NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 7/CP NGÀY 18 THÁNG 4 NĂM 1960
VỀ VIỆC CẤP SỔ LAO ĐỘNG CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG
BIÊN CHẾ NHÀ NƯỚC
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Để tăng cường quản lý, lực lượng lao động trong biên chế Nhà nước, đồng thời để đáp ứng nguyện vọng của những người lao động mong được có một cuốn sổ chính thức chứng nhận khả năng nghề nghiệp và quá trình lao động của mình:
Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Lao động;
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị Thường vụ ngày 9-9-1959.
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Nay đặt ra sổ lao động để cấp cho những người lao động trong biên chế các xí nghiệp, công, nông lâm trường, các tổ chức kinh tế, các cơ quan Nhà nước (kể cả lao động trong quân đội) và các đoàn thể nhân dân.
Sổ Lao động theo mẫu thống nhất gồm những mục sau đây:
1. Sơ lược lý lịch; ảnh của người lao động
2. Tình hình, hoàn cảnh gia đình
3. Quá trình làm việc
4. Quá trình đào tạo
5. Tình hình sức khoẻ và rèn luyện thân thể
6. Tình hình bệnh tật và tai nạn lao động
7. Khen thưởng
8. Kỷ luật
9. Chứng thực của đơn vị sử dụng người lao động lúc cấp sổ
10. Cơ quan cấp sổ ký và đóng dấu.
Điều 2. Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh cấp sổ lao động cho những người lao động làm việc trong các xí nghiệp, công, nông lâm trường, tổ chức kinh tế và cơ quan thuộc địa phương mình.
Các Sở, Ty Lao động giúp đỡ Uỷ ban hành chính địa phương hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc cấp và quản lý sổ lao động và có thể được Uỷ ban hành chính uỷ quyền cấp sổ lao động.
Điều 3. Đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm:
a. Tổ chức thực hiện việc cấp sổ lao động dưới sự lãnh đạo của Uỷ ban hành chính và theo sự hướng dẫn của Sở, Ty Lao động địa phương; phí tổn về việc cấp sổ lao động do đơn vị sử dụng chịu (trừ tiền ảnh do người lao động chịu).
b. Giữ sổ lao động và ghi vào sổ những điều cần thiết trong quá trình người lao động làm việc ở đơn vị.
c. Báo cáo với Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh để xin cấp sổ lao động mỗi khi tuyển dụng vào biên chế người chưa có sổ lao động.
Điều 4. Khi thôi việc, hoặc được thuyên chuyển đi nơi khác, người lao động được trả lại sổ lao động của mình và có quyền yêu cầu đơn vị sử dụng ghi thêm vào sổ những điều thiếu sót.Người lao động đã được cấp sổ có nhiệm vụ giữ gìn sổ cẩn thận; không được tự ý tẩy chữa, bôi xoá, thêm bớt những điều đã ghi trong sổ, không được cho người khác mượn sổ; khi mất sổ phải báo ngay với cơ quan Công an và cơ quan Lao động địa phương.
Khi sổ bị hư hỏng, rách, nát, người lao động được xin cấp bản khác ở Uỷ ban hành chính khu, thành phố, tỉnh với nơi mình được cấp sổ.
Khi chuyển đi nơi khác công tác, người lao động phải nộp sổ cho nơi ấy.
Điều 5. Người giữ sổ của các đơn vị sử dụng người lao động có trách nhiệm giữ gìn sổ cẩn thận: không được tẩy chữa, bôi xoá, thêm bớt những điều đã ghi trong sổ; không được lấy sổ của người này cho người khác mượn (người có sổ và người không có sổ); khi mất sổ phải báo ngay với thủ trưởng đơn vị, cơ quan Công an và cơ quan Lao động địa phương.
Ai không làm đúng những điều trên đây, tuỳ theo từng trường hợp sẽ bị phê bình, cảnh cáo, ghi vào sổ lao động (nếu là người lao động) ghi vào lý lịch (nếu là người giữ sổ) hoặc bị truy tố trước Toà án.
Điều 6. Ông Bộ trưởng Bộ Lao động quy định chi tiết về việc cấp và quản lý sổ lao động.
|
TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Phạm Văn Đồng
|