• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/07/2020
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 04/2020/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2020

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện quy định về đơn giá khoán, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành quy định tại Điều 7 và Điều 8

Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng

đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước

 

 

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quan hệ lao động và Tiền lương;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quy định về đơn giá khoán, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành quy định tại Điều 7 và Điều 8 của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn xác định đơn giá tiền lương khoán theo Điều 7 và xác định quỹ tiền lương thực hiện theo Điều 8 đối với người lao động và Ban điều hành các công ty quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 20/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ thực hiện thí điểm quản lý lao động, tiền lương, tiền thưởng đối với một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (sau đây gọi là Nghị định số 20/2020/NĐ-CP).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này theo quy định tại Điều 2 Nghị định số 20/2020/NĐ-CP.

 

Điều 3. Đơn giá tiền lương khoán

Đơn giá tiền lương khoán (sau đây gọi tắt là đơn giá khoán) đối với người lao động và Ban điều hành năm 2020 theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 20/2020/NĐ-CP được xác định theo công thức sau:

        

Trong đó:

1.  Đơn giá khoán tối đa áp dụng cho năm 2020 và được tính trên các chỉ tiêu như sau:

a) Đối với Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (sau đây gọi tắt là VNPT), đơn giá khoán được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương (tương ứng đơn vị tính là đồng/100 đồng tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương). Các chỉ tiêu tổng doanh thu, tổng chi phí được tính theo quy định của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, không bao gồm doanh thu, chi phí của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc VNPT.

b) Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng không Việt Nam (sau đây gọi tắt là VNA), đơn giá khoán được tính theo chỉ tiêu tấn-km thực hiện có doanh thu của vận tải hàng không (tương ứng đơn vị tính là đồng/một tấn-km thực hiện có doanh thu của vận tải hàng không). Chỉ tiêu tấn-km thực hiện có doanh thu của vận tải hàng không xác định theo chuẩn mực chung của tổ chức Hàng không Dân dụng quốc tế (ICAO) quy định áp dụng đối với các hãng vận tải hàng không.

         c) Đối với Công ty mẹ - Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (sau đây gọi tắt là VATM), đơn giá khoán được tính theo km điều hành bay quy đổi (tương ứng đơn vị tính là đồng/một km điều hành bay quy đổi). Chỉ tiêu km điều hành bay quy đổi được tính trên cơ sở tổng số km điều hành bay quy đổi trên mỗi quãng đường bay của tất cả các chuyến bay; trong đó số km điều hành bay quy đổi trên mỗi quãng đường bay được tính bằng cự ly điều hành bay thực tế (đơn vị km) nhân hệ số quy đổi của loại tàu bay và nhân với hệ số phức tạp điều hành bay trên từng quãng đường bay. Phương pháp xác định số km điều hành bay quy đổi do VATM xây dựng trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

2. TCTKL2018 và TCTKL2019: Chỉ tiêu khoán lương (đối với VNPT là tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có lương, không bao gồm doanh thu, chi phí của các đơn vị sự nghiệp; đối với VNA là tổng số tấn-km thực hiện có doanh thu của vận tải hàng không; đối với VATM là tổng số km điều hành bay quy đổi) thực tế thực hiện năm 2018 và năm 2019.

3. QTL2018 và QTL2019: Tổng quỹ tiền lương, tiền thưởng an toàn (nếu có) thực tế thực hiện năm 2018 và năm 2019 của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động và Ban điều hành theo quy định của pháp luật, trong đó:

a) Tổng quỹ tiền lương, tiền thưởng an toàn thực tế thực hiện năm 2018 và năm 2019 của người lao động, bao gồm quỹ tiền lương theo quy định tại Thông tư số 26/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương và tiền thưởng đối với người lao động làm việc trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và Thông tư số 28/2016/TT-BLĐTBXH ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện quy định về lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với công ty có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước và tiền thưởng an toàn (nếu có).

b) Tổng quỹ tiền lương, tiền thưởng an toàn thực tế thực hiện năm 2018 và năm 2019 của Ban điều hành, được tính bằng tổng các khoản tiền lương, tiền thưởng an toàn thực tế đã chi trả cho Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng theo quy chế trả lương của công ty.

4. : Quỹ tiền lương bổ sung vào đơn giá khoán đối với từng công ty được xác định như sau:

a) Đối với VNPT, quỹ tiền lương bổ sung được xác định tối đa bằng chênh lệch tiền lương bình quân trong năm 2018 và năm 2019 giữa mức do các công ty trên thị trường chi trả và mức do VNPT chi trả cho lao động trực tiếp thực hiện sản phẩm công nghệ cao đảm nhận cùng vị trí chức danh, nhân với số lao động VNPT sử dụng bình quân trong năm 2018 và năm 2019 trực tiếp thực hiện sản phẩm công nghệ cao mà có tiền lương thấp hơn các công ty trên thị trường.

Sản phẩm công nghệ cao được xác định theo Danh mục sản phẩm công nghệ cao do Thủ tướng Chính phủ hoặc các Bộ chuyên ngành ban hành. Tiền lương bình quân của lao động trực tiếp thực hiện sản phẩm công nghệ cao mà các công ty trên thị trường chi trả được dựa trên cơ sở Báo cáo tiền lương do công ty điều tra thị trường công bố được VNPT thu thập và báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cùng với đơn giá khoán.

b) Đối với VNA, quỹ tiền lương bổ sung được xác định tối đa bằng chênh lệch tiền lương bình quân trong năm 2018 và năm 2019 giữa mức của người lái máy bay là người nước ngoài và mức của người lái máy bay là người Việt Nam làm cùng vị trí công việc do VNA chi trả, nhân với số người lái máy bay là người Việt Nam VNA sử dụng bình quân trong năm 2018 và năm 2019 mà có tiền lương thấp hơn người lái máy bay là người nước ngoài.

c) Đối với VATM, quỹ tiền lương bổ sung được xác định tối đa bằng số lao động bình quân dự kiến phải sử dụng năm 2020 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền vì mục tiêu an ninh, an toàn hàng không chênh lệch với số lao động sử dụng bình quân từng năm 2018 và năm 2019, nhân tương ứng với mức tiền lương, tiền thưởng an toàn bình quân thực tế thực hiện năm 2018 và năm 2019 của VATM.

d) Quỹ tiền lương bổ sung vào đơn giá khoán quy định tại điểm a, b và điểm c Khoản này là mức tối đa để công ty tính bổ sung vào đơn giá khoán, bảo đảm đơn giá khoán sau khi tính thêm quỹ tiền lương bổ sung thì lợi nhuận (trước thuế) kế hoạch năm 2020 (sau khi đã loại trừ yếu tố khách quan theo quy định) của công ty không được thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019.

5. Quỹ tiền lương theo đơn giá khoán năm 2020 của công ty được xác định như sau:

  

Trong đó:

a) QTL2020: Quỹ tiền lương theo đơn giá khoán năm 2020.

b) ĐGkhoán: Đơn giá khoán theo quy định tại khoản 1 Điều này.

c) TCTKL2020: Chỉ tiêu khoán lương thực hiện năm 2020.

Điều 4. Quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành

1. Công ty xác định và loại trừ yếu tố khách quan (nếu có) ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất lao động, lợi nhuận năm 2020 so với năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện của giai đoạn năm 2018 - 2019 trước khi tính quỹ tiền lương thực hiện năm 2020 theo nguyên tắc: ảnh hưởng của yếu tố khách quan đến năng suất lao động, lợi nhuận phải lượng hóa cụ thể; giảm trừ phần yếu tố khách quan làm tăng và cộng thêm phần yếu tố khách quan làm giảm vào năng suất lao động, lợi nhuận thực hiện năm 2020. 

2. Quỹ tiền lương thực hiện năm 2020 của công ty được xác định bằng quỹ tiền lương theo đơn giá khoán theo công thức (2) và điều chỉnh theo năng suất lao động bình quân và lợi nhuận (trước thuế) theo từng trường hợp như sau:

a) Trường hợp mức tăng (theo tỷ lệ %) tiền lương bình quân năm 2020 thấp hơn mức tăng (theo tỷ lệ %) năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện năm 2020 bằng thực hiện bình quân giai đoạn 2018 - 2019 thì quỹ tiền lương thực hiện năm 2020 bằng quỹ tiền lương theo đơn giá khoán; nếu mức tăng tiền lương bình quân năm 2020 bằng hoặc cao hơn mức tăng năng suất lao động bình quân thì phải điều chỉnh quỹ tiền lương thực hiện bảo đảm mức tăng tiền lương bình quân thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân.

b) Trường hợp lợi nhuận thực hiện năm 2020 thấp hơn hoặc cao hơn so với thực hiện bình quân giai đoạn 2018 - 2019 thì sau khi điều chỉnh quỹ tiền lương thực hiện theo điểm a Khoản này, công ty điều chỉnh theo lợi nhuận như sau:

- Trường hợp công ty có lợi nhuận thực hiện cao hơn thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 thì được bổ sung vào quỹ tiền lương thực hiện theo nguyên tắc: cứ vượt 1% lợi nhuận, bổ sung tối đa 2% quỹ tiền lương thực hiện, nhưng không quá 20% phần lợi nhuận vượt và không quá 02 tháng tiền lương bình quân thực hiện của tổng số lao động thực tế sử dụng bình quân năm.   

- Trường hợp công ty có lợi nhuận thực hiện thấp hơn thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019 thì công ty phải giảm trừ quỹ tiền lương thực hiện theo một trong hai cách: hoặc giảm trừ theo tỷ lệ (%) bằng mức giảm theo tỷ lệ (%) giữa lợi nhuận thực hiện thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019; hoặc giảm trừ theo giá trị tuyệt đối bằng mức chênh lệch giữa lợi nhuận thực hiện năm 2020 thấp hơn lợi nhuận thực hiện bình quân của giai đoạn 2018 - 2019. Mức giảm trừ của hai cách trên tối đa không quá 02 tháng tiền lương bình quân thực hiện của tổng số lao động thực tế sử dụng bình quân năm 2020 và bảo đảm quỹ tiền lương thực hiện không thấp hơn quỹ tiền lương tính theo mức tiền lương bình quân trong hợp đồng lao động.

Tiền lương bình quân, năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện bình quân được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2020.

2. Các quy định đơn giá khoán, quỹ tiền lương thực hiện của người lao động và Ban điều hành quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

3. Công ty đang thực hiện chế độ chi bữa ăn giữa ca không vượt quá 730.000 đồng/người/tháng thì tiếp tục thực hiện cho đến khi có quy định mới.

Trong quá trình thực hiện nếu có v­ướng mắc, đề nghị cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Lao động - Thư­ơng binh và Xã hội để hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đào Ngọc Dung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.