Sign In

 

 

 

 

THÔNG TƯ

Quy định những công việc không được sử dụng lao động nữ

Căn cứ Nghị quyết số 176a-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 24-12-1984 về việc "phát huy vai trò và năng lực của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa" và Thông tư số 287-BT ngày 31-12-1984 của Bộ trưởng tổng thư ký, hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 176a-HĐBT sau khi lấy ý kiến của các ngành có liên quan, của Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tổng công đoàn Việt Nam; liên bộ Lao động - Y tế ban hành thông tư "quy định những công việc không được sử dụng lao động nữ" để thay thế phần I "Những công việc có nhiều yếu tố độc hại, những công việc quá nặng nhọc không được sử dụng lao động nữ" trong Thông tư Q5/TT.LB ngày 01-06-1968 của Liên bộ Lao động - Y tế.

 

I- ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG KHÔNG ĐƯỢC SỬ DỤNG
LAO ĐỘNG NỮ:

Căn cứ vào đặc điểm cơ thể và yếu tố sinh lý, tâm lý và chức năng làm mẹ của phụ nữ, liên bộ quy định không được sử dụng lao động nữ trong các điều kiện lao động sau đây :

1- Thường xuyên tiếp xúc với hoá chất độc mạnh.

2- Thường xuyên làm việc trong điều kiện vật lý không bình thường như:

a) Trực tiếp với nguồn nhiệt có nhiệt độ không khí trong nhà xưởng từ 45o C trở lên về mùa hè, từ 40oC trở lên về mùa đông; chịu ảnh hưởng của bức xạ nhiệt cao.

b) Làm công việc phải chịu áp suất cao hơn áp suất khí quyển.

c) Làm việc trong môi trường có độ rung ồn, quá lớn.

d) Tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở.

e) Làm việc trong tư thế gò bó, thiếu dưỡng khí.

g) Làm việc dưới lòng đất.

3- Làm các công việc cheo leo nguy hiểm, hoặc những công việc không phù hợp với thần kinh, tâm sinh lý phụ nữ.

4- Thường xuyên làm công việc quá nặng nhọc mà mức tiêu hao năng lượng vượt quá 5 Kcal/phút, nhịp tim lớn hơn 120/phút.

5- Thường xuyên làm công việc ngâm mình dưới nước bẩn, dễ gây nhiễm trùng nguy hiểm đối với cơ thể phụ nữ.

Căn cứ vào các điều kiện lao động nói trên, liên bộ quy định danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, ban hành kèm theo thông tư này (16 ngành nghề, 106 công việc).

II- BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1- Các trường lớp dạy nghề nhất thiết không được tuyển chọn, đào tạo phụ nữ làm những nghề, những công việc quy định không được sử dụng lao động nữ.

Đối với các nữ sinh đang theo học những nghề, những công việc đã quy định không được sử dụng lao động nữ, thì nhà trường phải chuyển họ sang học nghề khác, việc khác.

2- Cơ sở (xí nghiệp, công trường, hợp tác xã, cơ quan...) không được bố trí lao động nữ làm bất kỳ công việc nào đã được liệt kê trong toàn bộ bản danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ (không kể cơ sở đó thuộc ngành nào).

Đối với những người đang làm những công việc đó, thì cơ sở có trách nhiệm chuyển họ sang làm công việc khác thích hợp hơn.

3- Trong trường hợp cơ sở gặp khó khăn, chưa thể chuyển ngay người lao động nữ sang làm việc khác như đã nói ở điểm 2 trên đây thì có thể chậm lại, nhưng không được kéo dài quá 1 năm, kể từ ngày thông tư này có hiệu lực. Những người đang có thai, hoặc đang trong thời kỳ cho con bú phải chuyển ngay sang làm việc khác.

Trong thời gian chưa chuyển được người lao động nữ sang làm việc khác thích hợp, cơ sở phải thực hiện các chế độ sau đây :

a) Tăng thêm 1/2 định suất bồi dưỡng hiện vật mà người đó đang được hưởng.

b) Giảm bớt 1 giờ làm việc trong ngày mà vẫn được hưởng lương : giờ giảm bớt này được tính trả lương theo thời gian. Nếu do yêu cầu dây chuyển sản xuất, không thể bớt giờ được, thì giờ đó được tính trả thêm 50% lương thời gian.

c) Tăng thêm 2 ngày nghỉ phép hằng năm.

4- Các bộ, các uỷ ban Nhà nước, các cơ quan trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương cần tiến hành các việc sau đây :

a) Hướng dẫn và kiểm tra chặt chẽ việc sắp xếp sử dụng lao động nữ ở các cơ sở thuộc quyền, nếu nơi nào không chấp hành đúng các quy định trong thông tư này thì cần phải xử lý thích đáng.

b) Có kế hoạch cải thiện điều kiện lao động để bảo vệ tốt sức khoẻ và kéo dài tuổi nghề của người lao động nữ.

c) Đối với bản danh mục kèm theo thông tư này, nếu nơi nào nhận thấy còn có những công việc không được sử dụng lao động nữ, thì báo cáo với liên bộ để bổ sung.

d) Xét quyết định các trường hợp thuộc diện thực hiện điểm 3 mục II cho các cơ sở thuộc quyền và gửi văn bản đến liên bộ để theo dõi, kiểm tra việc thực hiện.

5- Ban Thanh tra kỹ thuật an toàn - bảo hộ lao động thuộc Bộ Lao động, Vụ Vệ sinh phòng dịch thuộc Bộ Y tế và hệ thống tổ chức thanh tra kỹ thuật an toàn và bảo hộ lao động của ngành lao động nữ cũ như hệ thống tổ chức vệ sinh phòng dịch của ngành y tế cần có kế hoạch thanh tra việc thực hiện thông tư này ở tất cả các cơ sở, các ngành và địa phương. Qua thanh tra, nếu có trường hợp vi phạm quy định trong thông tư này, thì xử lý hoặc kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền hình thức xử lý những người vi phạm.

Thông tư này áp dụng đến với tất cả các cơ quan, đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc mọi hình thức sở hữu, kể cả các đơn vị thuộclực lượng vũ trang nhân dân và có hiệu lực thi hành từ ngày 02-09-1986.

 

Đặng Hồi Xuân

(Đã ký)

Đào Thiện Thi

(Đã ký)

DANH MỤC CÔNG VIỆC KHÔNG SỬ DỤNG LAO ĐỘNG NỮ

(Ban hành kèm theo Thông tư số 09-TT-LB ngày 29-08-1986
của Liên bộ Lao động - Y tế).

 

I- LUYỆN KIM, CƠ KHÍ :

1- Trực tiếp nấu chảy và rút kim loại nóng chảy;

2- Cân kim loại nóng;

3- Trực tiếp luyện quặng kim loại màu (đồng, chì, thuỷ ngân,kẽm, bạc);

4- Cán kéo, dập, sản phẩm chì, sản phẩm mạ chì;

5- Đốt lò, luyện cốc;

6- Phá vỡ khuôn đúc;

7- Làm sạch nồi hơi, ống dẫn khí;

8- Hàn ắc quy chì, hàn trong thùng kín, hàn ở vị trí có độ cao trên 10m.

 

II- NĂNG LƯỢNG NGUYÊN TỬ:

Tất cả những công việc phải tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở.

 

III- HOÁ CHẤT VÀ CHẾ BIẾN CAO SU:

1- Sản xuất, bao gói, hoặc thường xuyên tiếp xúc với anilin.

2- Trực tiếp sản xuất phốt pho, asen và hợp chất chứa asen.

3- Sản xuất đóng gói và thường xuyên tiếp xúc với xăng, sơn, mực in có chứa chì.

4- Thường xuyên tiếp xúc với mănggan, điôxyt, thuỷ ngân.

5- Đốt lò xấy quặng pyrit, hấp thu, rửa tinh chế, vận hành, bơm axit, lọc bụi điện, thải xỉ (trong sản xuất axits sunfuric).

6- Sản xuất axit nitric và natri sunfat.

7- Sản xuất sunfua cacbon.

8- Sản xuất phốt-gien.

9- Chưng cất, đóng bình dung môi benzen và đồng đẳng của benzen.

10- Điện phân Clo, hoá lỏng Clo, đóng bình Clo, xử lý Clo (trong sản xuất supe phốt phát).

11- Đốt lò sấy quặng, nghiền mịn, điều chế supe phốt phát (trong sản xuất supe phốt phát).

12- Vận hành lo tạo khí than, thải xỉ làm tạo khí than, tái sinh dung dịch đồng, vận hành máy nén urê (trong sản xuất phân đạm urê).

13- Vận hành lo sản xuất đất đèn dạng hở, nghiền đất đèn thủ công.

14- Tái sinh chì, nấu hợp kim chì, đúc chì, đúc sườn cục chì, trộn trát cạo lá cực (trong sản xuất ắc quy).

15- Sản xuất bao gói hoặc thường xuyên tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt, có tính độc mạnh như :

- Asen và muối của asen.

- Phốt fua kẽm, phốt fua nhôm, phốt fua hydrô.

- Axit flo, axit clohydric, axit xyanhydric và muối của axit xyanhydric.

- Clopicrin.

- Nitro benzen.

- Thuỷ ngân hữu cơ (simen, xêrêsen...).

- Lân hữu cơ (êtyparation, metylparation...).

- Clo hữu cơ (DDT các loại, 666 các loại).

16- Sửa chữa thiết bị hoá chất như : sửa chữa lò, thùng, tháp kín, đường ống ngầm.

17- Phối liệu cân đong, sàng sấy hoá chất trong sản xuất cao su.

18- Làm việc trong lò xông mủ cao su.

 

IV- ĐỊA CHẤT VÀ KHAI THÁC MỎ.

1- Đặt cột tiêu trắc địa.

2- Làm công việc sửa chữa cơ khí, điện trong điều kiện lưu động, theo đoàn địa chất.

3- Đào lò, đào lò giếng.

4- Tất cả công việc trong hầm lò (kể cả vận chuyển).

5- Khoan thăm dò, khoan nổ mìn, lắp mìn.

6- Nghiền, phối liệu quặng, nguyên liệu trong điều kiện bụi tạo thành chứa từ 10% diôxyt silit trở lên.

7- Tuyển khoáng chì.

 

V- THĂM DÒ, KHAI THÁC DẦU KHÍ.

1- Lắp đặt dàn khoan.

2- Khoan thăm dò giếng dầu và khí.

3- Làm việc ở hệ thống thiết bị khoan nổi trên biển (trừ phục vụ y tế và xã hội).

VI- ĐIỆN VÀ THÔNG TIN BƯU ĐIỆN :

1- Sửa chữa đường cáp có mạ chì, hàn hộp, cáp chì.

2- Sửa chữa đường dây ngoài trời đường dây điện cao thế, dựng cột điện cao thế.

3- Xây dựng, sửa chữa cột cao qua sông, cột ăngten.

4- Xây dựng, sửa chữa cáp ngầm, cáp treo, đường dây thông tin.

 

VII- CÔNG NGHIỆP NHẸ :

1- Pha chế Clo.

2- Thường xuyên trực tiếp với hypoclorit.

3- Thường xuyên pha chế, trực tiếp với thuộc nhuộm anilin.

4- Nấu thuỷ tinh, thổi thuỷ tinh bằng miệng.

5- Mạ Crôm, mạ xyanua.

6- Vận hành nồi da tự kéo phênon, cán ép nhựa phenon.

7- In hoa trên màng mỏng, in nhãn trên giấy màng mỏng.

8- Vận hành máy hồ vải sợi.

9- Trải nhũ tương giấy ảnh.

10- Ngâm tẩm da, muối da.

11- Bốc dở da sống.

12- Cán ép tấm da lớn, cứng.

 

VIII- CÔNG NGHIỆP THỰC PHẨM :

1- Làm việc ở lò lên men thuốc lá, lò sấy điếu thuốc lá.

2- Tráng parafin trong bể rượu.

3- Giết mổ đại gia súc.

4- Quay máy ép lọc trong nhà máy đường.

5- Vào hộp sữa trong buồng kín.

6- Sơn, cạo rỉ trong hầm men bia.

7- Ngâm vớt bột thuốc thối.

 

IX- XÂY DỰNG :

1- Làm việc trong thùng chìm.

2- Căn chỉnh trong thi công tấm lưới.

3- Đào giếng.

4- Đào gốc cây có đường kính lớn hơn 40cm.

5- Cậy bẩy đá trên núi.

6- Sử dụng các loại máy cầm tay chạy bằng hơi ép, có sức ép từ 4 át-mốt-phe trở lên (như máy khoan, máy búa...).

7- Buộc tải trọng cho máy trục.

8- Lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như máy xúc, máy ủi, xe bánh xích.

 

X- GIAO THÔNG VẬN TẢI :

1- Đốt lò đầu máy hơi nước.

2- Lái xe lửa.

3- Làm sạch nồi hơi.

4- Sơn, hàn, cạo rỉ trong thùng kín.

5- Ngâm tẩm tà vẹt.

6- Mang vác nặng trên 50kg.

7- Đốt lò trên tàu thuỷ.

8- Thuyền trưởng, thuỷ thủ.

9- Thả neo, cân bằng tấn.

10- Vận hành nồi hơi.

11- Lái cầu nổi.

12- Gạt than dưới hầm tàu.

13- Đổ bê tông dưới nước.

14- Cán, rèn, gò vỏ tàu, lắp vỏ tàu.

15. Khảo sát đường sông.

16- Vận hành tàu hút bùn.

17- Thợ lặn.

18- Lái ô tô có trọng tải trên 2,5 tấn.

 

XI- IN :

1- Nấu chảy chì, rót và hoàn thiện bản đúc chữ chì.

2- Rửa acid khuôn in sâu.

 

XII- THUỶ SẢN :

1- Đánh bắt cá tôm và các hải sản khác trên biển.

 

XIII- NÔNG NGHIỆP :

1- Chế biến lông vũ.

2- Chăn trâu bò trên núi cao.

3- Thu mua vận chuyển trâu bò.

4- Lái máy kéo nông nghiệp 50 mã lực trở lên.

 

XIV- LÂM NGHIỆP :

1- Chặt hạ gỗ lớn.

2- Vận xuất gỗ lớn.

3- Xeo bắn, bốc xếp gỗ lớn bằng thủ công.

4- Xuôi bè mảng trên sông có nhiều ghềnh thác.

5- Cưa xẻ gỗ thủ công hai người kéo.

6- Mò vớt gỗ chìm.

 

XV- VẬT TƯ :

1- Giao nhận bảo quản xăng dầu trong hang hầm.

2- Vận hành máy bơm xăng dầu trong hang hầm.

3- Đo xăng dầu trong hang hầm.

 

XVI- PHỤC VỤ CÔNG CỘNG :

1- Nạo vét cống ngầm.

2- Ngâm mình dưới nước bẩn hôi thối.

3- Mổ tử thi, liệm, mai táng người chết, bốc mồ mả.

 

 

 

Bộ Lao động

Bộ Y tế

Bộ trưởng

Bộ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Đào Thiện Thi

Đặng Hồi Xuân