Sign In

Nhằm thực hiện có kết quả Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg ngày 24/1/2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em, Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện với các yêu cầu  nội dung sau:

1. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục.

1.1. Cấp Trung ương:

- Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ văn hoá – Thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp cùng với Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và cơ quan thông tấn, báo chí, thông tin đại chúng mở các chuyên mục phổ biến các hình thức vui chơi giải trí, hướng dẫn những trò chơi, đồ chơi có ích cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em; tổ chức tuyên truyền các gương điển hình tiên tiến trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,  phê phán các tác phẩm văn học, truyện tranh, đồ chơi, trò chơi, các hình thức vui chơi giải trí ảnh hưởng xấu đến trẻ em. Không đưa các thông tin có hại cho trẻ em trên các phương tiện thông tin đại chúng dưới các hình thức quảng cáo, văn hoá nghệ thuật và hoạt động thể dục thể thao.

- Bộ văn hoá – Thông tin, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các địa phương tổ chức các cuộc thi kể chuyện sách, thi vẽ tranh, thi văn nghệ, thi làm đồ chơi, trò chơi, thi sáng tác văn học nghệ thuật, tổ chức triển lãm, hoạt động thư viện dành cho trẻ em; tham gia hỗ trợ các giải thưởng cho các hội thi, cuộc thi, hoạt động: Hội khoẻ Phù Đổng, Đại hội cháu ngoan Bác Hồ; thi tuyên truyền măng non, thi chương trình rèn luyện đội viên, Hội thi văn hoá, thể thao gia đình… phối hợp với Ủy ban Thể dục Thể thao và các ngành, đoàn thể liên quan xây dựng kế hoạch phát triển phong trào thể dục, thể thao quần chúng đi đôi với đào tạo tài năng trẻ, tạo cơ sở cho các em nâng cao thể chất; thực hiện có hiệu quả Nghị định số 73/1999/NĐ-CP của Chính phủ.

- Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thể dục Thể thao, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đưa nội dung hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao, tham quan, du lịch, trại hè… vào hệ thống các trường phổ thông; phát triển chương trình giáo dục nếp sống văn minh và xây dựng gia đình văn hoá, chú trọng việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống văn hoá, ý thức bảo vệ di sản văn hoá dân tộc, ý thức pháp luật, qua đó, góp phần vào việc giáo dục toàn diện cho trẻ em. Giới thiệu tinh hoa văn hoá thế giới phù hợp với từng lứa tuổi trẻ em.

1.2. Cấp địa phương:

Trên cơ sở nội dung chỉ đạo của Trung ương, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Văn hoá – Thông tin, Tỉnh Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp xây dựng kế hoạch cụ thể giúp cho các trường học, xã, phường, cụm dân cư tổ chức tốt các hoạt động thường xuyên, đặc biệt là trong tháng hành động vì trẻ em, hoạt động hè, Tết Trung thu, năm học mới tổ chức tuyên truyền, giáo dục về các hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí; tổ chức các cuộc thi, hội thi cho trẻ em.

2. Xây dựng các thiết chế văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

2.1. Cấp Trung ương:

- Căn cứ vào quy hoạch phát triển các khu văn hoá, vui chơi giải trí của các tỉnh, thành phố, Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các ngành có liên quan xây dựng đề án về quy hoạch tổng thể các cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá các hoạt động văn hoá tinh thần, vui chơi giải trí cho trẻ em. Chỉ đạo xây dựng các điểm vui chơi ở cơ sở cho trẻ em, lồng ghép với nội dung xây dựng làng, ấp văn hoá, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá và nội dung các phong trào khác của các ngành, các cấp, các đoàn thể xã hội như: “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan", "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền”. Câu lạc bộ “Ông bà cháu”, phong trào “Nghìn việc tốt”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Vì đàn em thân yêu”; có kế hoạch huy động nguồn vốn trong và ngoài nước đầu tư xây dựng các trung tâm văn hoá thiếu nhi và các khu vui chơi giải trí tầm cỡ quốc gia.

- Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hoá thông tin dành cho trẻ em (thư viện, phòng đọc sách, rạp hát, rạp chiếu phim, điểm vui chơi trẻ em…). Đồng thời chỉ đạo hệ thống thiết chế của ngành (thư viện, nhà văn hoá, rạp chiếu phim, trung tâm thông tin triển lãm, bảo tàng…) dành 20%-25% quỹ thời gian hoạt động cho trẻ em.

Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung đầu tư cho những địa phương chưa có nhà thiếu nhi và những nhà thiếu nhi đã xuống cấp; ưu tiên vùng cao, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn; phối hợp với Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ xây dựng và ban hành quy chế tổ chức hoạt động Nhà thiếu nhi.

2.2. Cấp địa phương:

Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Văn hoá – Thông tin và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh, thành phố tham mưu cho Ủy ban nhân dân chỉ đạo xây dựng quy hoạch phát triển các khu văn hoá, vui chơi giải trí, thể dục thể thao, Nhà thiếu nhi, Câu lạc bộ thiếu nhi, nhà triển lãm, thư viện dành cho trẻ em gắn với các khu dân cư và các trường học. Có chính sách hỗ trợ các vùng khó khăn; triển khai thực hiện chính sách ưu đãi sử dụng đất đai cho các cơ sở; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên Mặt trận đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” gắn với việc phát triển đa dạng các hoạt động văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em; xây dựng kế hoạch vận động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp đồng bộ các cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí, thể dục thể thao cho trẻ em; xây dựng và thực hiện các dự án nhằm hoàn thành các mục tiêu của Chương trình hành động Quốc gia vì trẻ em.

3. Phát triển sản xuất các sản phẩm văn hóa nghệ thuật cho trẻ em.

3.1. Cấp Trung ương:

- Hàng năm, Bộ Văn hoá – Thông tin xây dựng kế hoạch đầu tư kinh phí cho sáng tác, xuất bản, phát triển phòng đọc, thư viện thiếu nhi, sản xuất và phát hành các loại sách, báo, phim ảnh, nhạc, hoạ và xây dựng các tiết mục sân khấu như múa, hát, nhạc, kịch, xiếc… thích hợp với trẻ em, bảo đảm tỷ lệ, ít nhất là 15% so với tổng số tác phẩm văn hoá phẩm sản xuất, xuất bản hàng năm; phối hợp với Ủy ban Thể dục Thể thao tổ chức việc sản xuất các dụng cụ thể dục thể thao, dụng cụ giáo dục thẩm mỹ cho trẻ em (đã được quy định tại Điều 14 của Nghị định số 347/HĐBT) ngày 14/11/1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Xây dựng chương trình phát triển các trò chơi giải trí mang tính trí tuệ và giáo dục tinh thần lành mạnh.

- Bộ Văn hoá – Thông tin phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Thương mại lập danh mục cụ thể một số đồ chơi có hại tới giáo dục nhân cách, sức khoẻ của trẻ em đưa vào danh mục hàng hoá cấm lưu thông trình Thủ tướng Chính phủ quyết định và thường xuyên sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế (theo Nghị định số 11/1999/NĐ-CP ngày 03/3/1999 của Chính phủ).

3.2. Cấp địa phương:

Sở Văn hoá – Thông tin chỉ đạo các đơn vị chức năng của địa phương đưa vào kế hoạch thường xuyên việc tổ chức sáng tác các tác phẩm phù hợp với lứa tuổi trẻ em, tổ chức biểu diễn phục vụ trẻ em; duy trì tổ chức các đội chiếu phim lưu động phục vụ trẻ em, đặc biệt là trong tháng hành động vì trẻ em, ngày quốc tế thiếu nhi, ngày thành lập Đội, Tết Trung thu, ưu tiên cho trẻ em ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phối hợp với các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương tổ chức sáng tác, xuất bản phát hành sách, báo phục vụ trẻ em.

4. Các chính sách văn hoá và đào tạo cán bộ.

- Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp các ngành liên quan xây dựng chính sách cho cán bộ phụ trách thiếu nhi ở cơ sở; chính sách cho văn nghệ sĩ sáng tác văn học nghệ thuật phục vụ trẻ em; chính sách khuyến khích các em tham gia các hoạt động sáng tác văn hoá nghệ thuật; chính sách ưu đãi đối với hoạt động biểu diễn, các dịch vụ tham quan, du lịch phục vụ trẻ em; chính sách bảo tồn và phát triển các trò chơi, đồ chơi, sản phẩm văn hoá truyền thống của dân tộc; chính sách đầu tư cho phát triển các cơ sở văn hoá, vui chơi giải trí cho trẻ em ở 1870 xã nghèo, đặc biệt khó khăn; tham gia với Bộ Công nghiệp xây dựng dự án về các cơ sở sản xuất đồ chơi trẻ em kinh doanh có hiệu quả để có chính sách ưu đãi kích thích phát triển, tạo cơ sở cho việc hình thành nền công nghiệp đồ chơi Việt Nam; đề xuất chính sách thuế ưu đãi cho các cơ sở sản xuất đồ chơi và các dịch vụ văn hoá, nghệ thuật, du lịch vui chơi phục vụ trẻ em; đề xuất chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài vào các lĩnh vực hoạt động văn hoá, vui chơi, giải trí cho trẻ em.

- Bộ Văn hoá – Thông tin có kế hoạch xây dựng tài liệu, nội dung hoạt động văn hoá – thông tin phục vụ trẻ em phù hợp cho từng địa bàn và tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ làm công tác văn hoá ở cơ sở, đặc biệt là cán bộ văn hoá phụ trách các điểm vui chơi; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo và tổ chức xây dựng giáo trình, giáo án, đào tạo đội ngũ  giáo viên giảng dạy mỹ học cho trẻ em.

- Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với các ngành liên quan tập huấn về nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách Đội và cán bộ phụ trách Nhà thiếu nhi trong hệ thống các trường học, trên địa bàn dân cư.

5. Kiểm tra, giám sát.

- Theo định kỳ 6 tháng, 1 năm, Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg tại các ngành, các cấp.

- Bộ Văn hoá – Thông tin chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tiến hành đợt kiểm tra, chỉnh đốn các hoạt động dịch vụ văn hoá và kinh doanh văn hoá phẩm trên phạm vi cả nước; đồng thời phát hiện, truy quét, ngăn chặn, triệt phá các tệ nạn xã hội trong lĩnh vực này (theo tinh thần Chỉ thị số 09/2000/CT-TTg ngày 20/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ). Trên cơ sở đó hàng năm có kế hoạch kiểm tra thường xuyên các hoạt động dịch vụ văn hoá và kinh doanh văn hoá phẩm.

- Tại các địa phương, lồng ghép với các nội dung kiểm tra liên ngành định kỳ của Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Văn hoá – Thông tin, Tỉnh Đoàn cùng phối hợp xây dựng nội dung kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg và báo cáo kết quả về Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

- Đề nghị các Bộ, ngành liên quan báo cáo việc thực hiện Chỉ thị số 03/2000/CT-TTg về Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh vào ngày 15 tháng 12 hàng năm để kịp tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Yêu cầu Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Sở Văn hoá – Thông tin, tỉnh Đoàn các tỉnh, thành phố, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung trên và báo cáo kết quả thực hiện theo định kỳ 6 tháng, 1 năm về Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam, Bộ Văn hoá – Thông tin, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh./.

Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam

Bộ Văn hóa - Thông tin

Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

Phó Chủ nhiệm

Thứ trưởng

Bí thư thứ nhất

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Phùng Ngọc Hùng

Vy Trọng Toán

Đào Ngọc Dung