• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 19/05/1976
BỘ THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ Y TẾ-TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Số: 08/TTLB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 19 tháng 5 năm 1976

THÔNG TƯ LIÊN BỘ

Về Quy định một số bệnh nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ công nhân viên chức Nhà nước mắc bệnh nghề nghiệp

_______________________________

Để bảo vệ sức khoẻ cho công nhân viên chức trong lao động sản xuất và công tác, Đảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chính sách, chế độ và những biện pháp cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, trang bị phòng hộ lao động, tăng cường bồi dưỡng bằng hiện vật đối với công nhân làm các nghề tiếp xúc thường xuyên với các yếu tố độc hại. Các cơ sở sản xuất cũng đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chính sách và chế độ trên, đã tuyên truyền giáo dục cho công nhân viên chức thực hiện các biện pháp phòng chống độc hại. Tuy nhiên điều kiện trang thiết bị kỹ thuật bảo hộ lao động và vệ sinh trong sản xuất hiện nay còn hạn chế. Những yếu tố độc hại còn có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và gây bệnh nghề nghiệp cho công nhân viên chức.

Căn cứ Điều 34 trong Điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội với công nhân viên chức Nhà nước sau khi thống nhất ý kiến vói Bộ Lao động và Bộ Tài chính, nay Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Thương binh và Xã hội quy định một số bệnh nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ đối với công nhân viên chức Nhà nước mắc bệnh nghề nghiệp như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

Công nhân viên chức Nhà nước thuộc diện thi hành Điều lệ bảo hiểm xã hội kể cả trường hợp công nhân viên chức đã chuyển nghề khác, hoặc đã thôi việc mà còn trong "thời gian bảo đảm" được phát hiện và xác định mắc bệnh nghề nghiệp đã quy định tại Thông tư này đều là đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về bệnh nghề nghiệp.

II. NHỮNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐƯỢC HƯỞNG CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI VỀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

A. ĐỊNH NGHĨA BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Bệnh nghề nghiệp là một bệnh đặc trưng của một nghề do yếu tố độc hại trong nghề đó đã tác động thường xuyên, từ từ vào cơ thể người lao động mà gây nên bệnh.

Những trường hợp nhiễm độc cấp tính, bán cấp tính do hơi độc, hoá chất độc gây nên tại nơi làm việc thì coi như tai nạn lao động.

B. NHỮNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP ĐƯỢC QUY ĐỊNH

Do nền kinh tế và khả năng tổ chức thực hiện của ta hiện nay còn có hạn chế, bước đầu Liên Bộ và Tổng Công đoàn Việt Nam quy định một số bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội và bệnh nghề nghiệp.

1. Bệnh do bụi

- Bệnh do bụi phổi do nhiễm bụi silic (SiO2)

- Bệnh bụi phổi do nhiễm bụi a-mi-ăng.

2. Bệnh do hoá chất

- Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì.

- Bệnh nhiễm độc benzen và các chất đồng đẳng của benzen.

- Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất thuỷ ngân.

- Bệnh nhiễm độc măng-gan và các hợp chất măng-gan.

3. Bệnh do yếu tố vật lý

- Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ.

- Bệnh điếc do tiếng ồn.

Những bệnh khác tuy có liên quan đến nghề nghiệp nhưng chưa quy định tại Thông tư này thì chưa được coi là bệnh nghề nghiệp để hưởng chế độ. Sau này, khi điều kiện cho phép sẽ bổ sung.

Kèm theo Thông tư này có một bản phụ lục:

a. Liệt kê các công việc chính của mỗi yếu tố tác hại có khả năng gây bệnh nghề nghiệp.

b. Tóm tắt những hội chứng, triệu chứng chính của bệnh nghề nghiệp còn ảnh hưởng đến khả năng lao động sau khi đã điều trị ổn định, để làm căn cứ cho việc xác định tỷ lệ mất sức lao động hoặc cho việc chuyển nghề.

c. Quy định thời gian bảo đảm được xác định là bệnh nghề nghiệp để thi hành chế độ bệnh nghề nghiệp đối với công nhân viên chức sau khi đã thôi tiếp xúc với yếu tố tác hại, mới phát hiện bệnh nghề nghiệp do yếu tố tác hại của nghề cũ gây nên.

d. Quy định tỷ lệ mất sức lao động đối với từng loại di chứng, bệnh nghề nghiệp.

III. TRÁCH NHIỆM CỦA NGÀNH Y TẾ TRONG VIỆC QUẢN LÝ, KHÁM VÀ ĐIỀU TRỊ BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Những công nhân viên chức làm việc có yếu tố tác hại phải được quản lý chặt chẽ về mặt sức khoẻ:

- Y sĩ, bác sĩ ở các trạm y tế cơ quan xí nghiệp, công nông, lâm trường phải thực hiện chu đáo việc khám sức khoẻ công nhân viên chức lúc mới nhận vào làm việc, việc khám sức khoẻ định kỳ 3 tháng, 6 tháng... theo sự cần thiết của mỗi ngành, nghề như đã quy định tại Thông tư số 08/BYT-TT ngày 9/5/1961 của Bộ Y tế trong Điều 6 của Điều lệ giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khoẻ do Nghị định số 194/CP ngày 31/12/1964 của Hội đồng Chính phủ ban hành, và phải lập đầy đủ hồ sơ sức khoẻ cho công nhân viên chức làm công việc có yếu tố tác hại để theo dõi, phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp.

- Các bệnh viện, khi khám, chữa bệnh cho công nhân viên chức nếu nghi là bệnh nghề nghiệp, phải lập hồ sơ, bệnh án đầy đủ (kể cả lâm sàng và cận sàng cần thiết) để theo dõi và cung cấp tài liệu cho việc xác định bệnh nghề nghiệp.

- Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp được khám và chữa bệnh ở các phòng khám chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp và ở bệnh viện địa phương hoặc ngành. Trường hợp cần nghỉ việc để điều trị về bệnh nghề nghiệp thì thực hiện như mục III, quy định về chế độ cho nghỉ việc đối với các bệnh cần nghỉ dài ngày trong Thông tư 12/TT-LB ngày 3/6/1971 của Tổng công đoàn Việt Nam và Bộ Y tế. Giấy chứng nhận nghỉ việc của phòng khám và bệnh viện phải ghi thêm: "chứng nhận nghỉ ốm vì bệnh nghề nghiệp" để làm cơ sở cho việc thi hành chế độ bảo hiểm xã hội.

- Khi xác định bệnh nghề nghiệp, để công nhân viên chức được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội các phòng khám chuyên khoa về bệnh nghề nghiệp và Hội đồng giám định Y khoa các cấp phải khám xét toàn diện về lâm sàng và có đủ các xét nghiệm cần thiết đồng thời phải lưu ý tiểu sử về nghề nghiệp, điều kiện lao động và quá trình diễn biến bệnh lý. Trường hợp chưa xác định được phải theo dõi một thời gian để xác định được chính xác.

- Hội đồng Giám định Y khoa căn cứ quyền hạn đã được quy định trong Thông tư số 44/TT-LB ngày 26/11/1970 của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ xếp hạng tỷ lệ mất sức lao động cho công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp.

Để giúp cho việc nghiên cứu, bổ sung danh sách bệnh nghề nghiệp, các y sĩ, bác sĩ ở các cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện có trách nhiệm báo cáo về Ty, Sở Bộ Y tế, những bệnh có chẩn đoán nghi là bệnh nghề nghiệp mà chưa được quy định.

Việc khám để xác định lại tỷ lệ mất sức lao động cho công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp.

Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp có di chứng tạm thời, còn tiếp tục công tác, hoặc đã thôi việc, mỗi năm 1 lần được Hội đồng giám định Y khoa khám để xác định lại tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp, làm cơ sở cho việc điều chỉnh lại trợ cấp.

Trong quá trình theo dõi, nếu cơ quan y tế thấy tình trạng bệnh tăng hoặc giảm mà tỷ lệ mất sức lao động đã xác định trước không còn hợp lý nữa thì có thể giới thiệu ra Hội đồng giám định Y khoa khám, xác định lại tỷ lệ mất sức lao động sớm hơn thời gian đã ấn định.

Việc điều chỉnh trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp (tăng, giảm hoặc chấm dứt trợ cấp) sẽ thực hiện kể từ tháng sau tháng ký Quyết định xác định lại tỷ lệ mất sức lao động của Hội đồng giám định y khoa.

Những người có di chứng cố định hoặc đã tàn phế thì không phải khám lại. Đối với công nhân viên chức thôi việc vì mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp, khi được Hội đồng giám định Y khoa xác định sức khoẻ đã phục hồi thì bắt buộc cơ quan, xí nghiệp cũ phải tuyển dụng lại và bố trí công việc phù hợp với sức khoẻ của đương sự.

IV. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC MẮC BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Công nhân viên chức mắc những bệnh nghề nghiệp đã quy định trong đoạn B phần II của Thông tư này, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội quy định như sau:

1. Công nhân viên chức tại chức được trợ cấp bằng 100% lương (kể cả phụ cấp nếu có) trong suốt thời gian nghỉ việc để khám bệnh, chữa bệnh, kể cả khi tái phát và điều dưỡng, dưỡng sức vì bệnh nghề nghiệp.

2. Sau khi điều trị bệnh tình ổn định, nếu được Hội đồng giám định Y khoa xác định có di chứng tạm thời hoặc vĩnh viễn của bệnh nghề nghiệp ảnh hưởng đến khả năng lao động, thì được hưởng một khoản trợ cấp tính theo tỷ lệ mất sức lao động, quy định như sau:

Tỷ lệ MSLĐ

Mức trợ cấp

1. Từ 5 đến 30%

Trợ cấp 1 lần, cụ thể là

- Từ 5 đến 15% trợ cấp bằng 1 tháng lương chính

- Từ 16-20% 2 tháng lương chính

- Từ 21-25% 3 tháng lương chính

- Từ 26-30% 4 tháng lương chính

2. Từ 31 đến 40%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 7% lương chính

3. Từ 41 đến 50%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 15% lương chính

4. Từ 51 đến 60%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 25% lương chính

5. Từ 61 đến 75%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 50% lương chính

5. Từ 76 đến 90%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 60% lương chính

5. Từ 91 đến 100%

- Trợ cấp hàng tháng bằng 70% lương chính

Nếu được Hội đồng giám định Y khoa đề nghị thì được cấp phát các phương tiện chỉnh hình, máy điếc v.v...

3. Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp mất sức từ 61% sức lao động trở lên, coi như không còn khả năng làm việc, được thôi việc và nếu trợ cấp hàng tháng tính theo tỷ lệ trên không bằng 22đ00 thì được bảo đảm bằng 22đ00.

- Khi thôi việc, ngoài khoản trợ cấp hàng tháng, còn được trợ cấp 1 lần bằng 1 tháng lương kể cả các phụ cấp nếu có, và được tiếp tục hưởng trợ cấp con (nếu có), những con đẻ sau khi đã thôi việc không tính.

- Công nhân viên chức bị tàn phế do bệnh nghề nghiệp, cần có người giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày (ăn uống, tiểu, đại tiện...) thì hàng tháng được trợ cấp thêm 10% lương chính.

- Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp còn tiếp tục công tác, được hưởng trợ cấp mất sức lao động kể từ tháng sau tháng ký Quyết định của Hội đồng giám định Y khoa.

Trường hợp mất từ 61% sức lao động trở lên, phải thôi việc, thì hưởng trợ cấp mất sức lao động theo ngày ghi trong quyết định thôi việc.

4. Công nhân viên chức chết do bệnh nghề nghiệp hoặc có tỷ lệ mất sức lao động từ 61% trở lên do bệnh nghề nghiệp, khi chết (trừ trường hợp chết do tai nạn rủi ro) được hưởng chế độ như chết vì tai nạn lao động.

5. Trợ cấp chuyển nghề.

Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp được Hội đồng giám định Y khoa quyết định phải chuyển nghề hoặc đi học nghề khác nếu lương mới hoặc sinh hoạt phí cộng với trợ cấp giảm khả năng lao động hàng tháng do bệnh nghề nghiệp mà thấp hơn lương cũ thì được trợ cấp cho bảng lương cũ. Khoản cấp bù này là trợ cấp chuyển nghề do Quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ hàng tháng.

Công nhân viên chức được hưởng trợ cấp chuyển nghề cho đến khi không còn di chứng bệnh nghề nghiệp, hoặc khi lương mới cộng với trợ cấp giảm khả năng lao động bằng lương cũ.

Khi hết di chứng bệnh nghề nghiệp mà lương mới chưa bằng 90% lương cũ thì tiếp tục được hưởng trợ cấp chuyển nghề để đảm bảo bằng 90% lương cũ cho đến khi lương mới bằng 90% lương cũ.

Trường hợp đã chuyển nghề mà vẫn còn tiếp tục chữa bệnh nghề nghiệp hoặc bệnh nghề nghiệp tái phát, trong suốt thời gian nghỉ để chữa bệnh được hưởng trợ cấp bằng 100% lương mới kể cả các khoản trợ cấp và phụ cấp (nếu có).

6. Quyền lợi được hưởng nếu phát hiện bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm đã quy định:

Công nhân viên chức sau khi đã thôi tiếp xúc với yếu tố tác hại (chuyển việc khác, thôi việc, hoặc về theo chế độ mất sức lao động, chế độ hưu trí) nếu còn trong thời gian bảo đảm đã quy định mà phát hiện bệnh nghề nghiệp do nghề cũ gây nên, thì được hưởng chế độ khám, chữa bệnh và được hưởng trợ cấp mất sức lao động về bệnh nghề nghiệp nếu có như khi còn đang làm việc cũ, cụ thể là:

a. Công nhân viên chức đã thôi việc không có trợ cấp hàng tháng, sẽ trở lại cơ quan, xí nghiệp cũ để hưởng chế độ chữa bệnh,

Sau khi điều trị ổn định, đương sự trở về gia đình, nếu có di chứng ảnh hưởng đến khả năng lao động, sẽ được Hội đồng giám định Y khoa xếp hạng tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp để hưởng chế độ như đã quy định ở đoạn 2, 3, 4 trên đây.

Nếu đương sự được hưởng khoản trợ cấp 1 lần (mất sức lao động từ 30% trở xuống) thì do công đoàn cơ sở thanh toán.

Nếu đương sự được trợ cấp hàng tháng dài hạn hoặc chết thì đơn vị cũ lập hồ sơ chuyển tới cơ quan Thương binh và Xã hội để giải quyết.

b. Công nhân viên chức đã về theo chế độ mất sức lao động hoặc hưu trí thì trong khi điều trị cứ giữ nguyên trợ cấp hàng tháng đã có.

Sau khi điều trị ổn định, nếu không có di chứng, đương sự tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động hoặc hưu trí như cũ. Nếu có di chứng sẽ được Hội đồng giám định Y khoa khám để xác định tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp cao hơn trợ cấp mất sức lao động cũ hoặc trợ cấp hưu trí, thì đương sự được chuyển sang hưởng trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp kể từ tháng sau tháng ký quyết định của Hội đồng giám định Y khoa.

Nếu trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp thấp hơn trợ cấp mất sức lao động cũ hoặc trợ cấp hưu trí thì giải quyết.

- Đối với công nhân viên chức đã thôi việc theo chế độ mất sức lao động nay có tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên, thì được hưởng chế độ mất sức lao dộng cũ cho đến khi sức khoẻ phục hồi hoặc chết, mà không hưởng trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp.

- Đối với công nhân viên chức đang hưởng chế độ hưu trí, nay có tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên, thì hàng tháng được thêm 10% của trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp.

- Nếu trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp chỉ ở mức trợ cấp 1 lần (1 đến 4 tháng lương) thì đương sự được hưởng khoản này do công đoàn đơn vị cũ thanh toán, ngoài chế độ mất sức lao động hoặc hưu trí vẫn giữ nguyên.

7. Bệnh nghề nghiệp tái phát sau khi công nhân viên chức đã thôi việc, về mất sức lao động hoặc hưu trí.

Công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp, đã điều trị ổn định rồi thôi việc hoặc về nghỉ theo chế độ mất sức lao động, kể cả mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp, hoặc hưu trí về sau bệnh tái phát kể cả tái phát trong thời gian bảo đảm thì được hưởng chế độ điều trị về bệnh nghề nghiệp và suốt trong thời gian điều trị, cứ tiếp tục giữ nguyên chế độ trợ cấp đã có (trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp hưu trí, hoặc không có trợ cấp nếu là thôi việc) cho đến khi được xác định lại tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp và sẽ điều chỉnh lại trợ cấp hàng tháng như đã quy định ở đoạn trên.

8. Công nhân viên chức mất sức lao động trên 60% hoàn toàn do bệnh nghề nghiệp, khi thôi việc, nếu căn cứ vào thời gian công tác để tính trợ cấp hàng tháng theo chế độ mất sức lao động chung mà cao hơn trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp thì được hưởng theo chế độ mất sức lao động chung không hưởng trợ cấp mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp.

9. Đối với công nhân viên chức đã thôi việc hoặc về nghỉ theo chế độ mất sức lao động (kể cả trường hợp đã thu hồi sổ vì hết hạn được trợ cấp) hoặc hưu trí từ trước ngày ban hành Thông tư này:

a. Nếu tính đến nay còn trong thời gian bảo đảm đối với nghề cũ của mình thì đương nhiên là đối tượng thi hành Thông tư này.

b. Nếu tính đến ngày ban hành Thông tư này đã quá thời gian bảo đảm đối với nghề cũ của mình, nhưng nay sức khoẻ chưa phục hồi, nghi là có di chứng bệnh nghề nghiệp, thì cũng được Hội đồng Giám định Y khoa xác định tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp nếu có để thi hành chế độ trợ cấp mất sức lao động vì bệnh như đã quy định ở đoạn 6 trên đây.

Riêng đối với người đã thu hồi sổ trợ cấp mất sức lao động vì đã hết hạn được trợ cấp, nếu được xác định có tỷ lệ mất sức lao động do bệnh nghề nghiệp từ 31% trở lên thì lại được tiếp tục hưởng trợ cấp mất sức lao động cũ kể từ ngày thu hồi sổ trợ cấp, và sẽ được chuyển sang hưởng trợ cấp mất sức lao động và bệnh nghề nghiệp nếu mức trợ cấp cao hơn, kể từ ngày ban hành Thông tư này.

Việc khám, xác định tỷ lệ mất sức lao động vì bệnh nghề nghiệp để thi hành chế độ đối với những người đã quá thời gian bảo đảm trong dịp ban hành Thông tư này là một sự chiếu cố đặc biệt, cho nên cần phải được giải quyết nhanh gọn, chính xác, hạn cuối cùng là ngày 31/12/1977.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Tại các cơ quan, xí nghiệp, công, nông, lâm trường, mà điều kiện làm việc có yếu tố tác hại có thể gây bệnh nghề nghiệp, thủ trưởng cần có kế hoạch tăng cường các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, trang bị phòng hộ, vệ sinh lao động cho công nhân viên chức để phòng tránh bệnh nghề nghiệp; đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉnh các chế độ vệ sinh an toàn lao động, chế độ khám tuyển, khám sức khoẻ định kỳ cho công nhân viên chức, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp.

+ Tổ chức công đoàn các cấp, trước hết là công đoàn cơ sở có trách nhiệm theo dõi phát hiện đề xuất, tham gia với chính quyền trong việc xây dựng kế hoạch vệ sinh lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp, phối hợp với chính quyền tổ chức phổ biến. Thông tư này cho công nhân viên chức, vận động đôn đốc công nhân viên chức chấp hành nghiêm chỉnh chế độ bảo hộ lao động đồng thời cùng cơ quan lao động tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động, hạn chế số người mắc bệnh nghề nghiệp đến mức thấp nhất.

+ Các Sở, Ty y tế có trách nhiệm thành lập các cơ sở điều trị bệnh nghề nghiệp ở địa phương mình để khám chữa bệnh nghề nghiệp cho công, viên chức (Bộ Y tế sẽ có kế hoạch hướng dẫn). Về kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, Bộ Y tế và Bộ Tài chính sẽ quy định sau.

+ Các Hội đồng Giám định Y khoa từ Trung ương đến địa phương cần tăng cường tổ chức và ở những khu vực công nghiệp tập trung cần bổ sung cán bộ chuyên khoa bệnh nghề nghiệp để giải quyết chính xác và nhanh chóng những trường hợp cần được giám định về bệnh nghề nghiệp.

+ Tổ chức công đoàn và cơ quan Thương binh và Xã hội các cấp trong phạm vi chức năng của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện, kiểm tra, đôn đốc thi hành Thông tư này nhằm bảo đảm đầy đủ quyền lợi cho công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp như đã quy định.

- Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giải quyết mọi quyền lợi bảo hiểm xã hội cho công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp còn tiếp tục công tác, kể cả khi pháp hiện bệnh nghề nghiệp trong thời gian bảo đảm.

- Cơ quan Thương binh và Xã hội phụ trách giải quyết chế độ đối với công nhân viên chức mắc bệnh nghề nghiệp phải thôi việc có trợ cấp mất sức lao động hàng tháng (kể cả những người mất dưới 61% sức lao động nhưng thôi việc do công đoàn chuyển sang) và đối với những người chết vì bệnh nghề nghiệp; đối với những trường hợp này, chính quyền đơn vị cơ sở có trách nhiệm lập đầy đủ hồ sơ gửi đến cơ quan Thương binh và Xã hội để giải quyết.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc, khó khăn, các cấp, các ngành phản ánh về Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Y tế, Bộ Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, hướng dẫn giải quyết.

Bộ trưởng Bộ Thương binh và xã hội

Bộ trưởng Bộ Y tế

Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Lê Tất Đắc

Hoàng Đình Cầu

Vũ Định

Tải file đính kèm
 

This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.