THÔNG TƯ
Giải thích chế độ trả tiền công và thì giờ làm việc ở công trường
BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG
Kính gửi: - Các ông Chủ tịch Uỷ ban hành chính các liên khu
- Ông chủ tịch UBHC Hà Nội
- Các ông Giám đốc khu Lao động Việt Bắc, Liên khu 3, 4, Tả ngạn và Lao động Hà Nội
Lâu nay trên các công trường cầu đường, đập, ở các hầm mỏ v.v. có nhiều loại công nhân mà tính chất sử dụng khác nhau, có chế độ khác nhau. Việc quy định các chế độ đó chưa được rõ ràng làm cho các địa phương lúng túng mà nhân công cũng thắc mắc. Bộ đã trình Ban Kinh tế Chính phủ quy định thống nhất. Ban Kinh tế có chỉ thị số 444-BKT/CN ngày 12-2-1954, chỉ thị này huỷ bỏ những chỉ thị trước nói về lương và thù lao, và thì giờ làm việc của công nhân miền Nam, công nhân thất nghiệp.
Bộ giải thích thêm những điểm sau đây:
I. TIỀN CÔNG TRẢ CHO CÔNG NHÂN THẤT NGHIỆP
Trong công nhân thất nghiệp có nhiều hạng:
a) Công nhân trước làm ở các công xưởng có nghề chuyên môn thì trả mỗi ngày
|
3 kg
|
b) Công nhân trước làm ở các công xưởng mà không có nghề chuyên môn thì trả mỗi ngày
|
2kg50
|
c) Công nhân có nghề, trước làm tư (tư nhân hay tự do) nay dùng đúng vào nghề chuyên môn
|
3kg
|
d) Công nhân có nghề trước làm tư nhưng nay dùng không đúng nghề
|
2kg50
|
e) Công nhân không nghề trước làm tư nay cũng không có nghề chuyên môn
|
2kg50
|
Trường hợp a và c công nhân có nghề chuyên môn tuỳ theo khả năng nghề nghiệp mà có thể trả lương cao hơn 3kg do hai bên thoả thuận.
Trên đây là để chiếu cố đến công nhân xí nghiệp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Nam định, Hải Phòng.
Những công nhân lẻ tẻ và đồng bào ở thôn quê muốn đi làm thì phải giải thích cho họ trở về nông thôn sản xuất. Nếu có trưởng hợp phải giới thiệu đi làm thì theo giá nhân công thị trường hai bên thoả thuận nhưng không dưới tối thiểu tiến. hành.
Những người trên đây làm việc có tính chất tạm thời nên trả lương theo chế độ công nhật. Lương tính tuỳ theo số ngày đi làm. Song vì hoàn cảnh đặc biệt của họ nên những ngày không đi làm cũng được chiếu cố để họ có đủ điều kiện sinh sống. Cho nên ấn định:
- Những ngày lễ chính thức, ngày nghỉ không có việc do lỗi tại công trường thì tất cả những hạng công nhân nói trên được hưởng cả lương.
- Ngày chủ nhật và những ngày nghỉ khác hưởng đồng loạt mỗi người mỗi ngày 1kg500. Tuy vậy cần chú ý tránh sự lạm dụng, không có lý do chính đáng mà công nhân cũng nghỉ việc. Cho nên phải chiếu cố những hoàn cảnh đặc biệt để đảm bảo đời sống cho họ nhưng không vì thế mà để thiệt hại đến công quỹ.
- Nếu cơ quan sử dụng xét thấy công tác còn lâu dài, nhu cầu công nhân thường xuyên, mà anh, chị em công nhân cũng tự nguyện xin cho tuyển dụng thường xuyên thì được tuyển theo chế độ chung vào thang lương công nhân (lương sẽ theo cấp bậc do dân chủ bình nghị sắp xếp như thường lệ).
1. Đồng bào và công nhân miền Nam
Miền Nam ra tập kết và công tác ở xí nghiệp công trường có những hạng:
- Công nhân: trước 1-2-1955 tối thiểu 45kg , kể từ 1-2-1955 tối thiểu 50kg, người nào có nghề chuyên môn nay sử dụng đúng nghề hoặc người nào hiện này làm việc có khả năng chuyên môn cao thì tuỳ theo khả năng chuyên môn hay khả năng lãnh đạo mà trả lương cao hơn.
- Đồng bào: gồm cán bộ xã, dân quân du kích, công nhân không nghề nghiệp chuyên môn hoặc có nghề mà không sử dụng đúng nghề, gia đình công nhân viên, v.v. lương tháng trước 1-2-1955 là 45kg, kề từ 1-2-1955 là 50kg gạo.
Trên đây là mức sinh hoạt tạm thời, căn cứ trên mức lương tối thiểu hiện hành mà châm chước cho anh chị em miền Nam.
Sau này sẽ quy định lại. Và tiến hành sắp xếp vào thang lương mới để trả lương đúng theo tính chất công việc làm của anh chị em.
2. Bộ đội phục viên.
Áp dụng như chế độ miền Nam (có nghề hay không nghề chuyên môn).
3. Những người Âu Phi ở Bộ Quốc phòng
Giới thiệu sang có chế độ riêng, sẽ quy định sau (Hiện nay còn do Bộ Quốc phòng đài thọ) các ngành chuyên môn sử dụng cần trả thêm phụ cấp và tiến tới quy định một chế độ rõ ràng.
4. Dân công
Theo chế độ hiện hành.
II. CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC
1. Giờ làm việc: ở công trường có những việc nặng nhọc, có bộ phận công tác đã tổ chức được chặt chẽ nhưng cũng có công việc ít nặng nhọc, tổ chức còn nhiều lãng phí (giờ chết). Do đó giờ làm việc từ 8 giờ đến 10 giờ nghĩa là có việc chỉ làm 8 giờ, có việc hơn 8 giờ cho đến 10 giờ (bí chú: cũng có việc không đến 8 giờ ví dụ: làm dưới nước, làm việc giữa không trung v.v.). Thông tư quy định giờ sẽ ban hành sau. Các công trường cần có nội quy quy định rõ giờ làm việc. Nội quy công trường gửi cơ quan lao động duyệt.
2. Giờ làm thêm: ngoài số giờ ấn định từ 8 đến 10 giờ như đã nói trên, công nhân làm quá giờ được trả phụ cấp làm thêm giờ, tính theo thể thức hiện hành (giải thích trong Thông tư về thì giờ làm việc).
Trường hợp công nhân làm khoán và dân công phục vụ, nếu làm thêm giờ thì thêm năng suất, thù lao trả theo tăng năng suất.
Về cách tính thưởng năng suất ở công trường thì nên tính như sau: làm nghề gì thì hưởng tăng năng suất theo nghề đó. Thí dụ: làm đất thì tiền thưởng tăng năng suất tính cho việc làm đất, làm đá thì tính thưởng theo tăng năng suất làm đá. Như tăng năng suất 1m3 đất là 2 cân gạo, làm đá tăng năng suất được 3 cân gạo thì dân công hay công nhân bộ đội phục viên cũng đều được hưởng như nhau.
III. NHỮNG CHẾ ĐỘ KHÁC NHƯ ÔM ĐAU, BỊ TAI NẠN, SINH HOẠT TẬP THỂ, HỌC TẬP PHÍ ĐỀU THEO MỘT CHẾ ĐỘ CHUNG THỐNG NHẤT CHO TẤT CẢ CÁC LOẠI NHÂN CÔNG
Các công trường cần phải chú trọng:
Tổ chức chỗ ăn, chỗ ở, bệnh xá, trạm cấp cứu đủ thuốc men, thì giờ làm việc, thì giờ học tập, giáo dục cho mọi người biết giữ vệ sinh, đề phòng tại nạn, phổ biến những chủ trương chính sách của Chính phủ, động viên tinh thần yêu nước, khuyến khích thi đua ái quốc làm cho đời sống ở công trường vui vẻ, mọi người đều phấn khởi tích cực công tác.
Thông tư này nói rõ việc thống nhất các chế độ trả tiền công, thì giờ làm việc, cho tất cả những người làm việc ở trên công trường.
Có những vấn đề khó khăn mắc mứu nào khác yêu cầu các địa phương báo cáo kịp thời cho Bộ biết.
Hà nội, ngày 9 tháng 3 năm 1955
|