoá, nguyên vật liệu đi bán, ở nơi khác (ngoài tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương) mà chưa rõ địa chỉ người mua phải có lệnh xuất kho, phiếu xuất kho của đơn vị kèm theo. Đến nơi bán hàng phải trình báo với cơ quan thuế sở tại (nơi bán), khi bán hàng phải xuất hoá đơn giao cho người mua và kê khai nộp thuế doanh thu tại nơi bán.

3/ Nếu vận chuyển hàng hoá từ cơ sở chính đến các chi nhánh, cửa hàng, cửa hiệu ngoài phạm vi quận, huyện phải có lệnh điều động kèm theo phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ của đơn vị.

4/ Nếu mang hàng hoá, nguyên vật liệu để trao đổi với cơ sở khác phải có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho kèm theo.

5/ Nếu xuất hàng hoá để ký gửi bán hoặc giao cho các đại lý phải có lệnh xuất kho kèm theo phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ của đơn vị. Riêng đối với cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt phải có hoá đơn kiêm phiếu xuất kho.

6/ Nếu vận chuyển hàng từ kho này đến kho khác, từ chi nhánh này đến chi nhánh khác phải có lệnh điều động nội bộ, phiếi xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.

7/ Riêng các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh kinh doanh cố định khi mua hàng để bán, mua nguyên vật liệu về sản xuất phải có sổ mua hàng theo mẫu kèm theo, có xác nhận của cơ quan thuế trực tiếp quản lý cơ sở, hoá đơn của người bán giao cho. Hàng hoá vận chuyển ghi trên hoá đơn và ghi sổ phải khớp nhau và khớp với hàng hoá thực tế vận chuyển.

8/ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến khi mua hàng và  vận chuyển hàng phải có hoá đơn bán hàng của người bán và biên lai nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức thu trên khâu lưu thông trước khi vận chuyển hàng đi.

B. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NÔNG SẢN, LÂM SẢN, HẢI SẢN

Hàng hoá nông sản, hải sản, lâm sản quy định trong mục này là những sản phẩm nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp do người nông dân, ngư dân, diêm dân trực tiếp sản xuất, khai thác chưa qua chế biến hoặc chỉ sơ chế như phơi, sấy, phân loại để bảo quản . . .

Sản phẩm nông nghiệp, hải sản, lâm nghiệp đã qua chế biến công nghiệp khi lưu thông trên thị trường áp dụng chứng từ như đối với hàng công nghiệp quy định tại điểm A Thông tư này.

1/ Các đơn vị kinh tế quốc doanh đi mua nông sản, hải sản, lâm sản về để bán, sản xuất phải có các chứng từ kèm theo, cụ thể như sau :

- Nếu mua của các xí nghiệp quốc doanh, các đơn vị kinh tế tập thể, các công ty, doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể . . . phải có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho của bên bán.

- Nếu mua trực tiếp của nông dân, ngư dân (người sản xuất ra sản phẩm) thì phải lập bảng kê (theo mẫu số 1 kèm theo), ghi rõ ngày mua hàng, họ tên, địa chỉ người bán hàng, số lượng, giá trị từng loại hàng . . . Khi vận chuyển ra khỏi nơi thu mua (huyện) phải đến cơ quan thuế xác nhận hàng hoá vận chuyển vào bảng kê.

- Nếu có đặt trạm thu mua, thì trạm thu mua khi mua gom của nông dân, ngư dân (người trực tiếp sản xuất) cũng phải lập bảng kê như nêu trên. Khi vận chuyển hàng hoá ra khỏi địa phương thu mua, phải có lệnh xuất kho của đơn vị và phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ của trạm thu mua kèm theo.

- Nếu ký hợp đồng mua hàng với tổ chức và cá nhân kinh doanh, thì phải có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho của cơ sở giao cho.

2/ Các cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh đi mua nông sản, lâm sản, hải sản về bán hoặc để chế biến, khi vận chuyển phải có các chứng từ như quy định đối với XNQD nêu trên (điểm 1) ngoài ra còn phải có sổ mua hàng đã xác nhận của cơ quan thuế, ghi rõ mặt hàng, số lượng, trị giá mua, nơi đi, nơi đến . . .

3/ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến đi mua hàng nông sản, hải sản, lâm sản khi vận chuyển phải có hoá đơn, chứng từ như quy định đối với  XNQD nêu trên (điểm 1) và biên lai nộp thuế doanh thu, lợi  tức khâu lưu thông.

III/ ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

A. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU TIỂU NGẠCH

Tại điểm 2, mục II Chỉ thị số 94 CT ngày 25/3/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về tổ chức và quản lý thị trường vùng biên giới Việt Trung trong tình hình mới quy định :

" Trong  trao đổi, mua bán hàng hoá của cư dân hai bên biên giới thì hình thức chủ yếu là trao đổi hàng hoá qua biên giới với quy mô nhỏ, tính chất, mức độ đơn giản được gọi là xuất nhập khẩu tiểu ngạch và cũng phải đặt dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước về quy chế xuất nhập khẩu.

Tham gia xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới chỉ là những người kinh doanh nhỏ có vốn thấp hơn vốn pháp định quy định trong Nghị định số 211 HĐBT ngày 23/7/1991 của Hội đồng Bộ trưởng và những người này phải là cư dân thường trú tại khu vực biên giới".

Điều 1 quyết định số 115 HĐBT ngày 9/4/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiểu ngạch biên giới quy định :

" 1- Hàng hoá được phép xuất nhập khẩu tiểu ngạch biên giới theo đúng quy định khi xuất nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới đều là đối tượng chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu tiểu ngạch theo quy định tại Quyết định này.

2- Tất cả các đối tượng có hàng hoá xuất, nhập khẩu tiểu ngạch như tại điểm 1 Điều này đều là đối tượng nộp thuế theo quy định tại Quyết định này".

Theo các quy định trên đây thì chỉ có cư dân khu vực biên giới mới được phép nhập khẩu tiểu ngạch và khi nhập khẩu tiểu ngạch phải kê khai nộp thuế nhập khẩu tiểu ngạch với cơ quan Hải quan cửa khẩu.

Theo Điều 1, Điều 10 Luật thuế doanh thu; Điều 1, Điều 13 Luật thuế lợi tức, người kinh doanh xuất nhập khẩu tiểu ngạch thuộc đối tượng nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức, phải đăng ký nộp thuế, chấp hành chế độ kế toán, chế độ lập hoá đơn, chứng từ khi mua bán hàng hoá.

Căn cứ các quy định trên, Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ chứng từ đối với hàng hoá nhập khẩu tiểu ngạch biên giới như sau :

1/ Đối với hàng nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới cho người được phép trực tiếp nhập khẩu tiểu ngạch vận chuyển vào nội địa phải có các chứng từ sau :

- Tờ khai hàng hoá nhập khẩu tiểu ngạch biên giới.

- Biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch biên giới.

2/ Khi người nhập khẩu tiểu ngạch bán hàng nhập khẩu tiểu ngạch phải xuất hoá đơn bán hàng giao cho người mua.

Đối với một số mặt hàng Hải quan quy định cấp biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch cho từng chiếc riêng lẻ thì phải giao kèm theo cả biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch biên giới (liên 3 giao cho người mua).

3/ Đối với tổ chức và cá nhân kinh doanh mua lại hàng nhập khẩu tiểu ngạch :

a. Tổ chức và cá  nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định tại các huyện biên giới mua lại hàng nhập khẩu để bán thì phải có hoá đơn bán hàng của người bán giao cho. Khi bán hàng phải xuất hoá đơn giao cho người mua. Nếu người kinh doanh cố định ở các huyện biên giới đồng thời là người trực tiếp nhập khẩu thì khi bầy bán phải có chứng từ kèm theo như quy định tại điểm 1 Mục A, phần III nêu trên.

b. Tổ chức và cá nhân trong nội địa đến các huyện  biên giới mua hàng hoá nhập khẩu tiểu ngạch, khi vận chuyển ra khỏi huyện biên giới phải có :

- Hoá đơn bán hàng của người bán.

- Biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch biên giới (liên 3 giao cho người mua) nếu là mặt hàng Hải quan đã có quy định cấp biên lai thu thuế nhập khẩu tiểu ngạch cho từng chiếc riêng lẻ.

- Bảng kê mua hàng nhập khẩu tiểu ngạch biên giới (theo mẫu số 2 đính kèm) có xác nhận của Chi cục thuế huyện biên giới nơi mua hàng. Ngoài ra, đối với từng đối tượng cụ thể còn phải có thêm các chứng từ sau :

+ Đối với cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh còn phải có sổ mua hàng. Hàng hoá mua phải ghi vào sổ mua hàng, khớp với bảng kể.

+ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến còn phải có biên lai nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức khâu lưu thông nộp tại nơi hàng đi.

+ Cơ sở kinh tế quốc doanh không phải có sổ mua hàng, không phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức khi vận chuyển hàng đi. Nhưng để phân biệt, cơ sở kinh tế quốc doanh phải có tờ khai đăng ký nộp thuế bản chính hoặc bản phô tô, có công chứng.

B. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU KHÁC

1/ Hàng hoá nhập khẩu chính ngạch

Các tổ chức được cơ quan Nhà nước có thẩm quyển cho phép nhập khẩu, khi vận chuyển hàng từ cửa khẩu vào nội địa phải kèm theo tờ khai hàng nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan kiểm hoá và xác nhận.

Nếu nhập khẩu lô hàng lớn phải vận chuyển nhiều lần thì đề nghị cơ quan Hải quan chứng nhận vào tờ khai hàng nhập khẩu cho từng lần vận chuyển.

2/ Hàng nhập khẩu là quà biếu, quà tặng khi vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa phải kèm theo tờ khai hàng nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan kiểm tra và xác nhận; nếu trị giá lô hàng vượt quá định mức miễn thuế thì phải có biên lai nộp thuế nhập khẩu (hoặc quyết định miễn thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính), biên lại thu thuế thu nhập (nếu người nhận quà biếu, quà tặng là cá nhân) kèm theo.

3/ Cán bộ công nhân viên đi công tác, lao động và học tập ở nước ngoài mang hàng hoá về trong diện được miễn thuế phải có tờ khai hàng nhập khẩu đã được cơ quan Hải quan kiểm hoá và xác nhận.

Nếu trị giá lô hàng vượt quá tiêu chuẩn được miễn thuế thì phải có biên lai nộp thuế kèm theo.

C. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU LƯU THÔNG

 TRÊN THỊ TRƯỜNG

1/ Tổ chức  và cá nhân kinh doanh hàng nhập khẩu khi bán hàng phải xuất hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho giao cho người mua, để người mua dùng làm chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của lô hàng nhập khẩu với các cơ quan kiểm tra, kiểm soát.

2/ Tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng nhập khẩu khi mua và vận chuyển hàng nhập khẩu về để bán, hoặc điều động hàng cho các chi nhánh, cửa hàng, chuyển kho . . . đều phải thực hiện chế độ chứng từ như áp dụng đối với hàng công nghiệp sản xuất trong nước quy định tại điểm A mục II nêu trong Thông tư này.

IV. XỬ LÝ VI PHẠM

Tổ chức và cá nhân kinh doanh hàng nhập khẩu chấp hành tốt chế dộ chứng từ theo các quy định tại Thông tư này được tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kinh doanh và vận chuyển hàng hoá. Các lực lượng kiểm tra không được gây phiền hà, ảnh hưởng đến việc lưu thông hàng hoá của doanh nghiệp.

Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý như sau :

A. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ SẢN XUẤT TRONG NƯỚC

1/ Các trường hợp vận chuyển hàng hoá không có hoá đơn bán hàng hoặc hoá đơn kiêm phiếu xuất kho hoặc hoá đơn kiêm vận chuyển nội bộ thì đều phải nộp thuế doanh thu thuế lợi tức theo chế độ đối với cơ sở kinh doanh buôn chuyến. Ngoài ra còn bị xử phạt theo điểm 1a Điều 19 Luật thuế doanh thu. Nếu là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thì bị truy thu thuế tiêu thụ đặc biệt, ngoài ra còn bị xử phạt theo điểm 1a, 1b Điều 20 Luật thuế tiêu thụ đặc biệt.

2/ Các trường hợp thu mua hàng nông sản, lâm sản, hải sản trực tiếp của nông dân, ngư dân nếu không có bảng kê thu mua hàng lâm sản, hải sản cũng phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức theo chế độ đối với cơ sở kinh doanh buôn chuyến.

  3/ Cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh không có sổ mua hàng phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức theo chế độ đối với cơ sở kinh doanh buôn chuyến , ngoài ra còn bị xử phạt từ 1 đến 3 lần số thuế phải nộp.

4/ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến nếu không có biên lai nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức khâu lưu thông thì phải nộp thuế doanh thu thuế lợi tức theo chế độ đối với cơ sở kinh doanh buôn chuyến ngoài ra còn bị phạt từ 1 đến 3 lần số thuế phải nộp.

Nếu đã xử lý theo các quy định trên, tổ chức và cá nhân kinh doanh vẫn tái phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

B. ĐỐI VỚI HÀNG HOÁ NHẬP KHẨU

1/ Tổ chức và cá nhân nhập khẩu hàng hoá, vận chuyển từ cửa khẩu vào nội địa nếu không đủ chứng từ như quy định đều coi là hàng nhập lậu và xử lý tịch thu. Hoặc xử lý truy thu 1 lần thuế nhập khẩu và tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị phạt từ 2 đến 5 lần thuế nhập khẩu (khoản 3 Điều 17 Nghị định số 54/CP ngày 22/8/1993).

2/ Tổ chức và cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng nhập khẩu trong nội địa nếu không có hoá đơn bán hàng (nếu là hàng đi mua) hoặc hoá đơn xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (nếu là hàng điều động nội bộ) cũng bị coi là hàng nhập lậu và xử lý tịch thu. Hoặc xử lý truy thu 1 lần thuế nhập khẩu và tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị phạt từ 2 đến 5 lần thuế nhập khẩu.

3/ Tổ chức và cá nhân kinh doanh vận chuyển hàng nhập khẩu tiểu ngạch từ các huyện biên giới vào nội địa chỉ thiếu bảng kê mua hàng thì bị xử phạt về thủ tục hành chính theo Điều 1 Nghị định số 01 CP ngày 18/10/1992 của Hội đồng Bộ trưởng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

4/ Cơ sở kinh tế quốc doanh nếu thiếu đăng ký nộp thuế, cơ sở kinh tế ngoài quốc doanh kinh doanh cố định nếu thiếu sổ mua hàng thì ngoài việc phải nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức áp dụng đối với cơ sở kinh doanh buôn chuyến còn bị phạt vi phạm từ 1 đến 3 lần thuế.

5/ Cơ sở kinh doanh buôn chuyến nếu không có biên lai nộp thuế doanh thu, thuế lợi tức khâu lưu thông  xẽ bi truy thu thuế và phạt từ 1 đến 3 lần thuế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1/ Cơ quan thuế khi xử lý vi phạm về chế độ chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường phải dùng biên lai thu thuế, biên lai thu tiền và nộp toàn bộ vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính.

Các cơ quan khác nếu kiểm tra phát hiện vi phạm về chế độ chứng từ, nếu phải xử lý về thuế thì chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế gần nhất để cơ quan thuế xử lý.

2/ Mỗi lần kiểm tra, cán bộ kiểm tra phải ghi ngày giờ kiểm tra, ký tên và đóng dấu đã kiểm tra vào các chứng từ kiểm tra.

3/ Tổ chức và cá nhân xử lý sai chế độ gây thất thu Ngân sách hoặc gây thiệt hại cho chủ hàng thì phải bồi thường thiệt hại. Ngoài ra tuỳ theo mức độ vi phạm nhẹ hay nặng còn bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thông tư này thay thế các Thông tư số 61 TC/TCT ngày 10/12/1990, Thông tư số 59 TC/TCT ngày 15/10/1992 và các văn bản khác của Bộ Tài chính  đã ban hành trái với Thông tư này.

Thông tư này thi hành từ 20/10/1994. Các vụ vi phạm về chế độ chứng từ đối với hàng hoá lưu thông trên thị trường trước ngày 20/10/1004 vẫn được xử lý theo các quy định hiện hành./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.