Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm

___________________

 

- Căn cứ Quyết định số 276-CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí;

- Căn cứ Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1993 của Chính phủ về kinh doanh Bảo hiểm;

- Bộ Tài chính hướng dẫn thu, quản lý, sử dụng lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm như sau:

I- ĐỐI TƯỢNG VÀ MỨC THU

1/ Đối tượng thu: Mọi doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm khi nộp đơn xin cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm đều phải nộp lệ phí theo quy định tại mục 2 - Điều 21 của Nghị định số 100/CP ngày 18/12/1994 của Chính phủ và mục 3 phần III của Thông tư số 46 TC/CĐTC ngày 30/5/1994 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 100/CP.

2/ Mức thu: Lệ phí cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn và điều kiện kinh doanh bảo hiểm (sau đây gọi tắt là lệ phí cấp giấy chứng nhận) bằng 0,2% mức vốn pháp định quy định tại Điều 22 của Nghị định số 100/CP, nhưng không thấp hơn 10 triệu đồng Việt Nam và được thu bằng tiền Việt Nam hoặc đô la Mỹ.

Các trường hợp cấp giấy chứng nhận gia hạn thêm thời gian hoạt động cũng phải nộp lệ phí như quy định trên.

Mỗi lần sửa đổi hoặc cấp lại giấy chứng nhận,  doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải nộp khoản lệ phí là 10 triệu đồng Việt Nam (hoặc ngoại tệ tương đương)

II- THỦ TỤC NỘP VÀ PHÂN PHỐI

SỬ DỤNG NGUỒN THU

1/ Thủ tục nộp:

- Toàn bộ số tiền thu về lệ phí cấp giấy chứng nhận đều được chuyển vào tài khoản đồng Việt Nam (nếu nộp bằng tiền Việt Nam ) hoặc tài khoản ngoại tệ (nếu nộp bằng ngoại tệ) của Bộ Tài chính để theo dõi, trích nộp Ngân sách Nhà nước theo quy định.

- Để được Bộ Tài chính cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp bảo hiểm, tổ chức môi giới bảo hiểm phải nộp lệ phí theo quy định sau: 50% khi nộp đơn và 50% còn lại khi nhận giấy chứng nhận. Bộ Tài chính sẽ không hoàn lại số tiền đã nộp lần đầu nếu doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tổ chức môi giới bảo hiểm không được cấp giấy chứng nhận hoặc xin rút lại đơn.

- Các trường hợp chưa nộp lệ phí hoặc nộp chưa đủ mức quy định đều được coi là chưa đủ điều kiện để xem xét cấp giấy chứng nhận.

2/ Sử dụng nguồn thu lệ phí: Số thu lệ phí cấp giấy chứng nhận bằng ngoại tệ phát sinh đều phải làm thủ tục chuyển đổi sang tiền Việt Nam và tập trung vào tài khoản đồng Việt Nam để trích nộp Ngân sách và sử dụng theo quy định.

Việc sử dụng nguồn thu lệ phí cấp giấy chứng nhận được thực hiện như sau:

a. Trích nộp 75% vào Ngân sách Nhà nước . Việc trích nộp Ngân sách Nhà nước được tính toán cho từng lần nộp lệ phí và thực hiện hàng tháng. Chậm nhất ngày 5 tháng sau phải nộp hết số phải nộp của tháng trước.

b. Số tiền còn lại (25%) được sử dụng để chi tiêu theo kế hoạch được duyệt và cho các mục đích sau:

- Bổ sung trang thiết bị, phương tiện, đồ dùng làm việc và kinh phí phục vụ cho công tác kiểm tra thẩm định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận;

- Chi phí văn phòng phẩm, soạn dịch tài liệu, in ấn chỉ tờ khai và giấy chứng nhận.

- Chi phí cho các ngày làm việc phục vụ xét cấp giấy chứng nhận và bồi dưỡng cho những cán bộ làm công tác theo dõi quản lý cấp giấy chứng nhận, tổng hợp hồ sơ có liên quan trong quá trình cấp giấy chứng nhận.

Việc quản lý nguồn kinh phí này được thực hiện theo chế độ quản lý Tài chính hiện hành của Nhà nước.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/1994. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét, bổ sung và sửa đổi./.

Bộ Tài chính

Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Sinh Hùng