• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 18/05/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 05/01/2007
BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Số: 07/2003/QĐ-BKHCN
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 3 tháng 4 năm 2003

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Về việc ban hành "Quy định về việc xác định các đề tài khoa học

và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước"

______________________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

 

Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Nghị định số 22/CP ngày 22/5/1993 của Chính phủ qui định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ);

Xét đề nghị của các Ông/Bà Vụ trưởng Vụ Quản lý Khoa học và Công nghệ Công nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học Xã hội và Tự nhiên và Vụ Kế hoạch,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành "Quy định về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế cho Quyết định số 06/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc ban hành "Quy định tạm thời về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005" và Quyết định số 33/2002/QĐ-BKHCNMT ngày 28/5/2002 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung Điều 5 của "Quy định tạm thời về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005".

Điều 3. Các Ông/Bà Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ Quản lý Khoa học và Công nghệ Công nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học và Công nghệ Nông nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học Xã hội và Tự nhiên, Vụ Quan hệ quốc tế, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH

 

Về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ

và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước

(Kèm theo Quyết định số 07/2003/QĐ-BKHCN ngày 03/4/2003

của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)

Thực hiện các quy định về việc xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các yêu cầu, nguyên tắc, quy trình và thủ tục xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ dưới hình thức Đề tài khoa học và công nghệ, Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước như sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với việc xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Nhà nước bao gồm:

- Đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước: Các đề tài khoa học và công nghệ thuộc các chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước - kể cả các Chương trình khoa học xã hội và nhân văn - và các đề tài độc lập cấp Nhà nước (bao gồm đề tài nghiên cứu khoa học, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các công trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước khác) - dưới đây gọi tắt là đề tài;

- Dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước: Các dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) thuộc các chương trình khoa học và công nghệ và các dự án sản xuất thử nghiệm độc lập cấp Nhà nước - dưới đây gọi tắt là dự án sản xuất thử nghiệm.

Điều 2. Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

1. Yêu cầu chung

a) Phải xuất phát từ yêu cầu giải quyết những vấn đề cấp thiết của đất nước.

b) Để đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm có giá trị khoa học và công nghệ, có tính sáng tạo, tính tiên tiến về công nghệ và có tính khả thi, việc xác định mục tiêu, đối tượng, phạm vi nghiên cứu phải căn cứ vào việc đánh giá khách quan thực trạng phát triển khoa học và công nghệ trong nước và thành tựu phát triển khoa học và công nghệ trên thế giới.

c) Kết quả của đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm phải có khả năng ứng dụng được vào thực tiễn sản xuất và đời sống (đối với dự án sản xuất thử nghiệm còn yêu cầu phải được thị trường chấp nhận), có tác động to lớn và ảnh hưởng lâu dài đến phát triển khoa học và công nghệ và kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Yêu cầu đối với việc xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc các chương trình khoa học và công nghệ

a) Các quy định nêu tại khoản 1 Điều này;

b) Tạo ra những sản phẩm khoa học và công nghệ, góp phần giải quyết những nội dung xác định để đạt được những mục tiêu đặt ra của Chương trình khoa học và công nghệ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Yêu cầu đối với việc xác định đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập

a) Các quy định nêu tại khoản 1 Điều này;

b) Giải quyết những vấn đề quan trọng, bức xúc, cấp bách và có địa chỉ áp dụng rõ ràng, nhưng không thuộc phạm vi nghiên cứu của các chương trình khoa học và công nghệ.

Điều 3. Các nguồn hình thành các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

1. Yêu cầu của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Lãnh đạo Đảng và Nhà nước yêu cầu tổ chức nghiên cứu đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm theo kế hoạch hoặc đột xuất để giải quyết nhiệm vụ bức xúc của đất nước.

2. Đề xuất của các Bộ/ngành, các tỉnh/thành phố

Đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm do các Bộ/ngành đề xuất để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ bức xúc nhằm phục vụ phát triển của Bộ/ngành có ảnh hưởng to lớn và lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm do các tỉnh/thành phố đề xuất với Nhà nước để giải quyết những nhiệm vụ khoa học và công nghệ bức xúc nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố hoặc của một vùng, liên vùng vượt quá khả năng giải quyết của một tỉnh/thành phố.

3. Đề xuất của tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học

Đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm do các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân các nhà khoa học đề xuất nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống, góp phần phát triển khoa học và công nghệ và kinh tế-xã hội cấp thiết cần giải quyết ở cấp Nhà nước.

4. Đề xuất từ hoạt động hợp tác quốc tế

Đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm có thể do đề xuất của các Đại sứ quán nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt nam, Tiểu ban hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và nước ngoài, Đại sứ quán nước ngoài tại Việt Nam, của Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài, hoặc đối tác và các nhà khoa học ở nước ngoài nhằm phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Điều 4. Căn cứ và điều kiện đề xuất các dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước

1. Căn cứ.

Dự án sản xuất thử nghiệm phải có xuất xứ từ một trong ba nguồn sau:

a) Kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được Hội đồng khoa học công nghệ các cấp đánh giá và kiến nghị áp dụng;

b) Sáng chế, giải pháp hữu ích, sản phẩm khoa học được giải thưởng khoa học công nghệ;

c) Kết quả khoa học công nghệ từ nước ngoài đã được các tổ chức có thẩm quyền thẩm định công nhận.

2. Điều kiện.

Dự án sản xuất thử nghiệm phải đáp ứng đồng thời 2 điều kiện sau:

a) Được thị trường chấp nhận hoặc có thị trường tiêu thụ sản phẩm của dự án.

b) Kinh phí thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm chủ yếu do các tổ chức chủ trì dự án đảm nhiệm. Mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách SNKH không quá 30% tổng mức đầu tư cần thiết để thực hiện Dự án sản xuất thử nghiệm (trong tổng mức đầu tư không bao gồm trang thiết bị, nhà xưởng đã có).

Điều 5. Tiêu chuẩn xác định đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

1. Tiêu chuẩn xác định Đề tài

1.1. Sự phù hợp với mục tiêu của chương trình đối với các đề tài thuộc chương trình.

1.2. Sự cần thiết phải thực hiện đề tài (tính cấp thiết):

- Ý nghĩa thực tiễn của đề tài (trực tiếp hoặc góp phần quan trọng giải quyết những vấn đề cấp bách của sản xuất và đời sống,... có khả năng tác động to lớn, ảnh hưởng lâu dài đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước);

- Ý nghĩa khoa học của đề tài (tính mới, tính tiên tiến về công nghệ).

1.3. Tính khả thi (sự phù hợp về thời gian nghiên cứu, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể thực hiện được).

2. Tiêu chuẩn xác định dự án sản xuất thử nghiệm.

2.1. Sự phù hợp với mục tiêu của chương trình đối với các sự án sản xuất thử nghiệm thuộc chương trình.

2.2. Sự cần thiết phải thực hiện dự án sản xuất thử nghiệm (tính cấp thiết):

- Sự phù hợp các hướng công nghệ ưu tiên và những hướng công nghệ phục vụ phát triển các ngành kinh tế quan trọng;

- Tạo ra công nghệ (quy trình, thiết bị,...), các sản phẩm mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao và chuyển giao được cho sản xuất;

- Có hiệu quả kinh tế - xã hội (tạo thêm việc làm, tiết kiệm và tận dụng nguồn tài nguyên và nhân lực, bảo vệ môi trường,...)

2.3. Tính khả thi:

- Có căn cứ khoa học (xuất xứ của dự án sản xuất thử nghiệm từ một trong ba nguồn đã nêu tại khoản 1 Điều 4 Quy định này);

- Khả năng chấp nhận của thị trường;

- Sự phù hợp về thời gian thực hiện, kinh phí có thể đáp ứng được, năng lực khoa học và công nghệ trong nước có thể giải quyết được.

Chương II

TRÌNH TỰ XÁC ĐỊNH DANH MỤC ĐỀ TÀI, DỰ ÁN SẢN XUẤT THỬ NGHIỆM

Điều 6. Xây dựng Danh mục sơ bộ các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

Hàng năm Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi các Bộ/ngành, các tỉnh/thành phố, các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và các nhà khoa học để nắm được yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ và nhu cầu bức thiết của kinh tế - xã hội đối với nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Việc lấy ý kiến có thể được tổ chức bằng nhiều đợt thông qua các hội thảo, hội nghị, gửi phiếu hoặc những hình thức khác.

Thông tin đề xuất Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm được ghi thành biểu thống nhất (Phiếu-ĐXĐT-A dùng để đề xuất đề tài và Phiếu-ĐXDA-A dùng để đề xuất dự án).

Căn cứ vào các nguồn và các điều kiện hình thành Đề tài, Dự án sản xuất thử nghiệm đã quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Quy định này, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Danh mục sơ bộ các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm theo Biểu TH-ĐTDACT-A và Biểu TH-ĐTDAĐL-A tương ứng cho đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc chương trình khoa học và công nghệ và đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập theo các chuyên ngành khoa học.

Điều 7. Xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

Mỗi đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm đều phải được tư vấn xác định theo hai bước:

Bước 1: Xác định Danh mục đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm.

Bước 2: Xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm.

Bước 1: Xác định Danh mục đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

1. Thành lập các Hội đồng khoa học và công nghệ cấp Nhà nước tư vấn xác định đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

- Đối với Chương trình: Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập một số Hội đồng khoa học và công nghệ (gọi tắt là Hội đồng) theo Chuyên ngành khoa học để tư vấn xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc chương trình.

- Đối với các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập: Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập các Hội đồng theo từng chuyên ngành khoa học để tư vấn xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm.

- Hội đồng tư vấn xác định đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ít nhất có 2 thành viên phản biện và các thành viên khác. Thành viên của Hội đồng phải là các chuyên gia có uy tín, khách quan, có trình độ chuyên môn phù hợp và am hiểu sâu lĩnh vực khoa học và công nghệ được giao tư vấn. Các thành viên gồm:

+ 1/2 là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hoạch định chính sách, tổ chức sản xuất kinh doanh, các tổ chức khác có liên quan;

+ 1/2 là các nhà khoa học và công nghệ hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ liên quan.

Bộ Khoa học và Công nghệ cử các chuyên viên làm thư ký hành chính giúp việc Hội đồng.

2. Nhiệm vụ của các Hội đồng

2.1. Hội đồng xem xét, phân tích Danh mục sơ bộ những đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm dự kiến đưa vào chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục sơ bộ các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập do Bộ Khoa học và Công nghệ cung cấp theo các tiêu chuẩn đã quy định tại Điều 5 của Quy định này.

Hội đồng thảo luận về những đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm đủ tiêu chuẩn cần nghiên cứu giải quyết ở cấp Nhà nước để đề nghị cho thực hiện và về những đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm không đủ tiêu chuẩn, đề nghị không thực hiện.

2.2. Hội đồng bỏ phiếu để xếp các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm vào 2 loại sau đây:

- Đề nghị thực hiện;

- Đề nghị không thực hiện.

2.3. Hội đồng bỏ phiếu để phân loại những đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm đã được đề nghị thực hiện:

- Hội đồng thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung hoặc chính xác hoá tên, đối tượng nghiên cứu, nêu sơ bộ mục tiêu và sản phẩm dự kiến cho từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm.

- Sau đó, Hội đồng phân loại các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm vào 2 mức A hoặc B (A là mức cao hơn, cần ưu tiên thực hiện hơn).

3. Kết quả làm việc của các Hội đồng

Kết quả làm việc của các Hội đồng là Danh mục các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm dự kiến thuộc chương trình khoa học và công nghệ hoặc Danh mục dự kiến các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập theo chuyên ngành khoa học tương ứng gửi Bộ Khoa học và Công nghệ.

4. Tổng hợp và xử lý kết quả làm việc của Hội đồng

Trước khi xem xét thông qua Danh mục dự kiến các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc từng chương trình khoa học và công nghệ và Danh mục dự kiến các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập, Bộ Khoa học và Công nghệ tham khảo ý kiến của các Bộ/ngành và Ban chủ nhiệm chương trình khoa học và công nghệ liên quan về kết quả làm việc của các Hội đồng.

Bước 2: Xác định đề cương tóm tắt của từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

Sau khi Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét thông qua Danh mục dự kiến các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc từng chương trình khoa học và công nghệ và Danh mục dự kiến các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập, các Hội đồng xây dựng Đề cương tóm tắt cho từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm.

1. Nhiệm vụ của Hội đồng:

Nhiệm vụ của Hội đồng tại bước 2 là xác định được đề cương tóm tắt của từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm trong Danh mục dự kiến đã được Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua theo chuyên ngành khoa học của Hội đồng.

2. Kết quả làm việc của Hội đồng

Mỗi đề cương tóm tắt do các Hội đồng xây dựng phải thể hiện được tính cấp thiết của từng đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm với mục tiêu và đối tượng nghiên cứu rõ ràng, phù hợp thời gian nghiên cứu (thông thường 2 năm, tối đa 3 năm) và có tính khả thi cao.

Đề cương tóm tắt của đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm gồm các yếu tố cơ bản sau:

- Tên đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm;

- Mục tiêu cần đạt;

- Kết quả và sản phẩm dự kiến, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật chủ yếu của sản phẩm.

Điều 8. Phê duyệt Danh mục đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm

Căn cứ kết quả làm việc của các Hội đồng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt Danh mục các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc từng chương trình khoa học và công nghệ và Danh mục các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm độc lập để giao trực tiếp hoặc thông báo tuyển chọn.

Phương thức làm việc của Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn xác định đề tài khoa học và công nghệ và dự án sản xuất thử nghiệm cấp Nhà nước được quy định chi tiết tại Quyết định số 08/2003/QĐ-BKHCN ngày 03/4/2003 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 9. Quy định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 10. Các cấp quản lý đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm (cấp Bộ, cấp tỉnh/thành phố,...) vận dụng Quy định này để áp dụng trong việc xác định các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm thuộc cấp quản lý của mình./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Văn Phong

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.