Sign In

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện quyết định số 779/TTg ngày 1-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ

về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy

trong các trường học công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân

________________________________

 

Thi hành Quyết định số 779/TTg ngày 1-12-1995 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên trực tiếp giảng dạy trong các trường công lập thuôc hệ thống giáo dục quốc dân, Liên Bộ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG

1. Đối tượng áp dụng:

1.1. Giáo viên:

1.1.1. Giáo viên trong biên chế Nhà nước đang trực tiếp giảng dạy ở các trường công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm: Trường mần non, phổ thống, bổ túc văn hoá, các trường đại hoc, cao đẳng, trung hoc chuyên nghiệp, dạy nghề, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục đào tạo các cấp, các trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề, các trung tâm dạy nghề được thành lập và hoạt động theo qui chế của Bộ Giáo duc và Đào tạo, trung tâm giáo dục thường xuyên.

1.1.2. Giáo viên trong biên chế, đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, giảng dạy trong các trường bán công.

1.1.3. Giáo viên hợp đồng, tạm tuyển, giáo viên trong thời gian tập sự ở các trường công lập.

1.1.4. Giáo viên thuộc các đối tượng qui định tại điểm 1.1.1; 1.1.2; 1.1.3 nêu trên đươc nghỉ đẻ, nghỉ ốm, nghỉ hàng năm và nghỉ khác hưởng lương theo luật định, giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn theo giấy triệu tập của cấp trên có thẩm quyền.

1.1.5. Giáo viên chưa đủ điều kiện qui định tại điểm 1, phần II của Thông tư này nhưng hiện đang công tác ở tại các địa bàn khó khăn như: miền núi, biên giới, vùng dân tộc ít người, vùng sâu, hải đảo đều được hưởng phụ cấp ưu đãi này.

Về địa giới miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc ít người thực hiện theo qui định của Uỷ ban dân tộc và miền núi. Vùng sâu theo đặc điểm của địa phương, do Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Liên bộ Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ - Tài chính - Giáo dục và Đào tạo.

1.2. Cán bộ quản lý trong biên chế Nhà nước tại các cơ sở giáo dục - đào tạo có giảng dạy theo số giờ quy định trong các văn bản của Nhà nước về định mức lao động và chế độ công tác của giáo viên.

2. Đối tượng không áp dụng:

2.1. Giáo viên giảng dạy không đạt giờ tiêu chuẩn (trừ các đối tượng quy định tại điểm 1.1.5 phần I Thông tư này).

2.2. Giáo viên không được chuyển xếp lương theo Nghị định số 25/CP ngày 23-5-1993 của Chính phủ.

2.3. Giáo viên, cán bộ quản lý ốm đau, thai sản vượt quá tiêu chuẩn quy định trong Bộ luật lao động và cán bộ quản lý không có giờ giảng dạy.

2.4. Những giáo viên, cán bộ quản lý bị kỷ luật có quyết định từ khiển trách trở lên không được hưởng phụ cấp này trong thời gian quyết định kỷ luật còn hiệu lực.

2.5. Cán bộ, giáo viên trong các cơ quan quản lý Nhà nước.

II. ĐIỀU KIỆN, MỨC PHỤ CẤP VÀ CÁCH TÍNH:

1- Điều kiện hưởng phụ cấp ưu đãi:

1.1- Đạt tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ đã ban hành để chuyển xếp lương mới theo Nghị định số 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ.

1.2- Giảng dạy đạt giờ tiêu chuẩn do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ quy định, trước mắt thực hiện theo các văn bản chính sau đây:

- Đối với giáo viên nhà trẻ thực hiện theo quyết định số 304/CP ngày 24-8-1979 của Hội đồng Chính phủ về tổ chức bộ máy, biên chế của nhà trẻ khu vực nhà nước. Thông tư số 3CB/UB ngày 7-3-1980 của Uỷ ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em.

- Đối với giáo viên mẫu giáo thực hiện theo Nghị định số 17/HĐBT ngày 30-1-1984 của Hội đồng Bộ trưởng về tổ chức bộ máy biên chế trường mẫu giáo, Thông tư số 8GD-TT ngày 28-2-1986 qui định chế độ công tác của giáo viên mẫu giáo.

- Đối với giáo viên phổ thông và Trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp - dạy nghề thực hiện theo Quyết định số 243/CP của Hội đồng Chính phủ ngày 28-11-1979 về tổ chức bộ máy, biên chế của trường phổ thông và Thông tư số 49/GD-TT ngày 29-11-1979 của Bộ Giáo dục qui định chế độ công tác của giáo viên phổ thông.

- Đối với giáo viên trường dạy nghề và trung tâm dạy nghề thực hiện theo Thông tư số 16/LĐ-TT ngày 27-8-1977 của Bộ Lao động.

Đối với giáo viên trường Trung học chuyên nghiệp thực hiện theo Quyết định số 1659/QĐ ngày 15-11-1976 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

Giáo viên các trường trung học sư phạm thực hiện theo quyết định số 15/GD-TT ngày 11-5-1981 của Bộ Giáo dục.

Giáo viên các trường đại học, cao đẳng thực hiện theo Quyết định số 1712/QĐ-BĐH ngày 18-12-1978 của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp.

- Giáo viên các trường Đại học sư phạm và Cao đẳng sư phạm thực hiện theo Thông tư số 37/GD-TT ngày 14-11-1980 của Bộ Giáo dục.

- Giáo viên các trường Văn hoá - Thông tin thực hiện theo Quyết định số 238/VH ngày 26-2-1981 của Bộ Văn hoá qui định chế độ làm việc của giáo viên đại học và trung học ngang Văn hoá Thông tin.

1.2.1. Giờ tiêu chuẩn đươc quy định là tổng các giờ qui định nhiệm vụ của giáo viên bao gồm giờ giảng dạy và giờ làm công tác kiêm nhiệm đã được qui đổi thành giờ tiêu chuẩn.

1.2.2. Giờ tiêu chuẩn giảng dạy nói trong Thông tư này không tính đến các giờ giảng dạy đã được trả tiền thù lao từ bất kỳ nguồn kinh phí nào của đơn vị (Ví dụ: giáo viên công lập kiêm dạy thêm ở trường bán công hoặc ở các trung tâm giáo dục khác đã được hưởng tiền thù lao thì giờ dạy thêm này không đươc tính trả phụ cấp ưu đãi).

1.3. Mức phụ cấp và cách tính:

1.3.1. Mức phụ cấp: 20% trên lương ngạch bậc hiện hưởng, không cộng các phụ cấp khác (trừ phụ cấp chức vụ lãnh đạo) để tính phụ cấp này.

1.3.2. Các tính:

120.000đ x {Hệ số lương theo ngạch bậc + Hệ số P.C chức vụ (nếu có)} x 20%

Ví dụ: Một giáo viên trường trung học phổ thông (C3) được chuyển xếp lương theo Nghị định số 25/CP mã số 15113 có hệ số 2.14, có nhiệm vụ phải giảng dạy là 18 giờ trong một tuần lễ. Giáo viên này đã dạy trên lớp 14 giờ, phụ trách lao động hàng tuần của học sinh một lớp, được quy đổi thành 2 giờ tiêu chuẩn trong một buổi phụ trách lao động, làm chủ nhiệm 1 lớp được qui đổi thành 4 giờ tiêu chuẩn trong 1 tuần lễ.

Tổng số giờ chuẩn là:

14 giờ + 2 giờ + 4 giờ = 20 giờ/tuần lễ.

Giáo viên đã hoàn thành nhiệm vụ của trường giao cho; được hưởng phụ cấp ưu đãi bằng 20% trên lương ngạch bậc:

120.000đ x 2,14 x 20% = 51.360đ/tháng.

III. PHƯƠNG THỨC CHI TRẢ:

3.1. Đối với giáo viên mần non, phổ thông được trả phụ cấp ưu đãi cùng với kỳ lương hàng tháng.

3.2. Đối với giáo viên các cơ sở khác thuộc đối tượng đươc áp dụng thì căn cứ vào kế hoạch và khối lượng giảng dạy, công tác hàng năm để xem xét nếu đủ điều kiện như đã quy định tại điểm 1 phần II thì được tạm ứng phụ cấp này cùng kỳ lương hàng tháng và được quyết toán vào cuối năm học.

3.3. Khoản phụ cấp này được hạch toán vào khoản, mục 65 của loại, khoản, hạng tương ứng và được tính vào ngân sách giáo dục đào tạo hàng năm.

IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1- Hàng năm Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có trường dự trù kinh phí chi trả phụ cấp này trong tổng chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo gửi về Bộ Tài chính để ghi kế hoạch và cấp phát hành năm (mẫu số 3).

2- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục và đào tạo căn cứ vào khối lượng công tác giảng dạy của trường để dự trù kinh phí chi trả phụ cấp này, chịu trách nhiệm xét duyệt các đối tượng được hưởng phụ cấp (theo mẫu số 1). Việc xét duyệt phải được công khai, dân chủ, đảm bảo công bằng và đúng qui định của Nhà nước. Kết quả xét duyệt tổng hợp (theo mẫu số 2) gửi về cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý trường, chậm nhất là tháng 6 hàng năm.

3- Các trường có trách nhiệm sử dụng phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên đúng mục đích, có hiệu quả và quyết toán theo chế độ tài chính hiện hành.

4- Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ kiểm tra viêc thực hiện Quyết định 779/TTg của Thủ tướng Chính phủ ở các Bộ, ngành, địa phương.

5- Các Bộ chủ quản ra quyết định cho những đối tượng được hưởng phụ cấp này ở các đơn vị trực thuộc Bộ. Các Sở Giáo dục - Đào tạo ra quyết định cho những đối tượng được hưởng phụ cấp này ở các đơn vị do Sở trưc tiếp quản lý. Các trường, trung tâm ở đia phương không trực thuộc Sở Giáo dục - Đào tạo quản lý thì do cơ quan chủ quản trực tiếp ra quyết định sau khi đã tham khảo ý kiến Sở Giáo dục và Đào tạo. Việc xét duyệt ở cơ quan chủ quản cấp trên (Bộ, Sở chủ quản) phải được tiến hành xong chậm nhất vào tháng 10 hàng năm.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-1996. Trong quá trình thực hiện có gì vướng mắc các đơn vị cần phản ảnh về Liên bộ để nghiên cứu giải quyết.

 

Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ

Bộ Tài chính

Bộ Giáo dục và Đào tạo

Phó Trưởng ban

Phó Chủ nhiệm

Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Tô Tử Hạ

Tào Hữu Phùng

Trần Xuân Nhĩ