NGHỊ ĐỊNH
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 20/2021/NĐ-CP">20/2021/NĐ-CP NGÀY 15 THÁNG 3 NĂM 2021 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHÍNH SÁCH TRỢ GIÚP XÃ HỘI ĐỐI VỚI ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Người cao tuổi ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật Người khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19 tháng 6 năm 2013; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;
Căn cứ Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29 tháng 6 năm 2024 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP">20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội
1. Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 4 như sau:
“2. Mức chuẩn trợ giúp xã hội áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2024 là 500.000 đồng/tháng.
Tùy theo khả năng cân đối của ngân sách, tốc độ tăng giá tiêu dùng và tình hình đời sống của đối tượng bảo trợ xã hội, cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh tăng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho phù hợp; bảo đảm tương quan chính sách đối với các đối tượng khác.”
2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 4 như sau:
“3. Trường hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương bảo đảm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định:
a) Mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này;
b) Đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định này được hưởng chính sách trợ giúp xã hội.”.
Điều 2. Điều khoản thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
2. Các chế độ, chính sách trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 6, khoản 2 Điều 11, khoản 1 Điều 13, khoản 1 và 2 Điều 14, khoản 1 Điều 19, khoản 1 và 2 Điều 20, khoản 1 và 3 Điều 25 và các điều khoản có liên quan khác quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội áp dụng mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
3. Đối tượng đang hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội được điều chỉnh hưởng chế độ, chính sách trợ giúp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát danh sách đối tượng đang hưởng chính sách, quyết định chi trả chế độ chính sách theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
5. Người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền bảo đảm kinh phí và tổ chức thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng theo mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định này kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2024.
Điều 3. Trách nhiệm thi hành
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.